Thứ Năm, Tháng Sáu 8, 2023
Trang chủBài cần sửa SEOBàn về “Tương lai của tiền tệ” với chuyên gia kinh tế...

Bàn về “Tương lai của tiền tệ” với chuyên gia kinh tế Eswar Prasad

Lịch sử của tiền tệ gắn với vô số xung đột và cạnh tranh. Thậm chí trong một số trường hợp, là cả những cuộc đàn áp. Ví dụ, ở Trung Quốc thế kỷ 13, hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt đã ban hành một loại giấy bạc, được coi là tiền pháp định đầu tiên trên thế giới. Dưới sự trị vì của ông, người dân buộc phải sử dụng loại tiền này cho toàn bộ các giao dịch mua bán, vay nợ. Hốt Tất Liệt đã ra các sắc lệnh, bao gồm cả hình phạt tử hình người vi phạm để đảm bảo đồng tiền mới được đưa vào sử dụng.

Bàn về “Tương lai của tiền tệ” với chuyên gia kinh tế Eswar Prasad

Lịch sử của tiền tệ

“Điều này có đúng với tất cả các loại tiền pháp định không?” Đó là câu hỏi mà giáo sư chính sách thương mại Eswar Prasad tại Đại học Cornell đã đưa ra trong cuốn sách mới nhất của mình: “Tương lai của tiền tệ: Cách mạng kỹ thuật số đang làm tiền tệ và tài chính biến đổi như thế nào”. Nếu như trước đây, đáp án cho câu hỏi trên là “có” thì giờ đây, mọi thứ có vẻ không còn đúng như vậy nữa.

Tiền tệ đang thay đổi, giáo sư Prasad lưu ý. Tiền mặt đang dần bị loại bỏ. Các đồng tiền kỹ thuật số đại diện cho đồng USD đang gia tăng. Tiền điện tử đang dần cắm rễ và phát triển. Nói tóm lại, tiền đang vận động theo hướng chủ động hơn. Mọi người có nhiều lựa chọn hơn về cách thanh toán, ví dụ như dùng thẻ tín dụng hay thanh toán di động. Thậm chí ngày nay, họ còn có nhiều lựa chọn hơn về loại tiền mà mình sẽ tiêu.

“Chắc chắn chúng ta đang tiến đến một kỷ nguyên mà các đồng tiền riêng (Private currency) đang thực sự canh tranh với các loại tiền tệ của ngân hàng trung ương,” giáo sư Prasad chia sẻ.

Cuốn sách mới của giáo sư Prasad dành một phần lớn nội dung để xem xét cách các ngân hàng trung ương đối phó với cuộc cách mạng tiền tệ này. Các xu hướng chính, trong đó bao gồm việc các công ty tư nhân tạo ra đồng tiền của riêng họ, sự gia tăng của các dự án tiền điện tử mã nguồn mở, cùng với sự phát triển của cấu trúc dữ liệu fintech dạng ngăn xếp (stack), thậm chí còn chưa hoàn toàn bắt đầu.

Để duy trì vai trò của mình trong bối cảnh mới, các chính phủ trên khắp thế giới có thể sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) của riêng họ. Đây có thể là sự kiện tiền tệ quan trọng nhất, sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng ở mọi cấp độ xã hội.

Tiền tệ sẽ không bao giờ trở nên minh bạch hơn, dễ lập trình hơn, kỹ trị hơn. Trong tài khoản chia sẻ của mình, Prasad lưu ý cách CBDC có thể giúp các ngân hàng vận hành đồng tiền của họ cũng như cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho những người không được phục vụ tài chính. Nhưng CBDC sẽ không giải quyết được mọi vấn đề, ví dụ như cuộc tranh luận lâu năm giữa bảo mật và quyền riêng tư.

“Tương lai của tiền tệ: Cách mạng kỹ thuật số đang làm tiền tệ và tài chính biến đổi như thế nào” là một cuốn sách đầy tham vọng, đề cập đến toàn cảnh đa dạng của tiền kỹ thuật số và chắc chắn sẽ vẫn còn giữ nguyên giá trị trong nhiều năm tới. Đó là một sự nỗ lực lớn khi xét đến tính chất thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực này. Ai có thể chê trách sự chú ý của Prasad đối với đồng tiền kỹ thuật số Libra (hiện đã được đổi tên thành Diem) do Facebook đề xuất? Thật vậy, thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng tiền tệ, nơi các đồng tiền có thể tỏa sáng rồi vụt tắt chỉ trong vài ngày. Những hãy vui mừng vì ít ra, mọi thứ không quá khắc nghiệt như những quy định pháp luật mà vị vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt từng ban hành.

