Trang chủBài cần sửa SEO12 sai lầm giao dịch nên tránh từ một trader thành công

12 sai lầm giao dịch nên tránh từ một trader thành công

Trước khi trở thành một trader thành công, rất nhiều người đã mắc phải những lỗi phổ biến mà trader nào cũng gặp. Để thực sự kiếm được tiền, bạn sẽ phải rút ra BÀI HỌC từ những sai lầm đó. Trong bài viết này, chủ đề thảo luận sẽ là về những sai lầm phổ biến nhất khi giao dịch và những giải pháp đơn giản để tránh “dính bẫy”.

12 sai lầm giao dịch nên tránh từ một trader thành công
12 sai lầm giao dịch nên tránh từ một trader thành công

Xem thêm: Làm thế nào để trở thành một trader toàn thời gian?

Trader mở quá nhiều lệnh giao dịch cùng một lúc và giao dịch quá mức

Đây có lẽ là sai lầm kinh điển nhất mà 100% người mới bắt đầu sẽ mắc phải. Ngoài ra, không có gì đáng ngạc nhiên khi khoảng 90% trader bị mất tiền theo thời gian do có khoảng 90% trong số họ giao dịch quá nhiều.

Hầu hết mọi người không thể học cách bỏ qua cám dỗ trong việc tham gia giao dịch liên tục. Sự thật là, trừ khi bạn học cách kiểm soát bản thân và ngừng giao dịch quá mức, bạn sẽ không bao giờ kiếm được lợi nhuận ổn định khi giao dịch trên thị trường.

Có lẽ cách nhanh nhất và dễ nhất để khắc phục thói quen giao dịch quá mức là thay đổi cách nghĩ. Trader giỏi là người kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách giao dịch ít hơn. Những trader thành công là người tìm ra lý do tại sao không nên tham gia giao dịch chứ không phải là viện cớ để vào lệnh hết lần này đến lần khác. 

Dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về giao dịch và xem biểu đồ 

Tương tự như giao dịch quá mức, lỗi thứ hai là suy nghĩ quá nhiều về việc giao dịch. Các trader thường mắc sai lầm khi dành quá nhiều thời gian để lật đi lật lại các biểu đồ, ngay cả khi không có tín hiệu rõ ràng. Hậu quả là họ sẽ vào lệnh trong những trường hợp bất hợp lý so với chiến lược thông thường.

Khi suy nghĩ về giao dịch quá nhiều, trader thường có kết cục mất tiền.

Mỗi trader cần phải lập trước kế hoạch giao dịch. Nếu không tuân thủ theo kế hoạch vạch ra ban đầu, kết quả là thua lỗ sẽ là tất yếu, khi đó người có lỗi chẳng ai khác ngoài chính bản thân bạn. Vì vậy, thắng hay thua đều phụ thuộc vào khả năng giữ kỷ luật và tuân theo kế hoạch của từng người, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều mất tiền khi giao dịch, bởi vì họ chỉ đơn giản là không thể bám sát kế hoạch và giữ kỷ luật trong một thời gian dài.

Cố đưa ra quyết định giao dịch trên khung thời gian ngắn 

Một trong những sai lầm lớn nhất mà các trader mới mắc phải, đó là giao dịch trong ngày. Nhiều người thường nghe về từ “giao dịch trong ngày” nhưng không tìm hiểu sâu. Điều này khiến họ đi vào con đường sai lầm ngay từ khi bắt đầu. Chẳng hạn họ sẽ chọn ngay khung thời gian ngắn như biểu đồ 5 phút hoặc 1 phút, và điều này dẫn đến giao dịch quá mức và sau đó hình thành thói quen cờ bạc, giống như chứng nghiện giao dịch.

Biểu đồ trên khung thời gian ngắn hơn không quan trọng bằng các biểu đồ khung thời gian dài hơn. Lý do rất đơn giản, khung thời gian càng cao thì dữ liệu phản ánh càng nhiều và do đó chúng có “trọng lượng” cao hơn so với khung thời gian ngắn. Ví dụ, thanh biểu đồ hàng ngày quan trọng hơn nhiều so với thanh biểu đồ 1 phút. Bạn cần kiên nhẫn hơn để giao dịch trên các khung thời gian dài hơn, nhưng đổi lại các tín hiệu giao dịch sẽ đáng tin cậy hơn. Khi giao dịch hàng ngày, bạn có thể chỉ cần đặt lệnh giao dịch và bỏ đi làm việc khác trong 24 giờ sau đó. Đây chính là phong cách giao dịch như một người tự do thực thụ.

Giao dịch bằng tiền thật trước khi thử nghiệm tài khoản Demo 

Sai lầm này chẳng khác nào vứt tiền qua cửa sổ, nhưng hết lần này đến lần khác, các trader mới vào nghề đều mắc phải lỗi này. Khi giao dịch bằng tiền thật trước khi thử nghiệm chiến lược trên tài khoản demo, các trader sẽ không thể làm quen với tài khoản và cách thức hoạt động chung, vì vậy họ sẽ phạm những sai lầm ngớ ngẩn như giao dịch với rủi ro cao hơn dự tính hoặc không đặt lệnh cắt lỗ đúng cách, v.v. Tất nhiên, điều này sẽ khiến các trader mới mất tiền.

Ngoài ra, vì chưa thử nghiệm chiến lược giao dịch trên tài khoản demo (trong điều kiện thị trường theo thời gian thực) nên các trader thậm chí không biết liệu chiến lược của họ có hiệu quả hay không. Thật điên rồ khi ai cũng lấy số tiền mồ hôi nước mắt để mạo hiểm trên thị trường mà không cần thực hành trước trên phiên bản demo, và đây chẳng khác nào hình thức đánh bạc cả.

Để trở thành một trader lành nghề và có khả năng kiếm lợi nhuận, ai cũng cần phải THỬ NGHIỆM chiến lược cũng như khả năng giao dịch của mình trên một nền tảng giao dịch demo uy tín, TRƯỚC KHI thử giao dịch trực tiếp trên tài khoản tiền thật. Điều này sẽ giúp chính các trader tìm ra “lỗi” trên nền tảng và cho phép trader có cảm nhận sơ bộ về thị trường và về phương pháp giao dịch của bản thân.

Bị xao nhãng bởi “hố đen” tin tức

Bị xao nhãng bởi “hố đen” tin tức
Bị xao nhãng bởi “hố đen” tin tức

“Hố đen” tin tức là một thứ có thật trong thế giới giao dịch, và nếu không cẩn thận, bất kỳ ai cũng sẽ rơi vào cái bẫy đó và không bao giờ thoát ra được cho đến khi hết sạch tiền.

Cụ thể, nhiều trader luôn không ngừng “tìm kiếm lý do” tại sao lệnh giao dịch của họ sẽ thành công và nếu muốn thì bạn sẽ luôn tìm thấy ý kiến ​​ủng hộ hoặc phản đối trước bất kỳ lập luận hoặc lập trường nào trên internet. Hơn nữa, các trader còn tìm hiểu trên internet và bắt đầu đào sâu “nghiên cứu” tin tức kinh tế để rồi nghĩ rằng họ đã biết trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo dựa trên bản tin kinh tế XYZ nào đó. Sau đó, họ đặt lệnh giao dịch dựa trên ý kiến ​​chủ quan mà điều này rất nguy hiểm. Lý do là vì các tin tức kinh tế thường ĐÃ ĐƯỢC HẤP THỤ VÀO GIÁ, hay nói cách khác, tác động của nguồn tin đã được phản ánh trong hành động giá và các ông lớn “cá mập” thông minh đã ra tay từ lâu, trước khi tin tức được công bố rộng rãi.

Sau đó, khi tin tức được công bố, thị trường sẽ dao động đột biến. Trong trường hợp này, giá sẽ nhanh chóng tăng vọt theo một chiều nhưng sau đó lại quay ngược lại theo hướng khác. Điều này rõ ràng sẽ khiến hầu hết các trader thiếu kiến thức bị thua lỗ nặng. Đây là lý do chính tại sao bạn không nên giao dịch chỉ dựa trên tin tức.

Tin tức và mọi yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hầu hết đều đã được phản ánh thông qua biến động giá trên biểu đồ. Vì vậy, một khi bạn học cách đọc và giao dịch theo hành động giá thì tức là bạn cũng đang học cách đọc và giao dịch tin tức mà không cần phải thực sự phân tích hoặc đọc bất kỳ tin tức nào.

Không biết được rằng mọi khoản giao dịch đều có kỳ vọng ngẫu nhiên

Hầu hết các trader có một lối suy nghĩ rất sai lầm về giao dịch là họ không hiểu rằng mọi lệnh giao dịch họ thực hiện đều có khả năng lãi hoặc thua lỗ như nhau. Trong mọi chuỗi lệnh giao dịch, kết quả thắng và thua sẽ là ngẫu nhiên, vì vậy điều đó có nghĩa là bạn không bao giờ biết được chuỗi thắng và thua trong cỡ mẫu giao dịch. Tuy nhiên, nếu bạn kỳ vọng rằng chiến lược của mình sẽ giành chiến thắng trong 60% số lượt thì bạn chỉ có thể tiệm cận tỷ lệ phần trăm đó trên một kích thước mẫu đủ lớn.

Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn tung một đồng xu. Ai cũng biết tỷ lệ mặt úp và ngửa đều là 50%, nhưng trong mức 50% kỳ vọng đó, rất có thể đồng xu sẽ ra mặt ngửa 10 lần liên tiếp, mà điều này có thể gây nhầm lẫn vì người ta cần phải tung đồng xu rất nhiều lần thì mới có thể ra kết quả 50% là mặt ngửa.

Giao dịch cũng gần giống như vậy. Bạn có thể bị lỗ 10 lần liên tiếp trong phạm vi 100 lệnh giao dịch (100 mẫu), nhưng sau 100 lệnh giao dịch đó, bạn vẫn có thể thắng với tỷ lệ 60%. Nếu bạn không trung thực với kế hoạch giao dịch của mình và không giữ kỷ luật ngay cả khi đang thua lỗ triền miên, thì rất có thể bạn sẽ phát hoảng và có thể giao dịch quá mức và kết thúc trong tình trạng cháy tài khoản.

Lưu ý: MỘT lệnh giao dịch đơn lẻ sẽ không có ý nghĩa thống kê. Kết quả cuối cùng của một chuỗi nhiều lệnh giao dịch sẽ cho bạn thấy chiến lược giao dịch của mình có thực sự sinh lời hay không. Điều này cũng có nghĩa là bạn cần quản lý rủi ro sao cho đảm bảo đủ vốn để chạm mức kích thước mẫu đủ lớn, chỉ khi đó lợi thế của bạn mới phát huy tác dụng!

Cảm thấy tuyệt vọng hoặc bức bách đến mức phải giao dịch

Rất nhiều trader mắc phải một sai lầm về lối suy nghĩ đó là cảm thấy “cấp bách” hoặc “tuyệt vọng” đến mức không tham gia giao dịch là không chịu được. Điều này xuất phát từ việc đặt tất cả “trứng” vào một rổ, ở đây là rổ “giao dịch”. Đây là một sai lầm lớn vì giao dịch vốn đã ẩn chứa nhiều rủi ro và vốn đã rất khó do bộ môn này đòi hỏi người chơi phải có sức mạnh tinh thần cao đến mức nhiều người không có hoặc không sẵn sàng phát triển năng lực tinh thần.

Do đó, người trader đôi khi phải nhận ra và chấp nhận rằng họ không thể đạt kết quả giao dịch như kế hoạch ABC ban đầu. Và, ngay cả khi bạn thực sự giỏi giao dịch và kiếm được lợi nhuận ổn định hàng tháng, bạn vẫn nên duy trì một công việc khác và đảm bảo không đặt cược toàn bộ số tiền của mình thị trường. Bạn thậm chí cũng có thể xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán hoặc bỏ tiền vào quỹ hưu trí hoặc thứ gì đó tương tự. Dù làm gì đi nữa, chỉ cần không đặt tất cả trứng cùng một rổ giao dịch là tốt nhất, bởi vì điều đó sẽ tạo áp lực lớn khiến bạn ép buộc bản thân phải sinh lãi khi giao dịch.

Tạo ra áp lực kiếm tiền quá lớn thì sẽ dễ thất bại khi giao dịch. Những người giao dịch thành công là những người bình tĩnh, tự chủ và thực sự không quá quan tâm đến việc giao dịch thắng hay thua. Điều đó nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng một khi bạn dành quá nhiều năng lượng tinh thần và cảm xúc cho bất kỳ lệnh giao dịch nào hoặc cho toàn bộ hoạt động giao dịch nói chung, thì tức là bạn đã ký tên vào “giấy chứng tử” của mình trên thị trường.

“Lăn tăn” quá nhiều, không tin tưởng và không bám sát theo quyết định của mình

“Lăn tăn” quá nhiều, không tin tưởng và không bám sát theo quyết định của mình
“Lăn tăn” quá nhiều, không tin tưởng và không bám sát theo quyết định của mình

Khi đã vào lệnh giao dịch, bạn cần phải bám sát theo quyết định đó trừ khi thị trường có một sự thay đổi lớn ngay trên cùng một khung thời gian. Không ít trader rất thường xuyên dành thời gian phân tích thị trường, tìm một tín hiệu giao dịch, thiết lập, đặt lệnh, để rồi họ quay lại một giờ sau đó và bắt đầu lo lắng vì giá đã di chuyển ngược hướng suy đoán một chút và họ bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu “tiêu cực” dù lệnh giao dịch đang dương. Nhưng điều này là rất BÌNH THƯỜNG. Ai rồi cũng SẼ CÓ những lệnh giao dịch quay đầu từ dương thành âm và sẽ bị thua lỗ, nhưng nếu bạn lần nào cũng cảm thấy lo lắng mỗi khi lệnh giao dịch đi ngược lại với suy đoán của mình thì bạn có thể sẽ bị cháy tài khoản rất nhanh.

Điểm này gợi nhắc lại quan điểm ở trên về kết quả thống kê ngẫu nhiên. Nói một cách đơn giản, bất kỳ lệnh giao dịch đơn lẻ nào cũng không thể mang quá nhiều “trọng lượng” bởi vì loạt kết quả giao dịch với số mẫu lớn mới là vấn đề quan trọng. Do đó, đừng nao núng trong mọi lệnh giao dịch. Hãy để chúng tự diễn biến và để thị trường tự vận động, chỉ như vậy bạn mới có thể giao dịch với tâm thức thả lỏng mà vẫn có lãi.

Tập trung quá nhiều vào “tiền” thay vì vào quá trình

 Như mới đề cập ở phần gần nhất, bạn cần phải để thị trường tự chuyển hóa và để cho quá trình tự chạy. Hầu hết các trader đều dành quá nhiều thời gian để tập trung vào tiền bạc và chỉ dành ra một ít thời gian để thực sự tập trung vào những thứ quan trọng như chiến lược, giao dịch đúng cách, kỷ luật tuân thủ, quản lý rủi ro, xác định kích cỡ vị thế, v.v. Bạn không cần phải nghĩ về “tiền” và “lợi nhuận” bởi vì những thứ đó chỉ là “biểu hiện” của một quá trình giao dịch đúng và suy nghĩ đúng đắn, và tiền sẽ không đến chỉ vì bạn đang suy nghĩ và lo lắng về tiền!

Can thiệp lệnh giao dịch sau khi lệnh đã khớp (hãy cứ thiết lập lệnh và quên đi!)

Cách nhanh nhất để tự hại bản thân là can thiệp vào lệnh giao dịch khi lệnh đã khớp với thị trường. Đây là một trong những sai lầm lớn nhất mà các trader mắc phải.

Sau khi đã vào lệnh giao dịch, hành động có lợi nhất là đừng làm gì cả! Tuy nhiên, hầu hết các trader, đặc biệt là người mới bắt đầu, sẽ làm điều hoàn toàn ngược lại, tức là họ can thiệp vào hầu hết các lệnh giao dịch của mình, phá hỏng chúng và kết quả là bị thua lỗ.

Nếu bạn muốn có cơ hội kiếm được lợi nhuận ổn định trong thời gian dài, tốt nhất đừng can thiệp khi lệnh đã hòa nhịp vào thị trường.

Mua/bán đuổi theo một tín hiệu đã lỡ nhịp, vào lệnh trễ ở mức giá xấu

Điều này lúc nào cũng xảy ra. Có những người đôi khi thấy rõ một kiểu hình thiết lập giao dịch mà họ ưng ý nhưng không vào lệnh chẳng vì lý do gì, sau đó họ xem lại biểu đồ và thấy giá diễn biến đúng như dự đoán mà họ lại bỏ lỡ. Tuy điều này rất đáng tiếc nhưng tốt hơn hết trong những trường hợp đó, bạn nên quên đi. Hãy chờ đợi cơ hội tiếp theo và nhớ rằng thị trường vẫn luôn có cơ hội mới vào ngày mai. Vì vậy, đừng vội vàng giao dịch hoặc tham gia vào một lệnh giao dịch mà bạn đã bỏ lỡ tín hiệu, bởi vì lối suy nghĩ cảm tính như vậy sẽ chỉ khiến bạn mất tiền.

Không xác định trước mức gồng lỗ cho mỗi lệnh giao dịch

Bạn có biết mức gồng lỗ cho mỗi lệnh giao dịch của mình là bao nhiêu không? Đó có phải là số tiền bạn có thể mạo hiểm và an tâm ngủ ngon vào ban đêm bất kể chúng có khả năng bị mất hay không? Nếu không, thì bạn cần phải điều chỉnh lại.

Nhiều trader thậm chí còn không tĩnh tọa và xác định chính xác số tiền mà họ chấp nhận thua thoải mái trên mỗi lệnh giao dịch. Nếu bạn chưa làm được điều này và bạn đang giao dịch trực tiếp bằng tiền thật, thì hãy ngừng giao dịch ngay cho đến khi vạch ra con số cụ thể.

Kết luận

Kết luận
Không xác định trước mức gồng lỗ cho mỗi lệnh giao dịch

Đa số trader sẽ mắc sai lầm khi tìm hiểu và giao dịch trên thị trường, đặc biệt là khi mới bắt đầu. Nhưng, lằn ranh ngăn cách giữa những người chiến thắng và những kẻ thất bại chính là khả năng học hỏi từ những sai lầm. Những trader liên tục kiếm được tiền từ thị trường không phải là những người không bao giờ mắc bất kỳ sai lầm nào và luôn giao dịch một cách “hoàn hảo”, mà họ là những người biết cách tránh mắc phải những sai lầm như đã được thảo luận trong bài viết này và học hỏi từ chúng. Bạn sẽ rất dễ phạm phải những lỗi giao dịch giống nhau và lặp đi lặp lại cho đến khi hết sạch tiền vốn. Đừng bao giờ cho phép điều đó xảy ra với bản thân mình.

Đăng Khoa – Theo learntotradethemarket.com

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI