Hai gã khổng lồ của Trung Quốc đang có giá rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Alibaba, Tencent: tiềm năng tăng trưởng liệu có che mờ rủi ro nhãn tiền?
“Bàn tay” can thiệp của chính phủ Trung Quốc khiến cho các nhà đầu tư đang nắm giữ và/hoặc cân nhắc nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ. Alibaba Group Holding (NYSE:BABA) và Tencent Holdings (OTC:TCEHY) là hai trong số những công ty công nghệ mạnh nhất nước này. Tuy nhiên, những quan ngại dấy lên gần đây khiến hai mã này rớt khoảng 40% giá trị kể từ giữa tháng Hai.
Các nhà đầu tư thường cho rằng những cổ phiếu chất lượng cao rớt giá là thời cơ vàng để mua vào. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các nhà đầu tư nên cân nhắc cả ưu và nhược điểm của chúng trước khi ra quyết định.
Ưu điểm: Các tập đoàn quy mô lớn, tiền mặt dồi dào
Alibaba và Tencent là hai trong số những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đặt trụ sở tại một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc. Hai tập đoàn này có chỗ đứng vững chắc trong các thị trường quan trọng nhất đối với đời sống người tiêu dùng ở Trung Quốc.
Alibaba là công ty thương mại điện tử cung cấp dịch vụ bán lẻ trực tuyến và logistics cho hơn 900 triệu người tiêu dùng ở Trung Quốc và hơn 1,1 tỷ người trên toàn thế giới. Alibaba còn có nhiều hoạt động kinh doanh khác, bao gồm điện toán đám mây. Công ty này sở hữu 33% cổ phần của tập đoàn fintech Ant Group – hiện đang vận hành Alipay, nền tảng thanh toán kỹ thuật số phổ biến nhất Trung Quốc.
Tencent là một công ty internet cung cấp một loạt dịch vụ thanh toán, ứng dụng, quảng cáo, giải trí video, trò chơi và mạng xã hội cho người tiêu dùng ở Trung Quốc. Hơn 1,25 tỷ người dùng đang sử dụng nền tảng truyền thông xã hội của Tencent. Bộ phận thanh toán kỹ thuật số Tenpay của nó, cùng với Alipay, kiểm soát khoảng 90% các khoản thanh toán của bên thứ ba ở Trung Quốc.
Đầu tư vào hai công ty này, các nhà đầu tư sẽ gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc. Alibaba có doanh thu 109 tỷ USD trong năm tài chính 2021 (thường trùng với năm dương lịch 2020) và doanh thu của Tencent trong năm tài chính 2020 là 74 tỷ USD.
Dòng tiền tự do của Alibaba chiếm khoảng 10% doanh thu. Tencent thậm chí còn sinh lời nhiều hơn với tỷ lệ chuyển đổi là 20%. Alibaba và Tencent hiện có lần lượt 73 tỷ USD và 39 tỷ USD tiền và các khoản tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán của họ.
Ưu điểm: Định giá rất hấp dẫn
Cổ phiếu Alibaba và Tencent có tổng vốn hóa thị trường gần 1 nghìn tỷ USD (tương ứng là 448 tỷ USD và 524 tỷ USD), mặc dù giá cổ phiếu đã giảm trong sáu tháng qua. Doanh thu dự phóng cho năm tài chính 2022 (năm 2021) của Alibaba là 142 tỷ USD và doanh thu dự phóng cho năm 2021 của Tencent là 90 tỷ USD. Dựa trên con số này, ta có hệ số giá trên doanh thu dự phóng của Alibaba và Tencent lần lượt là 3,1 và 5,8.
Nếu xem những công ty này là Big Tech ở Trung Quốc, các công ty đối ứng của Mỹ, như Amazon và Microsoft, đang có hệ số định giá tương đương hoặc cao hơn. P/S của Alibaba chỉ nhỉnh hơn 7 một chút vào mùa thu năm ngoái. Mức định giá này cho thấy cổ phiếu Alibaba đã giảm sâu như thế nào.
Nhược điểm: Áp lực chính trị có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp
Dù những cổ phiếu này có vị thế tiền mặt mạnh và định giá thấp, các nhà đầu tư đều thấy được áp lực chính trị ở Trung Quốc đè nặng lên hoạt động kinh doanh của những công ty này. Cả Alibaba và Tencent gần đây đều vướng vào các lùm xùm chính trị ở quốc gia này.
Jack Ma, người sáng lập cả Alibaba và Ant Group, bị ngáng đường khi cố gắng đưa Ant Group “lên sàn” chỉ bởi trước đó ông đã lên tiếng chỉ trích hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đã phát ra cảnh báo về phi vụ IPO này ở Trung Quốc, và kết quả là Ant Group đã phải trì hoãn kế hoạch IPO của mình. Ant Group ước tính có giá trị vốn hóa 310 tỷ USD trên thị trường đại chúng. Tuy nhiên, trì hoãn IPO ảnh hưởng đến Alibaba – với tư cách một cổ đông lớn.
Tencent đã tích cực quyên góp tiền vì “sự thịnh vượng chung” ở Trung Quốc – áp lực chính trị trong việc phân phối lại của cải trên khắp đất nước này. Con số được hãng này công bố chính thức lên đến 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ USD), chỉ tính riêng trong năm nay. Trong khi đó, doanh thu năm 2020 của Tencent là 482 tỷ nhân dân tệ. Do đó, khoản đóng góp này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng doanh thu của hãng.
Nhược điểm: Bất ổn xoay quanh kế hoạch tái cấu trúc
Các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Alibaba và Tencent đều trông chờ áp lực chính trị sẽ vơi bớt. Họ cũng tin rằng các công ty này sẽ được phép hoạt động mà không bị chính phủ can thiệp nhiều.
Cả hai đều đang tiếp tục tăng trưởng. Do đó, nếu định giá của nó tăng trở lại như hồi cuối năm 2020, ít nhất tiềm năng tăng giá sẽ biến chúng thành những kênh đầu tư an toàn, thú vị. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể biết chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì trong tương lai.
Kết luận
Rốt cục, bất ổn chính là vấn đề căn cơ mà cả Alibaba và Tencent đang phải đối mặt. Không ai có thể biết được mức độ can thiệp của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty này, và sự can thiệp đó sẽ kéo dài trong bao lâu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Tencent buộc phải trích khoản lợi nhuận lớn hơn cho “sự thịnh vượng chung” trong tương lai? Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà quản lý Trung Quốc buộc Alibaba phải rút khỏi Ant Group?
Khi nắm giữ những cổ phiếu này, các nhà đầu tư phải bỏ ra không ít chi phí cơ hội để tìm kiếm câu trả lời. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu họ tìm đến các cơ hội đầu tư khác trước khi mua cổ phiếu của Alibaba hoặc Tencent.
Xem thêm: Cổ phiếu Alibaba trượt giá trên thị trường
Thu Trang – Theo fool.com