Những vòng đàm phán liên tiếp không đi đến kết quả giữa Nga và Ukraine không giúp ích gì cho kinh doanh thị trường chứng khoán, điện tử hay vàng trên toàn cầu. Thị trường vẫn đang theo dõi sát sao từng động thái chính trị đang diễn ra tại Ukraine.
Chuyển động kinh doanh nổi bật tuần qua 5/3/2022

Xem thêm: DocuSign, C3.ai: nên mua vào khi thị trường bán tháo
Tuần qua thị trường chứng khoán cũng vẫn giao dịch trong tâm lý chưa ổn định. Và phiên cuối tuần của thị trường chứng khoán châu Á lại chìm trong sắc đỏ khi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đặt tại Ukraine đã bị bốc cháy. Chứng khoán Tokyo và chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà giảm tại khu vực châu Á. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 2,2 % xuống 25.985,47 điểm và chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,8% xuống 21.848,94 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 3.447,65 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Đài Bắc, Manila, Bangkok và Wellington cũng hòa chung xu hướng giảm. Đà giảm này diễn ra theo sau sức ép bán ra tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Trong phiên giao dịch chiều 4/3, giá vàng châu Á đang trên đà hướng đến tuần tăng giá thứ tư trong năm tuần qua nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn, sau khi xảy ra vụ cháy ở một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine. Trong phiên cuối tuần tại Châu Á, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.936,74 USD/ounce và đang hướng đến mức tăng khoảng 2,5% trong cả tuần vừa qua. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 0,1% lên 1.937,70 USD/ounce.
Ông Matt Simpson, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty City Index, cho biết các thông tin về vụ cháy tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia đã khiến giới đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như đồng yen và vàng. Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ dừng việc mua ngoại tệ và vàng trong năm nay.
Giá dầu phục hồi trên thị trường châu Á trong phiên chiều 4/3, khi những lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã lấn át khả năng có thêm nguồn cung dầu từ Iran.Giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 73 xu Mỹ, hay 0,7% lên 111,19 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 114,23 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tư tăng 1,21 USD, hay 1,1%, lên 108,88 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao 112,84 USD/thùng.
Giá dầu đang trên đà tăng trước những lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu khi của nước này, vốn là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới. Hoạt động giao dịch dầu thô của Nga đang chậm lại khi người mua lưỡng lự do các lệnh trừng phạt, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực phải cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, Bitcoin đã kiểm lại ngưỡng hỗ trợ cơ bản nhưng các dữ liệu phái sinh cho thấy, phe bò có thể phát động một cuộc tấn công tổng lực nhằm đẩy giá Bitcoin lên ngưỡng 45.000 USD trong ngày hết hạn quyền chọn tuần hôm nay (4/3). Xét trong phiên cuối tuần, Bitcoin giao dịch quanh ngưỡng 42.500 USD, giảm hơn 3% trong vòng 24 giờ. Ether giao dịch ở khoảng 2.800 USD, giảm khoảng 4% cùng kỳ. Hầu hết các loại tiền kỹ thuật số khác trong top 20 CoinDesk theo vốn hóa thị trường đều trong sắc đỏ.
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường đã giảm 8% tính đến thời điểm hiện tại. Dữ liệu về giá tiêu dùng liên tục khiến các nhà kinh tế bất ngờ. Thậm chí người ta còn nói về khả năng “lạm phát đình trệ” – hiện tượng lạm phát cao nhưng kinh tế tăng trưởng không đáng kể hoặc không tăng. Các nhà giao dịch cho thấy vẫn ưu tiên đầu tư vào vàng hơn. Đó là một cú hích đối với hiệu suất của bitcoin.
Tình hình căng thẳng Nga – Ukraine đã tiếp tục đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020. Đồng euro đã giảm 0,5% ở mức 1,1060 USD, tiếp đà giảm ngày thứ tư liên tiếp trong tuần so với đồng bạc xanh. Trong khi đó, đồng Ruble đi ngang vào cuối phiên giao dịch vừa qua sau khi chạm mức thấp nhất mọi thời đại.