Cafeforexvn – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến để phù hợp với những số liệu mạnh mẽ gần đây của nền kinh tế cũng như sẵn sàng thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát lạm phát nếu cần thiết. Đây là nhận định được Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 7/3.
Fed có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến

Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, người đứng đầu Fed cho biết những dữ liệu kinh tế mới nhất cao hơn dự kiến cho thấy mức lãi suất cuối cùng mà cơ quan này áp dụng có thể sẽ cao hơn dự báo trước đó. Nhận định này được ông Powell lần đầu tiên đưa ra kể từ khi chính phủ Mỹ công bố các số liệu cho thấy số lượng việc làm tăng cao và lạm phát bất ngờ tăng trở lại vào tháng 1/2023.
Mặc dù nguyên nhân của những số liệu kinh tế mạnh mẽ này có thể do thời tiết ấm áp và các hiệu ứng theo mùa khác, nhưng theo ông Powell, Fed nhận định đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ cần phải làm nhiều hơn để kiềm chế lạm phát, thậm chí quay lại với các đợt tăng lãi suất cao hơn mức 0,25 điểm phần trăm mà Fed dự kiến áp dụng.
Ông Powell lưu ý nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng chính sách tiền tệ cần phải thắt chặt hơn thì Fed sẵn sàng nâng cao mức tăng lãi suất.
Fed sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo trong 2 ngày 21- 22/3, sau khi các báo cáo về tình hình lạm phát và việc làm hàng tháng của chính phủ được công bố vào cuối tuần này. Các thành viên của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sẽ đưa ra các chất vấn sau bản báo cáo của ông Powell và một phiên điều trần tương tự sẽ tiếp tục được Ủy ban Tài chính Hạ viện tổ chức vào ngày 8/3 tới./.
Kinh tế Châu Á – Nhật Bản thâm hụt tài khoản vãng lai cao nhất từ trước tới nay

Ngày 8/3, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo trong tháng 1/2023, tài khoản vãng lai của nước này bị thâm hụt tới 1.980 tỷ yen (khoảng 14 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu do giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất của Nhật Bản trước đó là 1.460 tỷ yen được ghi nhận vào năm 2014.
Cụ thể, trong kỳ báo cáo, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản tăng 22,3% lên 10.000 tỷ yen, chủ yếu do sự gia tăng của kim ngạch nhập khẩu than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 3,4% lên 6.820 tỷ yen. Kết quả là Nhật Bản bị thâm hụt thương mại hàng hóa lên tới 3.180 tỷ yen, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng là do các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở nước này đến sớm hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, giá năng lượng nhập khẩu tăng cao và sự mất giá của đồng yen cũng tác động tiêu cực tới cán cân thương mại của Nhật Bản.
Trong khi đó, cán cân thương mại dịch vụ của Nhật Bản chỉ bị thâm hụt 758,4 tỷ yen, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thặng dư du lịch tăng khoảng 14 lần trong bối cảnh số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, cán cân thu nhập của Nhật Bản đạt thặng dư 2.290 tỷ yen, phản ánh thu nhập lãi cao hơn trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã tăng lãi suất để chống lạm phát, đẩy lợi suất trái phiếu nước ngoài tăng.
TSMC có kế hoạch bổ sung hơn 6.000 việc làm trong năm nay
“Gã khổng lồ” ngành bán dẫn TSMC có kế hoạch bổ sung hơn 6.000 việc làm trong năm nay, bất chấp nhu cầu về chip đang giảm dần.
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới đang tìm cách tuyển dụng các kỹ sư và nhà điều hành dây chuyền sản xuất mới trên khắp cơ sở của họ ở Đài Loan (Trung Quốc), tại các thành phố Tân Trúc, Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng.
Những người mà TSMC đang tuyển dụng trải khá rộng, từ các chuyên gia có kinh nghiệm và những người lần đầu tìm việc, bao gồm cả những sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
TSMC đang tìm kiếm các ứng viên được đào tạo cơ bản trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau, cũng như tài chính, quản lý và nhân sự.
