Quyền chọn (Options) có thể được áp dụng trong nhiều chiến thuật giao dịch đa dạng: từ những lệnh đơn giản như lệnh mua – bán; đến những giao dịch chênh lệch phức tạp như chiến lược kền kền (condors spread); chiến lược hình cánh bướm (butterfly spread). Hơn nữa, các options được sử dụng cho rất nhiều loại cổ phiếu, tiền tệ, hàng hoá, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các hợp đồng tương lai.

Thông thường, mỗi tài sản đều có hàng tá giá thực hiện và ngày đáo hạn. Điều này thường là một thách thức cho người mới giao dịch; bởi vô vàn lựa chọn khiến việc xác định options phù hợp cho giao dịch trở nên khó khăn hơn.
Ý chính cần nắm
- Giao dịch có thể trở nên phức tạp; chủ yếu là vì một tài sản cơ sở (underlying) có thể có nhiều quyền chọn, với các mức giá thực hiện và ngày đáo hạn khác nhau.
- Vì vậy, việc chọn được một options phù hợp với chiến thuật giao dịch của bạn là yếu tố then chốt để thành công trên thị trường.
- Có 6 bước cơ bản để đánh giá và xác định options thích hợp: bắt đầu bằng mục tiêu đầu tư; kết thúc bằng việc thực hiện giao dịch.
- Xác định rõ mục tiêu của bạn; đánh giá mức lời/lỗ; xem xét mức biến động; dự đoán các sự kiện có thể xảy ra; xây dựng một chiến lược và xác định những thông số của quyền chọn.
Tìm được quyền chọn phù hợp
Giả sử bạn đã xác định được sản phẩm tài chính mà bạn muốn giao dịch bằng quyền chọn – như là cổ phiếu, hàng hoá, hay quỹ ETF. Có thể bạn đã chọn tài sản cơ sở này nhờ một công cụ lọc cổ phiếu (stock screener), hoặc tự mình phân tích, hoặc nhờ một bên thứ ba. Với bất cứ cách lựa chọn nào, một khi đã xác định được tài sản cơ sở để giao dịch, sau đây là sáu bước để tìm ra quyền chọn thích hợp:
- Vạch ra mục tiêu đầu tư
- Xác định hạn mức lời/lỗ của bạn
- Tìm hiểu mức biến động
- Xác định những sự kiện ảnh hưởng
- Soạn ra một chiến lược
- Thiết lập những thông số
Sáu bước trên tuân theo một trình tự logic nên sẽ giúp việc tìm ra những options phù hợp cho giao dịch trở nên dễ dàng hơn. Hãy đi sâu vào phân tích từng bước.
1. Mục tiêu của quyền chọn
Mọi đầu tư của bạn đều bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu đầu tư, giao dịch quyền chọn cũng như vậy. Bạn muốn giao dịch của mình đạt được mục tiêu gì? Để tích luỹ cho việc tăng hay giảm giá của tài sản cơ sở? Hay để phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn của một cổ phiếu mà bạn đang có nhiều giao dịch vị thế?
Bạn muốn giao dịch để ăn phí quyền chọn? Chẳng hạn, chiến lược của bạn bao gồm việc bán quyền mua một cổ phiếu đang có, hoặc có thể bạn muốn bán quyền bán một cổ phiếu bạn muốn sở hữu? Kiếm lợi nhuận từ quyền chọn là một phương thức khác hoàn toàn so với việc mua quyền chọn để đầu cơ hoặc đề phòng rủi ro.
Ở bước đầu tiên, bạn cần vạch ra mục tiêu giao dịch rõ ràng; bởi đây là nền tảng cho những bước kế tiếp.
2. Mức lời/lỗ trong khả năng của bạn
Bước tiếp theo là xác định hạn mức lời/lỗ của bạn. Bước này nên phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro hay khẩu vị rủi ro của bạn. Nếu bạn là một nhà đầu tư hay nhà giao dịch thận trọng, những chiến lược táo bạo như bán quyền bán hay mua quyền chịu thua lỗ (Out Of The Money) có thể sẽ không dành cho bạn. Mỗi chiến lược đều có mức lời/lỗ rõ ràng. Do vậy, hãy chắc chắn bạn nắm rõ chúng.
3. Xem xét tính biến động
Mức biến động ngụ ý (Implied Volatility) là một trong những thông tin quan trọng về giá của quyền chọn. Hãy tìm hiểu kĩ các mức biến động ngụ ý của quyền chọn mà bạn đang cân nhắc. So sánh mức biến động ngụ ý với độ biến động trong quá khứ của cổ phiếu và độ biến động của thị trường chung, bởi đây là yếu tố then chốt để xác định chiến lược giao dịch quyền chọn của bạn.
Mức biến động ngụ ý cho bạn biết các nhà giao dịch khác đang mong đợi một cổ phiếu biến động nhiều hay không.
- Mức biến động cao sẽ nâng phí quyền chọn lên.
Điều này khiến việc bán quyền chọn hấp dẫn hơn, với điều kiện là nhà giao dịch cho rằng mức biến động sẽ không tiếp tục tăng. Chuyện này nếu xảy ra sẽ tăng khả năng thực hiện quyền chọn. - Mức biến động thấp dẫn đến mức phí quyền chọn hạ xuống.
Điều này có lợi cho việc mua quyền chọn nếu một nhà giao dịch mong đợi rằng cổ phiếu cơ sở sẽ giao động đủ để tăng giá trị quyền chọn.
4. Xác định các sự kiện liên quan
Các sự kiện có thể xếp vào hai loại:
- Sự kiện liên quan đến thị trường chung
- Sự kiện chỉ liên quan đến một cổ phiếu nhất định
Các sự kiện về thị trường chung là những tin tức có tác động đến thị trường; chẳng hạn như thông báo của Quỹ Dự Trữ Liên Bang và các công bố dữ liệu kinh tế. Các sự kiện chỉ liên quan đến cổ phiếu là những thông tin như báo cáo doanh thu, ra mắt sản phẩm hay đồng sở hữu một công ty (spinoff).
Một sự kiện có thể tác động đáng kể đến mức biến động ngụ ý trước khi nó thật sự diễn ra. Và nó sẽ có tác động rất lớn đến giá cổ phiếu khi nó thật sự xảy đến. Vậy bạn chọn đổ vốn vào khi mức biến động tăng cao trước một sự kiện đáng chú ý, hay đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi chuyện đã lắng xuống?
Xác định các sự kiện liên quan đến tài sản cơ sở có thể giúp bạn quyết định thời điểm và ngày đáo hạn đúng đắn cho giao dịch quyền chọn của mình.
5. Lập chiến lược đầu tư quyền chọn
Dựa trên những phân tích từ các bước trước, bạn đã nắm được mục tiêu kinh doanh; mức lời/lỗ mong muốn; mức biến động ngụ ý và mức biến động trong quá khứ cùng với các sự kiện liên quan đến tài sản cơ sở. Bốn bước trên giúp việc xác định một chiến lược giao dịch quyền chọn trở nên đơn giản hơn.
Ví dụ, bạn là một nhà đầu tư thận trọng với danh mục cổ phiếu đáng kể. Bạn muốn ăn phần phí quyền chọn trước khi các công ty bắt đầu báo cáo doanh thu hằng quý trong vài tháng tới. Lúc này bạn có thể cân nhắc việc bán quyền chọn mua. Chiến lược này bao gồm việc bán quyền mua của một vài hoặc tất cả cổ phiếu trong danh mục của bạn.
Một ví dụ khác, nếu bạn là một nhà đầu tư táo bạo thích tính đường dài và tin rằng thị trường sẽ suy thoái nghiêm trọng trong vòng sáu tháng tới, bạn có thể cân nhắc việc mua quyền bán các cổ phiếu quan trọng.
6. Thiết lập các thông số
Sau khi đã xác định được chiến lược giao dịch quyền chọn mà bạn muốn áp dụng, bây giờ bạn chỉ cần đặt ra các thông số như ngày đáo hạn; giá thực hiện; và giá trị delta của quyền chọn. Chẳng hạn, bạn có thể mua một quyền mua với hạn đáo hạn dài nhất với giá thấp nhất có thể. Thích hợp nhất trong trường hợp này là quyền mua chịu thua lỗ. Ngược lại, nếu bạn muốn một quyền mua với giá trị delta cao, bạn có thể cân nhắc quyền chọn có lời (in-the-money).
Xem thêm: Vàng đi ngang, tập trung vào chính sách của Fed
ITM vs. OTM
- Quyền chọn mua có lời (ITM) có giá thực hiện thấp hơn mức giá của tài sản cơ sở
- Quyền chọn mua chịu lỗ (OTM) có giá thực hiện cao hơn mức giá của tài sản cơ sở
Kết luận
Dù các mức giá thực hiện và ngày đáo hạn khác nhau có thể gây khó dễ cho những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm tập trung vào một quyền chọn cụ thể, 6 bước trên tuân theo một trình tự logic để giúp đỡ việc cân nhắc các quyền chọn này. Xác định mục tiêu của bạn; đánh giá mức lời/lỗ; xem xét mức biến động; theo dõi các sự kiện liên quan; vạch ra chiến lược giao dịch; và đặt ra các thông số cho quyền chọn của bạn.
Huân Hà — Theo investopedia
Cafeforexvn