Tiêu điểm kinh tế thế giới – Theo một báo cáo mới đây của các chuyên gia kinh tế và kinh doanh từ Đại học Yale, nền kinh tế Nga đã bị thiệt hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt và sự rút lui của nhiều công ty quốc tế kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.

Xem thêm: Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 1/8/2022
Đại học Yale công bố báo cáo về thiệt hại kinh tế của Nga do lệnh trừng phạt
Theo báo cáo, khoảng 1.000 công ty nước ngoài đã ngừng hoạt động tại Nga, ảnh hưởng đến 5 triệu việc làm. Sản lượng công nghiệp sụt giảm, còn doanh số bán lẻ và chi tiêu tiêu dùng của Nga cũng ghi nhận các mức giảm theo năm 15-20%. Bên cạnh đó, nhập khẩu giảm mạnh, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc giảm hơn một nửa.
Một minh chứng điểm hình cho những khó khăn của Nga là lĩnh vực ô tô. Doanh số ô tô giảm từ 100.000 chiếc/tháng xuống 27.000 chiếc/tháng, và sản lượng ô tô cũng chững lại do thiếu linh kiện và máy móc. Không có các linh kiện nhập khẩu, các nhà sản xuất Nga đang phải cho xuất xưởng những chiếc ô tô không có túi khí hay hệ thống chống bó phanh hiện đại, và chỉ có xe số sàn.
Báo cáo trên cho thấy bức tranh trái ngược với nhận định cho rằng kinh tế Nga đang tồn tại nhờ hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi tháng từ dầu khí xuất khẩu. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, (IMF) cho biết kinh tế Nga, dù đang suy giảm, nhưng vẫn đang hoạt động tốt hơn dự đoán nhờ thu nhập từ xuất khẩu năng lượng và hàng hóa.
Thẩm phán Mỹ chấp thuận khoản vay 1,4 tỷ USD của Revlon
Hãng mỹ phẩm Revlon Inc đã nhận được sự cho phép của Thẩm phán Mỹ chuyên về phá sản David Jones về khoản vay trị giá 1,4 tỷ USD, trước sự phản đối của các chủ nợ thứ cấp do lo ngại các điều khoản vay nợ có thể chặn cơ hội thu nợ của họ sau vụ đệ đơn phá sản của công ty mỹ phẩm này vào tháng Sáu.
Thẩm phán Jones tại Manhattan đã yêu cầu sửa đổi điều khoản trong khoản vay để xoa dịu mối lo ngại của các chủ nợ thứ cấp, song nhấn mạnh Revlon phải được phép vay số tiền mặt cần thiết để tiếp tục hoạt động.
Theo luật phá sản của Mỹ, Chương 11 cho phép một công ty không có khả năng trả nợ có thể tái cơ cấu mà không phải chịu áp lực từ các chủ nợ, trong khi vẫn tiếp tục hoạt động hiện tại. Revlon cho biết khoản nợ trị giá 3,5 tỷ USD khiến hãng mỹ phẩm này quá thiếu tiền mặt để thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp quan trọng. Để củng cố chuỗi cung ứng và cấp tài chính cho vụ phá sản, Revlon đã tìm kiếm nguồn tài chính bổ sung từ một liên minh mang tên BrandCo Lenders, đã cho Revlon vay 1,88 tỷ USD trong những năm trước khi nộp đơn phá sản.
Australia lần đầu tiên tăng lãi suất 4 tháng liên tiếp
Ngày 2/8, Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương – RBA) đã quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,85%. Mức tăng này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi đưa ra mức lạm phát mục tiêu từ 2-3% vào năm 1990, RBA đã tăng lãi suất 4 tháng liên tiếp và đây cũng là giai đoạn RBA có tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong gần 30 năm qua.
Trong tuyên bố sau cuộc họp Hội đồng quản trị RBA tháng 8/2022, Thống đốc Philip Lowe cho biết hành động tăng lãi suất là cần thiết trong bối cảnh lạm phát tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông lưu ý RBA đang theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản, hiện đang sụt giảm nhanh chóng kể từ lần tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 5/2022, sau hơn 2 năm RBA duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 0,1%. RBA cam kết cố gắng tạo ra sự cân bằng cung cầu bền vững hơn trong nền kinh tế Australia, hướng tới mục tiêu đưa lạm phát quay trở lại ngưỡng an toàn 2-3%.
Thống đốc Lowe cho rằng lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới, tuy nhiên quy mô và thời điểm tăng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế thực tế và dựa trên đánh giá của Hội đồng quản trị về triển vọng lạm phát và thị trường lao động.
Nhật Bản: Đồng yen tiếp đà tăng giá so với USD
Trong phiên giao dịch sáng 2/8, đồng yen tiếp đà tăng so với đồng bạc xanh của Mỹ trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang tìm đến đồng yen như một nơi trú ẩn an toàn do lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái.
Vào lúc 9 giờ sáng 2/8 (giờ địa phương) ở thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền là 131,37-40 yen/USD, giảm mạnh so với mức giá đóng cửa trên thị trường này trong phiên hôm qua là 132,55-56 yen/USD.
Không chỉ tăng giá so với đồng USD, đồng yen còn tăng giá so với đồng euro. Tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền này là 134,81-90 yen/euro, giảm mạnh so với mức giá đóng cửa phiên hôm qua 135,59-63 yen/euro.
Fiat đồng ý nộp phạt và bồi thường trong bê bối gian lận khí thải
Năm 2019, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã mở cuộc điều tra về hành vi gian lận khí thải đối với Fiat sau khi một số đơn kiện được gửi tới tòa án. Trong đơn kiện, các khách hàng của Fiat đã cáo buộc hãng xe này vi phạm luật, các động cơ diesel phát ra nhiều oxit nitơ (NOx) hơn mức cho phép, đồng thời sử dụng phần mềm gian lận. Do đó, lượng khí thải độc hại tăng lên trong một số điều kiện lái xe nhất định, vượt ngưỡng cho phép.
Hồi tháng Sáu vừa qua, Fiat thừa nhận đã gian lận khí thải trong hơn 100.000 xe bán tải Ram 1500 và xe SUV Jeep Grand Cherokee máy dầu bán tại Mỹ từ năm 2014 đến năm 2016. Theo thỏa thuận dàn xếp giữa hãng này và Bộ Tư pháp Mỹ, Fiat sẽ nộp phạt 96,1 triệu USD, trong khi khoản tiền bồi thường là 203,6 triệu USD.
Trợ lý của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông Todd Kim, cho biết: “Khoản tiền phạt 300 triệu USD là kết quả của cuộc điều tra toàn diện kéo dài suốt ba năm. Phán quyết này cho thấy Bộ Tư pháp cam kết buộc các doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm về những hành động sai lầm của mình”.
Trước đó, Fiat cũng đã phải nộp phạt dân sự 311 triệu USD và bồi thường 183 triệu USD cho hơn 63.000 khách hàng trong một vụ kiện tập thể với cáo buộc tương tự.