
Bitcoin Maximalist là một thuật ngữ quen thuộc trong cộng đồng tiền kỹ thuật số, dùng để gọi những người theo chủ nghĩa tối đa Bitcoin. Đó là những người có niềm tin vững chắc vào đồng tiền này và không chấp nhận bất kỳ loại tiền điện tử nào khác.
Các Bitcoin Maximalist đang dần rời xa chủ nghĩa tối đa Bitcoin độc hại
Những ngày qua, chủ nghĩa tối đa độc hại đang một lần nữa trở thành tâm điểm tranh luận. Udi Wertheimer, một người ủng hộ Bitcoin có tiếng, đã khơi mào cuộc chiến, thách thức một quan điểm khá yếu ớt của nhiều hội nhóm tiền kỹ thuật số trên các cộng đồng mạng rằng Bitcoin là loại tài sản tiền kỹ thuật số thực sự và duy nhất.
Trên tài khoản Twitter của mình, Udi Wertheimer viết: “Cố ý đẩy mọi người rời khỏi Bitcoin trong ngắn hạn, theo quan điểm của tôi, là hành động trái đạo đức. Việc kiểm soát không phải một điều gì hay ho cả.”
Udi Wertheimer cũng đặt câu hỏi về phản ứng khá gay gắt của rất nhiều người ủng hộ Bitcoin khi có ai đó có những lời nói không hay ho về đồng tiền này, hoặc đề cập tới những điều thú vị về các loại tiền kỹ thuật số khác trên các nền tảng khác. Mọi loại “tiền kỹ thuật số” mà không phải thì đều là lừa đảo. Tất cả những người thấy các đồng tiền số khác đem lại lợi nhuận thì đều là những kẻ lừa đảo.
Dù không gọi tên ai cụ thể, nhưng đây là một ví dụ cho thấy phản ứng của một người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng Bitcoin với tổng thống El Salvador Nayib Bukele, sau quyết định chấp nhận Bitcoin là đồng tiền thanh toán quốc gia, ngang hàng với đồng USD – một phép thử để xem tiền kỹ thuật số phù hợp đến đâu với việc sử dụng hàng ngày.
Sự độc hại của Bitcoin có vẻ chỉ là một vấn đề nhỏ. Điều vô lý ở đây là cuộc chiến này được khơi ra bởi một người đứng ở vị trí của bên thứ ba. Internet không phải thế giới thật. Các dòng tweet nhiều vô hạn trên Twitter rõ ràng rất ngớ ngẩn. Nhưng không thể phủ nhận, Udi Wertheimer cũng có lý.
Nhiều nhân vật của công chúng đã phải gánh chịu những phản ứng gay gắt khi đưa ra các quan điểm trái chiều với suy nghĩ của những người ủng hộ Bitcoin cực đoan. Tác giả của cuốn sách “Thiên nga đen” Nassim Taleb hay giám đốc truyền thông Neeraj Agrawal của Coin Center là hai trong số này. Nhưng với nhiều người, bị những người theo chủ nghĩa tối đa Bitcoin thuyết phục lại là một trải nghiệm đáng kinh ngạc.
Khi Bitcoin đang ngày càng trở nên nổi bật cả trên mạng Internet lẫn trong nền kinh tế toàn cầu, đồng tiền này cũng trở thành trọng tâm để một ai đó thể hiện cái tôi. Bitcoin lúc này không chỉ là một dạng tài sản để nắm giữ mà còn là một phong trào đang thu hút sự tham gia của không ít người. Sự cuồng tín cực đoan khiến những cuộc tấn công vào mạng lưới Bitcoin trở thành cuộc tấn công vào một cá nhân. Nó cũng không cho phép những người chưa “tìm hiểu” về Bitcoin tham gia cộng đồng này, hoặc có thể gặp phải rắc rối bởi những tác động nó gây ra ngoài đời thực.
Xem thêm: Tại sao cổ phiếu Salesforce giảm 4% vào phiên thứ Hai?
