Netflix là công ty dẫn đầu không thể tranh cãi trong không gian truyền phát trực tuyến. Tuy nhiên, mối đe dọa cạnh tranh chưa bao giờ hiện hữu mạnh mẽ hơn.
Luận bàn cổ phiếu Netflix: phe gấu đấu phe bò

Xem thêm: Ba lý do vì sao giá tiền số vẫn chưa bùng nổ
Các cổ đông của Netflix (NFLX) đã có một chuyến đi hoang dã kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong giai đoạn ban đầu, cổ phiếu đã tăng lên khi hàng trăm triệu người dành phần lớn thời gian ở nhà khiến nhu cầu giải trí tại gia bùng nổ. Tuy nhiên, giờ đây, các nền kinh tế đang mở cửa trở lại và mọi người đang dành ít thời gian hơn cho nội dung truyền phát trực tuyến. Bên cạnh đó, Netflix cũng đang phải vật lộn với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đang làm chậm tốc độ tăng trưởng của họ.
Trong bối cảnh này, một cái nhìn về cả 2 trường hợp giá tăng và giá giảm sẽ có ích cho những nhà đầu tư bên lề đang xem xét mua cổ phiếu Netflix.
Lập luận của phe giá tăng (phe bò)
Những người đam mê Netflix có thể nhanh chóng chỉ đến quy mô của ông lớn truyền phát trực tuyến. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, công ty đã có 222 triệu người dùng đăng ký trên nền tảng của họ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này, Netflix dễ dàng là công ty hàng đầu trong lĩnh vực truyền phát trực tuyến.
Một lợi ích của quy mô đó là doanh thu định kỳ mạnh mẽ mà công ty tạo ra. Vào Q4/2021, Netflix đã có tốc độ doanh thu hàng năm đến 30,8 tỷ USD. Một lợi thế rất lớn từ kết quả này là Netflix có thể tái đầu tư một số tiền lớn vào việc tạo thêm nội dung cho nền tảng. Nội dung mới mẻ và hấp dẫn sẽ giúp tăng tương tác với các thành viên hiện có và thu hút các thành viên mới. Netflix đã mất hơn một thập kỷ để xây dựng quy mô này và các đối thủ khác sẽ khó lòng sánh kịp họ.
Trong những năm gần đây, Netflix đã có thể sáng tạo thêm nội dung đồng thời mở rộng biên lợi nhuận của mình. Từ năm 2016 đến năm 2021, biên lợi nhuận hoạt động của Netflix đã tăng từ 4,3% lên 20,9%. Điều ấn tượng là Netflix đã đạt được thành tích này trong khi chi đến 11,8 tỷ USD cho việc bổ sung nội dung vào năm 2020 và 17,7 tỷ USD vào năm 2021.
Lập luận của phe giá giảm (phe gấu)
Lập luận của phe giá giảm có nhiều khả năng sẽ bỏ qua tăng trưởng ấn tượng của Netflix trong quá khứ. Thay vào đó, phe giá giảm tập trung vào việc tốc độ tăng trưởng của công ty đang chậm lại, và do đó, làm giảm kỳ vọng trong ngắn hạn và trung hạn. Đối với Q4/2021, Netflix đã dự báo sẽ có thêm 8,5 triệu người dùng đăng ký nhưng rốt cuộc đã ghi nhận kết quả thấp hơn ước tính của mình đến 200.000 người.
Thêm vào đó, dự báo cho tăng trưởng ròng 2,5 triệu người dùng mới trong Q1/2022 cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử. Kể từ năm 2017, Netflix đã có tăng trưởng ròng trung bình 8,4 triệu người dùng mới trong Q1 mỗi năm; ước tính cho Q1/2022 thấp hơn con số đó đến 5,9 triệu. Một dự báo thấp hơn kỳ vọng bản thân nó có thể không thực sự đáng quan ngại. Tuy nhiên, việc này đã trở nên nghiêm trọng hơn kể từ khi một số ông lớn khác tham gia vào ngành công nghiệp truyền phát trực tuyến. Tình trạng giảm tốc của Netflix có thể cho thấy họ đang cạn kiệt lợi thế cạnh tranh. Điều đáng lo hơn nữa là hầu hết các dịch vụ truyền phát trực tuyến cạnh tranh đều có giá thấp hơn Netflix.
Sức ép cạnh tranh gia tăng hiếm khi là một dấu hiệu tốt cho một doanh nghiệp. Việc này sẽ buộc ban lãnh đạo Netflix phải đưa ra các quyết định mà phần lớn đã không tồn tại trước khi đại dịch bùng phát. Netflix phải quyết định cách ứng phó với mối đe dọa đang gia tăng. Liệu công ty sẽ phải thúc đẩy chi tiêu cho nội dung để thu hút người dùng mới và giữ chân những người đăng ký có thể đang cân nhắc thay đổi dịch vụ? Hay công ty sẽ hạ giá để đưa dịch vụ của mình xuống gần hơn với các công ty cùng ngành? Dù như thế nào thì cả hai lựa chọn đều sẽ khiến khả năng sinh lời của công ty sụt giảm.
Lựa chọn khó khăn mà Netflix đang phải đối mặt có thể là lý do tại sao phe giá giảm đang thắng trong cuộc tranh cãi và cổ phiếu Netflix đã giảm đến 43% trong 3 tháng qua. Bất kể là ai thắng trong cuộc chiến truyền phát trực tuyến này thì, về lâu dài, cuộc chiến cũng có thể sẽ rất tốn kém.