Cafeforexvn – Bộ Lao động Mỹ ngày 14/2 công bố số liệu cho thấy lạm phát kinh tế tiêu dùng của nước này đã tăng chậm lại trong tháng 1/2023, song vẫn cao hơn so với mục tiêu lạm phát mà các nhà hoạch định chính sách đề ra, do chi phí thuê nhà và năng lượng cao.
Lạm phát kinh tế tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát chính, đã giảm tốc từ mức tăng 9,1% hồi tháng 6/2022 rong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu một chiến dịch tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế giá cả tăng vọt.
Nhờ tác động từ các chính sách của Fed đối với nền kinh tế, chỉ số CPI trong tháng 1/2023 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước – chỉ thấp hơn một chút so với lạm phát của tháng 12/2022 và là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát trong tháng 1/2023 vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách đề ra.
Từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, CPI tăng 0,5%, so với mức tăng 0,1% trong tháng 12. Những số liệu này cho thấy nỗ lực chống lạm phát của Fed chưa thể kết thúc. Từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất 8 lần nhằm làm giảm nhu cầu và kiềm chế đà tăng của giá cả.
Giá lương thực tại Mỹ tăng trở lại tạo áp lực lên người tiêu dùng
Theo các số liệu do Cơ quan Thống kê thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/2, giá thực phẩm hàng tháng của nước này đã tăng nhẹ trong tháng 1/2023, đảo ngược xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây do giá trứng, bánh quy và trái cây họ cam quýt tăng.
Giá thực phẩm đã tăng 0,5% trong tháng 1/2023, tăng nhẹ so với mức 0,4% trong tháng 12/2022. Chỉ số giá của các loại thịt, thịt gia cầm, cá và trứng cũng như ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì đã tăng trong tháng 1/2023. Tuy nhiên, chỉ số giá tổng thể đối với trái cây và rau củ giảm so với tháng trước, trong khi giá các sản phẩm từ sữa không thay đổi.
Theo Cơ quan Thống kê thuộc Bộ Lao động Mỹ, giá trứng đã tăng 8,5% so với tháng trước do dịch cúm gia cầm bùng phát trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường của Bộ Nông nghiệp, giá trứng tổng thể trong nhiều tháng gần đây lại giảm, trong đó giá trung bình của các loại trứng lớn đã giảm từ hơn 5 USD một hộp vào đầu năm 2023 xuống dưới 3 USD vào tháng 2/2023.
Trong khi đó, tính theo chỉ số hàng năm, giá lương thực tại Mỹ đã tăng 10,1%. Giá thực phẩm tại các nhà hàng cũng tăng 0,6% so với tháng trước, vượt xa mức tăng 0,4% hàng tháng của giá hàng tạp hóa.
Giá thực phẩm tăng cao đang tạo áp lực lên người tiêu dùng Mỹ, khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm mua các mặt hàng đắt tiền hơn. Công ty Tyson Food đầu tháng này đã báo cáo lợi nhuận bị suy giảm trong quý đầu tiên do người tiêu dùng giảm mua các sản phẩm, nhất là các mặt hàng đắt tiền hơn như thịt bò và thịt lợn. Unilever, hãng sản xuất xà phòng Dove và sốt mayonnaise Hellman thì cho biết hãng này cần tiếp tục tăng giá trong năm nay để bù đắp chi phí ngày càng tăng.
Trong khi đó, nhiều vùng ở miền Tây nước Mỹ tiếp tục trải qua thời gian hạn hán khắc nghiệt, làm giảm nguồn cung và đẩy giá các loại thức ăn quan trọng cho gia súc và bò sữa tăng cao.
OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu 2023

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023, ghi dấu lần điều chỉnh tăng đầu tiên trong nhiều tháng, nhờ việc Trung Quốc nới lỏng chính sách hạn chế kiểm soát dịch COVID-19 và triển vọng khả quan hơn của kinh tế thế giới.
Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 14/2, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày (tương đương 2,3%). Dự báo này tăng hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.
Trong báo cáo, OPEC cho biết chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 là sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau các hạn chế di chuyển và tác động của chính sách này đối với quốc gia, khu vực và thế giới.
Mối lo ngại xoay quanh chiều sâu và tốc độ phục hồi kinh tế của đất nước cũng như tác động đối với nhu cầu dầu mỏ.
Bên cạnh đó, OPEC tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và nâng dự báo tốc độ tăng trưởng 2023. Song, tổ chức này vẫn lưu ý sự giảm tốc do lạm phát cao và triển vọng lãi suất gia tăng.
