
Nhất tình, nhì nghĩa, tam tiền.
Những ai bước vào mối quan hệ tình cảm với thói quen tài chính chuẩn mực sẽ có thể sống hạnh phúc hơn, nhưng để tình yêu thăng hoa, bạn cần phải kết hợp các kỹ năng lại với nhau để tận dụng tối đa nguồn thu nhập từ hai người và đạt được những mục tiêu và ước mơ chung.
Việc lập kế hoạch tài chính có thể dễ gây thất vọng và xích mích vì mỗi cá nhân đều có những thái độ khác nhau đối với việc tiết kiệm và chi tiêu hoặc cả hai đều không biết chắc số tiền của mình nên rót vào đâu.
Các cặp đôi không nhất thiết phải giàu có khi muốn quản trị tài chính hiệu quả. Vấn đề trọng tâm nằm ở việc quản lý số tiền bạn đang có và phân bổ chúng một cách hiệu quả cho những thứ có giá trị đối với bạn và những thứ bạn muốn làm trong cuộc sống này. Điều này cũng xuất phát từ việc hiểu rõ thói quen tiền bạc của bạn và người bạn đời.
Không có bách khoa toàn thư nào chỉ dẫn cách quản lý tiền bạc hiệu quả cho các cặp đôi bởi vì, mỗi cặp đôi đều mong muốn những điều khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có những cách để bạn cùng đối tác của mình nâng cao giá trị tài sản trong khi vẫn hạn chế tối thiểu phát sinh tranh cãi.
Dưới đây là 10 thói quen có thể giúp các bạn trở thành cặp đôi “cùng tiến” trong vấn đề tiền bạc và mẹo hay để đạt được điều đó.
10 thói quen đáng học hỏi của các cặp đôi thành công về tài chính
1. Định rõ các khoản chi tiêu chung và chi tiêu cá nhân
Thói quen này có thể giúp bạn tránh trường hợp cùng chi tiêu cho một thứ mà cả hai đều đang phải trả phí (không ít cặp đôi đã trải qua điều này) và giúp bạn hình dung về mức tổng chi phí tiêu xài chung để sử dụng đồng tiền hợp lý hơn, từ đó hình thành thói quen lập kế hoạch chi tiêu cùng nhau.
Hãy viết ra giấy hoặc dưới dạng văn bản danh sách các hạng mục chi phí cá nhân và chi phí chung.
Vậy các chi phí đó là gì? Chi phí chung chính là chi phí thường kỳ mà cả hai bạn đều phải trả hàng tháng.
Ví dụ điển hình về chi phí chung là hóa đơn tiền thuê nhà, tiền thế chấp, tiền nước và tiền điện. Khi làm xong bước này, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ và thảo luận về các khoản chi phí khác mà hai bạn đang cùng nhau gánh vác mỗi tháng, chẳng hạn như tiền ăn uống và các khoản tiền chi trả cho dịch vụ đăng ký hàng tháng.
Sau đó, hãy tự lập danh sách các chi phí cá nhân của bạn, tức là các hạng mục mà mỗi người tự trả riêng với nhau, chẳng hạn như phí thành viên phòng gym, quà tặng cho bạn bè và kế đến hãy xác định xem bạn thường chi ra bao nhiêu tiền cho những thứ mình muốn.
2. Xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân
Hãy đối mặt với các điểm mạnh cũng như điểm yếu của chính mình. Không phải ai cũng nắm được tất cả các bí quyết tài chính khi bắt đầu mối quan hệ với nhau. Thay vì mong đợi một người vốn có tinh thần tự do thoải mái như người bạn đời kia trở nên siêu việt trong các vấn đề cần tính toán phức tạp, bạn hãy nghĩ xem nửa kia của mình có thể đóng góp vào mối quan hệ tài chính của cả hai như thế nào là tốt nhất .
Ví dụ, người nào trong số các bạn có tính ngăn nắp hơn thì người đó nên được chỉ định nhiệm vụ quản lý tài chính.
Người còn lại có thể giúp đỡ bằng cách cố gắng làm ra tiền nhiều hơn hoặc đảm bảo cho bạn đời của mình không phải dành quá nhiều thời gian cho những con số đến mức không thể tận hưởng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, chẳng hạn như thỉnh thoảng đi ăn tối ở nhà hàng.
Hãy tìm ra cách để mỗi người có thể gánh vác một phần trách nhiệm tài chính mà vẫn cảm thấy vui vẻ chứ không phải như một công việc vặt.
3. Nắm rõ nhu cầu, mong muốn và mục tiêu của bản thân
Những cặp đôi biết cách quản lý nguồn thu nhập một cách hiệu quả sẽ biết phân chia rạch ròi giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để có thể phân bổ tiền lương phù hợp cho tương lai gần và thời kỳ sau này.
