Rạng sáng ngày 2-2, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm mạnh 0,95%, hiện ở mốc 101,15.
Đồng USD giảm khi Fed tăng lãi suất

Đồng USD kéo dài đà giảm vào phiên giao dịch vừa qua, chạm mức thấp nhất trong 9 tháng, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói về những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát thời gian qua, quyết định mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Mỹ cảnh báo về việc cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
dward Moya, Nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA (New York, Mỹ) cho biết: “Đây là tin tốt cho các tài sản rủi ro, tin tốt cho đồng Euro, đồng thời cũng đẩy đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất 9 tháng”.
Các nhà đầu tư cho rằng, các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, và do đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ buộc phải xoay trục để cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện kỳ vọng lãi suất qua đêm chuẩn sẽ đạt đỉnh 4,89% vào tháng 6, trước khi giảm trở lại 4,39% vào tháng 12.
Ngoài ra, Báo cáo việc làm của ADP công bố hôm 1-2 vừa qua cho thấy biên chế tư nhân của Mỹ đã tăng 106.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với dự kiến vào tháng 1, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Trọng tâm kinh tế chính của Mỹ trong tuần này sẽ là báo cáo việc làm tháng 1 của chính phủ sẽ được công bố vào ngày 3-2, dự kiến các nhà tuyển dụng tạo thêm 185.000 việc làm trong tháng 1.
Xem thêm: Tại sao các nhà đầu tư nên yêu thích cổ tức của McDonald’s

Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro đạt 1,10020 USD, mức cao nhất kể từ ngày 4-4. Đồng bạc xanh cũng giảm so với đồng yên Nhật, xuống 128,55, mức thấp nhất kể từ ngày 20-1.
Như vậy, Fed đã tăng lãi 8 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng.
Mục tiêu của Fed là hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn quanh mốc cao nhất 40 năm. Trong thông báo sau phiên họp chính sách hôm qua, Fed nhận định lạm phát “đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao”.
Tuyên bố sau cuộc họp lần này của Fed không còn đề cập đến danh sách dài những lý do khiến giá cả leo thang, từ chiến tranh cho tới đại dịch. Thay vào đó, tuyên bố nói rằng “lạm phát đã suy yếu”.
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới dự kiến việc tiếp tục tăng lãi suất là cần thiết – một “cam kết ngỏ” không hề đặt ra một mốc thời gian cụ thể để việc nâng lãi suất có thể dừng lại. Sự “nước đôi” của Fed được xem là một cách để đẩy lui kỳ vọng gần đây trên thị trường tài chính rằng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất và sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Hoa Nguyễn