Báo cáo cũng cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm trong tháng Một sau khi OPEC và các đồng minh (còn gọi là OPEC+ ) cam kết cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Sản lượng giảm tại Saudi Arabia, Iraq và Iran đã được bù đắp nhờ sự gia tăng ở những nơi khác.
OPEC cho biết sản lượng dầu thô của tổ chức này trong tháng Một giảm 49.000 thùng/ngày xuống 28,88 triệu thùng/ngày.
Airbnb công bố năm đầu tiên hoạt động có lãi khi du lịch phục hồi
Nền tảng chuyên về đặt và thuê phòng ở Airbnb ngày 14/2 đã lần đầu tiên báo cáo lợi nhuận hàng năm, với doanh thu tăng mạnh trong ba tháng cuối năm 2022 khi lượng đặt phòng du lịch tăng trở lại.
Theo thông báo, Airbnb đã đạt lợi nhuận 319 triệu USD trên doanh thu gần 2 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm ngoái. Kết thúc năm 2022, Airbnb ghi nhận thu nhập ròng là 1,9 tỷ USD so với khoản lỗ 352 triệu USD của năm trước đó.
Trong bức thư gửi các nhà đầu tư, Airbnb bày tỏ rất vui mừng khi thấy nhu cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm 2023. Công ty đặc biệt nêu bật việc các khách hàng châu Âu tăng đặt chuyến du lịch Hè vào đầu năm nay, trong khi thị phần của Airbnb ở Mỹ Latinh gia tăng còn quá trình phục hồi ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục.
Ông Brian Chesky, Giám đốc điều hành của Airbnb, cho biết hoạt động du lịch xuyên biên giới và giữa các thành phố đều đang phục hồi. Đây đều là những nền tảng chủ chốt cho hoạt động kinh doanh của Airbnb trước đại dịch.
Kết thúc năm 2022, Airbnb ghi nhận 6,6 triệu địa điểm đang mời gọi khách thuê trên nền tảng của họ. Đây là mức cao nhất mà công ty từng ghi nhận, trong bối cảnh các chủ nhà đang tìm cách kiếm thêm tiền khi tình hình kinh tế chung trở nên khó khăn hơn. Cũng từ cuối năm ngoái, Airbnb đã đơn giản hóa thủ tục để các chủ nhà dễ dàng quảng cáo những căn nhà cho thuê hơn trên nền tảng này.
Vào giữa năm 2020, thời điểm COVID-19 trong giai đoạn bùng phát đầu tiên, Airbnb đã phải cắt giảm 1/4 lực lượng lao động – tương đương khoảng 1.900 người – khi đại dịch tàn phá ngành du lịch. Trong một bài đăng trên trang blog chính thức vào thời điểm đó, ông Chesky cho biết “du lịch toàn cầu đã rơi vào bế tắc” khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra.
Microsoft ngừng cung cấp trình duyệt Internet Explorer
Kể từ ngày 14/2/2023, Microsoft sẽ vô hiệu hóa vĩnh viễn trình duyệt Internet Explorer. Theo đó, khi người dùng nhấp vào biểu tượng IE (Interner Explorer), phần mềm này sẽ không khởi động và màn hình sẽ đề nghị người dùng sử dụng trình duyệt Microsoft Edge.
Trước đó, vào tháng 6/2022, Microsoft đã thông báo ngừng hỗ trợ Internet Explorer (IE) 11.11 – phiên bản mới nhất của trình duyệt web từng được sử dụng mặc định trên Windows.
Microsoft giới thiệu Internet Explorer phiên bản đầu tiên vào năm 1995, là sản phẩm để cạnh tranh với Netscape Navigator, trình duyệt web đầu tiên trên thế giới. IE đã trở thành trình duyệt web mặc định trên Windows và điều này giúp IE trở thành trình duyệt web phổ biến nhất trên thế giới, chiếm đến 94% thị phần người dùng trong các năm 2002 và 2003, thời điểm mà các lựa chọn thay thể như Firefox của Mozilla hay Safari của Apple còn sơ khai
Mặc dù, theo công bố của Microsoft, Edge sẽ cung cấp “trải nghiệm web nhanh hơn, an toàn hơn và hiện đại hơn Internet Explorer song theo dữ liệu mới nhất do Stacounter công bố, Edge chỉ chiếm hơn 4% lượng sử dụng máy tính toàn cầu so với trình duyệt đang phổ biến nhất hiện nay là Google Chrome với mức sử dụng hơn 65%.
Vương Linh