Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ (BA) đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn kể từ năm 2019, gây không ít sóng gió cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các dấu hiệu gần đây đều chỉ đến một công ty đang lấy lại đà tăng trưởng.
Hy vọng về một nền kinh tế đang được cải thiện
Ít cổ phiếu hàng không vũ trụ nào phải đối mặt với những thách thức lớn hơn Boeing kể từ năm 2019.
Mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing này đã bị cấm bay 18 tháng kể từ tháng 3/2019 sau các vụ tai nạn nghiêm trọng ở Indonesia và Ethiopia. Vào thời điểm những vấn đề đó được giải quyết, Boeing đã chỉnh sửa, cải thiện máy bay và đào tạo bổ sung cho phi công thì đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu khiến các hãng hàng không rơi vào thế phòng thủ, việc bán máy bay mới trở nên đình trệ.
Mới đây, ngày 13/1, máy bay Boeing 737 MAX đã thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên tại Trung Quốc sau gần 4 năm bị cấm bay. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Boeing nhằm xây dựng lại hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc, thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc là thị trường lớn cuối cùng cho phép máy bay Boeing 737 MAX bay lại, trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra với Mỹ và nhu cầu đi lại trong nước phục hồi sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế trong chính sách “Zero COVID”. Các hãng hàng không nước ngoài bắt đầu sử dụng máy bay 737 MAX đến Trung Quốc vào tháng 10/2022, cho thấy quốc gia đầu tiên ngừng sử dụng mẫu máy bay này sau các vụ tai nạn đang nới lỏng chính sách của mình.
Tháng 1/2023, Boeing báo cáo đã có 774 đơn đặt hàng thương mại cho năm 2022, bao gồm 561 đơn đặt hàng cho dòng 737. “Gã khổng lồ” của Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ này đã giao 480 máy bay trong năm.
Boeing nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong danh mục sản phẩm
Trong quý cuối cùng của năm 2022, tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới đã thua lỗ tới 663 triệu USD, do chi phí sản xuất cao hơn và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Công ty đã lỗ 1,75 USD/cổ phiếu trong khi các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận 0,26 USD.
Đây có thể được xem là một quý đáng thất vọng nữa đối với Boeing, vốn vẫn chưa phục hồi sau các vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến dòng máy bay 737 Max và đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu mua máy bay mới của các hãng hàng không.
Boeing cho biết khoản lỗ này vẫn chưa “thấm tháp” gì so với với khoản lỗ 4,16 tỷ USD mà hãng phải gánh chịu trong quý 4/2021. Doanh thu của Boeing tăng 35% so với một năm trước đó, lên 19,98 tỷ USD.
Tuy nhiên, Boeing dự báo dòng tiền hoạt động ít nhất 4,5 tỷ USD trong năm nay, nhắc lại mục tiêu đạt dòng tiền tự do 10 tỷ USD vào năm 2026. Ngoài ra, Boeing đang tăng cường sản xuất 737 MAX do nhu cầu ngày càng tăng với sản lượng 31 chiếc mỗi tháng và có kế hoạch tăng tốc lên khoảng 50 chiếc mỗi tháng vào năm 2025 hoặc 2026, đồng thời sẽ tăng cường sản xuất những máy bay 787.
Tâm lý kinh tế vĩ mô cải thiện cũng giúp cổ phiếu Boeing tăng giá. Các hãng hàng không có xu hướng không mua nhiều máy bay trong thời kỳ suy thoái. Vì vậy, các nhà đầu tư của Boeing rất mong muốn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thiết lập một tình huống hạ cánh nhẹ nhàng và không khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn trong các quý tới.
Xem thêm: Cổ phiếu Boeing tăng 11,8% trong tháng 1/2023
Boeing sẽ ra sao trong vài năm tới?
Boeing đang trên đà trở lại, nhưng cổ phiếu vẫn thấp hơn khoảng 40% so với thời điểm đại dịch bắt đầu. Ông lớn hàng không có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, họ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công ty cần tạo ra dòng tiền mạnh mẽ chỉ để đưa bảng cân đối kế toán trở lại mức bình thường hơn.
Có khả năng Boeing sẽ tốt hơn trong một vài năm tới. Mặc dù suy thoái kinh tế sẽ gây tổn hại cho công ty (đặc biệt là phân khúc Dịch vụ toàn cầu), BCA vẫn có đủ công việc tồn đọng để đối phó với số lượng đơn hàng bị hủy ở mức vừa phải. Suy cho cùng, quan trọng nhất là khả năng thực thi trong lĩnh vực Hàng không thương mại và An ninh, quốc phòng, không gian. Đó là điều mà nhà đầu tư cần phải theo dõi chặt chẽ.
Yến Anh