Trang chủBài cần sửa SEO4 loại công cụ để tạo dựng chiến lược giao dịch forex...

4 loại công cụ để tạo dựng chiến lược giao dịch forex thành công

4 loại công cụ để tạo dựng chiến lược giao dịch forex thành côngCafeforexvn – Các công cụ phân tích kỹ thuật khác nhau sẽ có thể giúp trader nhìn ra các tín hiệu mua và bán, hay xác định và dự đoán xu hướng thị trường, hoặc giúp báo hiệu vị thế lệnh mà trader nên chọn. Nhưng để lập được một chiến lược giao dịch forex nhất quán và hiệu quả, bạn cần hiểu rõ cách vận hành của các chỉ báo đã chọn trong một chiến lược giao dịch tổng thể.

Chiến lược giao dịch Forex thành công

Những trader thành công nhất sẽ có thể quản lý rủi ro và chớp lấy lợi nhuận cũng như nhìn thấu bức tranh toàn cảnh đối với các quyết định giao dịch của họ bằng cách áp dụng bốn loại công cụ sau: chỉ báo theo dõi xu hướng, chỉ báo xác nhận xu hướng, chỉ báo quá mua và quá bán và công cụ chốt lời. Bài viết này sẽ vạch ra lý do tại sao bốn loại công cụ này lại cần thiết và nguyên lý bổ sung ưu nhược lẫn nhau giữa bốn thành tố đó để giúp bạn trở thành một trader chuyên nghiệp hơn.

Chỉ báo theo dõi xu hướng Forex

Mặc dù các bộ phim về Phố Wall thường tô vẽ đến mức “thần thánh hóa” những nhân vật chuyên thực hiện sứ mệnh dự đoán tương lai, nhưng trên thực tế, việc giao dịch theo xu hướng hiện tại thường dễ có lợi hơn và ít rủi ro hơn, đặc biệt là trong thị trường forex. Để trở thành một forex trader “cứng tay nghề”, bạn không cần phải có năng lực tiên tri hay thậm chí là thiên tài về bộ môn xác suất thống kê giống như Michael Burry trong phim “The Big Short” (“Đại Suy Thoái”). Nếu bạn có thể xác định được những thị trường đang có sóng xu hướng và xác định chính xác hướng chuyển động của xu hướng (tăng hoặc giảm) và độ mạnh của xu hướng đó thì lúc này bạn xem như đã thiết lập được nền tảng vững chắc cho một chiến lược giao dịch có khả năng sinh lợi.

Các công cụ theo dõi xu hướng thường là các chỉ báo trễ, tức là chúng theo dõi sau các bước chuyển động của hành động giá thay vì báo hiệu trước. Chỉ báo theo dõi xu hướng phổ biến nhất là đường trung bình động với công dụng phân tích hành động giá hiện tại so với các mức giá đóng cửa trung bình từ một khoảng thời gian trong quá khứ. Hướng của đường xu hướng trung bình động và khoảng thời gian mà chỉ báo này theo dõi theo hướng đó có thể cho bạn biết liệu thị trường có đang dao động trong một biên độ nhất định, đang diễn ra xu hướng tăng hay đang rơi vào xu hướng giảm hay không. Độ dốc của đường này cũng có thể cho biết sức mạnh của xu hướng, chẳng hạn như khi độ dốc lớn hơn thì sẽ cho thấy xu hướng mạnh hơn.

Nếu sử dụng một chỉ báo theo dõi xu hướng như đường trung bình động đơn giản (SMA) thì cuối cùng bạn cũng sẽ hình dung được bối cảnh thị trường rõ ràng hơn và mang tính toàn cục hơn thay vì nhìn vào một khung cửa sổ nhỏ trên biểu đồ hành động giá. Tương tự, đường xu hướng trên biểu đồ hành động giá cũng là một công cụ theo dõi xu hướng đơn giản mà bạn có thể sử dụng để hình dung hướng chuyển động của xu hướng, chẳng hạn như hình minh họa trong biểu đồ dưới đây.

Chỉ báo theo dõi xu hướng Forex

Tham khảo thêm:

Bằng cách vẽ một đường ngang qua tất cả các mức đỉnh và đáy trên biểu đồ hành động giá trong một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ có thể sử dụng độ dốc và hướng của đường xu hướng để nhận định rõ ràng hơn về hướng và độ mạnh của xu hướng hiện tại. Đường xu hướng cũng có thể được sử dụng làm các mức hỗ trợ và kháng cự để giúp xác định ra các điểm phá vỡ (breakout) và đảo chiều.

Chỉ báo xác nhận xu hướng Forex

Khi bạn đã mường tượng được về cách vận hành của thị trường, bước tiếp theo cần làm là xác nhận độ mạnh, hướng và động lượng của xu hướng bằng cách sử dụng chỉ báo xác nhận xu hướng. Công cụ này có tác dụng giúp bạn giảm bớt khả năng bị thua lỗ do các tín hiệu giả và sẽ giúp thông báo các điểm vào và thoát lệnh. Một trong những chỉ báo xác nhận xu hướng phổ biến nhất thường được giới trader sử dụng trong forex là chỉ báo Phân kỳ Hội tụ Trung bình Động, hay gọi tắt là MACD. MACD vẽ một đường trung bình động hàm mũ (có trọng số) với đường trung bình động đơn giản trên biểu đồ liền kề với hành động giá. Sự tương tác giữa hai đường này giúp các trader xác nhận động lượng và độ mạnh của xu hướng. Bởi vì động lượng giá thường thay đổi trước khi giá tự thay đổi, cho nên khi động lượng có bất kỳ sự thay đổi nào thì đều được diễn giải thành những tín hiệu báo trước về khả năng thay đổi xu hướng. Nếu xác nhận động lượng song song với hướng chuyển động và độ mạnh của xu hướng thì bạn sẽ có thể xác định mức rủi ro và lợi nhuận tiềm năng một cách chính xác hơn khi vào lệnh tại các điểm khác nhau. Trong trường hợp độ mạnh và động lượng của xu hướng đều mạnh thì tình huống đó thường được hiểu là ít rủi ro hơn khi trader vào lệnh tiếp nối theo xu hướng nhằm tận dụng cơ hội kiếm lời với sóng chuyển động hiện tại. Khi độ mạnh và động lượng của xu hướng bắt đầu tăng hoặc giảm, giới trader sẽ tìm cách xác định các điểm ra vào lệnh lý tưởng với tiềm năng sinh lợi lớn nhất và ít rủi ro nhất.

Chỉ báo quá mua và quá bán của Forex

Để xác định các điểm ra vào lệnh lý tưởng, hầu hết các forex trader đều tham khảo tín hiệu từ các chỉ báo động lượng quá mua và quá bán. Dựa trên khái niệm về ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, khi giá của một cặp tiền tệ nào đó đạt đến ngưỡng quá mua hoặc quá bán, giá sẽ đảo chiều theo hướng ngược lại. Vì lý do này, những thị trường đang có xu hướng sẽ dao động giữa xu hướng tăng và xu hướng giảm kéo dài, thăng trầm lên xuống theo kiểu có thể dự đoán trước giữa các mức quá mua và quá bán.

Trong trường hợp lý tưởng nhất, các trader sẽ nhắm đến mục tiêu “cưỡi” hết các đợt sóng tăng và giảm trong thời gian dài nhất có thể, và chuyển đổi vị thế lệnh tại các điểm ngoặt quan trọng của thị trường mà tại đó tương ứng với cơ hội lợi nhuận lớn nhất. Những chỉ báo có tác dụng xác định tình trạng quá mua và quá bán sẽ giúp các trader dự đoán được khi nào xu hướng có thể đạt đến điểm phá vỡ, từ đó cho biết vị thế mà trader nên giao dịch và báo hiệu các điểm vào và thoát lệnh lý tưởng. Thông thường, khi chỉ báo dạng này đạt đến trạng thái quá mua thì đó là tín hiệu giảm (nên bán ra) và khi chỉ báo đạt đến trạng thái quá bán thì đó là tín hiệu tăng (nên mua vào), từ đó dự đoán xu hướng đảo ngược sang phía đối diện.

