Cafeforexvn – Kết thúc phiên cuối tuần qua, thị trường chứng khoán phố Wall tiếp tục chìm trong sác đỏ sau khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát đi các tín hiệu cứng rắn về lãi suất trong thời gian tới. Xu hướng giảm cũng phủ bóng lên thị trường nhiên liệu và thị trường kim loại quý khi đồng USD mạnh lên.
Xu hướng thị trường

Triển vọng lãi suất “dai dẳng” phủ bóng chứng khoán Mỹ
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 33.826,69 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,3% xuống 4.079,09 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,6% xuống 11.787,27 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 0,3%; S&P 500 giảm 0,1% và Nasdaq tăng 0,6% so với tuần trước.
Triển vọng lãi suất cao tiếp tục phủ bóng lên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần (17/2), sau khi xuất hiện hàng loạt phát biểu mang tính “diều hâu” của các quan chức Fed làm dấy lên lo ngại về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai của ngân hàng trung ương.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại St Louis, ông James Bullard đã cảnh báo về những đợt tăng lãi suất tiếp theo. Ông nhận định, đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài chống lại lạm phát và có lẽ Fed sẽ cần tiếp tục thể hiện quyết tâm chống lạm phát khi bước sang năm 2023. Ông cũng không loại trừ khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng Ba.
Trước đó, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland cho rằng lãi suất cần phải tăng mạnh hơn và duy trì trong một thời gian.
Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt được nhiều tiến bộ hơn trong tiến trình kiểm soát lạm phát. Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin khẳng định ngân hàng trung ương vẫn cần tăng lãi suất, nhưng có thể giữ nguyên mức tăng 25 điểm cơ bản.
Khối lượng giao dịch trong phiên này khá hạn chế do thị trường Mỹ sẽ nghỉ lễ trong ngày 20/2.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng khoảng 6%, trong khi Nasdaq đã phục hồi khoảng 13% sau khi giảm sâu trong năm 2022. Tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn nhờ kỳ vọng vào kịch bản nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm” sau khi các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, lo ngại đang nổi lên rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong vài tháng tới.
Ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America dự báo Fed sẽ đưa ra thêm ba lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và mỗi lần tăng 0,25 điểm phần ram. Thị trường kỳ vọng, ít nhất Fed sẽ tăng lãi suất hai lần nữa và lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh 5,3% vào tháng 7/2023.
Theo Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), không chỉ kỳ vọng vào việc Fed nâng lãi suất đang tăng lên mà các nhà giao dịch cũng đang cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất cao hơn.
Vàng đi xuống tuần thứ 3 liên tiếp

pTuần gia, giá vàng thế giới đã đi xuống, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Tính trong cả tuần, giá vàng giảm 1,3%.
Giá vàng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm trong phiên cuối tuần 17/2, khi các nhà giao dịch nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, do lạm phát dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá vàng giao tháng 4/2023 giảm 1,6 USD, hay 0,09%, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.850,2 USD/ounce.
Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại công ty dịch vụ đầu tư vàng trực tuyến BullionVault (Anh) Adrian Ash cho rằng việc kinh tế Mỹ giảm tốc nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng và lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao dai dẳng đang dập tắt hy vọng Fed sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ và điều này đang gây sức ép lên giá vàng.
Giá dầu có xu hướng tiếp tục đà giảm
Phiên cuối tuần qua, giá dầu thế giới kỳ giảm phiên thứ tư liên tiếp, với giá dầu của Mỹ giảm hơn 4% trong cả tuần.
Theo Dow Jones Market Data, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Ba của Mỹ giảm 2,15 USD, hay 2,74%, xuống chốt phiên cuối tuần ở mức 76,34 USD/thùng tại New York và giảm 4,2% tính trong cả tuần qua. Giá dầu Brent giao tháng Tư giảm 2,14 USD, hay 2,51%, xuống 83 USD/thùng tại London và giảm 3,9% tính trong cả tuần qua.
Nhà phân tích thị trường Edward Moya tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), giá dầu giảm khi nguồn cung dồi dào và lại có những lo ngại về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẵn sàng cho việc tiếp tục tăng lãi suất.
Những phát biểu của các quan chức Fed đã dập tắt hy vọng về việc lãi suất sẽ sớm dừng tăng.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard, ngày 16/2 đã nói ông không loại trừ khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng Ba, sau khi tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng Hai. Ông nói thêm rằng nỗ lực chống lạm phát sẽ kéo dài.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland, Loretta Mester, nói cho rằng tình hình nền kinh tế cho thấy cần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp trong tháng này. Bà nhấn mạnh Fed phải chuẩn bị cho việc tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn cao.
Lãi suất tăng, đồng USD mạnh lên có thể khiến cho nhu cầu sản xuất trên toàn cầu giảm, từ đó khiến giá dầu đi xuống.
Vương Linh