Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường đều hiểu rằng, một cổ phiếu thành công cần phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Chất lượng, Giá trị, Động lực tăng giá. Tùy theo phong cách đầu tư của cá nhân, mỗi nhà đầu tư sẽ lựa chọn một yếu tố làm trọng yếu để lựa chọn cổ phiếu mình sẽ đầu tư. Tuy nhiên, việc chưa đánh giá đầy đủ sẽ khiến nhà đầu tư mắc phải 4 loại bẫy điển hình trên thị trường chứng khoán.
4 loại bẫy điển hình trên thị trường chứng khoán

Xem thêm: Cách lựa chọn tỷ lệ đòn bẩy phù hợp khi giao dịch chứng khoán
1. Bẫy giá trị
Những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị sẽ lựa chọn những cổ phiếu đang giao dịch với giá trị thấp hơn định giá. Khi tập trung vào những cổ phiếu của P/E thấp, yếu tố chất lượng và động lực tăng giá của cổ phiếu thường bị bỏ qua. Cổ phiếu có yếu tố chất lượng thấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong nội tại doanh nghiệp.
Ví dụ: minh họa cho trường hợp này là ASM. Trong năm 2018, ASM được khuyến nghị mua do doanh nghiệp liên tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng lên tới hàng chục lần. nhưng P/E chỉ bằng 3, quả là cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, hãy chú ý đến chất lượng lợi nhuận của ASM. Liệu khoản lợi nhuận đó có duy trì bền vững trong tương lai hay chỉ xuất hiện một lần và ra đi mãi mãi. Một cổ phiếu có P/E thấp, hoặc là bị định giá thấp, hoặc là nó chỉ đang trên con đường trở về giá trị thực của mình mà thôi.
2. Bẫy kỹ thuật
Đây là một loại bẫy hay mắc phải của các nhà đầu tư thuần đi theo phân tích kỹ thuật. Bản chất của các chỉ báo đều được xây dựng trên hai yếu tố cơ bản: khối lượng và giá. Chỉ báo mua xuất hiện khi gia tăng trong một giai đoạn nào đó (ngày, tuần, tháng) so với giá bình quân 1 giai đoạn trước đó, đồng thời khối lượng cũng tăng đáng kể.
Những cổ phiếu có động lực tăng giá cao nhưng chất lượng thấp, định giá cao hơn giá trị thực thường là những cổ phiếu penny có kết quả kinh doanh kém, nợ vay nhiều nhưng được đồn thổi, làm giá. Đồ thị kỹ thuật sẽ tạo ra bức tranh đẹp nhưng giá có thể rơi bất cứ lúc nào.

3. Bẫy chất lượng
Những cổ phiếu có chất lượng cao, nội tại doanh nghiệp ổn định, các tiêu chí đều đạt được liệu đã đủ để trở thành một cơ hội đầu tư hấp dẫn? Khi đầu tư vào một doanh nghiệp, cái chúng ta cần hướng đến là tương lai của nó, chứ không phải là hào quang trong quá khứ. Những cổ phiếu được định giá cao hơn giá trị nội tại, không có chất xúc tác đủ mạnh thì giá cổ phiếu rất khó tăng. Trong một số trường hợp, nếu doanh nghiệp không linh hoạt thích nghi với điều kiện kinh doanh, tình hình kinh doanh có thể lao dốc và chưa biết khi nào mới tăng trở lại.
4. Bẫy mù – Blindness Trap
Đã bao giờ bạn “ngán ngẩm” bỏ mặc những khoản đầu tư của mình vì thị trường không theo ý muốn? Hay đã bao giờ bạn theo dõi bảng giá 24/7 dù thị trường không-có-chuyện-gì-xảy-ra? Tất cả những điều trên là biểu hiện của bẫy mù.
Đây là loại bẫy tâm lý khiến chúng ta có thể “bỏ mặc” các khoản đầu tư của mình do mọi thứ quá rối ren, hoặc có thể mất ăn mất ngủ cũng chỉ để xem giá nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn. Thị trường luôn biến động và tất nhiên cảm xúc của chúng ta cũng biến động theo thị trường. Vì thế, giữ cho mình một “cái đầu lạnh” để phân tích vấn đề và có cho mình chiến lược quản trị dòng tiền & danh mục chính là điều cần thiết nhất của một nhà đầu tư.

Để tránh được 4 bẫy trên, không có cách nào khác nhà đầu tư cần phải trang bị cho mình những kiến thức thật vững chắc về quản trị doanh nghiệp, dòng tiền nhằm bảo vệ được đồng vốn của mình và đạt được mục tiêu tài chính cá nhân trên thị trường chứng khoán.