Thứ Sáu, Tháng Sáu 2, 2023
Trang chủChứng khoánStartup Trung Quốc né IPO tại Hoa Kỳ do kiểm soát của...

Startup Trung Quốc né IPO tại Hoa Kỳ do kiểm soát của chính phủ

Mặc dù quy định mới của Trung Quốc đã khiến kế hoạch IPO trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ của các công ty Trung Quốc bị tạm dừng vào mùa hè này, nhà đầu tư của các startup tại quốc gia này vẫn không lo lắng.

Startup Trung Quốc né IPO tại Hoa Kỳ do kiểm soát của chính phủ
Startup Trung Quốc né IPO tại Hoa Kỳ do kiểm soát của chính phủ

Nhà đầu tư của các startup Trung Quốc hiện có các lựa chọn khác để thu lợi nhuận từ các khoản đầu tư của mình và cho rằng các quy định của chính phủ giúp giải tỏa một số vấn đề không chắc chắn.

Kể từ đợt IPO khổng lồ của ứng dụng gọi xe Didi trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 30 tháng 6, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã liên tục công bố các chính sách mới nhằm thắt chặt việc kiểm soát dữ liệu và khả năng niêm yết ở nước ngoài của các công ty của quốc gia này. Cổ phiếu Didi hiện đã giảm 14% so với giá chào bán ở mức 14 USD cho một cổ phiếu.

Xem thêm: Cơ hội cho vàng hướng tới 1.775 USD

Diễn biến đáng chú ý tới từ Trung Quốc

Hôm thứ bảy, ngày 10 tháng 7, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã đề xuất rằng bất kỳ công ty nào có dữ liệu của hơn một triệu người dùng phải trải qua một cuộc đánh giá an ninh mạng trước khi niêm yết ở nước ngoài.

Đang có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Trung Quốc, cơ quan quản lý này cho biết sẽ tiếp nhận bình luận của công chúng về các quy tắc được đề xuất cho đến ngày 25 tháng 7.

Trước đó, vào thứ ba ngày 6 tháng 7, cơ quan điều hành cấp cao nhất của chính phủ và ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã thông báo kế hoạch trấn áp các hoạt động giao dịch chứng khoán bất hợp pháp, trong đó bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn vốn cổ phần tư nhân và các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như huy động tiền ra nước ngoài thông qua chứng khoán.

Michael Xu và bài toán phải giải quyết

Michael Xu, thành viên hợp danh tại công ty quản lý tài sản CEC Asset Management có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết “không có bất kỳ tác động nào đối với việc xuất vốn ra nước ngoài, hướng đầu tư và giai đoạn đầu tư đối với một công ty như của chúng tôi” theo bản dịch của CNBC từ các nhận xét bằng tiếng Quan Thoại của ông.

Theo Xu, khía cạnh duy nhất mà công ty cần chú ý nhiều hơn là đảm bảo các dự án đầu tư không có bất kỳ cổ đông nào có hồ sơ không sạch sẽ đối với cơ quan quản lý chứng khoán.

Các ông lớn công nghệ như Alibaba và Tencent, những người đã chống lưng cho một số lượng nhiều đáng kể các công ty đã niêm yết tại Hoa Kỳ, cũng đã bị giám sát chặt chẽ trong khuôn khổ chương trình đàn áp của Trung Quốc đối với các hoạt động độc quyền trong năm ngoái.

Tìm kiếm các thị trường IPO khác

Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Trung Quốc đã tăng lên. Theo Preqin, các thương vụ đầu tư mạo hiểm và các thương vụ mua lại được hỗ trợ bởi vốn cổ phần tư nhân đã đạt giá trị 74.3 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay. Đó là mức cao nhất trong bất kỳ khoảng thời gian sáu tháng nào kể từ nửa đầu năm 2018.

Theo Jeff Wu, một thành viên hợp danh tập trung vào Trung Quốc của Pegasus Tech Ventures, công ty đầu tư có trụ sở tại Thung lũng Silicon, thu được lợi nhuận từ những khoản đầu tư như vậy là ưu tiên hàng đầu.

Với những diễn biến mới nhất của thị trường, ông cho biết đang tìm cách thoát khỏi các khoản đầu tư thông qua niêm yết ở Hồng Kông hoặc các công ty mua lại có mục đích đặc biệt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục đang gặp khó khăn với những nỗ lực của chính mình trong việc giữ cho các đợt IPO công nghệ diễn ra ở quê nhà. Các nhà chức trách đã ra mắt thị trường Star tại Thượng Hải vào tháng 7 năm 2019, cung cấp một hệ thống đăng ký cho các đợt IPO thay vì phải thông qua phê duyệt của các cơ quan quản lý.

