Cafeforexvn – Chủ tịch SEC Gary Gensler đã đưa ra lập trường của ông về việc quản lý giám sát thị trường tiền điện tử trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào hôm thứ Ba. Sau đây sẽ là phần tóm lược các nội dung chính.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) Gary Gensler đã ngồi vào ghế nóng vào hôm thứ Ba ngày 05/10 trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và nhiều thành viên ủy ban, bao gồm 19 người, đã nhân cơ hội đó chất vấn ông Gensler về việc giám sát thị trường tiền điện tử.
Thái độ quan tâm của ủy ban đối với tiền điện tử đã cho thấy sự hứng thú cũng như nỗi thất vọng bị dồn nén của họ với một ngành công nghiệp tiền điện tử đang ngày càng phát triển và vai trò của SEC trong việc quản lý giám sát môi trường này.
Quyền quản lý của SEC
Dân biểu Patrick McHenry, Đảng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, đã chất vấn ông Gensler về những tuyên bố “đáng lo ngại và mâu thuẫn” của ông về việc giám sát thị trường tiền điện tử và liệu SEC có đủ thẩm quyền để quản lý thị trường tiền điện tử hay không.
Vào tháng 5, ông Gensler trình bày với Quốc hội Mỹ rằng SEC sẽ cần bổ sung thêm các quy định để quản lý và xác định các loại tài sản kỹ thuật số và các sàn giao dịch, nhưng ông McHenry đã chỉ ra vào hôm thứ Ba ngày 05/10 rằng trong các cuộc phỏng vấn sau đó với giới truyền thông, quan điểm của ông Gensler về vấn đề đó đã thay đổi: Chủ tịch SEC hiện cho rằng SEC có thẩm quyền cần thiết để quản lý thị trường tiền điện tử theo luật hiện hành.
“Tôi nghĩ rằng các cơ quan có thẩm quyền của SEC trong lĩnh vực này biết rất rõ,” ông Gensler đáp lời ông McHenry. “Tôi nghĩ rằng Quốc hội đã rất lấp lửng về định nghĩa của từ ‘chứng khoán’ và có đến 30 hoặc 35 khối ngành riêng biệt rơi vào định nghĩa chứng khoán để bảo vệ công chúng chống lại nạn lừa đảo.”
Ông Gensler nói với dân biểu McHenry rằng Quốc hội Mỹ có thể giúp “lấp đầy khoảng trống” trong mối quan hệ phối hợp giữa SEC và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Bất chấp cuộc giằng co âm ỉ giữa CFTC và SEC xoay quanh vấn đề quản lý thị trường tiền điện tử, ông Gensler cũng đã nêu rõ quan điểm của mình rằng Quốc hội Mỹ không cần thành lập thêm một cơ quan quản lý khác để giám sát thị trường này.
“Chúng ta không cần một cơ quan quản lý nào khác,” ông nói. “Có những điều chúng tôi có thể giải quyết được để đảm bảo sự phối hợp thông suốt giữa hai cơ quan với nhau ngay cả khi Quốc hội không hành động.”
Ông Gensler cũng phàn nàn về việc ngân sách của SEC đang bị thu hẹp và nhắc lại yêu cầu của ông rằng Quốc hội cần cung cấp thêm nguồn vốn cho SEC để họ có thể thuê thêm nhân viên và nâng cấp phần mềm phân tích dữ liệu.
“Chúng tôi đã thu hẹp ngân sách khoảng 4% hoặc 5% trong bốn hoặc năm năm qua. Tôi từng hy vọng rằng chúng tôi có thể tăng trưởng 4% hoặc 5% trong khoảng thời gian này,” ông Gensler chua chát nói. “Tôi biết nguồn lực rất eo hẹp, nhưng bấy nhiêu đó sẽ giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình.”
Tham khảo:
Tiền điện tử có phải là chứng khoán không?
Tham khảo thêm:
Khi được ông McHenry và các thành viên khác trong ủy ban hỏi liệu các loại tiền điện tử như bitcoin và ether có được xem là chứng khoán hay không, ông Gensler đã né tránh câu hỏi. “Tôi sẽ không đi sâu vào bất kỳ một mã token nào,” ông Gensler đáp. “Nhưng tôi cho rằng luật chứng khoán đã nêu khá rõ ràng. Nếu bạn huy động tiền từ người khác, và các bên tham gia đầu tư ước tính thu được lợi nhuận một cách hợp lý dựa trên nhu cầu của người khác thì điều đó thỏa tiêu chí theo luật chứng khoán.”
Ông Gensler đã đưa ra bằng chứng rằng “hầu hết” trong số 5.000 đến 6.000 loại tiền điện tử hiện hữu đều thuộc định nghĩa chứng khoán và do đó chúng phải nằm dưới quyền quản lý của SEC, đây cũng là một lập trường tương tự như người tiền nhiệm Jay Clayton.
Hạ nghị sĩ Tom Emmer, dân biểu Minnesota kiêm Chủ tịch Congressional Blockchain Caucus và là người ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp tiền điện tử, đã tỏ ý chống lại khẳng định của ông Gensler khi nói rằng ông coi hầu hết các loại tiền điện tử đều thuộc định nghĩa hàng hóa hoặc tiền tệ.
Hạ nghị sĩ Warren Davidson (dân biểu Ohio), một thành viên khác của Congressional Blockchain Caucus, đã hỏi ông Gensler rằng tiền điện tử sẽ cần thỏa những điều kiện gì để chuyển từ chứng khoán trở thành hàng hóa hoặc tiền tệ bằng cách viện dẫn các tuyên bố từ năm 2018, khi đó ông Gensler nói rằng ether có thể “thoải mái” không bị coi là một dạng chứng khoán vì đồng tiền này đã chuyển sang thành mạng phi tập trung.
“Ông đã nhiều lần nói là ông tin rằng các đợt chào bán tiền điện tử công khai lần đầu (ICO) là giống với chứng khoán,” ông Davidson nói. “Ông có thể làm rõ khi nào một mã token được phi tập trung hóa đến mức đủ thỏa điều kiện để không còn bị xem là một dạng tài sản chứng khoán theo quan điểm của ông không?”
Ông Gensler đã từ chối bình luận về ether hoặc bất kỳ mã token nào khác, thay vào đó nói rằng bất kỳ mã token nào vượt qua bài Kiểm tra Howey thì sẽ được coi là một loại chứng khoán.
Ông Gensler hăm he các sàn giao dịch
Để trả lời câu hỏi từ Hạ nghị sĩ Jim Himes (dân biểu Connecticut), ông Gensler đã thảo luận về lý do khi tập trung vào việc quản lý giám sát các nền tảng giao dịch và cho vay, bao gồm cả các nền tảng phi tập trung.
“Về cơ bản các nhà đầu tư đang từ bỏ đi quyền sở hữu của mình. Họ chuyển những thứ công cụ được gọi là khóa cá nhân (private key) sang nền tảng giao dịch và các nền tảng đó sẽ trông giữ giúp,” ông Gensler nói.
Ông Gensler tiếp tục:
“Tôi nghĩ rằng các hoạt động như vậy xảy ra rất nhiều và đó là nơi mà chúng tôi có thể bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn… ngay cả trong các nền tảng phi tập trung, hay còn gọi là nền tảng DeFi, họ vẫn có một giao thức tập trung. Và mặc dù họ không quản lý theo cách tương tự, nhưng đó là những nơi mà chúng tôi có thể nâng cao tối đa ảnh hưởng của chế độ chính sách công.”
Ông Gensler liên tục thúc giục các sàn giao dịch đăng ký hoạt động với SEC, một điều mà ông đã luôn làm trong những lần xuất hiện trước công chúng trước đây và ông còn chỉ trích quyết định “di cư” của các sàn giao dịch sang các khu vực pháp lý khác thân thiện hơn.
“Tôi nghĩ các công ty chỉ cần đến đây và đăng ký,” ông Gensler nói. “Nhưng trong bốn hoặc năm năm qua, họ đã chọn phương án không làm như vậy hoặc họ đã xin giấy phép ở Singapore hoặc Malta hoặc Hồng Kông hoặc các quốc gia khác và cung cấp dịch vụ một cách gián tiếp thông qua một mạng riêng ảo.”
Hạ nghị sĩ Anthony Gonzalez (dân biểu Ohio) chỉ ra rằng hành động “chỉ cần đến và đăng ký hoạt động” với SEC có lẽ không khả thi đối với một số sàn giao dịch.
“Tôi đã nói chuyện với nhiều công ty trong ngành này, và chủ đề chung trong các cuộc thảo luận này là họ muốn đến và mô tả sản phẩm của mình cho SEC. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng những cuộc họp này có thể dẫn đến kết cục bị thúc ép thực thi theo ý SEC,” ông Gonzalez nói. “Họ không tin rằng mình sẽ được đón tiếp bằng kiểu trò chuyện cởi mở thân thiện như vậy.”
Khi được hỏi về những suy nghĩ cá nhân đối với các nền tảng đầu tư chuyên cung cấp tài sản kỹ thuật số cùng với cổ phiếu như Robinhood, ông Gensler nhấn mạnh rằng các sàn giao dịch tiền điện tử cần phải đăng ký với SEC.
“Tôi nghĩ nếu chúng ta không bắt những sàn giao dịch và những nền tảng cho vay này tuân thủ theo khuôn khổ chính sách công, thì rất nhiều người sẽ bị tổn thương,” ông Gensler nói. “Tôi nghĩ rõ ràng là nhiều dự án trong số đó nằm dưới tầm ảnh hưởng của luật chứng khoán. Chúng tôi sẽ sử dụng quyền quản lý của mình để cố gắng kêu gọi thêm nhiều dự án và công ty trong số đó đến đăng ký và tuân thủ theo khuôn khổ bảo vệ nhà đầu tư.”
Stablecoin sắp bị quản lý giám sát
Mặc dù ông Gensler đã khẳng định nhiều lần trong phiên điều trần vào hôm thứ Ba ngày 05/10 rằng SEC đã có đủ thẩm quyền để quản lý thị trường tiền điện tử, nhưng ông cho rằng Quốc hội Mỹ có khả năng sẽ giúp ích trong việc quyết định cách thức giám sát “các đồng tiền có giá trị ổn định”.
Khi được hỏi liệu ông có coi stablecoin là một rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế Hoa Kỳ hay không, ông Gensler đã nhấn mạnh về phép liên tưởng trước đây của mình khi so sánh stablecoin với “phỉnh poker” tại một “sòng bạc” mang tên tiền điện tử.
“Tôi nghĩ 125 tỷ USD stablecoin hiện nay cũng giống như những con phỉnh poker tại một sòng bạc vậy, và tôi nghĩ rằng chúng tạo ra rủi ro trong hệ thống,” ông Gensler nói. “Vâng, tôi nghĩ nếu con số này tiếp tục tăng trưởng, và thực tế chúng đã tăng khoảng 10 lần trong năm qua, thì chúng có thể gây ra những rủi ro trên toàn hệ thống.”
Những tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi CoinDesk lần đầu tiên tiết lộ rằng Circle, backer chính của USDC cùng với Coinbase, đã bị gửi trát đòi hầu tòa để điều tra từ đơn vị thực thi pháp luật của SEC.
“Bạn sẽ thấy được chúng có thể bắt đầu phá hoại mọi thứ như thế nào nếu chuyện này cứ tiếp tục diễn tiến,” ông Gensler nói. “Chúng sẽ có thể phá hoại hệ thống ngân hàng truyền thống nếu không được đưa vào bên trong hệ thống giao thức chuyển tiền của ngân hàng.”
Tuy nhiên, ông Gensler dường như vẫn úp mở rằng các đồng stablecoin neo theo giá trị USD với “nguồn dự trữ rõ ràng và sạch sẽ” thì có thể được xem là“khác biệt” so với các loại “đồng tiền rác” với nguồn dự trữ bất định.
“Việc neo một thứ tài sản bằng đồ thị trên máy tính với đồng tiền pháp định có thể sẽ hơi khác, chúng có thể đóng vai trò trực tiếp như các khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc, ngược lại, chúng có thể rất giống một quỹ thị trường tiền tệ,” ông Gensler nói. “Điều đó thực sự phụ thuộc vào các tài sản cơ bản (tài sản gốc).”
Ông Gensler cũng nhấn mạnh rằng SEC có định kiến với stablecoin một phần là vì chúng đã được sử dụng trên các sàn giao dịch “phần nào để tránh bị ảnh hưởng bởi các điều luật về thuế và hoạt động bất hợp pháp”.
Triển vọng dài hạn của tiền điện tử
Ông Gensler cũng nhấn mạnh về những tuyên bố trước đây mà ông đã từng nêu trên tờ Washington Post rằng đối với đa số các dự án tiền điện tử, ông không thấy chúng có tương lai lâu dài.
“Khó có khả năng 5.000 hoặc 6.000 loại tiền tệ tư nhân sẽ tồn tại mãi. Lịch sử kinh tế cho chúng ta biết điều đó không có khả năng xảy ra. Một số ít các loại tiền điện tử có thể vẫn đang cạnh tranh với vàng hoặc bạc với vai trò như một kênh lưu trữ giá trị đầu cơ kỹ thuật số nhưng số đó không nhiều. Hầu hết chúng là những kênh tài sản đầu cơ.”
Mặc dù ông Gensler nhiều lần nói rằng ông sẽ không bình luận về bất kỳ mã token cụ thể nào, nhưng ông gọi bitcoin là một kênh lưu trữ giá trị.
“Bitcoin… là một tài sản có tính đầu cơ cao, nhưng đó là một kênh lưu trữ giá trị mà mọi người sẽ muốn đầu tư vào, cũng giống như một số người khác sẽ muốn đầu tư vào vàng,” ông nói.
Chưa ai cấm tiền điện tử (chỉ là chưa thôi!)
Hạ nghị sĩ Ted Budd (dân biểu Bắc Carolina) đã viện dẫn lại cuộc đàn áp gần đây nhất của Trung Quốc đối với tiền điện tử và các hoạt động khai thác tiền điện tử, đồng thời hỏi ông Gensler liệu SEC có định thực hiện các lệnh cấm tương tự hay không.
Sau giai đoạn ậm ừ vào ban đầu, ông Gensler buộc phải trả lời khi ông Budd hỏi lại một cách thẳng thắn: “Nhưng ông không muốn ra lệnh cấm nào thông qua SEC giống như cái cách mà Trung Quốc đã thực hiện, thực sự để dụ dỗ mọi người tự dụng đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ ư?”
“Không, điều đó tùy thuộc vào Quốc hội,” ông Gensler đáp.
Đăng Khoa-Theo coindesk