Hai thượng nghị sĩ Mỹ có kế hoạch đề xuất một dự luật trong tuần này nhằm cho phép chính phủ “cấm hoặc ngăn cản” các sản phẩm công nghệ nước ngoài như TikTok do Trung Quốc sở hữu.
Giới chức Mỹ nhắm tới TikTok trong dự luật sắp đề xuất

Thông tin trên do Thượng nghị sĩ Mark Warner đưa ra hôm 5/3 trên chương trình Fox News Sunday. Ông Warner, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, lưu ý nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok sẽ là “một trong những đối tượng tiềm năng” để xem xét theo dự luật.
Thượng nghị sĩ Warner bày tỏ lo ngại rằng TikTok “có thể là một công cụ tuyên truyền” dựa trên các loại video mà nền tảng này gửi cho người dùng.
Theo vị nghị sĩ này, khi cân nhắc các công nghệ nước ngoài tiến vào thị trường Mỹ, chính phủ phải xây dựng một cách tiếp cận có hệ thống để đảm bảo rằng nước này có thể cấm hoặc ngăn cản sử dụng nó khi cần thiết.
Ông Warrner cho biết ông dự định giới thiệu dự luật trong tuần này với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Thune. Người phát ngôn của ông Warner cho biết hai vị nghị sĩ dự kiến sẽ đưa ra thông báo chính thức vào thứ Ba (7/3 theo giờ địa phương).
Tuy nhiên, chưa có bất cứ thông tin chi tiết nào về dự luật được đề xuất tính tới ngày 5/3.
Dự luật được đưa ra vào thời điểm TikTok đang chịu áp lực ngày càng lớn trước những lo ngại tính bảo mật dữ liệu.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 1/3 đã bỏ phiếu để trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm ứng dụng TikTok. Đây sẽ là lần hạn chế sâu rộng nhất của Chính phủ Mỹ đối với bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào.
Foxconn tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất chip và xe điện ở Ấn Độ

Nhà cung cấp của Apple Foxconn ngày 4/3 cho biết họ đang tìm kiếm cơ hội hợp tác mới ở Ấn Độ để phát triển các lĩnh vực như chip và xe điện sau chuyến thăm đến quốc gia Nam Á của Chủ tịch tập đoàn Liu Young-way.
Apple đã dịch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch COVID-19 được thực hiện tại nước này làm gián đoạn quá trình sản xuất mẫu iPhone mới và các thiết bị khác. Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là nguyên nhân khiến Apple thực hiện bước đi này.
Tháng 1/2023, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cho biết Apple, công ty đã bắt đầu lắp ráp iPhone tại nước này từ năm 2017 thông qua tập đoàn Wistron và sau đó là tập đoàn Foxconn, bày tỏ mong muốn nâng sản lượng tại Ấn Độ lên 25%, từ mức chỉ 5-7% hiện tại.
Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry, cho biết Chủ tịch Liu đã đến thăm Ấn Độ từ ngày 27/2.
Foxconn có những kế hoạch đầy tham vọng để sản xuất xe điện và cũng đang tìm cách sản xuất chip.
Chính quyền bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ hôm 3/3 cho biết đã dành riêng một khoảng đất rộng 300 mẫu Anh (120 ha) để xây dựng một nhà máy lắp ráp iPhone. Hiện tại, iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ bởi ít nhất ba nhà cung cấp toàn cầu là Foxconn và Pegatron ở bang Tamil Nadu và Wistron ở bang Karnataka.
40% doanh nghiệp muốn BoJ giảm quy mô chính sách nới lỏng tiền tệ
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu Teikoku Databank Ltd. cho thấy khoảng 40% các công ty muốn Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giảm quy mô chính sách tiền tệ siêu lỏng trong năm tới.
Trong số khoảng 1.000 người được phỏng vấn, 39,6% kêu gọi giảm quy mô chương trình kích thích, trong khi 36,4% cho rằng ngân hàng trung ương BoJ nên duy trì chính sách hiện tại nhằm giữ lãi suất ở mức rất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
“Mặc dù nhiều người cho rằng BoJ nên xem xét lại chiến lược nới lỏng tiền tệ chưa từng có, nhưng họ vẫn lo ngại về những rủi ro do thay đổi chính sách đột ngột và kêu gọi thay đổi dần dần”, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo này cho biết.
Trong cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào giữa tháng 2/2023 có 17,6% người được phỏng vấn cho biết họ muốn BoJ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi 6,4% ủng hộ việc thắt chặt chính sách mà Thống đốc Haruhiko Kuroda theo đuổi.
BoJ giữ lãi suất ngắn hạn và dài hạn ở mức cực thấp thông qua chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình. Mặc dù giúp thúc đẩy nền kinh tế, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra những tác dụng phụ, bao gồm việc đồng yen mất giá quá mức và làm méo mó thị trường trái phiếu.
Mỹ: Lãi suất cho vay thế chấp tăng trở lại do lo ngại lạm phát
Theo nhật báo Mortgage News Daily, lãi suất trung bình của khoản vay thế chấp cố định 30 năm tại Mỹ đã tăng trở lại vượt ngưỡng 7% vào ngày 2/3 (7,1%).
Lo ngại ngày càng tăng về khả năng lạm phát không “hạ nhiệt” đang đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn. Lãi suất thế chấp thường neo theo lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ.
Mặc dù quỹ đạo của lãi suất này hiện có vẻ tăng cao hơn trở lại, nhưng điều đó không được đảm bảo sẽ diễn ra trong dài hạn.
Matthew Graham, Giám đốc điều hành của Mortgage News Daily cho biết: “Tỷ lệ lãi suất thế chấp tiếp tục biến động theo các dữ liệu kinh tế. Điều này thật đáng ngại vì tuần tới sẽ có thêm nhiều dữ liệu quan trọng hơn nữa từ nền kinh tế Mỹ được công bố”.
Tỷ lệ lãi suất cho vay thế chấp đã tăng lên hơn 7% vào tháng 10 năm ngoái. Đó là mức cao nhất trong hơn 20 năm. Nhưng mức lãi suất này đã hạ dần trong những tháng sau đó, khi lạm phát dường như đang giảm bớt. Vào giữa tháng 1/2023, lãi suất cho vay thế chấp đã chạm mức 6%, thúc đẩy lượng người ký hợp đồng mua nhà sẵn có tăng vọt.
Theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia, doanh số bán nhà đang chờ xử lý trong tháng 1/2023 đã tăng mạnh bất ngờ 8% so với tháng 12/2022. Nhưng bốn tuần qua thật khó khăn, khi lãi suất thế chấp tăng 1 điểm phần trăm kể từ đầu tháng Hai.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp, tình trạng trên dẫn tới số đơn xin vay thế chấp của người mua nhà đã giảm trong tháng qua và tuần trước đã chạm mức thấp nhất trong 28 năm.