Như Wertheimer lập luận, chủ nghĩa tối đa Bitcoin đang ngày càng trở nên yếu ớt hơn. Chủ nghĩa tối đa Bitcoin ra đời vào năm 2017, khi cộng đồng Bitcoin bị chia rẽ vì câu hỏi về kích thước khối (block). Đây vốn chỉ là một cuộc tranh luận mang tính kỹ thuật về việc thay đổi một vài thông số hẹp của mã nguồn Bitcoin, nhưng trọng tâm của nó nhanh chóng chuyển sang cuộc tranh cãi về Bitcoin là gì. Các nhà phát triển nên coi Bitcoin là hệ thống “tiền mặt kỹ thuật số” hay nên coi Bitcoin là “vàng kỹ thuật số”?
Nhóm đầu tiên – những người theo đuổi ý tưởng coi Bitcoin là tiền mặt kỹ thuật số muốn số lượng giao dịch trên mỗi giây tăng lên, biến đồng tiền kỹ thuật số này thành một loại tiền tệ hữu dụng – bị coi là những kẻ xấu xa. (Có những lo ngại chính đáng về việc tăng kích thước các block như: các block lớn hơn sẽ làm giảm phí giao dịch; khả năng mở rộng thực sự có thể sẽ yêu cầu hệ thống 2 lớp, bất kể kích thước block ra sao; và quan trọng nhất, các block lớn hơn sẽ khiến việc chạy node khó hơn, do đó làm giảm giá trị của sự phân quyền Bitcoin.) Rất nhiều người theo quan điểm này giờ đây đã bị gạt sang một bên.
Nhóm còn lại ủng hộ ý tưởng rằng Bitcoin là một cuộc “cải cách” trong lịch sử tiền tệ. Nó tước bỏ quyền kiểm soát tài chính khỏi các nhà kỹ trị và trao quyền cho các cá nhân đang theo đuổi con đường riêng của mình. Thậm chí “chủ nghĩa tối đa Bitcoin” còn được ví với trong trào cải cách Puritanism của Anh hồi cuối những năm 1500. Bitcoin đã trở thành một thuộc địa của tâm trí. Các ý tưởng về Bitcoin trở nên cứng rắn hơn, phạm vi các cuộc tranh luận bị thu hẹp lại và những kẻ dị đoan giờ đã trở thành kẻ ngoại đạo. Bỏ qua những mơ mộng về quá trình siêu bitcoin hóa, phần lớn các động thái trên đều diễn ra một cách thiện chí.
“Năm 2017, chủ nghĩa phân lập là một phản ứng thích hợp khi thực sự có những người muốn phá hoại sự phát triển của Bitcoin,” Wertheimer nói. “Nhưng năm 2021 đã hoàn toàn khác biệt. Những hội nhóm ưa chuộng Bitcoin mới hình thành không cố gắng làm tổn thương ai, và chủ nghĩa phân lập cũng không cố gắng đạt được mục tiêu là ‘giáo dục’ những người khác.”
Wertheimer là một người theo chủ nghĩa Bitcoin Maximalist, nhưng quan điểm của anh đang dần trở nên mềm mỏng hơn. Và anh không phải là trường hợp duy nhất. Eric Wall, một nhà nghiên cứu và là nhà đầu tư chính của Arcane Assets, gần đây cũng đã bắt đầu chống lại chủ nghĩa tối đa độc hại.
Eric Wall đã từng trao đổi về sự hình thành đặc điểm riêng của mỗi loại tiền kỹ thuật số, giá trị mà chúng cung cấp và khả năng thay đổi suy nghĩ của mọi người. Câu chuyện của Eric Wall là một câu chuyện về sự thay đổi mang tính cá nhân, nhưng nó không đề cập tới niềm tin của riêng một cá nhân bất kỳ nào nào – không phải niềm tin của Wertheimer hay của chính bản thân anh – mà là câu chuyện về sự định hướng cộng đồng. Nó cũng áp dụng cho các loại hình chủ nghĩa tối đa blockchain khác.
Sức mạnh thể hiện quyền lực tối cao của Bitcoin được tạo nên bởi những người muốn Bitcoin thành công trở thành loại tài sản khan hiếm được chấp nhận trên toàn cầu.
“Để Bitcoin có thể cạnh tranh với tư cách là tài sản có giá trị lưu trữ, chúng ta cần đảm bảo rằng nó phải duy trì được vị trí là tài sản số một,” Eric Wall nói. “Nếu Bitcoin bị thay thế bởi Ethereum và sau đó Ethereum bị thay thế bởi Solana, rồi Solana lại bị thay thế bởi bất kỳ đồng tiền kỹ thuật số tiếp theo nào, thì sẽ rất khó để nói rằng chúng ta đã thực sự phát minh ra vàng kỹ thuật số.”
Đó là mục tiêu mà Eric Wall nói sẽ “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” để đạt được. Nhưng việc tạo ra “một giải pháp thay thế cho đồng fiat” không loại trừ sự thành công của các ứng dụng hoặc công cụ dựa trên blockchain khác.
Wall là một nhà nghiên cứu tận tâm, ngoại trừ đôi lúc tỏ ra khá vụng về. Anh bị coi là kẻ thù của các hội nhóm tiền kỹ thuật số – những người được gắn mác là theo đối chủ nghĩa tối đa Cardano, Ethereum và Bitcoin – vì thường sử dụng tài khoản thật của mình để đặt ra những câu hỏi khó nhằn về các chuỗi này. Trong nhiều năm, anh đã hoài nghi về Ethereum và tin rằng theo thời gian, thông qua các giải pháp mở rộng quy mô, Bitcoin có thể đạt được chức năng tương tự như cái được gọi là “máy tính của thế giới”.
“Tôi từng tin rằng Bitcoin nên là lớp cơ sở của mọi thứ và chúng ta chỉ nên xây dựng các giải pháp lớp 2 phía trên lớp cở sở này để tăng cường tính linh hoạt,” Wall nói. Tuy nhiên, quan sát kỹ hơn một chút, Wall phát hiện ra rằng những tiện ích bổ sung này không đáp ứng được mong đợi của mọi người. Ngoại trừ Lightning Network, tất cả đều chỉ nói lại vấn đề về “niềm tin” – một vấn đề mà Bitcoin đã giải quyết xong, đó là cho phép các bên tương tác ngang hàng mà không cần qua bên trung gian.
Ethereum thì không như vậy. Ethereum cũng gặp phải các vấn đề riêng khi mở rộng, nhưng đã nhanh chóng tìm thấy các giải pháp “linh hoạt”, “phong phú về tính năng” và “phi tập trung”. “Đó là điều khiến tôi bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về việc liệu Bitcoin có phải là tài sản duy nhất có vai trò trong hệ sinh thái tiền điện tử hay không,” Wall nói. Theo anh, blockchain có thể là những hệ thống bổ sung cho nhau.
Sự thay đổi này, cả về mặt tư tưởng và tài chính, khiến anh rơi vào tính thế “đối đầu” với một số người ưa thích Bitcoin cực đoan. Nguyên nhân là bởi, khi mọi người đầu tư mà chỉ nhìn vào những triển vọng của blockchain, “họ cảm thấy không có cách nào để rút lui hoặc thay đổi suy nghĩ của mình trước những thông tin hoặc bằng chứng mới.”
Nhưng thị trường tiền điện tử lại hoạt động 24/7 và mọi thông tin thì luôn luôn hiện hữu.
“Khi nhận ra điều này, điều duy nhất tôi phải làm là mua một ít Ether để kiểm chứng niềm tin của mình,” anh nói. “Bây giờ tôi không còn sợ Ether sẽ trở nên thành công nữa.”
Đỗ Hiền-Theo coindesk