Trong tháng Bảy, doanh số bán nhà có sẵn tại Mỹ đã giảm mạnh giữa bối cảnh chi phí vay nợ cao. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), trong tháng trước, doanh số bán nhà có sẵn đã giảm 5,9% so với tháng Sáu xuống 4,81 triệu căn.
Tổng hợp kinh tế thế giới ngày 19/8/2022

Doanh số bán nhà tại Mỹ giảm tháng thứ sáu liên tiếp
Con số này thấp hơn dự báo trước đó của các nhà kinh tế và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2015, nếu không tính đến đợt sụt giảm ngắn hạn trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mức giảm trong tháng Bảy là mức giảm hàng tháng thứ sáu liên tiếp của doanh số bán nhà.
Thị trường nhà đất đã tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch bùng phát khi người Mỹ tận dụng mức lãi suất thế chấp thấp để mua nhà bằng số tiền tiết kiệm. Lĩnh vực bất động sản là một động lực quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới khi giúp thúc đẩy chi tiêu vào các lĩnh vực khác, như thiết bị, đồ nội thất và vật liệu xây dựng.
Nhu cầu cao càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở trước đại dịch, khiến giá cả tăng cao. Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lại lạm phát, tốc độ bán hàng đã bị ảnh hưởng. Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của NAR nhận định doanh số bán hàng sụt giảm khá nhiều.
Sau khi chạm mốc 400.000 USD lần đầu tiên vào tháng Năm, giá bán nhà trung bình đã giảm nhẹ so với tháng Sáu, xuống 403.800 USD, song vẫn tăng 10,8% so với tháng 7/2021. Trước đại dịch, giá nhà tăng khoảng 5%/năm.
Các dữ liệu khác cho thấy các nhà xây dựng đang bắt đầu rút lui và việc xây dựng nhà mới đã chậm lại. Nhà kinh tế trưởng Yun bày tỏ lo ngại nếu lãi suất thế chấp được nới lỏng hơn, lượng người mua mới sẽ đổ xô vào thị trường và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở. Doanh số bán nhà có sẵn chiếm 90% thị trường bất động sản Mỹ.
Lạm phát ở Nhật Bản tăng mạnh nhất trong hơn 7 năm
Ngày 19/8, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này trong tháng 7 vừa qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6 và là mức tăng lớn nhất trong hơn 7 năm qua.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Mức tăng CPI trong tháng 7 vừa qua là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2014, khi CPI tăng 2,5 % sau khi thuế tiêu dùng tăng từ tháng 4 cùng năm đó.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát ở Nhật Bản tiếp tục tăng là do giá nhiên liệu và nguyên vật liệu thô vẫn đứng ở mức cao, khiến nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá, trong khi đồng yen mất giá so với USD cũng khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đang đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình ở Nhật Bản tăng cao trong khi tốc độ tăng tiền lương vẫn rất chậm. Thực trạng này có thể tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sau đại dịch COVID-19.
Nếu tính cả biến động giá thực phẩm tươi sống, CPI của Nhật Bản trong tháng 7 vừa qua tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn nếu loại trừ các biến động của giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, chỉ số này chỉ tăng 1,2%. Điều này cho thấy việc giá thực phẩm tươi sống và năng lượng tăng cao đã tác động lớn tới CPI.
Mặc dù vậy, so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, lạm phát ở Nhật Bản vẫn khá thấp. Nếu loại trừ những biến động về giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, CPI của Nhật Bản còn thấp hơn nhiều. Vì vậy, giới phân tích dự báo BOJ có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.
Triển vọng lạm phát của Eurozone không được cải thiện dù ECB tăng lãi suất
Bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, triển vọng lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã không được cải thiện kể từ khi ngân hàng này tăng lãi suất vào tháng Bảy vừa qua. Bà Schnabel bày tỏ sự ủng hộ vào một đợt tăng lãi suất lớn nữa vào tháng tới, ngay cả khi nguy cơ suy thoái gia tăng.
Việc tăng lãi suất vào tháng 9 được coi là một thỏa thuận đã thực hiện với các nhà hoạch định chính sách thuộc liên minh tiền tệ này. Những bình luận của bà Schnabel cho thấy bà dường như đang ủng hộ một mức tăng lãi suất lớn hơn.
Các thị trường đã gia tăng mức đặt cược vào khả năng ECB tăng lãi suất trong những tuần gần đây khi áp lực lạm phát đè nặng, và hiện mức tăng lãi suất được ước tính là 0,55 điểm phần trăm trong tháng Chín tới và tổng cộng tăng 1,18 điểm phần trăm tính đến cuối năm.
Vấn đề là mức lạm phát 8,9%, cao hơn bốn lần so với mục tiêu 2% của ECB, vẫn có thể tăng cao hơn ngay cả khi chi phí năng lượng nhảy vọt làm suy giảm sức mua và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Bà Schnabel, một nhà hoạch định chính sách bảo thủ, cho biết: “Tôi sẽ không loại trừ khả năng trong ngắn hạn, lạm phát của Eurozone sẽ tiếp tục gia tăng. Những áp lực lạm phát này có thể sẽ tồn tại với khu vực trong một thời gian và không thể biến mất nhanh chóng trước khi quay trở lại mức 2%”.

Cảnh báo lỗ hổng bảo mật trên hệ điều hành của nhiều thiết bị của Apple
Mới đây, hãng Apple cảnh báo một số lỗ hổng bảo mật, theo đó các tin tặc có thể lợi dụng để kiểm soát hoàn toàn các thiết bị iPhone, iPad và MacBook.
Thông tin trên được đưa ra trong 2 báo cáo công bố ngày 17/8 và dẫn nguồn một nhà nghiên cứu giấu tên. Theo báo cáo, các tin tặc có thể lợi dụng những lỗ hổng bảo mật này để có thể kiểm soát hoàn toàn, truy cập dữ liệu hay tài nguyên của thiết bị. Cụ thể, thiết bị của hãng chạy trên những hệ điều hành gặp lỗi bao gồm các dòng iPhone6S trở xuống; dòng iPad Gen 5 trở xuống, tất cả các mẫu iPad Pro và iPad Air 2; và các máy tính Macbook chạy hệ điều hành MacOS Monterey; cùng một số dòng iPod. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ cách thức, địa điểm hay người phát hiện ra lỗ hổng.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng khẩn trương cài đặt bản cập nhật phần mềm cho thiết bị. Ngày 17 và 18/8, “đại gia” công nghệ tại thung lũng Silicon đã tung ra các “bản vá” lỗi cho hệ điều hành bị ảnh hưởng trên các thiết bị iPhone, iPad và MacBook.