
Chính sách kinh tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị của đồng Dollar?
Khái niệm và diễn biến chỉ số Dollar Mỹ
Chỉ số Dollar Mỹ là phép đo giá trị của đồng Dollar so với sáu loại ngoại tệ được đo bằng tỷ giá hối đoái của chúng. Hơn một nửa giá trị của chỉ số được thể hiện bằng giá trị của đồng Dollar so với đồng euro. Năm loại tiền tệ khác bao gồm đồng yên Nhật, bảng Anh, Dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ.
Công thức tính chỉ số Dollar Mỹ
Chỉ số Dollar Mỹ được tính theo công thức sau:
USDX = 50.14348112 × EURUSD-0,576 × USDJPY0,136 × GBPUSD-0,119 × USDCAD0,091 × USDSEK0,042 × USDCHF0,036
Giá trị của mỗi loại tiền tệ tính theo hàm mũ với trọng số được gán riêng cho chúng, trong đó trọng số sẽ là một số dương khi Dollar Mỹ là đồng tiền yết giá. Trọng số sẽ là một số âm khi Dollar Mỹ là đồng tiền định giá. Trong phương trình trên, đồng euro có trọng số lớn nhất, tiếp theo là đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.
Euro và bảng Anh là hai loại tiền tệ duy nhất mà Dollar Mỹ đóng vai trò là đồng tiền định giá vì chúng được định giá theo đồng Dollar. Ví dụ, một euro có thể trị giá 1,13 USD. Những đồng tiền khác được định giá theo số lượng đơn vị để đổi lấy 1 Dollar Mỹ. Ví dụ, 1 USD có thể có trị giá 114 yên.
Lịch sử chỉ số Dollar Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tạo ra một chỉ số chính thức (DXY) vào năm 1973 để theo dõi giá trị của đồng Dollar Mỹ. Tuy nhiên, việc theo dõi giá trị của đồng Dollar so với một số đồng ngoại tệ nhất định vốn bắt đầu từ năm 1971, sau khi Tổng thống Nixon từ bỏ chế độ bản vị vàng, cho phép giá trị của đồng Dollar tự do trôi nổi trên thị trường ngoại hối thế giới. Đồng Dollar thay đổi liên tục như một cách để phản ứng với những biến đổi trong các hoạt động giao dịch forex. Trước khi chỉ số Dollar Mỹ được tạo ra, đồng Dollar Mỹ được cố định ở mức 35 USD trên mỗi ounce vàng, và mức giá này đã giữ nguyên như vậy kể từ Thỏa thuận Bretton Woods năm 1944.
Chỉ số Dollar Mỹ khởi điểm ở mức 100. Chỉ số này đã đo lường mức thay đổi theo phần trăm về giá trị của đồng USD kể từ khi thiết lập giá trị cơ bản. Mức cao nhất mọi thời đại của DXY là 163,83 điểm vào ngày 05/03/1985. Mức thấp nhất mọi thời đại của chỉ số này là 71,58 vào ngày 22/04/2008, thấp hơn 28,4% so với lúc mới thành lập.
Lưu ý: ICE Futures U.S. đã đảm nhận quyền quản lý chỉ số USDX (cách gọi khác của chỉ số Dollar Mỹ, tương đương như DXY) vào năm 1985.
Biểu đồ lịch sử
Biểu đồ sau đây cho thấy giá trị chỉ số Dollar Mỹ từ khi xóa bỏ chế độ bản vị vàng vào tháng 01/1971 đến tháng 01/2021.

Xem thêm: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ giá Dollar Mỹ?
Dữ liệu lịch sử
Sau đây là bản tóm tắt các diễn biến chính ảnh hưởng đến dữ liệu lịch sử của chỉ số Dollar Mỹ, được đo bằng DXY trong giai đoạn từ 2007 đến 2020:
Năm 2020: Đồng Dollar Mỹ tăng cho đến ngày 19/03 khi DXY đạt đỉnh tại ngưỡng 102,82. Giới đầu tư đổ xô dòng vốn vào đồng Dollar Mỹ để trú ẩn an toàn nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Fed đã hạ lãi suất xuống mức 0% vào tháng 3. USDX đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm tại ngưỡng 89,63 khi kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12 trong lúc các đợt bùng phát lây nhiễm ở Mỹ ngày càng trầm trọng hơn. Chỉ số này tăng cao hơn một chút lên mức 89,94 khi kết thúc năm.
Năm 2019: Đồng Dollar Mỹ tăng cho đến ngày 24/04 khi DXY đạt đỉnh tại 98,20. Chỉ số này đã giảm xuống mức đáy của năm tại ngưỡng 95,98 vào ngày 23/06 rồi sau đó lại tăng lên mức đỉnh của năm tại ngưỡng 98,52 vào tháng 7 khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Lãi suất được giảm từ 2,25% xuống còn 1,75% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. USDX kết thúc năm ở mức 96,39.
Năm 2018: DXY giảm xuống mức thấp nhất trong năm tại 88,59 vào ngày 15/02. Giới đầu tư khi đó bắt đầu thoái vốn khỏi đồng Dollar Mỹ khi nền kinh tế châu Âu tiếp tục cải thiện sức mạnh. Nhưng sau đó nền kinh tế Mỹ lại tăng trưởng trong khi những nước khác lại chững lại. Fed đã nâng lãi suất đến bốn lần, cuối cùng kết thúc ở mức 2,5%. Chỉ số Dollar Mỹ đạt mức cao nhất năm 2018 tại ngưỡng 97,54 vào ngày 12/11 và kết thúc năm ở mức 96,17.
Năm 2017: Nền kinh tế châu Âu được cải thiện, đồng euro mạnh lên. ECB báo hiệu rằng họ có thể kết thúc chương trình nới lỏng định lượng. Các quỹ phòng hộ khi đó bắt đầu bán khống đồng Dollar Mỹ. Fed tăng lãi suất vào tháng 3, tháng 6 và tháng 12, cuối cùng kết thúc ở mức 1,5%. Vào ngày 07/09, chỉ số Dollar Mỹ giảm xuống mức 91,33, tương ứng mức thấp nhất trong năm đó. USDX kết thúc năm ở mức 92,12.
Năm 2016: Đồng Dollar Mỹ giảm xuống mức thấp nhất năm 2016 tại ngưỡng 92,63 vào ngày 01/05. Fed đã tăng lãi suất cho vay lên 0,75% vào tháng 12. Động thái đó đã hỗ trợ cho đồng Dollar, nâng giá chỉ số DXY đến mức 102,39 vào cuối năm.
Năm 2015: Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tung ra gói kích thích kinh tế, đưa đồng euro xuống còn 1,05 USD vào ngày 12/03, qua đó đưa USDX lên mức cao nhất của năm tại ngưỡng 100,33 vào ngày 12/03. Fed đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5% vào ngày 17/12, đẩy chỉ số Dollar Mỹ xuống còn 98,63.
Năm 2014: Đồng Dollar Mỹ vẫn ổn định trong sáu tháng đầu tiên, chạm mốc 80,12 vào ngày 10/07. Cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy dòng vốn khỏi đồng euro và chuyển sang đồng Dollar Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn. Fed đã kết thúc chương trình nới lỏng định lượng vào tháng 10. Họ nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức cao chưa từng có khi có giá trị lên đến 4,5 nghìn tỷ USD. Cơ quan này ra thông báo rằng họ sẽ tăng lãi suất cho vay vào năm 2015. Chỉ số Dollar Mỹ tăng 15% lên mức 90,19 vào ngày 29/12.
Năm 2013: Chính sách tăng thuế Obamacare bắt đầu, đẩy thuế suất cận biên lên mức cao nhất kể từ năm 2000. Vào ngày 19/06, Fed tuyên bố rằng họ sẽ giảm thu mua trái phiếu trong chương trình nới lỏng định lượng. Fed đã trì hoãn quá trình thắt chặt tiền tệ cho đến tháng 12. DXY kết thúc năm ở mức 80,04.
Năm 2012: Fed công bố gói nới lỏng định lượng thứ 3 vào ngày 13/09 và gói nới lỏng định lượng thứ 4 vào ngày 09/12. DXY chốt năm ở mức 79,77.
Năm 2011: DXY giảm xuống mức 73,03 vào ngày 03/05 do cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ. Các nhà đầu tư quay trở lại với đồng Dollar sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. DXY kết thúc năm ở mức 80,17.
Năm 2010: DXY tăng lên mức 87,51 vào ngày 10/06, đánh dấu mức đỉnh cao nhất trong năm. Chỉ số này giảm xuống mức 79,03 vào cuối năm, dù Fed tung ra gói nới lỏng định lượng thứ 2 vào ngày 03/11.
Năm 2009: DXY kết thúc năm ở mức 77,86. Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất, báo hiệu rằng họ đang ứng phó với cuộc khủng hoảng. Đồng Dollar Mỹ giảm khi niềm tin của giới đầu tư vào đồng euro tăng lên.
Năm 2008: Đồng Dollar Mỹ giảm xuống mức đáy kỷ lục 71,33 vào ngày 21/04 ngay sau khi gói cứu trợ cho Bear Stearns báo hiệu cho những thiệt hại từ cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn. Giới đầu tư nghĩ rằng sự kiện này chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ và họ đã mua vào đồng euro, khiến giá trị của đồng Dollar Mỹ giảm xuống. Fed đã hạ lãi suất huy động vốn đến bảy lần và tung ra gói nới lỏng định lượng (QE) vào ngày 25/11. Vào cuối năm đó, rõ ràng là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã lan rộng ra toàn thế giới. Nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại xem đồng Dollar Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn, đưa DXY lên mức 80,90 vào cuối năm.
Năm 2007: Giá trị của đồng Dollar, theo như phép đo bằng giá giao ngay DXY, là 76,70 vào ngày 31/12.
Tóm lược đại ý
- Việc loại bỏ chế độ bản vị vàng đã thúc đẩy sự ra đời của Chỉ số Dollar Mỹ.
- Chỉ số Dollar Mỹ chuyên theo dõi giá trị của đồng USD so với sáu loại ngoại tệ: đồng euro, yên Nhật, bảng Anh, Dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ.
- Các điều kiện kinh tế ở Mỹ và thị trường nước ngoài có thể ảnh hưởng đến giá trị của chỉ số Dollar Mỹ.
• Giá trị chỉ số DXY đạt đỉnh vào năm 1985 và chạm đáy vào năm 2008.
Đăng Khoa-Theo thebalance