Cafeforexvn – Nếu bạn đang muốn thiết kế danh mục đầu tư của mình theo xu hướng thời thượng hiện nay của nền kinh tế thì bạn sẽ cần phải giảm tỷ trọng đầu tư ở một số khối ngành nhất định trên thị trường. Ngoài ra, bạn nên biết có hai kiểu quỹ ETF nên tránh đầu tư vào lúc này.

Tổng quan xu hướng thị trường hiện tại
Chỉ số S&P 500 (SPY) và Nasdaq 100 (QQQ) vẫn đang không ngừng hướng đến mức đỉnh mới cao nhất mọi thời đại, nhưng không phải khối ngành nào trên thị trường cũng đi theo chiều hướng tăng tiến.
Vào tháng Ba năm nay, các cơn sóng tăng giá lại nổi lên trở lại. Hiện tại điều mà giới đầu tư quan tâm nhất là tốc độ lạm phát đang gia tăng cao trong ngắn hạn và tốc độ tăng trưởng kinh tế hậu COVID dường như đã chạm đỉnh.
Có vẻ như thị trường đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng bứt tốc theo đà phục hồi kinh tế sang giai đoạn đã “chín mọng”. Điều này có vẻ sẽ có lợi hơn cho các cổ phiếu tăng trưởng vì nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng rất tốt, nhưng đó đồng thời lại có thể là thách thức đối với các cổ phiếu chu kỳ khi diễn biến tăng trưởng trở nên chậm hơn.
Tình trạng giá cổ phiếu
Từ khi chạm đáy vào tháng 3/2020 cho đến tháng 3/2021, các cổ phiếu chu kỳ đa phần có hiệu suất tăng giá tốt hơn thị trường chung (mặc dù các cổ phiếu tài chính và năng lượng mất nhiều thời gian hơn để đi vào “guồng” tăng giá do lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu không tăng như kỳ vọng).
Nhóm cổ phiếu công nghệ thực sự vẫn không ngừng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Những khối ngành mang tính phòng thủ, chẳng hạn như khối mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đôi khi cũng chỉ có một giai đoạn thăng hoa rất ngắn ngủi trước khi có sức bật tăng trưởng một lần nữa về sau này.
Kể từ tháng 3, trong số các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vật liệu, công nghiệp, tài chính, năng lượng và cổ phiếu cổ tức, đa phần đều có hiệu suất tăng trưởng kém hơn thị trường chung.
Nếu bạn muốn thiết kế danh mục đầu tư của mình theo xu hướng của nền thị trường chứng khoán hiện nay thì sẽ cần phải tránh đầu tư ở một số ngành nhất định. Các khối ngành như dịch vụ truyền thông và công nghệ có vẻ đang nóng sốt nhất. Khối ngành kinh doanh hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể sẽ khá bất định nếu tình hình lạm phát ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng. Các cổ phiếu chu kỳ đang trong giai đoạn mà giá hàng hóa bị tái điều chỉnh trong khi các cổ phiếu phòng thủ đang hết thời ở thời điểm hiện tại.
Trên hết, có hai loại cổ phiếu mà nhà đầu tư nên tránh xa vào lúc này.
Cổ phiếu giá trị
Phân khúc tài chính
Đây là nhóm cổ phiếu bổ sung thêm cho quan điểm vừa nêu ở trên. Hẳn nhiên nhà đầu tư nào cũng biết rằng cổ phiếu giá trị có xu hướng tương quan với cổ phiếu chu kỳ nhiều hơn so với cổ phiếu tăng trưởng hoặc cổ phiếu phòng thủ. Cổ phiếu ngân hàng thường bị định giá thấp hơn và hầu như lúc nào cũng ở trong tình trạng này kể từ cuối giai đoạn khủng hoảng tài chính. Các cổ phiếu thuộc những phân khúc tài chính khác, bao gồm các công ty bảo hiểm và công ty quản lý tài sản, cũng đều rơi vào tình trạng tương tự.
