Tuần qua thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung đều chịu tác động chi phối bởi biên bản cuộc họp tháng 3 của FED cho thấy khả năng cơ quan này tăng lãi suất trong tương lai.
Chuyển động kinh doanh tuần 9/4/2022

Khép lại phiên kinh doanh cuối tuần, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi lên. Các thị trường Tokyo, Shanghai, Sydney, Seoul, Taipei, Mumbai, Manila, Jakarta và Bangkok đều tăng điểm. Còn thị trường Singapore và Wellington cùng giảm. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) chốt phiên tăng 0,47%, lên 3.251,85 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,29%, lên 21.872,01 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,36%, lên 26.985,8 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,17%, lên 2.700,39 điểm.
Các thị trường đã nhận được lực đẩy từ Phố Wall, với các chỉ số chốt phiên trước tăng điểm sau khi giảm mạnh trong phiên.
Fed nêu rõ sẽ hành động quyết liệt hơn nhằm kiểm soát lạm phát hiện ở mức cao nhất trong 40 năm, thông qua việc tăng lãi suất và giảm lượng trái phiếu nắm giữ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Fed cần làm rõ hơn nữa về chính sách tiền tệ sẽ thực hiện.
Việc Fed tăng lãi suất đã giúp đồng USD lên giá so với các đồng tiền mạnh khác, đặc biệt là đồng euro, khi đồng tiền này giảm giá do các quan chức châu Âu chưa sẵn sàng hành động trong vấn đề giá cả. Đồng tiền chung châu Âu hiện vẫn ở mức thấp nhất trong một tháng.
Tuần qua giá vàng cũng giao động trong biên độ hẹp do các tác động từ FED và lo ngại về tình hình tại Ukraine. Kết thúc phiên cuối tuần tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay đi ngang, đứng ở mức 1.931,16 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ hạ 0,2%, xuống 1.934 USD/ounce.
Đồng USD mạnh hơn khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong ba năm trong phiên trước, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Xem thêm: Mua ngay PayPal và Bank of America, hốt hàng giá rẻ
Tuy nhiên, giá vàng đang được hỗ trợ bởi tình hình xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng nhanh và đại dịch COVID-19 vẫn tồn tại dai dẳng.
Động thái xả kho dự trự dầu của Mỹ và các nước đồng minh đã khiến dầu giảm mạnh xuống ngưỡng thấp nhất 3 tuần trong tuần qua. Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 8/4 giữa bối cảnh các nước tiêu thụ dầu dự kiến giải phóng 240 triệu thùng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp để bù đắp cho lo ngại việc nguồn cung từ Nga giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong phiên, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 16 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 100,77 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tăng 35 xu Mỹ, hay 4%, lên 96,37 USD/thùng.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng việc giải phóng dầu khẩn cấp, lên tới khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng Năm đến hết năm nay, có thể giới hạn mức tăng giá nhiên liệu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc sử dụng dầu dự trữ khẩn cấp sẽ không bù đắp đủ lượng dầu bị thiếu hụt nếu nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 6/4 đã nhất trí phối hợp “bơm” thêm 120 triệu thùng dầu ra thị trường, trong đó Mỹ đóng góp 50%, nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” khi nguồn cung trở nên quá eo hẹp do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Nhưng các nhà phân tích và các thương nhân cho biết, ngay cả khi các kho dự trữ dầu được giải phóng, nguồn cung dầu vẫn trong tình trạng khan hiếm.
Dự kiến, giá hai loại dầu trên trong tuần này sẽ giảm tuần thứ hai liên tiếp, với dầu Brent giảm 3,4% và WTI giảm 2,8%.
Tuần qua cũng là một tuần mang gam màu xám với các nhà giao dịch Bitcoin. Đồng tiền kỹ thuật số này liên tiếp giảm xuống dưới nhiều mức hỗ trợ, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 23/3. Dù đã đảo chiều tăng lên mức 42.741 USD song đà tăng của đồng tiền này vẫn kém hơn so với tuần trước.
Kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn là yếu tố tác động mạnh nhất và có tác động lâu dài tới các loại tài sản rủi ro, bao gồm Bitcoin.
Bitcoin có thể giảm xuống đường xu hướng thấp hơn vào khoảng 40.000 USD, mở ra cơ hội cho việc giảm xuống ngưỡng 32.000 USD.