CoinDesk đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Eswar Prasad về di sản của Bitcoin, các vấn đề với CBDC cùng những sự kiện mới diễn ra gần đây được đề cập trong cuốn sách.

Ông vừa xuất bản cuốn sách có tên “Tương lai của tiền tệ”. Theo ông, trong một thập kỷ tới, các loại tiền tệ sẽ nhiều hơn hay ít hơn so với hiện nay?

Tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ chứng kiến không ít loại tiền tệ bị loại bỏ. Ở thời kỳ ban đầu, tiền tệ chủ yếu là do tư nhân phát hành và đưa vào lưu thông. Nhưng Với sự thành lập của các ngân hàng trung ương, tiền tệ tư nhân về cơ bản đã bị loại khỏi hoạt động kinh doanh và bị thay thế bởi các loại tiền tệ do chính phủ phát hành. Chắc chắn chúng ta đã tiến vào một kỷ nguyên mà tiền tệ tư nhân đang thực sự cạnh tranh với tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Nhưng trong thế giới tiền kỹ thuật số cả tập trung và phi tập trung, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm chứng kiến một quá trình sàng lọc và loại bỏ những đồng tiền yếu kém. Kết quả là sẽ chỉ còn một vài loại tiền kỹ thuật số phi tập trung còn tồn tại và quan trọng hơn, những loại tiền này sẽ tiếp tục cạnh tranh với các loại tiền tệ của ngân hàng trung ương, ít nhất là với tư cách là một phương tiện trao đổi.

Ông có mong đợi thứ gì đó như đồng Euro hoặc đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ đưa tới sự hợp nhất giữa các loại tiền tệ được nhà nước hậu thuẫn không?

Ở các quốc gia nhỏ hoặc nơi bản thân các ngân hàng trung ương không đáng tin cậy, nơi đồng tiền do ngân hàng trung ương phát hành chịu nhiều biến động – có thể là lạm phát hoặc siêu lạm phát – thì sự hiện diện của các phiên bản kỹ thuật số của các loại tiền tệ chính như đồng Đô la Mỹ, đồng Euro, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, hoặc thậm chí là stablecoin do các tập đoàn như Facebook phát hành, đều có thể dẫn đến sự suy yếu của một số loại tiền tệ nhỏ hơn.

Nhiều loại tiền tệ trong số này gần như đang tồn tại ở trạng thái bên lề, bởi các ngân hàng trung ương phát hành không được coi là rất đáng tin cậy. Vì vậy, nếu người dân của các quốc gia này có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các loại tiền kỹ thuật số, cả do chính phủ hoặc tư nhân phát hành, thì sớm hay muộn, đồng nội tệ pháp định cũng sẽ bị thay thế.

Đồng Libra, bây giờ là Diem, là một trong những đồng tiền khá nổi bật trong danh sách này. Đề xuất về đồng Libra đã thất bại ngay từ đầu do các yếu tố về vấn đề niềm tin, nhưng dự án không nhất thiết phải “chết yểu”. Liệu sẽ có một công ty tư nhân khác cố gắng làm điều tương tự trong phạm vi đó hay không?

Các mục tiêu của Diem rất tốt, đó là tạo ra một loại tiền pháp định hiệu quả hơn, tạo ra các phương thức thanh toán kỹ thuật số với chi phí thấp cho số đông dân chúng, đồng thời tạo ra một thệ thống thanh toán xuyên biên giới rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và dễ theo dõi hơn. Tôi nghĩ đó là những mục tiêu rất xứng đáng để theo đuổi.

Và chắc chắn có một nhu cầu cơ bản, ngay cả ở các nền kinh tế tiên tiến, rằng Diem có thể đáp ứng nhu cầu của những người khó tiếp cận với các phương thức thanh toán kỹ thuật số chi phí thấp. Ví dụ: ở Mỹ, bạn cần phải có thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng thì mới được quyền truy cập vào hầu hết các hình thức thanh toán kỹ thuật số.

Ở nhiều quốc gia mới nổi, thanh toán di động đang trở thành xu thế tất yếu, nhưng vẫn còn nhiều người bị loại khỏi hệ thống tài chính chính thức.

Có một câu hỏi về lòng tin đặt ra ở đây là: liệu có ai thực sự tin tưởng rằng một công ty như Facebook sẽ không kết thúc việc kiếm tiền từ các dịch vụ thanh toán mà nó cung cấp hay không.

Và cũng có một số cân nhắc về vấn đề ổn định tài chính. Như chúng ta đã biết, Diem được coi là một stablecoin được hỗ trợ bởi đồng Đô la Mỹ hoặc các loại tiền tệ pháp định khác. Nhưng Hiệp hội Diem lại ngụ ý mỗi đơn vị Diem sẽ được phát hành dựa trên sự hỗ trợ của đồng Đô la Mỹ (với giá trị duy nhất là 1 USD) hoặc các công cụ giống như tiền mặt. Một điều mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dạy cho chúng ta là tính thanh khoản của các công cụ giống như tiền mặt trong giai đoạn bình thường thì có vẻ khá cao, nhưng tại những thời điểm bất thường, chúng gần như không có tính thanh khoản. Mọi thứ có thể kết thúc bằng việc Diem trở thành một quỹ tương hỗ không được kiểm soát trên thị trường tiền tệ. Tất cả sẽ tạo ra những rủi ro liên quan tới vấn đề ổn định tài chính.

Hơn nữa, việc ngân hàng trung ương tung ra đồng tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình sẽ làm giảm bớt lượng người dung Diem, bởi lúc đó người dung hoàn toàn có thể tiếp cận với hệ thống thanh toán kỹ thuật số chi phí thấp do chính ngân hàng trung ương cung cấp, vậy họ sẽ không có lý do gì để cần tới dịch vụ của Facebook cả. Tóm lại, tôi tin rằng các thách thức về mặt thực tế, kỹ thuật, khái niệm và cả chính sách đang thực sự tồn tại.

Trong hai năm qua, chúng ta đã thấy nổi lên hai quan điểm kinh tế cực đoan. Thứ nhất là Lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT), với ý tưởng rằng các ngân hàng trung ương có thể in tiền không có giới hạn và thứ hai là một lý thuyết có vẻ khá giống với suy nghĩ của những người ủng hộ Bitcoin rằng hệ thống tiền pháp định đang có xu hướng sụp đổ. Ông đánh giá như thế nào về các quan điểm này?

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là nó tạo ra một mảnh đất màu mỡ để Bitcoin xuất hiện. Xét cho cùng, đó là thời điểm mà niềm tin vào các tổ chức chính phủ – bao gồm cả các ngân hàng trung ương, và niềm tin vào các tổ chức tài chính truyền thống – chẳng hạn như các ngân hàng thương mại, đang bị phá vỡ. Vì vậy, khái niệm có thể thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần thông qua một trung gian như ngân hàng trung ương hoặc ngân hàng thương mại là một đề xuất rất hấp dẫn.

Một điều chúng ta đã học được trong những năm qua là các ngân hàng trung ương vẫn có rất nhiều quyền lực trong việc tạo ra tiền và cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Bạn có thể nghĩ rằng cách thức tạo ra tiền như thế này sẽ dẫn đến việc tiền, nhất là đồng Đô la Mỹ, bị mất giá trị của tiền. Nhưng giá trị của các đồng tiền dự trữ chính khác vẫn đang được duy trì khá tốt. Điều này khiến mọi người sẵn sàng giữ lại tiền do ngân hàng trung ương phát hành bởi họ biết, khi đồng tiền này mất giá, ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng bơm thêm thanh khoản. Đó là lý do tại sao tiền pháp định vẫn giữ được giá trị của chúng.

Đây là một đề xuất được giới hạn cho một số rất nhỏ các nền kinh tế phát hành tiền tệ dự trữ, bao gồm Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, Anh và một số nước khác. Các nền kinh tế nhỏ hơn cũng như các nước đang phát triển chắc chắn không thể thoát khỏi tình trạng thiếu kỷ luật tiền tệ này.

Điều này đặt ra câu hỏi lớn hơn là: liệu các loại tiền tệ pháp định có phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ phía các đồng tiền kỹ thuật số – nhất là các loại tiền bị hạn chế nguồn cung – hay không? Đó dường như cũng là một trong đề xuất quan trọng về một thứ gì đó tương tự như Bitcoin, một thứ không thể được tạo ra theo ý muốn.

Liệu Bitcoin có thể buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm về mặt tài chính nhiều hơn không?

Điều trớ trêu của Bitcoin là nó được cho là một phương tiện trao đổi nhưng lại không phải do một bên đáng tin cậy đứng ra làm trung gian giao dịch. Tất nhiên, tới lúc này thì bản thân Bitcoin cũng không hoạt động tốt với tư cách một phương tiện trao đổi. Giá trị của nó rất dễ thay đổi so với các đơn vị tiền tệ khác của hầu hết các nền kinh tế. Và, như chúng ta đã biết, viêc sử dụng Bitcoin khá tốn kém, các giao dịch diễn ra khá chậm và khá cồng kềnh.