Công cụ báo hiệu trạng thái quá mua và quá bán phổ biến nhất là chỉ báo RSI (Chỉ số Sức mạnh Tương đối) và chỉ báo dao động Stochastic. Bởi vì cả hai công cụ này đều là những chỉ báo dao động động lượng có giới hạn chuyển động trong một biên độ (dải) nhất định nên chúng sẽ xác định rõ ràng các mức hỗ trợ và kháng cự cho kênh thị trường đang xét. Tuy vậy, thị trường vẫn có thể nằm “ì” trong vùng quá mua và quá bán trong một quãng thời gian, do đó, tín hiệu quá mua và quá bán không phải là tín hiệu gợi ý trader nên vào lệnh theo chiều ngược lại ngay lập tức. Nhiều trader sẽ sử dụng song song RSI, Stochastic và MACD để xác nhận các tín hiệu mua và bán và chờ tín hiệu xác nhận đảo chiều (tham khảo biểu đồ hành động giá, các chỉ báo theo dõi xu hướng và các chỉ báo xác nhận xu hướng) trước khi tham gia giao dịch.

Công cụ chốt lời

Các công cụ (chỉ báo) chốt lời có tác dụng xác định các điểm thoát lệnh có lợi nhất khi xét tỷ lệ rủi ro trên lợi nhuận tiềm năng. Để tìm ra thời điểm thoát lệnh và chốt lời, bạn phải xác định được khi nào xu hướng hiện tại đảo chiều hoặc chững lại. Nhiều chỉ báo động lượng quá mua và quá bán cũng có thể được sử dụng làm công cụ chốt lời, nhưng điều quan trọng là bạn phải sử dụng những chỉ báo riêng biệt cho từng loại chức năng để không bị phụ thuộc quá nhiều vào tín hiệu của một chỉ báo duy nhất.

Trong trường hợp này, Dải Bollinger là một công cụ chốt lời phổ biến. Không giống như RSI và Stochastic, Dải Bollinger bao gồm ba đường được vẽ trực tiếp trên biểu đồ giá. Đường trung bình động đơn giản (SMA) được sử dụng làm đường giữa (hoặc dải trung tâm), đồng thời các dải trên và dải dưới sẽ cách biệt theo số độ lệch chuẩn nhất định ở phía bên trên và bên dưới đường SMA này để thể hiện sự thay đổi đa dạng giữa các mức giá đóng cửa. Dải Bollinger phía trên biểu thị cho tình trạng quá mua và dải Bollinger phía dưới biểu thị cho tình trạng quá bán. Bởi vì các mức quá mua và quá bán được tính toán theo độ lệch chuẩn nên chúng thường thể hiện chính xác hơn về tình hình biến động của thị trường hiện tại so với tín hiệu từ đường trung bình động đơn lẻ. Do đó, chúng có công năng rất lý tưởng trong việc xác nhận các tín hiệu do các chỉ báo khác tạo ra tại những kênh thị trường có chuyển động thất thường và xác định các điểm chốt lời chính xác.

Lời kết

Nhiều chỉ báo nêu trên sẽ có thuộc tính nằm trong nhiều hạng mục trong bốn loại cơ bản. Để xây dựng được một chiến lược giao dịch forex thành công, bí quyết nằm ở chỗ bản thân trader phải hiểu rõ các chức năng tiềm ẩn khác nhau của từng chỉ báo và đã là trader thì bạn phải đảm bảo phân bổ từng vai trò thiết yếu này trong bộ công cụ giao dịch của mình. Khi bạn tìm hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của các chỉ báo khác nhau cũng như những lợi ích độc đáo và nhược điểm riêng của chúng trong những điều kiện thị trường khác nhau thì bạn sẽ có thể xác định rõ hơn nên sử dụng chỉ báo nào với vai trò nào để ra quyết định giao dịch sáng suốt nhất.

Đăng Khoa-Theo valutrades

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI