Kế hoạch giao dịch – tóm tắt đại ý
- Kế hoạch giao dịch là gì?
- Cách lập kế hoạch giao dịch
- Kế hoạch giao dịch: tóm lược
Kế hoạch giao dịch là gì?
Kế hoạch giao dịch về cơ bản là một khuôn khổ chỉ dẫn cho các trader cách thức hoạt động trong toàn bộ quá trình giao dịch. Kế hoạch này sẽ đặt ra các điều kiện mà theo đó người trader sẽ phải tuân theo khi thực hiện các bước như vào lệnh giao dịch, xác định thị trường, thoát lệnh giao dịch và quản lý rủi ro. Kế hoạch giao dịch đảm bảo cho trader đề cao trách nhiệm và tập trung vào chiến lược cá nhân của riêng họ.
Xem thêm: 7 bước xây dựng kế hoạch giao dịch cho trader
Cách lập kế hoạch giao dịch
1) Chọn phương pháp phân tích
Phương pháp phân tích sẽ phải giúp người trader xác định được các mẫu hình (mô hình) thiết lập giao dịch. Mẫu hình đó có thể là sự kết hợp giữa các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, đường xu hướng, mẫu hình biểu đồ, mức Fibonacci, đường trung bình động, Mây Ichimoku, Lý thuyết sóng Elliott, tâm lý thị trường hoặc kể cả các yếu tố cơ bản, v.v.
Bước đầu tiên này trong kế hoạch giao dịch sẽ giúp trader thu hẹp đối tượng quan tâm, khi đó họ chỉ cần tập trung vào một số kịch bản mà họ cảm thấy là “dễ xơi” nhất. Sau đó, các trader có thể tìm cơ hội giao dịch và kiếm lãi dựa trên các mẫu hình thiết lập mà họ ưng ý.
2) Chọn mẫu thiết lập giao dịch
Mẫu hình thiết lập là tâm điểm cốt lõi của quá trình giao dịch. Nhưng trước tiên, phương pháp phân tích mới là công cụ dùng để tìm ra mẫu hình thiết lập giao dịch. Ví dụ điển hình cho trường hợp này sẽ là mẫu hình tích lũy vùng giá (được liệt vào nhóm phương pháp phân tích dưới dạng mẫu hình biểu đồ), mà từ mẫu hình đó người trader sẽ thực hiện một loạt các hành động tiếp theo, tức là trader đó sẽ quyết định giao dịch theo tín hiệu phá vỡ (breakout) hoặc chờ đợi giá hồi lại (pullback) hoặc kết hợp giữa các điểm breakout với sóng pullback sau khi mẫu hình biểu đồ đã hiển hiện “đúng chuẩn sách giáo khoa”.
Mẫu hình thiết lập có nguyên lý nền tảng dựa trên nhiều yếu tố mà nếu gộp lại sẽ nâng cao xác suất thành công của lệnh giao dịch. Nếu bạn chưa quen giao dịch forex, quá trình này có thể sẽ khiến bạn mất thời gian hơn một chút mới nắm bắt rõ, nhưng điều quan trọng là mỗi trader đều phải tự tìm ra một mẫu hình thiết lập phù hợp nhất với chính bản thân mình.
3) Giới hạn lại phạm vi thị trường cần tập trung
Khi mới bắt đầu giao dịch, các trader cần phải giới hạn lại số lượng thị trường mà mình tập trung theo dõi. Không có thị trường nào giống thị trường nào và việc giới hạn lại phạm vi thị trường có thể giúp các trader hiểu được “đặc tính” của thị trường mà mình thường xuyên quan sát. Các bạn trader thậm chí cũng có thể tập trung vào các khung thời gian nhất định trên một thị trường duy nhất để làm quen với các đặc điểm và cách chuyển động của thị trường đó.
4) Xác định thời gian nắm giữ
Chọn khung thời gian nào thì sẽ còn phụ thuộc vào phong cách của từng trader. Những trader chuyên tập trung giao dịch ngắn hạn (mở và đóng lệnh trong cùng một ngày) bao gồm các trader theo trường phái lướt sóng siêu ngắn hạn (scalper) và các trader trong ngày. Các trader trung hạn thường giữ lệnh giao dịch trong vài giờ cho đến vài ngày và được gọi là các trader giao dịch sóng giá xen kẽ (swing trader). Trong khi đó, phong cách giao dịch dài hạn lại trải dài trong các khung thời gian khác nhau, từ một vài ngày, vài tuần, vài tháng và trong một số trường hợp là lên đến vài năm.

5) Nhận thức rõ ngưỡng “gồng lỗ” tối đa
Mỗi bước trong kế hoạch giao dịch đều quan trọng, tuy nhiên, nếu thiếu đi bước quản lý rủi ro, toàn bộ kế hoạch sẽ tan rã. Trong bước này, các trader sẽ cần phải tìm hiểu rõ về khả năng chấp nhận rủi ro của chính bản thân họ, tức là mức tổn thất mà người trader đó sẵn sàng cắt lỗ khi đặt giới hạn cho mức rủi ro trong trường hợp thị trường đi ngược hướng dự đoán.
Theo một công trình nghiên cứu thống kê từ hơn 30 triệu lệnh giao dịch trực tiếp, đơn vị kiểm định phát hiện ra rằng những trader thiết đặt tỷ lệ lãi/lỗ (tức là mức lợi nhuận tiềm năng/rủi ro thua lỗ tiềm năng) tối thiểu là 1:1 sẽ có khả năng kiếm được lợi nhuận cao hơn ba lần so với các trader không hề thiết đặt trước tỷ lệ lãi/lỗ.
6) Lập kế hoạch ứng phó sự cố thất bại (và cả thành công)
Tất cả các trader trước sau gì cũng sẽ có lúc thua lỗ đau đớn, vì vậy điều quan trọng là các bạn trader phải đặt ra một số quy tắc để tuân thủ theo khi không may bị thất bại để có thể kiềm chế cảm xúc triệt để. Có một cách hiệu quả để làm được như vậy, đó là định lượng trước một mức tổn thất (tính theo đơn vị tiền tệ hoặc theo tỷ lệ phần trăm) mà khi đó bạn sẽ buộc phải rút khỏi cuộc chơi và đánh giá lại xem mình đã hoặc đang sai lầm ở điểm nào. Đừng để đến khi gặp sự cố rồi mới nghĩ đến con số này, thay vì vậy hãy tự định lượng từ sớm.
Vậy về mặt tích cực, bạn nên làm gì khi lệnh giao dịch có lãi? Tự tin là tốt, nhưng quá tự tin có thể nhanh chóng biến lệnh giao dịch đang xanh chuyển sang chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, nếu thị trường có diễn biến thuận lợi thì bạn cũng có thể tăng hạn mức rủi ro tùy theo nhu cầu, song bạn nên hạn chế làm điều này.
7) Tập thói quen rà soát để đảm bảo luôn đi đúng hướng
Các bạn trader nên dành thời gian để suy ngẫm về các sự kiện trong tuần và phân tích từng lệnh giao dịch riêng lẻ. Bạn nên thường xuyên rà soát lại kế hoạch giao dịch và điều chỉnh nếu cần thiết. Việc đánh giá lại hoạt động giao dịch và lưu nhật ký giao dịch theo định kỳ là những phương pháp làm việc tuyệt vời, từ đó giúp bạn tự đảm bảo rằng mình đang tuân thủ đúng theo quy trình được nêu trong kế hoạch giao dịch. Hãy ghi chú hoặc lưu lại hình của các mẫu biểu đồ trong lệnh thắng và cả lệnh thua để có thể xem lại sau này.
Bạn nên giữ nguyên kế hoạch giao dịch một cách “bất di bất dịch” khi mới bắt đầu nhưng bạn cũng có thể áp dụng linh hoạt hơn một chút khi đã dần quen thuộc hơn với thị trường mà mình đang tập trung. Mục đích của kế hoạch giao dịch là cung cấp cho bạn một nền tảng và ranh giới rõ ràng để thực hiện theo khuôn khổ đã được vạch ra.
Kế hoạch giao dịch: tóm lược
- Các trader nên triển khai một kế hoạch giao dịch cho mình để có thể thiết lập một khuôn khổ rõ ràng khi tham gia thị trường tài chính.
- Hãy giao dịch theo hướng đề cao kỷ luật và từ đó tìm ra những thứ phù hợp nhất với bạn.
- Thường xuyên theo dõi tiến độ của bản thân trong nhật ký giao dịch và rà soát lại kế hoạch giao dịch hiện tại. Bạn có thể thay đổi chỗ này hoặc chỗ khác nếu cần.
Đăng Khoa – Theo dailyfx.com