Trong số những cái tên tiềm năng đó có Amazon và AMD. Sự suy yếu trên diện rộng của thị trường chứng khoán nói chung đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và giữ tâm lý tránh xa các tài sản rủi ro. Thế nhưng sự sụt giảm lúc này lại đang được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm coi là cơ hội mua vào các mã cổ phiếu mạnh nhằm đón đầu đà tăng trưởng khi thị trường phục hồi trở lại.
Amazon: Mức giá rẻ cho một cổ phiếu có tiềm năng dài hạn
Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Amazon đã giảm 30% từ mức đỉnh 52 tuần qua. Có nhiều lý do để giải thích cho sự điều chỉnh này.
Thứ nhất, kết quả báo cáo quý đầu tiên vào tháng 4 của Amazon không đạt được như kỳ vọng của các chuyên gia phân tích phố Wall. Một phần nguyên nhân là do sự kiện Prime Day được tổ chức vào quý 2 năm ngoái nhưng lại được tổ chức vào quý thứ ba năm nay. Điều đó dẫn tới sự chênh lệch kết quả kinh doanh quý 2 giữa 2 năm.
Thứ hai, chỉ tiêu kinh doanh ban giám đốc đặt ra cho quý 2 ám chỉ rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm có thể chạm mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của Amz. Cùng với đó, với việc nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng thường có xu hướng tới các cửa hàng vật lý mua sắm trực tiếp hơn là qua các kênh thương mại điện tử, và hiệu ứng này thì khó có thể ước tính được.
Tuy nhiên, với các phân khúc kinh doanh đa dạng như điện toán đám mây, phương tiện truyền thông kỹ thuật số và các dịch vụ hậu cần, Amz vẫn có khả năng duy trì được tăng trưởng ngay cả khi mảng thương mại điện tử suy yếu như hiện tại. Và trong dài hạn, đây vẫn là một mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, nhất là khi thị trường chứng khoán phục hồi trở lại.
Hiện tại, cổ phiếu Amazon đang giao dịch ở mức giá trị thấp nhất so với lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) trong 20 năm qua. Tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E) của Amz cũng tương tự như vậy. Do đó, đây có thể là cơ hội mua vào cho những nhà đầu tư quyết đoán.
Xem thêm: Liệu bây giờ có quá muộn nếu mua cổ phiếu ASML?
AMD: Nền tảng vững chắc để cất cánh trong tương lai
Trong quý 1 năm 2022, doanh số bán chip EPYC của AMD đã tăng đến 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là bằng chứng cho thấy nhu cầu với các bộ vi xử lý của AMD cho các trung tâm dữ liệu và các ứng dụng máy tính hiệu suất cao đang tăng lên mạnh mẽ. Phân khúc PC tiêu dùng cũng tăng trưởng mạnh, cho phép AMD vươn lên, thu hẹp khoảng cách với Intel – vốn đứng đầu thị phần ở mảng này.
Một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng của AMD là thương vụ sáp nhập với Xilinx mà gã khổng lồ bán dẫn này vừa hoàn thành hồi đầu năm. Theo giám đốc điều hành Lisa Su, tốc độ tăng trưởng của AMD trong năm 2022 (bao gồm cả việc sáp nhập với Xilinx) dự kiến sẽ tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với biên lợi nhuận của AMD cũng sẽ tăng lên. Và chắc chắn, cổ phiếu AMD cũng sẽ được hưởng lợi từ điều này
Cổ phiếu AMD hiện được giao dịch với mức giá gấp 33 lần lợi nhuận 12 tháng qua, một mức rất rẻ nếu xem xét khả năng tăng trưởng lợi nhuận 60% doanh thu như dự kiến. Điều đó khiến cho AMD trở thành một lựa chọn đáng mua cho nhiều nhà đầu tư.