TSMC ước tính sẽ sản xuất khoảng 90% chip siêu tiên tiến trên thế giới. Đây là một trong những công ty niêm yết trên có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, với vốn hóa thị trường là 13.300 tỷ đô la Đài Loan (khoảng 435,4 tỷ USD) tính đến ngày 6/3.
Ở châu Á, vốn hóa thị trường của TSMC hiện đang ngang bằng với “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent, với trị giá hơn khoảng 3.500 tỷ đô la Hong Kong (448,4 tỷ USD).
Đợt tuyển dụng rầm rộ của nhà sản xuất chip Đài Loan diễn ra đồng thời với sự sụt giảm tổng thể về nhu cầu chip toàn cầu, do người tiêu dùng trên toàn thế giới mua ít đồ điện tử hơn giữa bối cảnh lạm phát cao và suy thoái kinh tế lan rộng.
Vào tháng 1/2023, TSMC đã công bố doanh thu cao, nhưng cảnh báo về sự sụt giảm doanh thu trong sáu tháng đầu năm nay. Giám đốc điều hành TSMC CC Wei nói với các nhà phân tích rằng hãng dự kiến sẽ “phục hồi lành mạnh” vào cuối năm 2023, với doanh thu dự kiến sẽ tăng trở lại.
Rivian Automotive có kế hoạch phát hành 1,3 tỷ USD trái phiếu
Rivian Automotive có kế hoạch phát hành 1,3 tỷ USD trái phiếu, khi nhu cầu thấp và chi phí cao đã làm gia tăng những khó khăn về tiền mặt của các hãng sản xuất xe điện.
Giá cổ phiếu của Rivian giảm gần 7% trong giao dịch ngoài giờ.
Các nhà đầu tư ban đầu sẽ có quyền chọn mua thêm 200 triệu USD trái phiếu 13 ngày sau khi trái phiếu được phát hành.
Người phát ngôn của Rivian cho biết, số vốn huy động được sẽ góp phần hỗ trợ việc ra mắt xe R2 của Rivian.
Hãng ô tô có trụ sở tại Irvine, California sản xuất xe tải điện R1T và xe SUV R1S này cho biết nguồn tiền mặt sẽ được chi cho các hoạt động đến năm 2025.
Rivian cho biết có lượng tiền mặt và tương đương tiền mặt 11,57 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022, giảm so với mức 13,27 tỷ USD trong quý trước.
Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, hãng đã sa thải 6% lực lượng lao động trong tháng trước.
Cuối năm ngoái, Rivian đã hủy kế hoạch sản xuất xe tải giao hàng tại châu Âu với Mercedes và trước đó đã lùi kế hoạch ra mắt xe R2 một năm đến năm 2026./.
Thị trường khí đốt đã thay đổi căn bản sau xung đột
Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Chevron Corp, Mike Wirth nhận định thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu về lâu dài đã thay đổi cơ bản hơn so với thị trường dầu mỏ do xung đột Nga-Ukraine.
Ông Wirth cho biết châu Âu đã từ bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và không có ý định thay đổi điều đó trong tương lai. Ông Wirth nói thêm triển vọng ngừng hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga đến châu Âu đồng nghĩa với việc những thay đổi sẽ kéo dài. Theo ông, thị trường khí đốt đã thay đổi cấu trúc.
Theo ông Wirth, dầu của Nga vẫn đang tiếp cận thị trường, nhưng với các mức giá khác nhau, khi các con tàu di chuyển quãng đường dài hơn để vận chuyển dầu thô và nhiên liệu của Nga tới các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt.
Thực trạng trên đã khiến thị trường dầu mỏ và hậu cần trở nên căng thẳng và dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào.
Ông Wirth cho biết việc duy trì nguồn cung an toàn và giá cả phải chăng cùng với chuyển đổi năng lượng sang ngành công nghiệp giảm phát thải trong tương lai là một trong những thách thức lớn nhất mọi thời đại.
Ông Wirth cảnh báo quá trình chuyển đổi năng lượng thiếu trật tự có thể gây “đau đớn và hỗn loạn”.
Trong một diễn biến liên quan kinh tế thế giới hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez, cho biết nước này muốn sản lượng dầu gia tăng. Ông Fernandez nhận định khi các nền kinh tế trên thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ sẽ cao hơn. Theo đó, ông kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng.
Vương Linh