IPO và các thách thức từ nước nhà 

Quá trình IPO dựa trên đăng ký đó đã bị trì hoãn cho đến nay. Tính đến ngày 20 tháng 6, EY cho biết đã có hơn 500 công ty đang nằm trong danh sách chờ để niêm yết trên thị trường Star của cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc và một sàn chứng khoán tập trung vào công nghệ ở Thâm Quyến với tên gọi ChiNext.

Zhu Ning, giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa, cho biết: “Các nhà đầu tư Trung Quốc chưa đủ tinh vi và môi trường pháp lý chưa đủ chín muồi để đáp ứng một quy trình đăng ký như vậy.”

Ông lưu ý rằng, cho đến nay, luật chứng khoán Trung Quốc “ít trừng phạt hơn nhiều” so với luật ở Hoa Kỳ và quy định chứng khoán gần đây là “phù hợp với nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm cải thiện các yêu cầu và tiêu chuẩn niêm yết.”

“Nhà đầu tư cần lưu ý rằng Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế mới nổi. Dù phát triển nhanh đến đâu thì nền tảng thể chế vẫn không thể giống [như Hoa Kỳ],” ông nói.

Kiểm soát ngày càng chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ diễn ra khi căng thẳng giữa hai nước đang mài mòn mối quan hệ kinh tế và tài chính thiết lập được trong vài thập kỷ qua.

Các đợt IPO qua các thời gian gần đây

Dưới thời chính quyền Trump, Nhà Trắng đã kêu gọi Hoa Kỳ ít đầu tư hơn vào tài sản của Trung Quốc. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, chính quyền của ông vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với quốc gia đông dân này.

Trong một lưu ý vào cuối tuần trước, công ty tư vấn Eurasia Group cho biết sự thất bại trong thương vụ niêm yết của Didi sẽ làm gia tăng áp lực chính trị của Hoa Kỳ đối với các quy định hạn chế các đợt chào bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. Nhóm chuyên gia cho biết “các đợt IPO của Trung Quốc ở Hoa Kỳ có thể sẽ giảm mạnh,” đồng thời chỉ ra rằng một số công ty Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch IPO ở Hoa Kỳ.

Trong thời gian gần đây, các công ty Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ với tốc độ kỷ lục – chiếm 15% thị trường IPO của Mỹ trong nửa đầu năm 2021, theo Renaissance Capital.

Ấp ủ từ công ty Trung Quốc 

Một chiến lược được các công ty Trung Quốc theo đuổi gần đây là niêm yết ở cả Hoa Kỳ và Hồng Kông nhằm bảo vệ công ty khỏi rủi ro hủy niêm yết trong khi vẫn thu hút được một lượng lớn các nhà đầu tư tổ chức.

Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục theo Ming Liao, người sáng lập Prospect Avenue Capital, công ty đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh với kế hoạch niêm yết các công ty đầu tư của mình tại Hoa Kỳ. Ông cho biết công ty của ông “hài lòng” với các tiến triển mới nhất vì các quy định đã cho biết rõ ràng các mục tiêu giám sát của các cơ quan khác nhau.

Sự không chắc chắn về quy định vẫn còn tồn tại

Trong khi các quỹ đầu tư tìm kiếm những cách khác để thoát khỏi cổ phần của họ thì sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với các đợt chào bán cổ phiếu sẽ không biến mất.

Trong kế hoạch phát triển năm năm được thông qua hồi tháng 3, Bắc Kinh tuyên bố các nhà chức trách có mục tiêu “áp dụng triệt để” việc đăng ký phát hành cổ phiếu và nâng cao “chất lượng” của các công ty niêm yết, đồng thời tăng cường nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia và trấn áp các hành vi độc quyền.

Ringo Choi, trưởng nhóm IPO khu vực châu Á – Thái Bình Dương của EY, dự đoán sự không chắc chắn về các đợt IPO nhìn chung sẽ kéo dài trong ngắn hạn vì việc làm rõ một số chính sách có thể sẽ dẫn đến các quy định khác. Ông lưu ý rằng, ở Trung Quốc, hành động của một cơ quan quản lý có thể buộc một cơ quan khác thực hiện các động thái tương tự.

Huân Hà – Theo cnbc.com

Cafeforexvn

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI