Chiết khấu dòng tiền – định giá cổ phiếu theo phương pháp tuyệt đối (P1)
Chiết khấu dòng tiền – định giá cổ phiếu theo phương pháp tuyệt đối
Bạn có bao giờ muốn mua một tờ 50,000 đồng với giá 100,000 đồng không? Tất cả chúng ta đều không muốn điều này. Vậy thì những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng vậy.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn cần đến một mốc nhất định về giá trị thực của cổ phiếu để đưa ra quyết định để đầu tư. Để không bị mua hớ, hoặc biết khi nào giá giao dịch trên thị trường đang rẻ so với giá trị thực. Nếu có cơ hội mua một tờ 100,000 đồng với giá 20,000. Bạn có mua không !?
Về cơ bản, giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ ít khi trùng với giá trị “thực” của một cổ phiếu. Cho nên để biết mua đuọc cổ phiếu đắt hay rẻ cần ước tính giá trị thực (giá trị nội tại) của cổ phiếu.
Việc ước tính giá trị “thực” hoặc giá trị “nội tại” của một cổ phiếu, một công ty có thể được thực hiện thông qua phương pháp chiết khấu dòng tiền.
1. Chiết khấu dòng tiền là gì?
Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một ví dụ. Một công ty trong tương lai sẽ làm ra tiền, lợi nhuận bằng tiền mặt (dòng tiền). Tổng giá trị của tất cả các dòng tiền ấy chính là giá trị của công ty, của cổ phiếu, của khoản đầu tư.
Ví dụ:
Công ty Vinaxoi phát triển và đi lên từ một cửa hàng Xôi nổi tiếng tại Hà Nội. Công ty đã niêm yết lên sàn chứng khoán để gọi thêm vốn từ cộng đồng nhà đầu tư. Chúng ta thấy đây là công ty tiềm năng và sẽ đi định giá công ty này.
Chúng ta xem xét và dự báo được:
Vinaxoi năm thứ nhất làm ra được 100 đồng.
Năm thứ hai, tăng trưởng 20% và làm được 120 đồng.
Năm thứ ba, tăng trưởng 20% và làm được 144 đồng.
Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm tăng trưởng 5% cho đến vô hạn (đây là giả định thường được các nhà phân tích sử dụng để ước tính giai đoạn mà công ty bắt đầu tăng trưởng ổn định với tỷ lệ tăng trưởng thấp).
Như vậy, năm thứ 4 công ty sẽ làm được 144 x (1+5%) = 151,2 (đồng)
Năm thứ 5 công ty sẽ làm được 144 x (1+5%) = 158,8 (đồng)
Năm thứ 6 công ty sẽ làm được 158,8 x (1+5%) = 166,7 (đồng)
Cứ như vậy các dòng tiền tăng trưởng đều 5%/năm cho đến vô tận.
Vậy, giá trị của công ty có phải là 100 + 120 + 144 + 151,2 + 158,8 + 166,7 + … hay không?
Như vậy thì, giá trị của công ty sẽ là một giá trị vô tận?!
Tất nhiên, là KHÔNG. Vì hai lý do:
a. Về mặt thời gian:
Chúng ta đang đứng ở thời điểm năm thứ 0 (Còn cách 1 năm nữa mới đến năm thứ nhất) và đang tính toán định giá để xem xét mua vào Vinamilk với các giả định tăng trưởng như đã trình bày ở trên. Các dòng tiền kia là dòng tiền trong tương lai, chưa có giá trị so sánh khi đưa quyết định sử dụng “tiền trong hiện tại” của chúng ta
b. Về nguyên lý của tiền
1 đồng trong tương lai sẽ ít giá trị hơn 1 đồng tại thời điểm hiện tại. Vì có tiền trong hiện tại thì có thể sử dụng ngay để chi tiêu. Còn nếu đến tương lai mới nhận được thì ta sẽ không được chi tiêu ngay trong hiện tại. Do đó các nhà kinh tế đã quy ước rằng, 1 đồng trong tương lai luôn kém giá trị hơn 1 đồng trong hiện tại – đây là khái niệm “Giá trị thời gian của tiền”)
Do đó, 100 đồng nhận được trong tương lai luôn có giá trị kém hơn 100 đồng nhận được trong hiện tại. Chúng ta phải chiết khấu 100 đồng mà Vinaxoi đã làm ra được trong năm thứ nhất về thời điểm hiện tại. Cũng như vậy, chiết khấu tất cả các dòng tiền của năm thứ hai, năm thứ ba, năm thứ tư,… về thời điểm hiện tại.
Đây chính là phương pháp chiết khấu dòng tiền (Tính “giá trị hiện tại” của các dòng tiền làm ra trong tương lai).
Hãy nhớ: Tính GIÁ TRỊ HIỆN TẠI của các dòng tiền dự kiến sẽ kiếm được trong tương lai chính là Phương pháp Chiết khấu dòng tiền.
Trong phần 2 của bài viết, Cafe Forex sẽ cùng các bạn tìm hiểu và ưu và nhược điểm của phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Đầu tư tài chính, kinh tế là lĩnh vực sở trường của mình. Mình mong muốn hỗ trợ và chia sẻ tới bạn đọc những thông tin và bài học cực kỳ hữu ích thông qua những bài viết được tích lũy từ những kinh nghiệm của mình.