Tiêu điểm kinh tế ngày 16/8, tập đoàn bán lẻ Walmart công bố báo cáo tài chính quý II, theo đó doanh thu tăng chủ yếu do lạm phát dẫn tới sự thay đổi trong mua sắm của người tiêu dùng.

Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 17/8/2022
Doanh thu tập đoàn bán lẻ Walmart tăng mạnh
Walmart cho biết áp lực về giá cả đối với người tiêu dùng đã thúc đẩy doanh số bán hàng tạp hóa, đồng thời giảm nhu cầu đối với các mặt hàng quần áo, điện tử và đồ gia dụng. Báo cáo tài chính của Walmart cho thấy thu nhập trong quý II tài chính kết thúc vào ngày 31/7 ở mức 152,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận cũng tăng 20,4%, lên mức 5,1 tỷ USD. Doanh thu tương đương tại các cửa hàng đã tăng 6,5% so với năm ngoái. Walmart kỳ vọng doanh thu trong nửa cuối năm 2022 sẽ tăng vừa phải 3%.
Giá nhiên liệu cùng với giá một số mặt hàng chủ lực tăng cao đã khiến nhiều người tiêu dùng chuyển hướng sang hàng hóa có giá thấp hơn. Giám đốc điều hành của Walmart Doug McMillon bày tỏ vui mừng trước việc nhiều khách hàng lựa chọn Walmart trong thời kỳ lạm phát. Ông McMillon nhấn mạnh hãng đã nỗ lực để quản lý chuỗi cung ứng.
Cổ phiếu của Walmart đã tăng 3,7% lên 137,48 USD trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ngày 16/8.
Xem thêm: USD/JPY ngóng dữ liệu kinh tế Nhật Bản
Nhật Bản thâm hụt thương mại tháng thứ 12 liên tiếp
Số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 17/8 cho thấy thâm hụt thương mại của quốc gia này trong tháng 7 là khoảng 1.400 tỷ yen (tương đương 10,44 tỷ USD), cũng là tháng thứ 12 liên tiếp thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng do giá hàng hóa “phi mã”.
Số liệu công bố cho thấy thâm hụt thương mại trong tháng 7/2022 của Nhật Bản là 1.436,8 tỷ yen – mức chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu cao nhất trong các tháng 7, kể từ năm 1979. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8.752,8 tỷ yen, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính là ô tô và các thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng đáng kể, lên 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10.189,6 tỷ yen, chủ yếu do sự tăng giá mạnh của cả các loại năng lượng như dầu thô, than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Riêng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng dầu thô trong tháng 7 lên tới 1.143,7 tỷ yen với đơn giá thông quan là 99.667 yen/1.000 lít, tăng 99,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát tại Singapore có thể đạt đỉnh trong quý IV/2022
Lạm phát tại Singapore dự kiến sẽ đạt đỉnh trong vòng hai đến bốn tháng tới và sau đó sẽ bắt đầu giảm dần. Đó là nhận định của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng không có khả năng tỷ lệ lạm phát của Singapore sẽ quay trở lại mức đã được duy trì trong hơn một thập kỷ qua ở nước này do môi trường địa chính trị, các vấn đề về chuỗi cung ứng và cách thức các nền kinh tế đang chuyển đổi theo hướng trở nên bền vững hơn. Bộ trưởng Tài chính Singapore cũng cho biết lạm phát chỉ có thể giảm xuống vào cuối năm và tỷ lệ lạm phát mới sẽ được giữ ổn định ở mức nào là điều rất không chắc chắn.
Để đối phó với tình trạng lạm phát có thời điểm gia tăng ở mức cao nhất trong gần 14 năm ở “đảo quốc sư tử”, Cơ quan Tiền tệ Singapore (Ngân hàng trung ương – MAS) đã 4 lần thắt chặt chính sách tiền tệ trong 9 tháng qua và dự kiến vào tháng Mười tới, cơ quan này sẽ đưa ra tuyên bố chính sách tiền tệ tiếp theo. Chính phủ Singapore cũng đã đưa ra các biện pháp có mục tiêu để giúp những thành phần dễ bị tổn thương nhất đối phó với giá cả tăng cao, trong đó có gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ SGD (1,08 tỷ USD) được công bố vào tháng Sáu vừa qua để cung cấp cứu trợ ngay lập tức.

Mỹ: Thị trường nhà ở đang hạ nhiệt
Số liệu chính phủ công bố ngày 16/8 cho thấy số nhà xây mới tại Mỹ trong tháng 7/2022 đã giảm khoảng 9,6%, cho thấy thị trường nhà ở đang hạ nhiệt giữa bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng cao. Theo báo cáo của Cục thống kê dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ, số nhà xây mới của nước này trong tháng 7/2022 đã giảm xuống mức điều chỉnh theo mùa là 1,446 triệu nhà, giảm 8,1% so với mức 1,573 triệu nhà trong tháng 7/2022, đánh dấu tốc độ yếu kém nhất kể từ đầu năm 2021. Đặc biệt, nhà đơn lẻ xây mới giảm 10,1% và giảm 2,1% từ đầu năm đến nay.
Trong một thông báo, Jerry Konter, Chủ tịch Hiệp hội Chủ thầu Xây dựng Nhà Quốc gia (NAHB), cho hay nhu cầu nhà ở tiếp tục suy yếu do lãi suất cao hơn, trong khi về vấn đề cung ứng, các nhà thầu gặp khó khăn với chi phí xây dựng tăng cao.
Trong tháng 5/2022, nhà xây mới đã giảm 13,5% xuống 1,562 triệu căn, còn trong tháng 6/2022, con số này tăng nhẹ lên 1,599 triệu căn. Theo Chỉ số thị trường nhà ở Wells Fargo/NAHB, niềm tin của các chủ xây dựng vào thị trường nhà đơn lẻ xây mới đã giảm 6 điểm trong tháng 8/2022 xuống 49 điểm, và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020.
Nhà kinh tế cấp cao của NAHB Robert Dietz nhận định chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chi phí xây dựng tăng cao kéo dài đã gây ra cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà ở. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lạm phát gần đạt đỉnh, lãi suất trong trung hạn ổn định, điều này có thể mang đến sự an tâm về nhu cầu cho thị trường trong những tháng tới.