Ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo nước này đã phong tỏa khoảng 350 tỷ USD (321 tỷ euro) tài sản của Chính phủ Nga. Với biện pháp mới này, Chính phủ Nga hiện nay không tiếp cận được 60% dự trữ ngoại hối tổng cộng 604 tỷ USD của nước này.
Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 6/4/2022

Xem thêm: Nvidia là cổ phiếu bán dẫn tốt nhất để mua ngay và giữ mãi mãi
Nga gặp khó trong việc tiếp cận dự trữ ngoại hối
Ngoại trưởng Anh cũng kêu gọi một lệnh cấm tàu Nga neo tại các cảng biển của phương Tây và một thời gian biểu rõ ràng để hạn chế nhập khẩu dầu, than đá và khí đốt của Nga.
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết trong ngày 6/4, Mỹ cùng nhóm G7 và Liên minh châu Âu sẽ công bố một loạt biện pháp mời trừng phạt Nga liên quan xung đột tại Ukraine. Các biện pháp mới này sẽ bao gồm lệnh cấm toàn bộ hoạt động đầu tư mới vào Nga, tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thể chế tài chính và doanh nghiệp nhà nước, các quan chức chính phủ và thành viên gia đình các quan chức này.
Nguồn tin này dự báo các biện pháp trừng phạt sẽ khiến kinh tế Nga năm nay giảm khoảng 15%.
Các nền tảng trực tuyến sẽ phải trả mức phí giám sát lên tới 0,1% thu nhập ròng
Hãng tin Reuters dẫn một tài liệu của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy các nền tảng trực tuyến mới dự kiến sẽ phải trả khoản phí lên tới 0,1% thu nhập ròng của mình để trang trải chi phí giám sát việc tuân thủ các quy tắc mới của Liên minh châu Âu (EU), mà yêu cầu các công ty này phải hành động nhiều hơn để kiểm soát nội dung của mình.
Theo tài liệu trên, mức phí giám sát hàng năm này sẽ dựa trên chi phí ước tính liên quan đến các nhiệm vụ giám sát của EC theo quy tắc trên. Mức phí này sẽ không vượt 0,1% thu nhập ròng hàng năm toàn cầu của các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến lớn (hoặc công cụ tìm kiếm lớn) trong năm tài chính trước đó.
Ủy viên phụ trách chống độc quyền của EU Margrethe Vestager đã trao đổi với các nhà lập pháp và các quốc gia thành viên vào tháng trước rằng mức phí này có thể “huy động” từ 20 triệu euro (22 triệu USD) đến 30 triệu euro mỗi năm.
Tài liệu trên cũng cho biết các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến lớn và các công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn không vì lợi nhuận sẽ được miễn phí, ví dụ như Wikipedia và các cơ quan nghiên cứu.
Nga tìm kiếm các nhà sản xuất vi mạch Trung Quốc
Nga đang tìm kiếm các nhà sản xuất vi mạch (microchip) tại Trung Quốc trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga làm gia tăng nhu cầu thẻ ngân hàng nội địa kết nối với hệ thống thanh toán Mir.
Ông Oleg Tishakov, một thành viên Ban giám đốc Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia của Nga (NSPK), cho biết Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu vi mạch do các nhà sản xuất châu Á ngừng sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 và các nhà cung ứng châu Âu dừng hợp tác với Nga do các biện pháp trừng phạt.
Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên dữ liệu của hệ thống, NSPK phát hành hơn 2 triệu thẻ Mir từ cuối năm 2021 đến tháng 3/2022, với tổng số thẻ còn lại là 116 triệu. Tất cả các ngân hàng lớn của Nga đã ghi nhận nhu cầu tăng đối với thẻ nội địa, trong đó một số được phát hành chung thương hiệu với UnionPay của Trung Quốc, một hệ thống thanh toán thay thế VisaCard và MasterCard để người Nga mua hàng ở nước ngoài.
Ngân hàng trung ương Australia phát tín hiệu tăng lãi suất vào giữa năm nay
Thông báo do Ngân hàng Dự trữ Australia RBA đưa ra sau cuộc họp ngày 5/4 cho biết lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên, cho dù có những lo ngại gia tăng xung quanh việc giá cả hàng hóa tăng cao, dẫn tới lạm phát tăng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng phát đi tín hiệu sẽ xem xét nâng lãi suất, sau khi Hội đồng quản trị có thêm các số liệu quan trọng về lạm phát và sự gia tăng chi phí lao động.
Hầu hết các ngân hàng đều tin rằng RBA sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay, tiến dần hơn tới mục tiêu nâng lãi suất lên 1,5% vào cuối năm 2023.
Khảo sát của Finder cho thấy 84% các nhà giao dịch tin rằng lãi suất của Australia sẽ tăng từ mức 0,1% lên 0,25% vào tháng Sáu tới, sau đó tăng liên tiếp khoảng 8 lần lên mức 1,5% vào cuối năm 2023.
Dự kiến cuộc họp Hội đồng quản trị RBA tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7/6 tới.
Thống đốc BoJ: Sự suy yếu của đồng yen diễn ra “khá nhanh”
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết sự suy yếu gần đây của đồng yen so với đồng USD diễn ra “khá nhanh”, trong bối cảnh có những lo ngại về tác động tiêu cực của điều này đối với sự phục hồi mong manh của nền kinh tế.
Bình luận trên là bình luận thể hiện quan điểm lớn nhất kể từ khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất của sáu năm hồi tháng 3/2022 giữa viễn cảnh sự chênh lệch trong chính sách tiền tệ giữa BoJ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ được nới rộng khi lạm phát gia tăng với tốc độ khác nhau tại nhật Bản và Mỹ.
Đồng yên yếu làm tăng chi phí nhập khẩu đối với Nhật Bản, vốn khan hiếm nguồn tài nguyên, nhưng cũng giúp các nhà xuất khẩu tăng lợi nhuận ở nước ngoài khi mang về nước. Thống đốc Kuroda đã nói rằng một đồng yen thấp là điều tích cực cho nền kinh tế nói chung.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đưa ra một gói tài chính vào cuối tháng 4/2022 nhằm giảm bớt những gánh nặng mà người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi giá cả cao hơn trong bối cảnh tăng trưởng lương ảm đạm.
Thống đốc Kuroda cho biết BoJ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 bằng chính sách tiền tệ của mình./