Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5 – 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.
Tiêu điểm kinh tế thế giới
Fed tăng lãi suất 0,25%
Đây là lần tăng liên tiếp thứ 8 và là đợt tăng lãi suất với mức tăng nhỏ nhất của Fed kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed – lưu ý rằng lạm phát đã dịu bớt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao. Mặc dù các thị trường kỳ vọng cuộc họp trong tuần này sẽ phát đi các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ sớm chấm dứt việc tăng lãi suất, nhưng tuyên bố không đưa ra dấu hiệu nào về khả năng này.
Quyết định nâng lãi suất của Fed được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV/2022 đạt 2,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng mà các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” phần nào vào cuối năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng, chỉ tăng 0,3% trong tháng 12/2022 so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này còn cách khá xa so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra. Vì lý do đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tái khẳng định cam kết giữ lãi suất tăng cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn.
Trước đó, trong dự báo đưa ra hồi tháng 12/2022, 17 trong số 19 quan chức Fed dự kiến lãi suất ở mức trên 5% trong năm 2023, trong khi 2 người còn lại đề xuất lãi suất duy trì ở mức trên 5,5%.
Tuy nhiên, bất chấp những bình luận của ông Powell vào ngày 1/2 (theo giờ địa phương), các nhà đầu tư dường như không tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Theo công cụ FedWatch của CME, tính đến đầu giờ chiều 1/2, các nhà giao dịch dự đoán xác suất 97,2% rằng lãi suất sẽ ở mức 5% hoặc thấp hơn vào tháng 12 tới.
Xem thêm: Tại sao các nhà đầu tư nên yêu thích cổ tức của McDonald’s
GDP năm 2022 của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,5%
Ngày 1/2, Văn phòng thống kê của Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố số liệu cho thấy GDP quý IV/2022 của Hong Kong giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4,6% so với quý trước đó và GDP cả năm 2022 giảm 3,5% so với năm 2021, vượt cả dự báo.
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nội địa quý IV/2022 của Hong Kong sụt giảm nghiêm trọng, lên đến 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi mức độ sụt giảm của quý III chỉ là 15,8%. Bên cạnh đó, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong quý IV cũng giảm 22,8%, sau khi giảm 16,4% của quý III. Tổng thể cả năm, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm 13,9%, trong khi tổng giá trị nhập khẩu giảm 13,1%.
Đối với các loại tổng giá trị sản xuất nội địa, chi tiêu tiêu dùng cá nhân quý IV tăng 1,7% trong quý IV, cải thiện so với mức giảm 0,4% của quý III và tính chung cả năm giảm 1,1%. Chi tiêu tiêu dùng của chính quyền tính theo Hệ thống tài khoản quốc gia tiếp tục tăng 9,1% trong quý IV, sau khi ghi nhận tăng 5,3% vào quý III, tính chung cả năm tăng 8,1%.
Theo người phát ngôn của Chính quyền Hong Kong, nguyên nhân khiến kinh tế đặc khu tiếp tục giảm đáng kể trong năm 2022 chủ yếu do môi trường bên ngoài xấu đi nghiêm trọng và hoạt động vận chuyển đường bộ xuyên biên giới bị cản trở, xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh và nhu cầu nội địa suy yếu, ban đầu là chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ 5, sau đó là bị ảnh hưởng do tình trạng thắt chặt tài chính.
Về triển vọng, người phát ngôn hy vọng kinh tế Hong Kong sẽ phục hồi trong năm 2023. Tuy nhiên, việc các nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng chậm lại sẽ tiếp tục gây ra những thách thức cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Hong Kong, kỳ vọng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh và các hạn chế về vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới được nới lỏng sẽ có thể tạo ra một số trợ lực đáng kể.
Nhật Bản: BoJ mua vào lượng trái phiếu lớn kỷ lục để kiềm chế đà tăng lãi suất
Các số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy trong tháng 1/2023, BoJ đã mua vào hơn 23.690 tỷ yen trái phiếu chính phủ (JGB) (khoảng 182 tỷ USD) nhằm bảo vệ trần lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm. Đây là khối lượng trái phiếu lớn nhất từ trước tới nay mà ngân hàng trung ương này từng mua vào trong vòng 1 tháng.
Trước đó, khối lượng trái phiếu cao nhất mà BoJ từng mua vào trong một tháng là 16.200 tỷ yen được ghi nhận vào tháng 6/2022 – thời điểm ngân hàng trung ương này nỗ lực khống chế lãi suất giao dịch JGB kỳ hạn 10 năm ở dưới ngưỡng 0,25%.
Sau đó, vào tháng 12 năm ngoái, BoJ đã bất ngờ tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất này lên ±0,5% nhằm giảm bớt sức ép từ thị trường. Mặc dù vậy, trong chương trình kiểm soát đường cong lãi suất, BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Và để bảo vệ trần lãi suất mới này, BoJ quyết định mua vào một khối lượng không giới hạn JGB kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất cố định 0,5% trong tất cả các ngày giao dịch.
Tuy nhiên, ngay trước thềm phiên họp chính sách định kỳ tháng 1/2023, lãi suất chủ chốt này đã lên tới 0,545% trên thị trường trái phiếu do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng BoJ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đây có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến BoJ phải mua vào JGB với khối lượng cao bất thường như vậy. Mặc dù vậy, trong phiên họp đó, BoJ vẫn quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức tiếp tục tăng trong tháng 1/2023
Cơ quan Việc làm Liên bang Đức (BA) ngày 31/1 cho biết thị trường lao động nước này tiếp tục có dấu hiệu suy yếu giữa bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã tăng nhẹ lên 5,7% trong tháng 1/2023.
Số người thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 162.000 người so với tháng 12/2022 lên gần 2,62 triệu người trong tháng 1/2023, con số này cao hơn so với mức tăng 154.000 người trong cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc BA Andrea Nahles cho biết thị trường lao động vẫn “ổn định”. Tuy nhiên, tác động của những bất ổn địa chính trị và kinh tế tiếp tục hiện rõ.
Năm 2022, tổng lực lượng lao động của Đức đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 45,6 triệu người.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), lao động nước ngoài nhập cư và sự tham gia ngày càng tăng của lực lượng lao động trong nước nhiều hơn đã bù đắp phần nào cho những thay đổi về nhân khẩu học trên thị trường lao động. Tuy nhiên, bất chấp tình hình đó, tình trạng thiếu lao động ở Đức vẫn gia tăng trong nhiều năm.
Theo Viện Kinh tế Đức (IW), vào giữa năm 2022, kinh tế nước này thiếu hơn nửa triệu lao động lành nghề, đặc biệt ở các lĩnh vực bán hàng, nhà trẻ, công tác xã hội và bệnh viện, tình trạng thiếu hụt còn gia tăng hơn nữa.
Vương Linh