Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 1/8/2022

Xem thêm: Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 29/7/2022
Tỷ giá đồng USD so với đồng yên của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần
Tỷ giá đồng USD so với đồng yên của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần, trong bối cảnh các thị trường tiếp tục đặt cược rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ lùi lại việc mạnh tay tăng lãi suất khi nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 1/8, “đồng bạc xanh” được định giá 1 USD đổi được 132,07 yên, mức thấp nhất kể từ ngày 16/6. Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có đồng yên, đã giảm 0,18% xuống mức 105,80, giảm so với mức 105,53 được ghi nhận vào ngày 29/7.
Đồng USD có dấu ấn quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu mà không một đồng tiền nào khác có được. “Đồng bạc xanh” được sử dụng để định giá các hàng hoá cơ bản, là đồng tiền chủ đạo trong dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia, và là “nơi trú ấn” mà các nhà đầu tư tìm đến khi thị trường hay nền kinh tế bất ổn. Dữ liệu của nền kinh tế Mỹ vào cuối tuần trước đã khiến tỷ giá “đồng bạc xanh” chuyển động theo cả hai hướng. Ban đầu, giá đồng USD đã tăng mạnh sau khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy tính trên cơ sở hằng năm, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 1% trong tháng 6 và tăng 6,8% trong tháng 5. Giá “đồng bạc xanh” sau đó đi xuống sau khi Đại học Michigan công bố báo cáo cho thấy dự báo lạm phát tiêu dùng giảm.
Triển vọng ảm đạm của kinh tế Canada
Cơ quan Thống kê Canada cho biết nền kinh tế nước này đã không tăng trưởng trong tháng 5/2022, ghi dấu tháng thứ hai tính từ đầu năm tới nay nền kinh tế “dậm chân tại chỗ”. Lĩnh vực dịch vụ tăng nhẹ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm của lĩnh vực sản xuất hàng hóa, do đó, tổng giá trị của sản lượng kinh tế trong tháng 5/2022 về cơ bản không thay đổi so với một tháng trước đó. Tuy nhiên, diễn biến “đi ngang” của nền kinh tế vẫn khả quan hơn mức giảm nhẹ 0,2% mà các chuyên gia dự báo trước đó.
Chuyên gia kinh tế Andrew Grantham của CIBC nhấn mạnh, thống kê này cho thấy nền kinh tế Canada đang giảm tốc ngay cả trước khi Ngân hàng trung ương Canada (BoC) mạnh tay tăng lãi suất. Nhà kinh tế học Derek Holt của Scotiabank cảnh báo động lực của nền kinh tế dường như đang giảm đi và sẽ không có khởi đầu thuận lợi cho GDP của quý III/2022.
Trong khi đó, nhà kinh tế Doug Porter của ngân hàng Montreal lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Canada trong nửa đầu năm 2022 là 3,75%. Con số này tốt hơn 5 điểm phần trăm so với nền kinh tế Mỹ, vốn đang thu hẹp với tốc độ 1,25% trong cùng kỳ.
Giới quan sát cho rằng BoC sẽ tiếp tục tăng lãi suất mặc dù ngân hàng này trong vòng chưa đầy 5 tháng đã nâng lãi suất chủ chốt lên 2,5% từ mức thấp 0,25% trong đại dịch. Chuyên gia kinh tế Royce Mendes của Desjardins dự báo BoC sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng Chín tới.

Công ty con của Evergrande phải trả cho bên bảo lãnh 1,1 tỷ USD
Evergrande Nanchang- công ty con của Evergrande, nhà phát triển bất động sản đang rơi vào khủng hoảng nợ của Trung Quốc- đã không trả được các khoản vay của mình và phải trả cho bên bảo lãnh 1,1 tỷ USD.
Tới hôm 31/7, tập đoàn Evergrande cho biết công ty con Evergrande Nanchang đã không hoàn thành nghĩa vụ nợ đối với một bên thứ ba giấu tên. Evergrande Nanchang đã cung cấp bảo lãnh đối ứng dưới hình thức cầm cố 1,3 tỷ cổ phiếu trong ngân hàng Shengjing mà họ đang nắm giữ. Evergrande lưu ý rằng, bên bảo lãnh có quyền ưu tiên nhận tiền bồi thường từ việc bán cổ phần và phạm vi bao gồm số tiền mà người nộp đơn xin bảo lãnh nợ (7,3 tỷ NDT).
Evergrande, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đã nỗ lực “trút bỏ” gánh nặng nợ trong những tháng gần đây, với việc Chủ tịch tập đoàn Hui Ka Yan phải trả một số khoản nợ bằng tài sản cá nhân của mình. Tập đoàn này đã tìm được một bên mua tiềm năng cho trụ sở chính của họ ở Hong Kong (Trung Quốc).
“Cú sốc” của Evergrande là biểu tượng của những vấn đề đang xảy ra trên lĩnh vực bất động sản “khổng lồ” của Trung Quốc, khi các công ty nhỏ hơn cũng không trả được nợ và những công ty khác đang phải “vật lộn” để huy động tiền mặt.
Ứng cử viên Thủ tướng Anh cam kết cắt giảm thuế thu nhập 20% vào năm 2029
Ông Rishi Sunak, ứng cử viên cho chức Thủ tướng Anh, đã cam kết cắt giảm thuế thu nhập 20% vào năm 2029.
Ông Sunak, người từng được cho là sẽ thay thế ông Boris Johnson khi góp phần đưa kinh tế Anh vượt qua những tác động của đại dịch, đang nỗ lực tranh cử trước đối thủ là Ngoại trưởng Liz Truss, người đã cam kết sẽ ngay lập tức cắt giảm thuế.
Ông Sunak cho biết ông vẫn dành ưu tiên cho việc ngăn chặn lạm phát nhưng sẽ thực hiện kế hoạch đã công bố là cắt giảm thuế thu nhập 1 xu trong mỗi bảng vào năm 2024 và sau đó thêm 3 xu trong mỗi bảng vào cuối nhiệm kỳ tới của Quốc hội, có thể vào năm 2029.
Theo ông Sunak, kế hoạch giảm thuế nói trên sẽ là mạnh nhất kể từ thời bà Margaret Thatcher.
Trong phát biểu vào ngày 31/7, ông nói đó là một kế hoạch triệt để nhưng khả thi.
Với lạm phát ở mức 9,4%, cao nhất trong 40 năm và tăng trưởng đình trệ, ông Sunak cho rằng kế hoach của bà Truss nhằm đảo ngược việc tăng đóng góp cho an sinh xã hội và hủy bỏ kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp sẽ khiến lạm phát tiếp tục tăng.
Theo ông Sunak, mỗi xu tiền thuế được cắt giảm sẽ tương đương 6 tỷ bảng (7,3 tỷ USD) mỗi năm, một con số mà ông cho là sẽ vẫn cho phép tỷ lệ nợ trên GDP của Anh giảm, nếu nền kinh tế tăng trưởng đúng như các dự báo chính thức.
Trong khi đó, bà Truss cho rằng thuế thu nhập cần tác động tích cực đến nền kinh tế./.