Nền tảng cho thuê lưu trú ngắn hạn Airbnb vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Phân tích chứng khoán Mỹ: 4 dấu hiệu tích cực cho tương lai của Airbnb

Giá cổ phiếu Airbnb (ABNB) đã gần như đi ngang trong sáu tháng qua trong bối cảnh các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao sụp đổ trước lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng lên, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn và Nga tấn công Ukraine.
Nền tảng dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn hạn của Airbnb đã gặp khó khăn trong những ngày đầu của đại dịch khi du lịch toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, công ty đã phục hồi nhanh chóng khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Nhìn về phía trước, chúng ta có thể xác định được bốn điểm tích cực cho thấy Airbnb vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
1. Airbnb đã phục hồi ấn tượng sau các đợt phong tỏa
Doanh thu của Airbnb đã giảm 30% xuống còn 3,4 tỷ USD trong năm 2020. Tổng giá trị đặt phòng (GPV) cũng giảm 37% xuống còn 23,9 tỷ USD khi tổng số đêm và trải nghiệm được đặt trước giảm 41% xuống còn 193,2 triệu.
Nhưng bước sang năm 2021, doanh thu của Airbnb đã tăng 77% lên 6,0 tỷ USD khi những thách thức liên quan đến đại dịch giảm bớt. GPV của công ty cũng đã tăng 96% lên 46,9 tỷ USD khi tổng số đêm và trải nghiệm được đặt trước tăng 56% lên 300,6 triệu.
Trong Q1/2022, Airbnb dự kiến doanh thu của mình sẽ tăng khoảng 59% đến 67% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhà phân tích kỳ vọng doanh thu của hãng sẽ tăng 32% trong cả năm.
Triển vọng khả quan đó cho thấy Airbnb không có ý định nhường thị trường cho các chuỗi khách sạn truyền thống (nhiều chuỗi trong số đó đã phải giảm giá dịch vụ để cạnh tranh) hoặc các nền tảng cho thuê ngắn hạn nhỏ hơn. Công ty cũng cho thấy những trở ngại về mặt quy định pháp lý – chẳng hạn như các lệnh cấm đối với việc cho thuê lưu trú ngắn hạn – không thể kìm hãm tăng trưởng của họ.
2. Lợi nhuận của Airbnb đang được cải thiện
Trên cơ sở các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP), khoản lỗ ròng của Airbnb đã tăng từ mức 674 triệu USD vào năm 2019 lên con số đáng kinh ngạc 4,6 tỷ USD vào năm 2020. Khoản lỗ này chủ yếu là do 2,8 tỷ USD chi phí lương thưởng bằng cổ phiếu liên quan đến thương vụ IPO của công ty. Nhưng vào năm 2021, khoản lỗ ròng tính theo GAAP của công ty đã thu hẹp chỉ còn 352 triệu USD.
Trên cơ sở thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) sau điều chỉnh, Airbnb đã công bố lợi nhuận dương lần đầu tiên vào năm 2021, đạt 1,6 tỷ USD trong cả năm. Để so sánh, công ty đã ghi nhận khoản lỗ EBITDA sau điều chỉnh 251 triệu USD vào năm 2020 và 253 triệu USD vào năm 2019. Mức cải thiện lớn đó đã mang lại cho công ty biên lợi nhuận EBITDA sau điều chỉnh đến 27% trong cả năm 2021. CFO Dave Stephenson đã ghi nhận kết quả này như thành quả của chiến lược “quản lý để sinh lời trong khi đầu tư để tăng trưởng”.
3. Airbnb có một mô hình kinh doanh chống lạm phát
Một cách tự nhiên, hoạt động kinh doanh của Airbnb ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát vì hai lý do đơn giản. Đầu tiên, những khách du lịch có khả năng chi tiêu ít hơn sẽ có xu hướng hướng tìm đến các dịch vụ cho thuê rẻ hơn trên Airbnb thay vì các khách sạn truyền thống. Thứ hai, những chủ nhà muốn tạo thêm thu nhập có thể sẽ cho thuê nhiều tài sản hơn.
Trong cuộc gọi thu nhập mới nhất của Airbnb, CEO Brian Chesky đã chỉ ra việc công ty được thành lập trong thời kỳ Đại suy thoái, khiến nhiều người cho thuê tài sản của họ trên Airbnb để “cải thiện vị thế kinh tế”. Dave Stephenson cho biết các chủ nhà trên Airbnb đã kiếm được khoảng 150 tỷ USD cho đến nay và đó vẫn sẽ là một “cách tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập trong tương lai.”
4. Định giá cao hơn của cổ phiếu Airbnb là hợp lý
Cổ phiếu Airbnb có vẻ không phải là một món hời với giá cao gấp 12 lần doanh thu dự kiến cho năm nay. Xét cho cùng, Expedia (EXPE) và Booking Holdings (BKNG) – cả hai đều cung cấp dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn hạn cùng với danh sách khách sạn và chuyến bay trên nền tảng của mình – đều dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng doanh thu tương đương với Airbnb trong năm nay nhưng đang giao dịch với hệ số giá trên doanh thu ở mức một con số.
Tuy nhiên, Airbnb được cho là xứng đáng với mức định giá cao hơn đó vì họ đã tạo ra lợi thế người đi đầu trong không gian cho thuê ngắn hạn. Công ty cũng đang dần mở rộng hệ sinh thái của mình bằng cách thu hút thêm nhiều trải nghiệm được tổ chức và tích hợp danh sách các khách sạn vừa và nhỏ vào nền tảng. Thị trường ngách này sẽ có thể tiếp tục mở rộng khi khách tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo và chủ nhà (cả cá nhân và khách sạn nhỏ độc lập) thách thức các chuỗi khách sạn lớn.
Bạn có nên đầu tư vào Airbnb không?
Airbnb là một cổ phiếu tăng trưởng lý tưởng cho thị trường hiện tại. Lợi nhuận của công ty đang được cải thiện, mô hình kinh doanh có khả năng chống lại lạm phát, hoạt động được hưởng lợi từ việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa và định giá của cổ phiếu là khá hợp lý. Những thách thức vĩ mô và địa chính trị không thể đoán trước có thể hạn chế tăng trưởng của công ty trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Airbnb chắc chắn được kỳ vọng là một người chiến thắng trong dài hạn.