Bộ Lao động Mỹ ngày 9/3 đã công bố các số liệu cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới theo tuần của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, nhưng thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Mỹ: Thị trường lao động vẫn thắt chặt dù số người thất nghiệp gia tăng

Xem thêm: Thị trường lao động tháng 4 tại Mỹ vẫn cao sau giảm nhẹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần từ ngày 26/2-4/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu được điều chỉnh theo mùa của Mỹ đã tăng 21.000 đơn, lên mức 211.000 đơn, mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 10/2022. Tính trung bình trong bốn tuần, số liệu giúp đánh giá chính xác hơn về xu hướng của thị trường lao động, thì số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ cũng đã tăng 4.000 đơn, lên mức 197.000 đơn vào tuần trước.
Theo bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn kinh tế High Frequency Economics ở New York, chưa thể khẳng định sự gia tăng số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sẽ cho thấy sự thay đổi trong xu hướng của thị trường lao động. High Frequency Economics kỳ vọng nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ giảm bớt khi tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt có hiệu lực và lan rộng hơn trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ sa thải hiện vẫn ở mức thấp và tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, do các công ty dường như đang tích trữ lao động.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã ở dưới mức 200.000 đơn trong bảy tuần liên tiếp, cho thấy việc cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ không có tác động đáng kể đến thị trường lao động. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức thấp cho thấy một số lao động bị sa thải có thể dễ dàng tìm được công việc mới.
Trong khi đó, báo cáo kinh tế Beige Book của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy thị trường việc làm của nước này trong tháng Hai vẫn vững chắc, đồng thời lưu ý đã có một số báo cáo về tình trạng sa thải nhân công và việc tìm kiếm những người lao động có kỹ năng hoặc kinh nghiệm vẫn còn nhiều thách thức.
Lãi suất cho vay thế chấp tại Mỹ chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022
Công ty tài chính thế chấp Freddie Mac của Mỹ ngày 9/3 cho biết lãi suất trung bình đối với khoản vay có lãi suất cố định 30 năm đã tăng lên mức 6,73%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, thời điểm lãi suất cho vay đạt mức 7,08%.
Sau khi nới lỏng nhẹ vào đầu năm, lãi suất thế chấp tại Mỹ đã tăng trong năm tuần liên tiếp, làm gia tăng nguy cơ thị trường nhà đất bị nguội lạnh trong mùa thường là thời điểm sôi động nhất. Những người mua nhà lần đầu ở Mỹ đang gặp khó khăn vì chi phí vay cao hơn. Trong khi đó, nhiều chủ nhà ở hiện tại đang phải miễn cưỡng chấp nhận giá bán chiết khấu hoặc đánh đổi một khoản thế chấp rẻ bằng một khoản thế chấp đắt hơn.
Những người vay thế chấp ở Mỹ đang phải chịu mức lãi suất cao hơn đáng kể so với tháng Ba năm ngoái. Khoản thanh toán cho khoản vay 600.000 USD hiện đang là 3.884 USD/tháng, tăng từ mức 2.813 USD/tháng của một năm trước đó, thời điểm lãi suất thế chấp trung bình đối với khoản vay có lãi suất cố định 30 năm là 3,85%.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng quay trở lại tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn nếu các chỉ số kinh tế tiếp tục nóng lên. Ông Powell cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách đang chờ dữ liệu về việc làm mới và lạm phát trước khi quyết định mức tăng trong tháng này.
Canada: Thị trường nhà ở phục hồi sau quyết định tạm dừng tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản vào hôm 8/3 – một quyết định mà các nhà kinh tế và nhà đầu tư bất động sản cho rằng sẽ có tác động lớn đối với thị trường nhà ở của nước này.
Hầu hết những người theo dõi thị trường đều chỉ ra rằng việc BoC tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm ngoái là nguyên nhân thúc đẩy sự chậm lại của thị trường bất động sản ở nhiều thành phố trên khắp Canada.
Các chuyên gia cho biết, quyết định giữ lãi suất ổn định có thể mang ý nghĩa báo hiệu đáy của sự điều chỉnh nhà ở đã cận kề, nhưng sự không chắc chắn về việc tăng lãi suất trong tương lai vẫn còn hiện hữu đối với viễn cảnh của người mua và người bán.
Ngay cả trước khi BoC chính thức đưa ra quyết định tạm dừng thay đổi lãi suất vào hôm 8/3, động thái này đã được báo trước sau đợt tăng một phần tư điểm phần trăm vào cuối tháng 1/2023, khiến một số thị trường nhà đất ở nước này có dấu hiệu hồi phục sau đợt suy thoái rõ rệt vào năm 2022.
Phát biểu với tờ Global News, ông Phil Soper – Giám đốc điều hành của công ty môi giới Royal LePage – cho rằng người mua và người bán nên tin tưởng rằng giá cả sẽ ổn định hơn mà không cần tăng thêm lãi suất để làm giảm giá trị nhà. Nói cách khác, chúng ta đã chạm đáy của chu kỳ và bắt đầu đi lên từ đây.
Tuy nhiên, BoC đã không đưa ra sự chắc chắn như vậy trong thông điệp của mình vào hôm 8/3 và để ngỏ khả năng tăng lãi suất bổ sung trong năm 2023 nếu có thêm những cú sốc kinh tế làm giảm dự báo lạm phát của cơ quan này.
Dữ liệu từ Hiệp hội bất động sản Canada (CREA) cho thấy mặc dù danh sách bất động sản mới tăng lên vào đầu năm, nhưng nguồn cung nhà ở vẫn ở mức thấp trong lịch sử. CREA cho biết tháng 1/2023 đánh dấu mức thấp nhất đối với nguồn cung nhà mới trong tháng đầu năm kể từ năm 2000.
Hàn Quốc thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục trong tháng 1/2023
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), trong tháng 1/2023, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này lên tới 4,52 tỷ USD, sụt giảm mạnh so với mức thặng dư 2,68 tỷ USD thời điểm một tháng trước đó.
Theo BoK, số liệu cho thấy đây là mức thâm hụt tài khoản vãng lai hàng tháng lớn nhất kể từ khi dữ liệu này được tổng hợp tháng 1/1980. Nguyên nhân chính được cho là do cán cân thương mại đảo chiều khi xuất khẩu sụt giảm và nhập khẩu tăng do chi tiêu tăng. Cùng với đó là sự gia tăng lo ngại về việc các nước lớn, trong đó có Mỹ tiếp tục tiến trình thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ để chống lạm phát sẽ khiến nhu cầu toàn cầu bị thu hẹp.
Xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 14,9% so với cùng kỳ trong tháng 1, tháng thứ năm liên tiếp trong xu hướng sụt giảm do nhu cầu với chất bán dẫn và tại các thị trường lớn suy giảm mạnh.
Tính theo quốc gia, doanh số xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc giảm 31,4%, trong khi doanh số bán hàng sang các nước Đông Nam Á và Nhật Bản giảm lần lượt 27,9% và 12,7%. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 1,1% so với cùng kỳ khi nhu cầu hàng tiêu dùng tăng. Đặc biệt, nhập khẩu ô tô đã tăng 65,9% so với cùng kỳ năm trước.