Bitcoin tiếp tục giữ được ngưỡng trên 20.000 USD ngày thứ ba liên tiếp.

Tại thời điểm viết bài, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất theo vốn hóa thị trường giao dịch ở mức khoảng 20.600 USD, tăng hơn 1% trong vòng 24 giờ. Bitcoin đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 20.000 USD vào tuần trước, trước một đợt tăng muộn vào cuối tuần.
Nhiều nhà phân tích đã có một cái nhìn rõ ràng rằng môi trường tiền kỹ thuật số hiện tại đang phải chịu tác động kép từ những vấn đề nội tại của lĩnh vực tiền số và sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô. Họ cho rằng giá sẽ không sớm tăng, trừ khi có một bước ngoặt bất ngờ theo hướng có lợi trong cuộc chiến chống lại lạm phát.
Xem thêm: AVAX có giữ được quỹ đạo giá sau khi tăng 8% không?
“Bạn đang thấy sự sụp đổ ngoài kia,” David Nage, giám đốc danh mục đầu tư của công ty quản lý tài sản Arca nói với CoinDesk. “Bạn đang thấy Celsius. Bạn đang thấy Voyager. Bạn đang thấy BlockFi. Bạn đang thấy hàng loại những tin xấu khác xuất hiện trong vài tháng qua.”
Dù vậy, ông Nage cũng nhìn nhận tích cực về Bitcoin khi có thể duy trì phạm vi 18.000-20.000 USD trong phần lớn thời gian của tháng trước. “Bitcoin đã giữ ổn định quanh mô hình giao dịch này,” ông nhận định và nói thêm: “Chúng ta nói về tài sản kỹ thuật số như một thứ sẽ xảy ra và thay đổi theo xã hội cũng như hệ thống kinh tế của chúng ta. Bitcoin chắc chắn là một phần của điều đó.”
Ether, đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, giao dịch ở khoảng 1.190 USD, tăng hơn 5% trong cùng kỳ. Các loại tiền kỹ thuật số lớn khác cũng tăng một chút, với STORJ có thời điểm tăng gần 6% và RUNE tăng hơn 5%. Trong khi đó, token CEL của công ty cho vay tiền kỹ thuật số đang gặp khó khăn Celsius đã giảm hơn 8%.

Liên quan tới các yếu tố vĩ mô, những nhà đầu tư đang lo ngại về nỗ lực kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ có thể đã thất vọng thêm khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy quyết tâm vững chắc của họ đối với chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại.
Các số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố sáng thứ Tư (6/7) cho thấy hoạt động tuyển dụng vẫn mạnh mẽ trong tháng 5 – phản ánh nền kinh tế chưa hạ nhiệt đủ để ngăn chặn áp lực lạm phát.
Các tin tức về ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số tập trung vào việc Voyager Digital đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 (chapter 11) hôm thứ Ba (4/7). Điều này sẽ cho phép Voyager Digital tái cơ cấu với mục đích trả lại ít nhất một phần nợ của mình. Voyager Digital đệ đơn phá sản chỉ vài ngày sau quỹ phòng hộ tiền kỹ thuật số Three Arrows Capital.
Quỹ này đã nộp đơn yêu cầu bảo vệ theo Chương 15 (chapter 15) nhằm bảo vệ tài sản của mình tại Mỹ, sau khi nhận được lệnh thanh lý tài sản của một tòa án ở Quần đảo Virgin thuộc Anh trước đó.
Công ty Voyager ước tính rằng họ có hơn 100.000 chủ nợ với tài sản từ 1 tỷ đến 10 tỷ USD. Công ty này đã ghi nhận phạm vi tương tự cho các khoản nợ của mình, và đối mặt với việc Sở giao dịch chứng khoán Toronto hủy niêm yết. Trong khi đó, công ty cho vay tiền kỹ thuật số CoinLoan đã hạn chế và sàn giao dịch kỳ hạn tiền kỹ thuật số CoinFLEX đã tạm dừng việc rút tiền trong những ngày gần đây.
“Thị trường lành mạnh”
Ông Nage từ Arca lưu ý một cách lạc quan về “một số bình thường hóa…, một số thị trường lành mạnh” trong dòng vốn gần đây chảy vào các dự án tài sản kỹ thuật số. “Cứ gọi nó là mùa đông tiền kỹ thuật số hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn, nếu nhìn vào khía cạnh liên doanh và tư nhân, những gì chúng ta đang thấy là hoạt động thực sự lành mạnh từ các thị trường tư nhân,” ông nói.
Ông cũng nói thêm về viễn cảnh rộng lớn hơn cho ngành: “Chúng ta tiếp tục có thêm một vài hỗn loạn trong hệ sinh thái tiền kỹ thuật số, tâm lý có thể sẽ chạm mức thấp nhất và sau đó chúng ta có thể sẽ phục hồi. Nhưng sẽ còn lâu nữa. Từ quan điểm về thị trường tư nhân, chúng tôi đang nói với những người sáng lập công ty rằng hãy thực sự chuẩn bị tinh thần cho khoảng thời gian ít nhất là hai năm nữa.”
Mối tương quan với thị trường chứng khoán ngày một gia tăng
Trong phần lớn lịch sử ngắn ngủi của mình, Bitcoin không tương quan với các thị trường truyền thống. Điều này được cho là một điều đáng mơ ước đối với các nhà đầu tư khi nhìn nhận về suy thoái. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Coin Metrics, mối tương quan của Bitcoin với chứng khoán Mỹ, cụ thể là với chỉ số S&P 500, đã tăng lên đáng kể kể từ tháng 3/2020.
“Mối tương quan đạt mức mới cao nhất mọi thời đại trong quý 2/2022, với Bitcoin và chứng khoán Mỹ gần như chuyển động trong một nhịp,” Coin Metrics cho biết trong một bản tin. “Đồng thời, Bitcoin cũng ngày càng ngược chiều so với các chỉ số rủi ro như VIX.”
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào tuần tới có thể cho thấy các chính sách tiền tệ thắt chặt gần đây của FED liệu có hiệu quả hay không. Nếu giá cả giảm và các chỉ số kinh tế khác cũng tiếp tục đà giảm gần đây, các nhà đầu tư có thể cảm thấy tin tưởng hơn rằng Mỹ đang phần nào giải quyết được các vấn đề kép về lạm phát và khả năng suy giảm kinh tế. Nếu chỉ số CPI tiếp tục tăng, thị trường có thể sẽ kém lạc quan.
