Trang chủBài cần sửa SEOTop 10 mô hình biểu đồ thường gặp trong giao dịch

Top 10 mô hình biểu đồ thường gặp trong giao dịch

Top 10 mô hình biểu đồ thường gặp trong giao dịchCafeforexvn – Các mô hình biểu đồ là một trong những công cụ giao dịch hiệu quả nhất cho một nhà giao dịch. Chúng thể hiện hành động giá thuần túy và được hình thành trên cơ sở áp lực mua và bán cơ bản. Các mô hình biểu đồ có đã được chứng minh hiệu quả và các nhà giao dịch sử dụng chúng để xác định các tín hiệu xu hướng tiếp tục hoặc đảo chiều, để mở các vị thế và xác định mục tiêu giá.

Top 10 mô hình biểu đồ thường gặp trong giao dịch

Mở đầu

Các mô hình biểu đồ là các hình thái cụ thể của giá được thể hiện trên biểu đồ và được sử dụng để dự đoán biến động giá trong tương lai. Vì phân tích kỹ thuật dựa trên giả định rằng lịch sử sẽ lặp lại, các mô hình biểu đồ phổ biến đã chỉ ra rằng một chuyển động về giá là sự hình thành của một mô hình cụ thể với xác suất. Do đó, mô hình biểu đồ được chia làm 2 nhóm: (1) mô hình tiếp diễn – báo hiệu xu hướng hiện tại sẽ kéo dài và (2) mô hình đảo chiều – báo hiệu sự đảo ngược của xu hướng hiện tại.

Bài viết này sẽ chỉ ra 10 mô hình biểu đồ phổ biến nhất mà mọi nhà giao dịch nên biết. Phần đầu tiên sẽ tiết lộ các mô hình đảo chiều và cách chúng được sử dụng.

Phần 1 – Các mô hình đảo chiều

Mô hình “Vai – đầu – vai”

Mô hình “Vai – đầu – vai”

Mô hình “Vai – đầu – vai” là một mô hình biểu đồ báo hiệu đảo chiều, cho biết xu hướng hiện tại sắp thay đổi. Mô hình “Vai – đầu – vai” bao gồm ba đỉnh đảo chiều, với mức đỉnh đảo chiều ở giữa là mức đỉnh cao nhất (các đường màu đỏ trên biểu đồ). Sau khi tạo mức đỉnh thứ hai ở giữa, mức đỉnh thứ ba sau đó thấp hơn báo hiệu rằng người mua không có đủ sức mạnh để đẩy giá lên cao hơn. Mô hình này trông giống như một cái đầu với vai trái và phải (ba vùng đỉnh đảo chiều). Đường “viền cổ” (neckline) nối hai vai và tín hiệu bán xuất hiện khi giá phá vỡ xuống bên dưới đường “viền cổ”, với mục tiêu giá là khoảng cách từ đỉnh đầu tiên đến đường “viền cổ” (mũi tên màu xanh lá cây). Mô hình “Vai – đầu – vai” xuất hiện trong một xu hướng giảm, thì ngược lại, mô hình “vai – đầu – vai” đảo ngược xuất hiện với 3 mức đáy đảo chiều cho một tín hiệu mua.

Mô hình “hai đỉnh” và mô hình “hai đáy”

Mô hình “hai đỉnh” và mô hình “hai đáy”

Mô hình “hai đỉnh” và mô hình “hai đáy” là một mô hình đảo chiều, lần lượt xảy ra trong xu hướng tăng và giảm. Mô hình “hai đỉnh” gồm hai đỉnh đảo chiều có mức cao bằng nhau hoặc có chênh lệch một chút. Mô hình này cho thấy rằng người mua đã khôngthể đẩy giá lên cao hơn và dự báo đảo chiều cho xu hướng sắp tới. Khi giá phá vỡ đường hỗ trợ, bạn có thể mở một vị thế bán với mục tiêu giá là khoảng cách giữa đỉnh và đường hỗ trợ của mô hình. Mô hình “hai đáy” thì ngược lại, mô hình này bao gồm hai đáy đảo chiều. Phe bán đã thất bại khi không thể đẩy giá xuống thấp hơn. Khi giá phá vỡ đường kháng cự, bạn có thể mở một vị thế mua với mục tiêu giá là khoảng cách giữa đáy và đường kháng cự.

Mô hình “ba đỉnh” và mô hình “ba đáy”

Mô hình “ba đỉnh” và mô hình “ba đáy”

Mô hình “ba đỉnh” và mô hình “ba đáy” về cơ bản giống với các mô hình “hai đỉnh” và mô hình “hai đáy”. Cả hai đều là các mô hình đảo chiều, với sự khác biệt là mô hình “ba đỉnh” có ba mức đỉnh đảo chiều và mô hình “ba đáy” có ba mức đáy đảo chiều. Các tín hiệu vào lệnh là khi giá phá vỡ các đường hỗ trợ và kháng cự với mục tiêu giá là khoảng cách giữa đỉnh và đường hỗ trợ (đối với mô hình “ba đỉnh” hoặc khoảng cách giữa đáy và đường kháng cự (đối với mô hình “ba đáy”).

Mô hình Rounding Top (đỉnh tròn)

Mô hình Rounding Top (đỉnh tròn)

Mô hình Rounding Top cần nhiều thời gian để hình thành hơn là các mô hình nói trên. Mô hình này cho thấy sự thay đổi dần dần của tâm lý từ tăng sang giảm. Giá dần dần hình thành “đỉnh tròn”, như có thể thấy trên biểu đồ. Bạn có thể mở một vị thế bán khi giá phá vỡ đường hỗ trợ, với mục tiêu giá bằng khoảng cách từ đỉnh đến đường hỗ trợ.

Mô hình Rounding Bottom (đáy tròn)

Mô hình Rounding Bottom (đáy tròn)

Mô hình Rounding Bottom ngược lại so với mô hình Rounding Top. Giá thay đổi dần dần so với xu hướng giảm trước đó, được biểu thị bằng “đáy tròn”. Các tín hiệu mở vị thế giống như mô hình Rounding Top, tức là mở vị thế mua khi giá phá vỡ đường kháng cự. Mục tiêu giá là khoảng cách giữa đáy và đường kháng cự.

Phần 2 – Các mô hình biểu đồ tiếp diễn xu hướng

Phần này sẽ tiếp tục giới thiệu các mô hình biểu đồ tiếp diễn xu hướng phổ biến nhất. Các mô hình tiếp diễn cũng quan trọng như các mô hình đảo chiều. Chúng phù hợp hơn với phong cách giao dịch tiếp diễn xu hướng. Trong khi các mô hình đảo chiều phù hợp với các nhà giao dịch lướt sóng, thì các mô hình tiếp diễn phù hợp với các nhà giao dịch theo xu hướng. Sau đây bài viết sẽ giới thiệu các mô hình tiếp diễn phổ biến nhất.

Mô hình “hộp chữ nhật”

Mô hình “hộp chữ nhật”

Mô hình này là một mô hình tiếp diễn, có nghĩa là nó xác nhận rằng xu hướng trước đó sẽ tiếp tục. Mô hình này được chia thành hai loại: tăng và giảm tùy thuộc vào xu hướng trước đó. Mô hình “hộp chữ nhật” tăng xuất hiện trong xu hướng tăng, khi giá bước vào giai đoạn tích lũy, trong khi giao dịch đi ngang. Giá có thể sẽ bứt phá theo hướng của xu hướng trước đó. Tín hiệu mua xuất hiện khi giá phá vỡ cạnh trên của hình “hộp chữ nhật” với mục tiêu giá là chiều cao của hình hộp chữ nhật. Mô hình “hộp chữ nhật” giảm giá ngược lại với hình “hộp chữ nhật” tăng giá. Nó hình thành trong một xu hướng giảm, khi giá bước giai đoạn đi ngang. Điều này có nghĩa là xu hướng rất có thể sẽ tiếp tục đi xuống khi giá phá vỡ  cạnh dưới của hình hộp chữ nhật. Mục tiêu giá lại là chiều cao của hình hộp chữ nhật.

Mô hình “cái nêm”

Mô hình “cái nêm”

Mô hình “cái nêm” là một mô hình tiếp diễn xu hướng khác. Một nêm tăng giá hình thành trong một xu hướng tăng, khi giá giao dịch bên trong các đường xu hướng. Những đường xu hướng này ngụ ý rằng phe bán đang cố gắng đẩy giá xuống thấp hơn, nhưng không có đủ sức mạnh để chiến thắng phe mua. Cuối cùng, phe mua thắng và giá phá vỡ đường xu hướng trên, cho thấy rằng xu hướng tăng sẽ tiếp tục. Mục tiêu giá được tính bằng chiều cao tối đa của nêm cộng với điểm phá vỡ. Mô hình nêm giảm tương tự như nêm tăng, với sự khác biệt là nó xuất hiện trong xu hướng giảm và độ dốc của nêm tăng lên. Các đường xu hướng một lần nữa cho thấy phe mua đã can thiệp vào xu hướng giảm, cố gắng đẩy giá lên cao hơn. Việc phá vỡ qua đường xu hướng dưới cho thấy rằng phe bán đã giành quyền kiểm soát và xu hướng giảm sẽ tiếp diễn. Mục tiêu giá giống như cách tính với mô hình nêm tăng giá, là chiều cao tối đa của nêm cộng với điểm phá vỡ.

Mô hình “lá cờ”

Mô hình “lá cờ”

Mô hình “lá cờ” rất giống với mô hình “cái nêm”, sự khác biệt là các đường xu hướng tạo thành lá cờ song song với nhau chứ không hướng vào nhau. “Cán cờ” cũng là một phần của mô hình, vì mục tiêu giá được đo bằng độ dài “cán cờ”. Mô hình “lá cờ” có thể tăng và giảm, với mô hình “lá cờ tăng” được biểu thị như trong biểu đồ trên. Một “lá cờ tăng” hình thành trong một xu hướng tăng, với các đường xu hướng song song với hành động giá, tạo thành một đường dốc xuống. Sự phá vỡ cạnh trên sẽ xác nhận xu hướng tăng được tiếp diễn. Mô hình “lá cờ giảm” khá giống với mô hình “lá cờ tăng”. Sự khác biệt là nó hình thành trong các xu hướng giảm và có độ dốc hướng lên. Mục tiêu giá được đo bằng chiều cao của cán cờ (mũi tên màu xanh lá cây) cộng với điểm thấp nhất của “lá cờ tăng” (hoặc điểm cao nhất của “lá cờ giảm”).

Mô hình “tam giác”

Mô hình “tam giác”

Có ba loại mô hình “tam giác”: Tăng dần, giảm dần và đối xứng. Tất cả ba loại mô hình này trông khá giống nhau, với khác biệt là mô hình “tam giác tăng” có đường xu hướng phía trên nằm ngang và mô hình tam giác giảm dần có đường xu hướng bên dưới nằm ngang. Đường xu hướng đối xứng là loại đường xu hướng phổ biến nhất và hình thành trong cả xu hướng tăng và giảm. Các đường xu hướng này giống như mô hình “cái nêm”, hướng vào nhau. Nếu giá phá vỡ đường xu hướng phía dưới trong xu hướng giảm thì xu hướng giảm đó được tiếp diễn và ngược lại với xu hướng tăng. Giá mục tiêu là chiều cao của mô hình tam giác cộng với điểm bứt phá.

Mô hình “Cốc và tay cầm”

Mô hình “Cốc và tay cầm”

Tham khảo:

Mô hình “Cốc và tay cầm” giống như mô hình Rounding Top (đỉnh tròn) kèm theo một sự điều chỉnh giá nhỏ (tay cầm). Đây là một mô hình tiếp diễn xu hướng tăng, phe bán đã cố gắng đẩy giá xuống thấp hơn, nhưng tâm lý lại chuyển dần từ phe bán sang phe mua. Ngoài ra, một đợt điều chỉnh nhỏ xảy ra là nỗ lực cuối cùng của phe bán để giành lại quyền kiểm soát nhưng không thành công. Sau khi vượt ra khỏi đường kháng cự (đường chấm màu xanh lá cây), giá mục tiêu được tính là chiều cao của mô hình “Cốc và tay cầm”. Tương tự, mô hình “cốc và tay cầm ngược” xuất hiện trong xu hướng giảm, mô hình này diễn giải ngược với mô hình “cốc và tay cầm” thường.

Kết luận

Mục đích của bài viết là để cho bạn thấy một góc độ khác của giao dịch. Có thể thấy, những mô hình biểu đồ này có thể giúp bạn xác định hướng xu hướng, nhưng bạn không nên chỉ dựa vào chúng. Bài viết này đã giới thiệu 10 mô hình biểu đồ chính mà mọi nhà giao dịch nên biết. Một lần nữa – như đã nói từ trước, không có chỉ báo nào là tốt hoặc hệ thống giao dịch đủ thành công nếu sử dụng sai cách. Bạn nên tìm những gì phù hợp với mình và kiên trì theo đuổi nó.

Quang Minh-Theo fxstreet

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI