Cafeforexvn – Cơn sóng bùng nổ công nghệ đang thay đổi bộ mặt của ngành kinh doanh dược phẩm.
Chăm sóc sức khỏe dần trở thành một loại hàng tiêu dùng
Tham khảo thêm:
- Bốn kênh đầu tư hiệu quả cho người mới bắt đầu
- Apple, Mastercard, Microsoft: 3 cổ phiếu công ty chia cổ tức mua ngay kẻo nguội
Công nghệ và chăm sóc sức khỏe có liên quan mật thiết với nhau. Vào ngày 3/1, Elizabeth Holmes, nhà sáng lập Theranos, một công ty khởi nghiệp, hình ảnh thu nhỏ lời hứa hẹn kết hợp một Thung lũng Silicon năng động và ngành chăm sóc sức khỏe còn nhiều trì trệ, đã bị cáo buộc nói dối nhà đầu tư về khả năng của công nghệ kiểm tra máu của công ty này. Bỏ qua vấn đề của Theranos, quay trở lại năm 2015, bạn sẽ thấy một câu chuyện lành mạnh hơn nhiều. Trong tuần này, rất nhiều doanh nhân và nhà đầu tư sẽ tụ họp tại Hội chợ chăm sóc sức khỏe thường niên của JPMorgan Chase. Chủ đề chính của hội chợ là về AI, chẩn đoán kỹ thuật số, thăm khám sức khỏe từ xa và về một làn sóng vốn mới tràn vào một ngành công nghiệp rộng lớn.
Hệ thống y tế vốn cồng kềnh, tốn kém, chịu quản lý chặt chẽ và chủ yếu bị trục lợi bởi những bên trung gian. Hệ thống này đang bị lung lay khi các công ty tư nhân nhắm mục tiêu trực tiếp đến các bệnh nhân, thăm khám tại nhà, thăm khám trực tuyến và mang đến cho bệnh nhân nhiều quyền kiểm soát hơn về cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những tiến bộ khoa học trong nhiều lĩnh vực như giải trình tự gen và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra nhiều phương thức chăm sóc sức khỏe mới lạ. Hiệu thuốc điện tử bán các đơn thuốc, những thiết bị cầm tay giúp theo dõi sức khỏe của người dùng theo thời gian thực, nền tảng khám chữa bệnh từ xa giúp kết nối bệnh nhân với bác sĩ và các xét nghiệm tại nhà cho phép chúng ta tự chẩn đoán.
Chi phí cho ngành y tế là rất lớn. Ngành chăm sóc sức khỏe tiêu tốn 18% GDP của Mỹ, tương đương 3,6 triệu USD/năm. Ở các nước giàu khác, tỷ lệ này thấp hơn chỉ khoảng 10% nhưng sẽ tăng lên khi dân số già đi. Đại dịch đã khiến mọi người dễ tiếp nhận các dịch vụ trực tuyến, trong đó có cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua thiết bị kỹ thuật số. Các nhà đầu tư mạo hiểm phát hiện ra và cải tổ một lĩnh vực tưởng chừng như đã bão hòa. Công ty chuyên cung cấp dữ liệu CB Insights ước tính rằng các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mảng y tế số đã tăng thêm 57 tỷ USD (xem Biểu đồ 1), gần gấp đôi năm 2021. Hiện nay có tới 90 công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe chưa niêm yết trị giá 1 tỷ USD, gấp 4 lần so với 5 năm trước (xem biểu đồ 2). Những doanh nghiệp “kỳ lân” này đang cạnh tranh với các công ty chăm sóc sức khỏe truyền thống và những gã khổng lồ công nghệ để giúp sức khỏe của người dân trở nên tốt hơn và phòng bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Trong quá trình đó, họ đang biến bệnh nhân thành người tiêu dùng.
Chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng từ lâu đã bị đánh đồng với những liều thuốc giảm đau không cần kê đơn, xi-rô ho, kem dưỡng da hay băng dán cá nhân được bán bởi các hãng sản xuất thuốc lớn. Sau khi nhận ra rằng bộ phận phụ trách hàng tiêu dùng của công ty không còn đủ sáng tạo, Johnson & Johnson (công ty dược phẩm vốn hóa lớn nhất của Mỹ và thế giới) và GlaxoSmithKline, một đối thủ khổng lồ của Anh đang cải tổ bộ phận này. Người ta hy vọng rằng nếu xóa bỏ sự trợ cấp chéo từ nhóm thuốc bán theo toa sinh lợi thì việc kinh doanh sản phẩm tiêu dùng từ yếu kém sẽ phát triển mạnh mẽ và trở nên sáng tạo hơn. Một số công ty đương thời đã mạo hiểm hơn khi thử nghiệm số hóa và tiêu dùng hóa các sản phẩm. Teva, một công ty dược phẩm của Israel có từ năm 1901, đã phát triển một ống hít hỗ trợ kỹ thuật số được trang bị các cảm biến kết nối với ứng dụng di động để báo hiệu cho người dùng biết họ có sử dụng sản phẩm đúng cách hay không.
Tạo ra các thiết bị riêng
Nhóm công ty thứ hai với tham vọng biến y tế trở thành thành ngành công nghiệp mới đó là các doanh nghiệp công nghệ lớn. Sau sự bất thành của một loạt nỗ lực để dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh y tế, như sự tồn tại chóng vánh của nền tảng dữ liệu sức khỏe cá nhân Google bị loại bỏ vào năm 2011, những gã khổng lồ công nghệ cuối cùng cũng tìm được chỗ đứng của mình. Theo CB Insights, năm ngoái các công ty Alphabet, Amazon, Apple, Meta (công ty mẹ mới của Facebook) và Microsoft đã tiêu tốn 3,6 tỷ USD vào các thương vụ liên quan đến sức khỏe. Họ đặc biệt chú trọng vào hai lĩnh vực: thiết bị và dữ liệu y tế.
Công ty tư vấn Deloitte đã tính toán rằng 320 triệu thiết bị đeo y tế dành cho người tiêu dùng sẽ xuất xưởng trên toàn cầu vào năm 2022 (xem biểu đồ 3). Năm 2020, Amazon đã công bố vòng tay Halo trị giá 100 USD. Năm 2021, Google đã mua lại Fitbit, công ty sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe thịnh hành với giá 2,1 tỷ USD. Đồng hồ Apple mới nhất đã cung cấp chức năng đo điện tâm đồ (ECG) và nhà sản xuất iPhone có kế hoạch trang bị cảm biến Oxy trong máu và nhiệt kế để giúp phụ nữ theo dõi quá trình rụng trứng. Hãng Samsung, đối thủ của Apple ở Hàn Quốc, đã ra mắt đồng hồ thể thao thông minh mẫu mới kết hợp đo điện tâm đồ và huyết áp.
Các gã khổng lồ công nghệ cũng đang cung cấp các dịch vụ sức khỏe vào các dịch vụ thu thập dữ liệu dựa trên công nghệ đám mây. Đặc biệt, năm ngoái, Microsoft đã chi 20 tỷ USD cho Nuance – một công ty AI. Dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services đã ra mắt dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Công ty phần mềm kinh doanh dựa trên đám mây Oracle thì ngày càng phát triển. Họ đang hoàn tất thương vụ mua lại Cerner, một tập đoàn CNTT-y tế với giá 28 tỷ USD.
Tiếp sau đó là những công ty mới nổi, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với nhiều mức độ phức tạp khác nhau. Trong đó, có những công ty bán thuốc trực tuyến thuần túy. Truepill, một công ty Mỹ thành lập được 6 năm có trị giá 1,6 tỷ USD, hiện cung cấp 20.000 đơn thuốc mỗi ngày và điều hành logistic cho một loạt các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng. Năm ngoái, Công ty Hims & Hers Health, một hiệu thuốc trực tuyến lớn của Mỹ đã ra mắt công chúng thông qua việc sáp nhập của một công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Một công ty khác là Nurx, cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV. Năm ngoái, PharmEasy, một hiệu thuốc trực tuyến của Ấn Độ cũng đã huy động được 500 triệu USD tiền vốn.
Bối cảnh dịch Covid-19 đã hạn chế năng lực của các phòng khám và khiến bệnh nhân không đến thăm khám trực tiếp vì sợ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các công ty y tế từ xa lại phát triển mạnh mẽ, cung cấp ngày càng đa dạng hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. WeDoctor của Trung Quốc, một công ty tư nhân điều hành “bệnh viện Internet”, lần gần đây nhất đã được định giá lên đến 7 tỷ đô la. Công ty niêm yết của Mỹ là Teladoc, có giá trị thị trường 13 tỷ đô la, đã công bố mức doanh thu 520 triệu đô la trong quý 3/2021, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một lĩnh vực phức tạp khác là chẩn đoán tại nhà cũng đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Vụ bê bối Theranos đã gán cho các thiết bị chẩn đoán tại nhà điều tiếng không tốt. Giờ đây, công nghệ đã phát triển tốt hơn và hiện thực hóa những khả năng của lĩnh vực chẩn đoán tại nhà. Lĩnh vực này đang phục hồi trở lại, cộng với sự gia tăng của đại dịch khiến cho mọi người dần quen với các xét nghiệm tại nhà.
Chẩn đoán tại nhà bao gồm các thiết bị phân tích các chỉ số, từ lượng đường trong máu đến các mẫu phân. Levels Health là một công ty khởi nghiệp của Mỹ đã thành lập được 2 năm. Công ty này chuyên bán máy theo dõi đường huyết liên tục được đồng bộ hóa qua ứng dụng, kết nối trực tiếp đến người tiêu dùng. Ứng dụng cung cấp kết nối liên tục thông qua Internet đến các bác sĩ kê đơn. Người sáng lập của công ty, Josh Clemente, đã nảy ra ý tưởng khi phải nhờ một người bạn buôn lậu một chiếc máy theo dõi cho anh ta từ Úc. Anh ta muốn xác nhận linh cảm rằng anh ta bị mắc bệnh tiểu đường, giống như 1/3 dân số Mỹ hiện nay. Ở quốc gia này, các thiết bị này chỉ được bán theo đơn cho những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được. Danh sách chờ mua sản phẩm của công ty khởi nghiệp này hiện đã lên tới 145.000 khách hàng. Digbi Health, một công ty khác của Mỹ, sử dụng phân để phân tích hệ vi sinh vật đường ruột của khách hàng nhằm tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa. Skin + Me, một công ty Anh, cung cấp dịch vụ chăm sóc da theo đơn thông qua ảnh selfie, giúp mọi người không cần phải đi đến bác sĩ da liễu. Thriva, cũng là công ty ở Anh, phân tích máu từ vết chích ngón tay để chẩn đoán tình trạng Cholesterol cao và thiếu máu.
Bác sĩ theo yêu cầu
Lý do chủ yếu khiến công nghệ tiêu dùng mất nhiều thời gian để cải tổ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bởi đây là một lĩnh vực được quản lý chặt chẽ, không phù hợp với tinh thần “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi rào cản” của Thung lũng Silicon. Những năm gần đây đã chứng minh ngay cả trong những ngành chịu ràng buộc của các quy tắc vẫn có thể thay đổi. Sau khi chứng kiến những thay đổi trong hoạt động thanh toán nhờ có kỹ thuật số, Hamish Grierson đã được truyền cảm hứng để thành lập nên Thriva. Josh Clemente, chủ tịch của Levels Health, đã giúp giữ cho các phi hành gia luôn khỏe mạnh tại SpaceX, mở ra một ngành kinh doanh du hành vũ trụ, một ngành vốn thuộc độc quyền của chính phủ.
Chiến lược của những công ty này là xác định vị thế doanh nghiệp chuyên bán các sản phẩm “chăm sóc sức khỏe tổng thể” để tránh bị kiểm tra gắt gao. Họ chỉ tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế nhằm tư vấn hoặc thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng rằng sản phẩm của họ được tạo ra dựa trên nền tảng khoa học. Ví dụ, Thriva cho biết các xét nghiệm máu của họ cung cấp “thông tin chi tiết” hơn là những chẩn đoán chính quy.
Các công ty khác, đặc biệt là những công ty có dịch vụ công nghệ cao hơn, đang tiến từng bước thận trọng. Manny Montalvo, người giám sát bán hàng của “Digihaler” tại Teva, khẳng định các thiết bị chẩn đoán không phải là một sản phẩm tiêu dùng. Ông nói: “Đây vẫn là sản phẩm y tế và các sản phẩm này phải được chọn lọc để phù hợp với bệnh nhân”. Công ty Apple đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép hoạt động cho chức năng đo điện tâm đồ của mẫu đồng hồ mới ra.
Về phía các cơ quan quản lý, họ đang cố gắng xúc tiến nhanh hơn. Giám đốc FDA mới được bổ nhiệm là cựu cố vấn cho Google Health, công ty liên doanh y tế của gã khổng lồ công nghệ. Ngành y tế hy vọng rằng cơ quan này sẽ áp dụng các tiêu chuẩn vốn bị trì hoãn từ lâu cho những phần mềm chăm sóc sức khỏe điện tử. Các nước Úc, Nhật Bản, Singapore và EU đã đề ra các chiến lược phát triển y tế kỹ thuật số nhằm xác lập các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và giá trị lâm sàng của các thiết bị y tế mới. Những quốc gia đang áp dụng điều luật bảo vệ dữ liệu cần phải làm sáng tỏ việc những dữ liệu nào có thể được chia sẻ, với ai và bằng cách nào, cho các doanh nhân, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Sự bùng nổ sản phẩm sức khỏe tiêu dùng đã gặp phải những khó khăn. Các nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu của những công ty bán thuốc trực tuyến và bệnh viện kỹ thuật số lên cứ mỗi khi nào dịch Covid-19 bùng phát. Giờ đây, cơn sốt giá cổ phiếu của những công ty này lại hạ nhiệt khi mối đe dọa về virút đã giảm đi phần nào. Năm 2021, sau khi vượt mốc 30 tỷ USD vào đầu năm 2021, giá trị thị trường của Teladoc đã quay trở lại mốc trước khi đại dịch xảy ra đầu năm 2020. Công ty Hims & Hers với giá cổ phiếu đã giảm 3/4 trong năm qua, có thể tiếp tục đà giảm thêm do Amazon ra mắt lĩnh vực kinh doanh hiệu thuốc điện tử của mình vào cuối năm 2020. Các công ty y tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc đàn áp công nghệ lớn của chính phủ nước này. WeDoctor đã tạm hoãn kế hoạch phát hành bom tấn lần đầu ra công chúng tại Hồng Kông. Theranos Saga đưa ra một câu chuyện cảnh báo về việc lĩnh vực sinh học phức tạp hơn rất nhiều so với một lĩnh vực non trẻ là khoa học máy tính.
Một số sản phẩm sản xuất ra nhưng lại vô dụng và các cơ quan quản lý có thể vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, theo Scott Melville của Hiệp hội Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng: “Sẽ không xảy ra việc quay trở lại hệ thống y tế cũ, thời mà bạn bị phụ thuộc hoàn toàn vào một chuyên gia y tế để chăm sóc sức khỏe”. Các doanh nghiệp muốn giúp mọi người phục hồi sức khỏe nhanh hơn hoặc tốt nhất là phòng tránh bệnh tật ngay từ đầu. Đây là một dự đoán tiêu cực đối với các bệnh viện lớn, nơi thu lợi từ những người bệnh nặng. Còn đối với những người khác, đây lại là tin tích cực.