Ví dụ, bằng cách phân bổ theo quy tắc 50/30/20 (50% cho nhu cầu, 30% cho sở thích và 20% cho tài khoản tiết kiệm), bạn có thể lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả với số tiền của mình thay vì chỉ chăm chăm tiết kiệm và chi tiêu lúc nhiều lúc ít một cách bất thường.
Ví dụ, cặp vợ chồng có tổng thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng có thể phân bổ 10 triệu cho các loại hóa đơn và chi phí chung hàng tháng (nhu cầu), 6 triệu cho chuyến du lịch từ TPHCM đến Vũng Tàu để hâm nóng tình cảm (sở thích) và 4 triệu còn lại cho quỹ khẩn cấp và tài khoản tiết kiệm.
4. Tìm hiểu về lịch sử hình thành thói quen tài chính của nhau
Khi tham gia xây dựng mối quan hệ, các cặp đôi thường sẽ gặp không ít khó khăn khi nói đến vấn đề tiền nong. Một số bậc phụ huynh có thể đã không thể dạy họ cách nhận biết những thứ nào mới có giá trị hay làm sao để quản lý tài chính cá nhân cho tốt. Có thể họ không giỏi chuyên môn về tài chính hoặc không phải là hình mẫu lý tưởng.
Những trải nghiệm của bạn về vấn đề tài chính trong quá khứ sẽ đóng vai trò rất lớn hình thành nên thói quen tài chính sau này và cho thấy bạn muốn đạt được mục đích gì trong tương lai.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu những trải nghiệm trước đây của đối phương xoay quanh vấn đề tiền bạc và thái độ của họ đối với đồng tiền đã hình thành như thế nào trong những năm qua, làm như vậy sẽ có thể giúp các cặp đôi gần gũi và thấu hiểu nhau hơn. Có nhiều cách rất thú vị để các cặp đôi tìm hiểu “câu chuyện” tiền bạc của nhau.
Bạn có thể thử chơi trò vấn-đáp nhau qua 20 câu hỏi, và khi đó có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên trước những điều mà mình tìm hiểu được về nửa kia.
5. Họp bàn về chuyện “tiền nong” hàng tháng
Hầu hết các cặp đôi thà dành thời gian xem phim còn hơn cùng nhau ngồi xuống và dành một buổi tối để thảo luận về tình hình tài chính của họ. Và điều đó cũng khó trách.
Nói đến chuyện tiền bạc thực sự rất căng thẳng và có thể kết thúc bằng những cuộc đấu đá và cãi cọ. Trong trường hợp này, giải pháp chính là bạn phải tự dành ra một ngày mỗi tháng chỉ tập trung thảo luận về vấn đề tài chính nhằm tháo gỡ các khúc mắc khó giải quyết và làm cho thói quen này diễn ra đều đặn hơn để về sau không còn quá bất ngờ.
“Buổi hẹn hò với chủ đề tài chính” nên được tổ chức mỗi tháng một lần vào khung thời gian mà cả hai đã nhất trí, trong hoặc sau bữa ăn, và kèm theo đó là rượu vang hoặc trà sữa để cả hai cùng thả lỏng tinh thần.
Hãy dành ra một giờ để xem xét các mục tiêu tài chính, các khoản nợ và tâm lý của nhau, cũng như các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn (và tiến độ thực hiện những mục tiêu này). Làm như vậy bạn sẽ có thể thảo luận một cách dễ dàng và cởi mở hơn về một chủ đề vốn dĩ rất phức tạp như tiền bạc, từ đó bạn mới có thể phân bổ dòng tiền vào đúng chỗ và thay đổi thói quen tài chính theo hướng tích cực hơn.
6. Tự động hóa quy trình phân bổ tài chính
Những cặp đôi nào tận dụng tính năng tự động hóa để trút bớt gánh nặng trong việc thanh toán hóa đơn và các chi phí chung hàng tháng sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những việc khác.
Tự động hóa quy trình phân bổ tài chính có nghĩa là bạn không phải tự viết cho mình một bản ghi chú để nhắc nhở chuyển tiền vào tài khoản chung hoặc yêu cầu người kia thanh toán hóa đơn cho bạn. Nhưng việc tự động hóa tài chính không chỉ tiện lợi đơn thuần.
Tự động hóa sẽ cho phép bạn giảm bớt “nỗi đau khi phải móc tiền ra khỏi ví”, theo cách gọi của các nhà kinh tế học hành vi. Khi vừa tăng cường giao tiếp với nhau nhiều hơn, vừa tự động hóa phân bổ tài chính, các cặp đôi có thể dễ dàng tiết kiệm và chi tiêu cùng nhau.
7. Xác định cách “góp gạo thổi cơm chung”
Nguồn thu nhập chung của các cặp đôi có thể được gộp lại theo nhiều cách khác nhau. Hãy dành thời gian để tìm hiểu xem bạn thích phong cách “gộp tiền chung” như thế nào.
Bạn có muốn đưa tất cả các khoản thu nhập của mình vào chung một tài khoản để thanh toán hóa đơn, chi phí chung và chi phí cá nhân từ tài khoản đó hay không?
Có thể bạn sẽ chọn cách này. Hoặc cũng có thể bạn chỉ muốn phân bổ một phần tiền của mình vào tài khoản chung trong khi vẫn giữ lại một phần thu nhập cho bản thân để chi tiêu tùy thích.
Tuy nhiên nếu bạn chọn cách gộp chung nguồn thu nhập của mình với bạn đời, điều quan trọng là cả hai phải cảm thấy như mình có quyền tiếp cận nguồn tiền chung đó mà vẫn độc lập về tài chính và giữ được tiếng nói nhất định khi cùng ra quyết định tài chính.
8. Tìm hiểu tính cách của đối phương đối với đồng tiền
Nếu bạn nghĩ rằng một người thích tiêu tiền và một người thích tiết kiệm thì không thể có cuộc sống hạnh phúc bên nhau thì điều đó hoàn toàn sai lầm Những người đối lập với nhau vẫn có thể thu hút nhau miễn là họ cùng có chung một tầm nhìn lớn hơn trên bức tranh tổng thể.
Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai người thích tiết kiệm có thể không hợp với nhau về mặt tài chính như nhiều người thường nghĩ, và cuối cùng sẽ có một người ngày càng tiêu xài vô tội vạ hơn.
Khi làm thử bài kiểm tra về tính cách tiêu tiền , bạn sẽ có thể phát hiện ra phong cách chi tiêu và tiết kiệm của mình. Hãy phân chia công việc sao cho “đúng người, đúng việc”, khi đó việc lập kế hoạch tài chính sẽ không còn có cảm giác vặt vãnh hay đáng chán nữa.
Điều này cũng có thể giúp hai người tin tưởng nhau hơn và giúp bạn tìm ra cách để phát triển hài hòa tính cách chi tiêu của nhau.
9. Luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ
Không ai có thể đoán trước được tương lai (như khủng hoảng năm 2020 chẳng hạn). Tuy vậy, có những cặp đôi thừa biết rằng sẽ luôn có những tháng ngày bất ổn đang chực chờ ở phía trước, cho nên họ luôn dành ra quỹ khẩn cấp đủ nhiều để đề phòng trường hợp một trong hai người bị mất việc, hoặc khi phải chi trả một số tiền rất lớn cho dịch vụ chăm sóc y tế hoặc khi hoàn cảnh sống thay đổi đột ngột.
Việc dành tiền tiết kiệm ra bao nhiêu thì còn tùy mỗi người, nhưng có một nguyên tắc cần lưu ý đó là quỹ khẩn cấp phải đủ để trang trải các khoản chi phí chung trong vòng từ ba đến sáu tháng, chẳng hạn như tiền thuê nhà, lãi thế chấp hoặc khoản tiền tối thiểu cần chi trả trên hóa đơn thẻ tín dụng.
Khi bạn tự động phân bổ tiền lương vào quỹ khẩn cấp thì nguồn quỹ này sẽ dễ dàng tạo lập và phát triển hơn rất nhiều.
10. Tôn vinh những kỷ niệm với nhau
Ngay cả trong những thời điểm bất lợi nhất, những cặp đôi thành công về tài chính vẫn tổ chức ăn mừng vì một kỷ niệm vui vẻ nào đó trong mối quan hệ của họ. Hãy nói cho đối phương biết họ quan trọng với bạn đến mức nào và việc bạn đánh giá họ như thế nào cũng không gây hại gì cả.
Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với nửa kia về một điều gì đó, miễn là cả hai dành thời gian để tìm ra giải pháp mà không kết thúc trong cơn hờn dỗi hoặc gây hấn với nhau.
Mối quan hệ tài chính hài hòa là kết quả của việc tôn vinh tất cả những điều tốt đẹp mà người bạn đời mang lại cho nửa kia của mình và tránh xa những thứ đang kìm hãm cả hai.
Nếu bạn đã tập thói quen lên lịch hẹn hò để thảo luận về chuyện tiền bạc hàng tháng, hãy nhớ kết thúc ngày hẹn hò này bằng một điều gì đó khiến cả hai vui vẻ và cảm thấy yêu đời.
Hãy luôn nhắc nhở nhau rằng các bạn là người cùng một đội và việc hỗ trợ nhau vượt qua mọi khó khăn mới là điều quan trọng nhất mà các cặp đôi thành công nên làm, dù là về mặt tài chính hay tình cảm.
Xem thêm: Bảng Lãi Suất Ngân Hàng Hiện Nay Và Lãi Suất Bank Nào Cao Nhất
Đăng Khoa – Theo investedwallet.com