Chủ Nhật, Tháng Sáu 4, 2023
Trang chủThế giớiKinh tế thế giớiTiêu điểm kinh tế thế giới ngày 23/2/2023

Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 23/2/2023

Ngày 22/2, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp tháng 1/2023 và cho biết lạm phát kinh tế vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, trong khi thị trường lao động vẫn chặt chẽ, góp phần tiếp tục gây áp lực lên tiền lương và giá cả.

Tiêu điểm kinh tế thế giới

Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát
Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Các thành viên của Fed đã chấp thuận mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2022, đưa lãi suất liên bang về phạm vi mục tiêu là 4,5%-4,75%.

Biên bản nêu rõ trong ba tháng qua tốc độ tăng giá hàng hóa giảm, song lạm phát vẫn là mối đe dọa. Các thành viên cho rằng việc tăng lãi suất là cần thiết. Mặc dù đa số đồng ý việc tăng 0,25 điểm phần trăm, nhưng một vài thành viên muốn tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thể hiện quyết tâm lớn hơn nữa để giảm lạm phát.

Sau cuộc họp, các quan chức Fed cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác ngay cả khi các dữ liệu lạm phát gần đây đáng khích lệ.

Trả lời phỏng vấn của CNBC ngày 22/2, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard tin tưởng việc tăng lãi suất cao hơn, sớm hơn sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên theo ông thì ngay cả khi thúc đẩy chính sách ngắn hạn tích cực hơn thì mức lãi suất cao nhất hoặc cuối cùng nên ở khoảng 5,375%, phù hợp với giá cả thị trường.

Các dữ liệu kinh tế tháng 1/2023 cho thấy lạm phát đang giảm với tốc độ thấp hơn so với mức đỉnh vào mùa Hè năm 2022 nhưng tốc độ này vẫn đang tăng lên. Thị trường lao động nóng cho thấy việc Fed tăng lãi suất vẫn chưa tác động vào phần lớn nền kinh tế.

Thị trường dự báo sẽ có khả năng tăng thêm 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 3/2023, sau đó là một vài lần nữa để đưa lãi suất quỹ lên mức cao nhất là 5,25% -5,5%. Nếu lãi suất rơi vào khoảng giữa của mục tiêu đó, thì sẽ là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2001. Thị trường cũng lo ngại nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao có thể sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Xem thêm: Vàng đen nhích nhẹ khi các nhà lọc dầu Trung Quốc hưởng lợi về giá

Meta gặp rắc rối về thuế tại Italy

Hai nguồn thạo tin ngày 22/2 cho hay Meta, công ty mẹ của Facebook, đang phải đối mặt với hóa đơn thuế có thể lên tới 870 triệu euro (925 triệu USD) ở Italy, sau khi các công tố viên nước này mở cuộc điều tra đối với “đại gia” mạng xã hội này.

Các thẩm phán Milan đã mở cuộc điều tra theo yêu cầu của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO). Cơ quan này đã yêu cầu cảnh sát tài chính Guardia di Finanza và Cơ quan nguồn thu ngân sách Italy kiểm tra xem có trường hợp dịch vụ đăng ký người dùng nào phải chịu thuế hay không.

Hai nguồn tin cho biết các nhà điều tra tin rằng tư cách thành viên miễn phí trên nền tảng Meta đổi lại bằng việc phía công ty có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng. Do đó, chúng nên được phân loại là trao đổi dịch vụ và phải chịu thuế VAT.

Theo các nguồn tin, giới hữu trách Italy đã tính toán một mô hình. Theo đó, Meta sẽ phải trả khoảng 220 triệu euro tiền thuế kinh doanh ở nước này vào năm 2021. Con số cho giai đoạn từ sau đó trở lại năm 2015 là 870 triệu euro.

Một trong những nguồn tin giải thích rằng điểm quan trọng nhất cần chú ý là việc thiết lập mối liên hệ giữa khả năng truy cập miễn phí nền tảng mạng xã hội và việc người dùng truyền dữ liệu cho phía công ty như một giao dịch chịu thuế. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả chưa lường hết được đối với các công ty đa quốc gia lẫn các nước khác ở châu Âu.

Người phát ngôn của Meta trong một tuyên bố gửi qua email cho hay họ hoàn toàn không đồng ý với ý kiến cho rằng việc cung cấp quyền truy cập vào các nền tảng trực tuyến cho người dùng nên bị tính thuế giá trị gia tăng (VAT).

Người phát ngôn nói thêm rằng Meta đã nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, nộp tất cả các khoản thuế được yêu cầu ở các quốc gia nơi họ hoạt động và sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng.

EPPO cho biết họ không bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra cũng như không xác nhận công khai những trường hợp nào họ đang xử lý.

Theo các nguồn tin, đánh giá của giới chức Italy đã được Meta chú ý. Hai bên đang tiến hành cuộc đối thoại về vấn đề này.

Meta có thể quyết định chấp nhận kết quả điều tra và thanh toán số tiền được yêu cầu, hoặc phản đối và mở ra một cuộc tranh chấp với giới chứng Italy.

Toyota đặt mục tiêu sản xuất ô tô điện tại Mỹ từ năm 2025

Hãng xe ô tô Toyota của Nhật Bản cho biết sẽ thúc đẩy đầu tư trang bị hệ thống lắp ráp xe ô tô điện (EV) và linh kiện chủ chốt là pin tích điện tại nhà máy sản xuất ở Mỹ, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của thị trường EV đang mở rộng hiện nay.

Theo kế hoạch, Toyota sẽ đầu tư khoảng 460 triệu USD để xây dựng hệ thống sản xuất EV tại nhà máy ở bang Kentucky và bắt đầu chính thức đi vào sản xuất kể từ năm 2025.

Đối với pin tích điện, Toyota sẽ xây dựng nhà máy tại bang North Carolina và cũng đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất kể từ năm 2025.

Ông Toyoda Akio, người sẽ giữ chức Tổng giám đốc Toyota kể từ ngày 1/4, cho biết chủ trương của hãng là đẩy nhanh phát triển dòng xe EV trên cơ sở hệ thống kinh doanh mới. Kế hoạch của Toyota là xây dựng hệ thống sản xuất tại nước bản địa nhằm mang lại tính hiệu quả cao và bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường EV hiện nay.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực phát triển EV rất quyết liệt khi có sự tham gia của các hãng xe chuyên dụng như Tesla, Toyota sẽ vẫn tiếp tục thực hiện “chiến lược đa dạng hóa” nhằm đầu tư và sản suất nhiều dòng xe như xe ô tô lai (xe hybrid), xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu…để có thể duy trì vị thế trong ngành.

Tỷ lệ lạm phát kinh tế tại Italy giảm trong tháng 1/2023

Tỷ lệ lạm phát tại Italy giảm trong tháng 1/2023
Tỷ lệ lạm phát tại Italy giảm trong tháng 1/2023

Ngày 22/2, Cơ quan thống kê quốc gia Italy ISTAT cho biết, tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này đã có sự sụt giảm rõ ràng trong tháng 1/2023, xuống 10% so với mức 11,6% của tháng 12/2022.

ISTAT cho hay tỷ lệ lạm phát giảm chủ yếu là do mức tăng giá đối với các sản phẩm năng lượng được điều tiết giảm từ +70,2% xuống -12% và ở mức độ thấp hơn là giá các sản phẩm năng lượng không được điều (từ +63,3% xuống +59,6%) và thực phẩm chưa qua chế biến (từ +9,5% xuống +8,0%).

Về mức tăng hàng tháng, ISTAT cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của họ đã tăng 0,1% trong tháng Một so với tháng trước.

Do giá năng lượng tăng vọt, tỷ lệ lạm phát tại Italy đã đạt đỉnh là 11,8% trong hai tháng 11-10/2022.

Cơ quan này cho hay chỉ số các mặt hàng được mua thường xuyên như thực phẩm và đồ gia dụng đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Một, thấp hơn so với mức 12,6% trong tháng 12.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 21/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy đã giảm 0,1% trong quý IV/2022, sau khi tăng trưởng 0,5% trong quý trước đó. Theo OECD, kinh tế Italy đang gặp khó khăn trong bối cảnh tác động của cuộc xung đột Ukraine.

Vương Linh

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI