Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết còn một số bất đồng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) liên quan đến tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

G20 bất đồng về tái cấu trúc nợ
Phát biểu ngày 25/2 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Bengaluru (Ấn Độ), bà Georgieva cho biết dù vẫn còn một số bất đồng, song tại phiên họp đầu tiên, các bên tham gia đã cam kết giải quyết bất đồng vì lợi ích của tất cả các nước.
Hiện bà Georgieva và Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đang đồng chủ trì hội nghị này.
Ấn Độ đảm nhận cương vị Chủ tịch G20 vào thời điểm nhiều nước láng giềng Nam Á là Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan đang tìm kiếm các gói hỗ trợ khẩn cấp của IMF vì kinh tế gặp khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn đã kêu gọi tiến hành phân tích công bằng, khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân của vấn đề nợ toàn cầu nhằm đạt được giải pháp toàn diện và hiệu quả. Ông Lưu Côn cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ thương mại nên tuân theo nguyên tắc “hành động chung, chia sẻ gánh nặng công bằng” trong nỗ lực tái cấu trúc nợ.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức tham dự cuộc họp cho biết các nước G20 vẫn chưa đạt được sự nhất trí về quan điểm liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine và nhiều khả năng kết thúc cuộc họp ngày 25/2 tại Ấn Độ mà không ra được tuyên bố chung.
Xem thêm: Dầu từng bước phục hồi do lo ngại nguồn cung vào cuối tháng 2

GM bắt đầu sản xuất xe Trax Crossover tại Hàn Quốc
Hãng chế tạo ô tô General Motors (GM) của Mỹ vừa cho biết đã bắt đầu sản xuất xe Trax Crossover tại nhà máy ở Hàn Quốc trước khi ra mắt tại địa phương trong quý I/2023.
GM có kế hoạch tăng cường sản xuất mẫu xe chiến lược này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với dòng xe mới ở Mỹ và các thị trường kinh tế khác, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Detroit này cho biết.
“Sau thành công nổi bật của Chevrolet Trailblazer tại Hàn Quốc và trên toàn thế giới, mẫu crossover mới của chúng tôi đã gây được tiếng vang lớn tại Mỹ và tôi chắc chắn rằng đây cũng sẽ là một thành công lớn nữa tại Hàn Quốc” Shilpan Amin, Phó Chủ tịch của GM cho biết.
Xe Trax Crossover đã được ra mắt tại Mỹ trong năm 2022 và mẫu xe này được lắp ráp tại nhà máy của GM Hàn Quốc ở Changwon, cách Seoul khoảng 300 km về phía Nam. Trong khi đó, xe Trailblazer đang được lắp ráp tại nhà máy của GM ở Bupyong, phía Tây Seoul.
GM Hàn Quốc có kế hoạch bổ sung thêm nhiều mẫu xe thương hiệu GMC vào dòng sản phẩm của mình tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Trong cả năm 2022, doanh số bán xe của GM Hàn Quốc đã tăng 12% lên 264.875 chiếc so với 237.044 chiếc vào năm trước đó.
Twitter tiếp tục sa thải hàng chục nhân viên để cắt giảm chi phí
Theo trang The Information, ngày 25/2, trang mạng xã hội Twitter của tỷ phú Elon Musk đã sa thải hàng chục nhân viên vào thứ Bảy. Đây ít nhất là đợt cắt giảm việc làm thứ tám kể từ khi ông Musk nắm quyền tiếp quản mạng xã hội này vào cuối tháng Mười.
Việc cắt giảm việc làm trên đã ảnh hưởng đến nhiều nhóm kỹ thuật, bao gồm cả những nhóm hỗ trợ công nghệ quảng cáo, ứng dụng Twitter và cơ sở hạ tầng kỹ thuật để duy trì hoạt động của hệ thống Twitter. Hiện Twitter vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Đầu tháng Mười Một, Twitter đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên theo chương trình cắt giảm chi phí của ông Musk, người đã mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD.
Theo trang The Information, đợt cắt giảm việc làm mới nhất nhằm bù đắp sự sụt giảm doanh thu sau khi ông Musk tiếp quản Twitter. Dự kiến, mạng xã hội này sẽ tiếp tục cắt giảm số lượng nhân viên vốn bị giảm ít nhất 70% xuống khoảng 2.000 người.
Hồi tháng 11/2022, ông Musk cho biết, Twitter đang trải qua “sự sụt giảm doanh thu lớn” khi các nhà quảng cáo cắt giảm chi tiêu giữa những lo ngại về việc kiểm soát nội dung.
Sau khi hoàn tất thỏa thuận thâu tóm Twitter vào tháng 10/2022, tỷ phú Musk đã thực hiện cải tổ mạng xã hội này. Ông đã ngay lập tức sa thải một số lãnh đạo cấp cao của Twitter, trong đó có Giám đốc điều hành (CEO) Parag Agrawal, Giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal và trưởng bộ phận pháp lý Vijaya Gadde.
Những cải cách hành chính, nhân sự và quy tắc của tỷ phú Musk đã gây ra nhiều xáo trộn đối với Twitter. Bản thân ông Musk từng đề cập khả năng Twitter có thể phá sản sau khi nền tảng này rơi vào tình trạng hỗn loạn với cảnh báo từ cơ quan quản lý Mỹ và sự ra đi của một loạt người đứng đầu các bộ phận trọng yếu.
Nokia lần đầu tiên thay đổi logo sau 60 năm
Nokia đã công bố kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu lần đầu tiên sau gần 60 năm bằng một logo mới. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chiến lược giữa bối cảnh nhà sản xuất thiết bị viễn thông này tập trung vào hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ.
Logo mới gồm năm hình dạng khác nhau tạo thành từ NOKIA. Màu xanh mang tính biểu tượng của logo cũ đã bị loại bỏ để thay bằng nhiều màu tùy theo mục đích sử dụng.
Sau khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của Nokia, vốn gặp khó khăn vào năm 2020, Pekka Lundmark đã đề ra chiến lược gồm ba giai đoạn: Thiết lập lại, tăng tốc và mở rộng quy mô. Khi giai đoạn thiết lập lại đã hoàn tất, Lundmark cho biết giai đoạn thứ hai đang bắt đầu.
Mặc dù Nokia vẫn đặt mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh là nhà cung cấp dịch vụ với việc bán thiết bị cho các công ty viễn thông, song trọng tâm chính của Nokia hiện nay là bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.
Ông Lundmark cho biết, lĩnh vực kinh doanh của Nokia đã có mức tăng trưởng rất tốt 21% trong năm 2022, mảng này chiếm khoảng 8% doanh thu công ty, khoảng 2 tỷ euro (2,11 tỷ USD). Nokia mong muốn đưa mức này lên hai con số càng nhanh càng tốt.
Việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng sẽ giúp hãng cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft và Amazon.
Thị trường kinh tế bán thiết bị viễn thông đang chịu sức ép với việc môi trường vĩ mô làm giảm nhu cầu từ các thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao như Bắc Mỹ, và thay thế bằng Ấn Độ, nơi có tỷ suất lợi nhuận thấp, qua đó khiến đối thủ Ericsson phải sa thải 8.500 nhân viên.
Lundmark cho hay Ấn Độ, nơi có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, là thị trường kinh tế phát triển nhanh nhất của Nokia, điều này cho thấy một sự thay đổi về cấu trúc. Ông Lundmark cũng kỳ vọng thị trường Bắc Mỹ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2023.
Vương Linh