Phân khúc năng lượng
Cổ phiếu năng lượng cũng có xu hướng rơi vào nhóm này. Có một số công ty nắm rất nhiều tiền mặt với mức định giá hợp lý, và có lẽ chúng sẽ có sức hấp dẫn lớn ở một tình huống khác, nhưng chính những rủi ro về yếu tố chính trị, biến động giá dầu và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu đều đang gây bất lợi cho nhóm cổ phiếu này. Cổ phiếu năng lượng là một trong những nhóm có hiệu suất tăng giá tốt nhất kể từ khi thị trường chạm đáy vì dịch COVID, nhưng nhóm này lại bắt đầu rơi vào khối ngành tụt hậu hơn so với mặt bằng chung.
Tác động của tình hình kinh tế
Tuy nhiên, yếu tố tác động lớn nhất vẫn là bối cảnh kinh tế. Ngay cả khi xu hướng tăng trưởng không bị hãm tốc vì tỷ lệ nhiễm COVID tăng cao, rủi ro lạm phát chỉ là tạm thời và Fed không có động thái rút lại gói hỗ trợ kinh tế cho thị trường tài chính thì vẫn có một thực tế đó là có vẻ như thị trường đã qua giai đoạn tăng trưởng thần tốc theo đà phục hồi, và đây không phải là điềm báo tốt cho các cổ phiếu chu kỳ và, suy rộng ra hơn là các cổ phiếu giá trị. Ai cũng biết ngày này sẽ đến và hiện tượng đó đã bắt đầu có biểu hiện qua giá cổ phiếu.
Những quỹ ETF phân bổ tỷ trọng đầu tư quá nhiều vào nhóm cổ phiếu giá trị là những đơn vị có khả năng thể hiện hiệu suất tăng trưởng kém nhất. Ví dụ, quỹ Vanguard Value ETF (VTV) phân bổ hơn 40% tài sản trong bốn khối ngành chu kỳ lớn nhất trong khi tỷ trọng phân bổ của S&P 500 chỉ là 25%. Quỹ iShares Russell 1000 Value ETF (IWD) cũng phân bổ khoảng 40%. Quỹ iShares MSCI USA Value Factor ETF (VLUE) có thể là một lựa chọn tương đối tốt hơn với mức phân bổ 25%.
Dù biện luận theo cách nào đi nữa, xét chu kỳ kinh tế hiện tại, khó có thể tìm ra lý do thuyết phục để đầu tư vào cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu giá trị vào lúc này. Có lẽ giới đầu tư sẽ vẫn tiếp tục rót vốn vào nhóm này vì chúng có sức hút ở cả tiềm năng tăng trưởng và “cái mác” phòng thủ.
Cổ phiếu thuận xu thế
Tránh xa các cổ phiếu thuận xu thế cũng có nghĩa là lên lịch trình tái cân bằng danh mục đầu tư. Ví dụ, quỹ iShares MSCI USA Momentum Factor ETF (MTUM) cứ nửa năm sẽ tái cân bằng danh mục đầu tư, và lần gần đây nhất diễn ra vào tháng Năm. Khi chọn các mã cổ phiếu đầu tư cho chỉ số, ban lãnh đạo MTUM sẽ theo dõi giá tương đối trong khoảng thời gian 6 và 12 tháng qua.
MTUM vốn trước đó có định hướng phân bổ tỷ trọng đầu tư rất lớn vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng vào đầu năm nay. Nhưng quỹ này hiện có một nửa danh mục đầu tư được rót vào các cổ phiếu chu kỳ, bao gồm 31% trong lĩnh vực tài chính. Hiển nhiên nếu lãi suất bắt đầu tăng trở lại thì MTUM, quỹ ETF ngân hàng và các quỹ đầu tư thuận xu thế khác có thể sẽ có sức hút hơn, nhưng lãi suất đã giảm đều đặn mặc dù tốc độ lạm phát tăng đến 5%.
Với tỷ trọng phân bổ hiện tại của các quỹ này, các cổ phiếu thuận xu thế sẽ không có triển vọng trong ngắn hạn, nhưng nhà đầu tư nên theo dõi lại những quỹ này vào tháng 11 trong đợt tái cân bằng tiếp theo vì khi đó họ có thể sẽ thoái vốn khỏi nhóm cổ phiếu chu kỳ một lần nữa.
Khoa Phạm – Theo thestreet.com