Cafeforexvn – Kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới, khi lạm phát cao kỷ lục và lãi suất tăng ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng, hoạt động đóng góp 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, đó sẽ là một cuộc suy thoái không như thông thường, khi một số lĩnh vực mang tính chu kỳ vẫn tiếp tục tăng trưởng, còn các lĩnh vực khác lại sa sút.
Tiêu điểm kinh tế toàn cầu ngày 15/4/2022
Kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào một cuộc suy thoái bất thường
Nền kinh tế suy thoái khi GDP giảm trong các quý liên tiếp, dẫn đầu là sự giảm sút của các lĩnh vực mang tính chu kỳ như nhà ở, ô tô, thiết bị gia dụng, giải trí và du lịch. Các cuộc suy thoái thường đi kèm với tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập, đặt nền kinh tế vào một chu kỳ nguy hiểm, với GDP giảm mạnh và kéo dài. Trong các giai đoạn suy thoái, chu kỳ này biến các cuộc suy thoái nhẹ thành các cuộc suy thoái nghiêm trọng như đầu những năm 1980 và năm 2008-2009, cuộc suy thoái được biết đến là Đại suy thoái.
Tuy nhiên, có những ngoại lệ hiếm hoi như cuộc suy thoái do đại dịch vào năm 2020. Đây là một cuộc suy thoái bất thường về một số mặt. Trước hết, các lĩnh vực mang tính chu kỳ như nhà ở vẫn “nóng” dù nền kinh tế hạ nhiệt. Chẳng hạn, giá nhà tiếp tục tăng trong giai đoạn suy thoái, khi doanh số bán tăng nhanh sau giai đoạn giảm ngắn do các biện pháp phong tỏa. Tiếp đến, thu nhập khả dụng tăng nhờ các khoản hỗ trợ lớn của chính phủ cho người lao động thất nghiệp, với thu nhập của một số người còn tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, trước khi họ mất việc. Thu nhập khả dụng tăng giúp nền kinh tế tránh được chu kỳ giảm sút về thu nhập và chi tiêu, điều sẽ khiến suy thoái kéo dài, và tạo cơ sở để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Vấn đề là sự phục hồi nhanh của nền kinh tế kết hợp với các nút cổ chai về nguồn cung và tình trạng thiếu lao động đã đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục 40 năm. Các khảo sát của Đại học Michigan và tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Conference Board cho thấy do giá thực phẩm và năng lượng tăng, lạm phát bắt đầu ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, lòng tin của người tiêu dùng thấp vẫn chưa ảnh hưởng đến chi tiêu của họ như doanh số bán lẻ gần đây cho thấy. Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ, doanh số bán lẻ tăng 0,5% trong tháng Ba.
Dù vậy, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng khi giá xăng tăng, điều có thể làm chậm chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới. Bên cạnh đó, chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài đến đầu năm tới.
Thêm vào đó, suy thoái sẽ gây ra những tác động khác đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế, với một số lĩnh vực mang tính chu kỳ như nhà ở giảm, trong khi các lĩnh vực mang tính chu kỳ khác như du lịch, lữ hành và giải trí phục hồi khi người Mỹ làm những gì họ đã bỏ lỡ trong giai đoạn phong tỏa do dịch. Còn các lĩnh vực không mang tính chu kỳ như y tế sẽ bùng nổ do nhu cầu bị dồn nén sau những trì hoãn trong giai đoạn dịch.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu đang phát đi một tín hiệu mang tính cảnh báo vốn đã đoán đúng gần như mọi đợt suy thoái trong 60 năm qua: đó là khả năng đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn đang đưa ra cảnh báo. Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics dự đoán có xác suất ít nhất là hơn 30% nền kinh tế Mỹ sẽ xảy ra một đợt suy thoái trong 12 tháng tới. Ông cho rằng Fed càng mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này càng có nhiều khả năng rơi vào suy thoái.
Đồng yen tiếp tục mất giá
Trong phiên giao dịch sáng 15/4, đồng yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp mới trong 20 năm qua so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Tham khảo thêm:
- FxPro mở văn phòng ở Dubai
- Ngưỡng 40.000 USD là vùng mua Bitcoin tốt trong dài hạn
- Pfizer, Seagate: 2 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao để mua bắt đáy ngay lập tức
- Có nên mua Alphabet trước khi cổ phiếu phân tách?
- Lợi nhuận JPMorgan Chase giảm 42%
Vào lúc 10 giờ 07 phút sáng 15/4 (giờ Tokyo), tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đứng ở mức 126,46-126,55 yen/USD. Tới 11 giờ, hai đồng tiền này được trao đổi với mức giá 126,42-44 yen/USD, so với mức giá đóng cửa 125,33-34 yen/USD của phiên hôm qua.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho đồng yên mất giá mạnh là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Điều này có thể gây bất lợi cho đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.
Một số chuyên gia dự báo tỷ giá giữa hai đồng tiền chủ chốt có thể vượt ngưỡng 130 yen/USD. Nếu điều này xảy ra, không loại trừ khả năng Chính phủ Nhật Bản và BoJ sẽ phải can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki dự định sẽ có chuyến công du Mỹ vào tuần tới để gặp người đồng cấp Janet Yellen của Mỹ. Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các bộ trưởng tài chính hai nước dự kiến sẽ có cuộc gặp ở Washington vào ngày 21/4, tức là một ngày sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.
Theo Kyodo, tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bộ trưởng, hai bên có thể sẽ thảo luận về khả năng phối hợp chính sách trên thị trường ngoại hối.
Nga sẽ đa dạng hoá thị trường xuất khẩu dầu khí
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/4 tuyên bố nước này sẽ chú trọng xuất khẩu năng lượng sang hướng Đông, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga.
Phát biểu tại cuộc họp chính phủ được phát trên truyền hình, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Điều đáng ngạc nhiên là các đối tác từ các quốc gia không thân thiện thừa nhận rằng họ sẽ không thể làm gì nếu không có các nguồn năng lượng của Nga, chẳng hạn như không có khí đốt tự nhiên”. Ông cho rằng hiện không có nguồn cung khí đốt thay thế hợp lý cho khí đốt của Nga ở châu Âu hiện nay và động thái của các nước châu Âu ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga là nguyên nhân gây bất ổn thị trường và đẩy giá năng lượng tăng cao. Ông cũng cho rằng nỗ lực này của phương Tây chắc chắn sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga cần bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho các nước châu Á. Ông nêu rõ: “Chúng ta cần đa dạng hoá xuất khẩu, từng bước chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển nhanh ở phía Nam và phía Đông”. Cũng theo Tổng thống Putin, Nga cần tìm phương án thay thế cho hoạt động nhập khẩu thiết bị phục vụ hoạt động khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Ông cũng dự đoán vai trò của đồng nội tệ ruble trong các hợp đồng thương mại sẽ tăng lên, trong bối cảnh Nga đã yêu cầu bên mua khí đốt thanh toán bằng đồng ruble.
Những tuyên bố trên được Tổng thống Putin đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh cấm vận và hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga như một phần trong các biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu liên quan tới chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukrain. Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá.
Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á và Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới – nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu. Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này./.
Đồng euro chạm mức thấp nhất trong gần 2 năm
Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua trong phiên giao dịch 14/4, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn còn mơ hồ về thời điểm bắt đầu nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh.
ECB ngày 14/4 đã quyết định giữ nguyên lập trường chính sách của mình, khi tiếp tục kế hoạch giảm dần chính sách kích thích kinh tế, trong bối cảnh sự quan ngại về tình trạng lạm phát cao kỷ lục đã lấn át những lo ngại về khả năng suy thoái liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine.
Xác nhận lại đường hướng chính sách trước đó, ECB cho biết dự định sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng, trong quý hiện tại, sau đó tiến đến chấm dứt chương trình này vào quý III. Tuy nhiên, ECB sẽ chỉ nâng lãi suất sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc và sẽ tiến hành việc này một cách chậm rãi. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tiếp sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết việc nâng lãi suất có thể diễn ra vài tuần hay thậm chí là vài tháng sau khi chương trình mua trái phiếu khép lại.
Nằm trong số những ngân hàng trung ương thận trọng nhất trên thế giới, ECB đã chậm hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương lớn khác, khi nhiều ngân hàng trong số này đã bắt đầu nâng lãi suất vào năm ngoái. Chỉ trong 2 ngày vừa qua, các ngân hàng trung ương của Canada, Hàn Quốc và New Zealand đều đã tăng lãi suất.
Đồng euro đã giảm xuống mức 1,0758 USD đổi 1 euro sau quyết định nói trên của ECB. Đây là lần đầu tiên để từ tháng 5/2020 đồng tiền này giảm xuống dưới mức 1,08 USD đổi 1 euro.
Ông Michael Hewson, chuyên gia phân tích thị trường của công ty môi giới CMC Markets UK, cho rằng ECB hầu như không có dấu hiệu có ý định nâng lãi suất sau khi giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 14/4.