Đạt được tự do tài chính là mục tiêu của nhiều người. Nhưng không phải ai cũng làm được điều này. Vì vậy, hãy tiến tới con đường tự do tài chính đúng đắn.

Nói chung trạng thái tự do tài chính đồng nghĩa với việc có đủ tiền tiết kiệm; tiền đầu tư; và tiền mặt để trang trải cho cuộc sống mơ ước của bạn với gia đình. Đó là số tiền tích lũy ngày một lớn cho phép bạn nghỉ hưu hoặc theo đuổi sự nghiệp bạn muốn mà không chịu áp lực phải kiếm một số tiền nhất định mỗi năm.
Tuy nhiên điều đáng buồn ở chỗ rất nhiều người không đạt được trạng thái này. Họ phải chịu gánh nặng khi nợ nần ngày càng lớn; các tình huống khẩn cấp cũng tăng; chi tiêu thừa thãi và các vấn đề khác cản trở họ đạt được mục tiêu của mình. Sau đó, có những sự kiện bất ngờ chẳng hạn như bão hoặc động đất, hoặc đại dịch, có thể làm đảo lộn các kế hoạch và để lộ những lỗ hổng trên mạng lưới an toàn mà trước đây họ không nhận thấy.
Rắc rối xảy ra với gần như tất cả mọi người, nhưng 12 thói quen dưới đây có thể đưa bạn đi đúng đường.
CÁC ĐIỂM CHÍNH
- Đặt ra các mục tiêu cuộc sống, cả lớn và nhỏ, liên quan đến tài chính và lối sống, và lập một kế hoạch chi tiết để đạt được những mục tiêu đó.
- Lập ngân sách để trang trải tất cả các nhu cầu tài chính của bạn và bám sát theo ngân sách.
- Trả hết nợ thẻ tín dụng để mức nợ nần càng ít càng tốt, và theo dõi tình trạng tín dụng của bạn.
- Tạo khoản tiết kiệm tự động thông qua kế hoạch nghỉ hưu của đơn vị sử dụng lao động và lập quỹ khẩn cấp.
- Giữ gìn đồ đạc vì chi phí bảo trì rẻ hơn thay thế, nhưng quan trọng hơn hãy tự chăm sóc bản thân và giữ gìn sức khỏe.
1. Đặt mục tiêu cuộc sống
Tự do tài chính đối với bạn là gì? Thông thường mong muốn chung chung là một thứ gì đó khá mơ hồ, vì vậy hãy thiết lập các mục tiêu cụ thể. Hãy viết ra số tiền bạn muốn có trong tài khoản ngân hàng; đời sống mơ ước của bạn cần những gì và bạn nên đạt được điều này ở độ tuổi nào. Mục tiêu của bạn càng cụ thể thì khả năng đạt được chúng càng cao.
Tiếp theo, hãy đếm ngược về độ tuổi hiện tại của bạn và thiết lập các cột mốc tài chính trong khoảng thời gian này. Hãy viết sao cho thật ngắn gọn và để bảng mục tiêu này ở ngay đầu cuốn sổ tay tài chính của bạn.
2. Lập ngân sách
Hãy thiết lập ngân sách gia đình hàng tháng, và tuân theo ngân sách đó. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo tất cả các hóa đơn sẽ được thanh toán và theo dõi toàn bộ các khoản tiết kiệm. Đây cũng là một thói quen thường xuyên giúp củng cố mục tiêu của bạn và củng cố quyết tâm chống lại cám dỗ chi tiêu phung phí.
3. Thanh toán đầy đủ nợ thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng và các khoản vay tiêu dùng lãi suất cao rất độc hại đối với hoạt động xây dựng của cải. Hãy đề ra mục tiêu thanh toán toàn bộ số dư mỗi tháng. Các khoản vay sinh viên, thế chấp và các khoản vay tương tự thường có lãi suất thấp hơn nhiều; việc thanh khoán các khoản nợ này không phải ưu tiên hàng đầu nhưng nên duy trì đúng hạn. Bởi việc thanh toán đúng hạn sẽ cho bạn xếp hạng tín dụng tốt.
4. Tạo các khoản tiết kiệm tự động
Hãy trả tiền cho mình trước. Tham gia các gói nghỉ hưu và tận dụng mọi quyền lợi đóng góp. Bạn cũng nên trích tiền tự động để lập một quỹ khẩn cấp, quỹ này có thể được dùng khi gặp phải các tình huống không mong muốn. Bên cạnh đó là thiết lập một khoản đóng góp tự động vào tài khoản môi giới hoặc thứ gì đó tương tự.
Tốt nhất, tiền nên được trích vào cùng ngày bạn nhận được tiền lương. Như vậy khoản tiền thậm chí không bao giờ đến tay bạn, tránh hoàn toàn cám dỗ chi tiêu. Tuy nhiên đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh số tiền nên tiết kiệm mỗi tháng. Trong một số trường hợp, tính khả thi của một quỹ như vậy có thể cũng là một vấn đề gây nhiều thắc mắc.
5. Bắt đầu đầu tư ngay bây giờ
Tình hình tồi tệ của thị trường chứng khoán có thể khiến mọi người đặt câu hỏi về thói quen này. Nhưng không có cách nào giúp tăng tiền của bạn tốt hơn đầu tư. Sự kỳ diệu của lãi suất kép sẽ giúp khoản tiền tăng theo cấp số nhân theo thời gian. Nhưng bạn cần nhiều thời gian để đạt được mức tăng trưởng có ý nghĩa. Đừng cố gắng lựa chọn cổ phiếu hoặc tự lừa mình rằng bạn có thể là Warren Buffett tiếp theo.
Thay vào đó, hãy mở một tài khoản môi giới trực tuyến. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng học cách đầu tư, tạo danh mục đầu tư có thể quản lý và tự động đóng góp hàng tuần hoặc hàng tháng vào đó. Bạn có thể tìm hiểu các nhà môi giới trực tuyến hàng đầu cho người mới tham gia thị trường để bắt đầu.
Sẽ rất khó đạt tới trạng thái tự do tài chính khi đối mặt với tình hình nợ nần ngày càng tăng; các trường hợp khẩn cấp cần dùng đến tiền; các vấn đề y tế và bội chi… Nhưng bạn hoàn toàn có thể thành công nếu tuân thủ kỷ luật và kế hoạch cẩn thận.
6. Theo dõi các khoản tín dụng của bạn
Điểm tín dụng của bạn sẽ là yếu tố xác định mức lãi suất bạn nhận được khi muốn vay tiền để mua ô tô mới hoặc tái cấp vốn cho một ngôi nhà. Nó cũng ảnh hưởng đến những thứ tưởng như không liên quan như phí bảo hiểm xe hơi và bảo hiểm nhân thọ.
Lý do là bởi một người có thói quen tài chính thiếu thận trọng có khả năng cũng thiếu thận trọng trong các khía cạnh khác của cuộc sống như lái xe và uống rượu. Đây là lý do việc nhận báo cáo tín dụng định kỳ rất quan trọng. Có thế bạn mới đảm bảo không xảy ra sai sót gây ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng của bạn. Bạn cũng có thể xem xét một trong các dịch vụ giám sát tín dụng để bảo vệ thông tin của bạn hơn nữa.
7. Trả giá
Rất nhiều người Mỹ e ngại việc trả giá khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Họ lo lắng điều này dường như khiến họ trông có vẻ keo kiệt. Vượt qua định kiến mang tính văn hóa này, bạn sẽ tiết kiệm hàng nghìn USD mỗi năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ có xu hướng rất cởi mở với việc trả giá. Đây là những nơi nếu bạn mua với số lượng lớn hoặc quay lại mua bán nhiều lần sẽ cho bạn cơ hội giảm giá nhiều hơn.
8. Không ngừng học hỏi
Hãy xem xét tất cả các thay đổi hiện hành trong luật thuế mỗi năm để đảm bảo bạn sẽ tận dụng được tất cả các khoản khấu trừ. Hãy cập nhật các tin tức tài chính và diễn biến trên thị trường chứng khoán và đừng ngần ngại điều chỉnh danh mục đầu tư của mình cho phù hợp. Tích lũy kiến thức cũng là cách bảo vệ tốt nhất để chống lại những kẻ chuyên săn các nhà đầu tư thiếu kiến thức hòng kiếm lời.
9. Bảo trì đúng cách
Hãy chăm sóc tài sản thật tốt để mọi thứ từ xe hơi, máy cắt cỏ đến giày dép và quần áo sử dụng được lâu hơn. Nguyên do là bởi chi phí bảo trì chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí thay thế, nên đây là một khoản đầu tư không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó bạn cần học để biết sự khác biệt giữa những thứ bạn muốn và những thứ bạn cần.
10. Sống tiết kiệm
Sống tiết kiệm không hề khó. Quan trọng là bạn có hình thành được thói quen đó hay không. Thật vậy, rất nhiều cá nhân giàu có đã phát triển thói quen sống tiết kiệm trước khi giàu có.
Điều này cũng không đồng nghĩa với việc buộc bạn phải áp dụng lối sống tối giản; hoặc buộc bản thân phải sống chung với những thứ hỏng hóc mà bạn tích trữ trong nhiều năm. Hãy thực hiện những điều chỉnh nhỏ bằng cách phân biệt giữa những thứ bạn cần và những thứ bạn muốn. Đây là một thói quen tài chính vô cùng hữu ích.
11. Thuê cố vấn tài chính
Khi đã tích lũy được một lượng tài sản kha khá, hãy nhờ cố vấn tài chính hướng dẫn bạn và giúp đưa ra quyết định. Đó có thể là các khoản đầu tư có tính thanh khoản hoặc tài sản hữu hình không dễ chuyển đổi thành tiền mặt.
12. Chăm sóc sức khỏe của bản thân
Bạn cũng nên áp dụng những phương pháp chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, và đi nha sĩ. Việc thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa rất nhiều vấn đề. Ví dụ như tập thể dục nhiều hơn và có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Một số công ty hạn chế việc nghỉ ốm. Từ đó thu nhập bị giảm đáng kể nếu bạn buộc phải nghỉ không lương để chữa bệnh. Béo phì và bệnh tật khiến phí bảo hiểm tăng vọt; và sức khỏe kém có thể buộc bạn phải nghỉ hưu sớm hơn với thu nhập hàng tháng thấp hơn.
Xem thêm: Công thức 10 bước để đạt tự do tài chính trong năm 2021
Kết luận
12 bước trên đây sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề về tiền bạc của bạn. Nhưng chúng sẽ giúp bạn phát triển những thói quen lành mạnh. Từ đó có thể đưa bạn đến con đường tự do tài chính. Bất kể điều đó có ý nghĩa là gì đối với bạn.
Hậu Dương – Theo investopedia.com
Cafeforexvn