Bitcoin đã không thực hiện được mục tiêu ban đầu khi nó được tạo ra, nhưng điều nghịch lý là nó lại trở thành một kho lưu trữ giá trị. Mọi người giữ nó như một khoản đầu tư đầu cơ.

Di sản Bitcoin sẽ trở nên rất phong phú. Công nghệ blockchain, nền tảng của đồng Bitcoin, đã cho phép tạo ra một loạt các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới. Và tôi nghĩ rằng nó đã mở ra con đường hướng tới tài chính phi tập trung, mang lại nhiều lợi ích hơn.

Một điều khá mỉa mai khác là Bitcoin được sử dụng với mục đích thay thế tiền do ngân hàng trung ương phát hành, trong khi trên thực tế, tiền điện tử có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương tạo ra các phiên bản tiền kỹ thuật số của riêng họ để vẫn phù hợp ở cấp độ bán lẻ. Nhưng chắc chắn, với tư cách là phương tiện trao đổi, tôi nghĩ rằng các nhánh của bitcoin, đặc biệt là stablecoin, cũng như các loại tiền điện tử tập trung hơn, có lẽ bao gồm ethereum, sẽ bắt đầu tạo ra mức độ cạnh tranh nhất định cho các loại tiền pháp định.

Xem thêm: Tiêu điểm sau cuộc họp chính sách tiền tệ mới của FED

Có ý kiến ​​cho rằng tiền tệ không thể vừa phi tập trung vừa không biến động. Một số người ủng hộ Bitcoin nghĩ rằng tiền phải trải qua nhiều giai đoạn như một kho lưu trữ giá trị, một đơn vị tính toán trước khi trở thành một phương tiện trao đổi. Đó có phải là thứ mà chúng ta từng thấy trong lịch sử tiền tệ không?

Trong lịch sử, tiền tệ thực sự hoạt động theo cách khác. Các đơn vị tiền tệ đóng vai trò là phương tiện trao đổi, bởi vì chúng hoạt động thực sự hiệu quả với chức năng này. Sau đó tiền bắt đầu có giá trị nội tại, cho phép chúng được lưu giữ như một kho lưu trữ giá trị.

Vì vậy, một phương trình ngược kiểu bạn có một kho lưu trữ giá trị, sau đó loại tiền này mới bắt đầu thực hiện chức năng là phương tiện trao đổi gần như không bao giờ xảy ra. Chúng ta có những kho lưu trữ giá trị khác mà giá trị dường như đến từ sự khan hiếm, chẳng hạn như vàng.

Có những câu hỏi về việc liệu một thứ như đồng Ether – nếu Ethereum áp dụng thuật toán Proof-of-stake – có thể đóng vai trò là một phương tiện trao đổi hiệu quả hơn hay không, vì khi đó nó sẽ có độ trễ thấp hơn và thông lượng cao hơn. Đó có thể là một con đường dẫn tới sự ổn định.

Nhưng thật khó để thấy các thuật toán Proof-of-work thành công hỗ trợ một phương tiện trao đổi. Bản nâng cấp Taproot của Bitcoin được cho là cung cấp chức năng hợp đồng thông minh (Smart contract), có thể thực sự làm gia tăng giá trị của Bitcoin, cải thiện các tiện ích đi kèm để từ đó nâng cấp chức năng như một phương tiện trao đổi của đồng tiền này. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa biết mức độ hiệu quả của bản nâng cấp đó.

Ông nghĩ di sản của El Salvador sau quyết định hợp pháp hóa Bitcoin là gì?

El Salvador đang cố gắng làm điều mà nhiều nước khác với chính sách rất kém, với các ngân hàng trung ương hoạt động kém hiệu quả đã cố gắng làm: xuất khẩu chính sách tiền tệ trong nước của họ cho một bên nước ngoài nào đó. Họ đã làm điều đó trước đây, khi sử dụng đồng Đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ quốc gia. Khái niệm sử dụng Bitcoin dường như đã được nâng lên. Thứ nhất là để thoát khỏi sự bá quyền của đồng Đô la Mỹ và thứ hai, để đón đầu làn sóng Bitcoin.

Xét cho cùng, nếu El Salvador có thể tích lũy Bitcoin và góp phần làm cho Bitcoin trở nên có giá trị hơn bằng cách thuyết phục các quốc gia khác chấp nhận nó như một phương tiện trao đổi, thì El Salvador có thể đạt được một số lợi thế khi là người chấp nhận sớm nhất.

Nhưng tôi nghĩ lý thuyết này giống như kiểu thiên đường cho những kẻ ngốc hơn. Như tôi đã nói, Bitcoin dường như không hiệu quả trong các giao dịch hàng ngày. Và, cuối cùng, nếu bạn nghĩ về khả năng thanh toán hàng nhập khẩu như một cách đáp ứng các nghĩa vụ nợ, thì thực tế là El Salvador vẫn sẽ yêu cầu sử dụng tiền thật. Bitcoin sẽ không thực hiện được thủ thuật này.

Ở khía cạnh rộng hơn, chính phủ El Salvador đang cố gắng bù đắp cho sự yếu kém của ngân hàng trung ương cũng như các chính sách kinh tế bằng cách áp dụng hệ thống thanh toán nước ngoài. Thật không may, tiền điện tử sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề cơ bản nào mà đất nước này vướng phải. Một cách khắc phục dạng “mỳ ăn liền” như thế này sẽ không mang lại thành công, cả trong ngắn và dài hạn.

Ông có ủng hộ quyền riêng tư mạnh mẽ cho CBDC không?

Đây là một vấn đề cơ bản mà các ngân hàng trung ương đang dự tính phát hành CBDC đều phải chật vật đối mặt. Không một ngân hàng trung ương nào lại muốn đồng tiền của mình được sử dụng cho các mục đích bất chính, chẳng hạn như rửa tiền, khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác. Và mặt tích cực của đồng tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số là nó cho phép kiểm toán cũng như truy xuất nguồn gốc của các giao dịch.

Nhưng để đồng tiền này có thể đáp ứng chức năng kiểm toán thì công chúng sẽ phải thỏa hiệp về quyền riêng tư và tính bảo mật của họ trong các giao dịch cơ bản.

Một cách tình cờ, tôi nghĩ rằng chúng ta nên bảo vệ quyền riêng tư và các quyền cơ bản khác của con người trong các xã hội hiện đại, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc thiết kế các CBDC. Có vẻ như công nghệ sẽ khiến một số thỏa hiệp này bị mắc kẹt.

Chẳng hạn, nếu nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm trong quá trình thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của mình, bạn có thể thấy họ đang thiết lập các ví kỹ thuật số cấp thấp. Các ví này cung cấp mức độ riêng tư và bảo mật cao hơn, nhưng bạn có thể sử dụng chúng cho các giao dịch có giá trị thấp. Đối với các giao dịch có giá trị cao, bạn phải đáp ứng các yêu cầu của khách hàng…

Cuối cùng, chúng ta sẽ bước vào một thế giới mà ở đó CDBC sẽ tạo ra những khả năng khác nhau. Một vài trong số đó trao cho bạn quyền ẩn danh và mức độ riêng tư nhất định khi thực hiện giao dịch. Một vài dạng thức CBDC lại hoàn toàn có thể theo dõi và kiểm toán, nhờ đó một ngân hàng trung tương có thể yên tâm rằng họ không mất quyền kiểm soát đối với cách mà đồng tiền của mình đang được sử dụng.

Tiền mặt bị loại bỏ là hệ quả của việc các hệ thống thanh toán kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ. Thực tế là, bạn sẽ sống trong một thế giới mà mọi giao dịch sẽ để lại dấu vết kỹ thuật số, và nhà cung cấp thanh toán tư nhân, hay ngân hàng trung ương hoặc cơ quan chính phủ nào đó đều có thể xem xét giao dịch này.

Có một câu hỏi là liệu chúng ta có muốn sống trong một thế giới như vậy không. Đây không chỉ là một vấn đề kỹ trị thuần túy, cũng không chỉ là vấn đề của chính sách kinh tế. Những cuộc trò chuyện này sẽ phải xảy ra ở cấp độ xã hội.

Ví dụ, ngân hàng trung ương Thụy Điển, Riksbank đã nói rất rõ rằng mặc dù họ hoàn toàn có khả năng thiết kế đồng kroner kỹ thuật số, nhưng quyết định có phát hành hay không lại phụ thuộc vào uyết định của quốc hội nước này. Đã đến lúc các nền kinh tế phải cấp thiết tổ chức những cuộc thảo luận này, bởi thực tế là việc sử dụng tiền mặt đang cạn kiệt với tốc độ rất nhanh

Hiền Đỗ – Theo coindesk.com

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI