Thuật ngữ “sức khoẻ tài chính” chỉ cách bạn quản lý tiền bạc và chuẩn bị cho tương lai. Tất cả các quyết định và hoạt động tài chính của bạn đều có tác động đến sức khỏe tài chính của bạn. Chúng ta thường nghe các lời khuyên theo nguyên tắc vàng nhất định. Ví dụ như “đừng mua nhà có giá trị hơn tổng thu nhập trong hai năm rưỡi”. Hay “bạn nên để dành ít nhất 10% thu nhập cho nghỉ hưu.”

Nhiều châm ngôn như trên khá hữu ích và đã được kiểm nghiệm. Nhưng điều quan trọng cần cân nhắc là chúng ta phải làm gì nói chung để cải thiện sức khỏe và thói quen tài chính của mình. Dưới đây chúng ta sẽ thảo luận năm nguyên tắc tài chính cá nhân tổng quát. Những nguyên tắc này sẽ giúp bạn bắt đầu đạt được mục tiêu tài chính cụ thể của mình.
Các Ý Chính
- “Tài chính cá nhân” là một cụm từ đáng sợ khiến nhiều người né tránh, dẫn đến những quyết định sai và hậu quả xấu.
- Nhưng hãy dành thời gian cân đối thu nhập và chi tiêu của bạn. Việc này giúp bạn có thể chi tiêu trong khả năng cho phép và quản lý mức sinh hoạt mong muốn.
- Ngoài việc lên kế hoạch cho tương lai, hãy bắt đầu để dành tiền cho các mục tiết kiệm. Bao gồm các khoản hưu trí, giải trí và dự phòng khẩn cấp.
1. Tính Toán Lợi Nhuận Ròng Và Ngân Sách Cá Nhân
Tiền đến và đi như một cơn gió. Đối với nhiều người, hiểu biết về tài chính cá nhân của họ chỉ đến đây mà thôi. Thay vì bỏ lơ tình hình tài chính của bạn và phó mặc nó cho số phận; một vài phép tính nhẩm có thể giúp bạn đánh giá sức khỏe tài chính hiện tại và xác định cách đạt được mục tiêu tài chính ngắn và dài hạn.
Lợi nhuận ròng
Để bắt đầu, điều quan trọng là phải tính toán lợi nhuận ròng của bạn – những gì bạn có trừ đi những gì bạn phải xài. Để tính lợi nhuận ròng, đầu tiên hãy liệt kê các tài sản (những gì bạn có) và tiêu sản (những gì bạn phải xài). Sau đó lấy tài sản trừ tiêu sản để tìm ra con số lợi nhuận ròng của bạn.
Lợi nhuận ròng cho biết tình hình tài chính hiện tại của bạn. Và con số này thường sẽ biến đổi theo thời gian. Tính toán lợi nhuận ròng của bạn một lần có thể hữu ích, nhưng nó chỉ thật sự mang lại lợi ích nếu bạn thường xuyên tính con số này ít nhất là hàng năm. Việc theo dõi lợi nhuận ròng thường xuyên cho phép bạn đánh giá chặn đường mình đã đi, làm nổi bật những thành công, và khoanh vùng những chỗ cần cải thiện.
Xây dựng kế hoạch chi tiêu cá nhân
Một việc quan trọng không kém là xây dựng một ngân sách hoặc kế hoạch chi tiêu cá nhân. Một bản kế hoạch chi tiêu hàng tháng hoặc hàng năm là một công cụ tài chính quan trọng. Bởi nó có thể giúp bạn:
- Lên kế hoạch chi tiêu
- Giảm hoặc hạn chế các khoản chi
- Tiết kiệm cho mục đích tương lai
- Chi tiêu một cách khôn ngoan
- Lên kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp
- Ưu tiên cho các khoản chi và tiết kiệm cần thiết
Một khi đã có dự tính ước lượng, lấy thu nhập của bạn trừ đi các khoản chi. Nếu còn dư tiền, bạn có thể quyết định xem nên tiêu xài, tiết kiệm hay đầu tư khoản tiền dư này. Tuy nhiên, nếu các khoản chi của bạn cao hơn thu nhập, bạn cần cân đối lại thu chi bằng cách tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu.
Để thật sự hiểu tình hình tài chính của mình và tìm ra cách đạt được điều bạn muốn, hãy thường xuyên tính toán cả lợi nhuận ròng và ngân sách cá nhân. Nhiều người làm ra càng nhiều tiền lại càng chi mạnh hơn, đây là một hiện tượng khá nguy hiểm được biết đến với tên gọi “lạm phát lối sống”.
2. Nhận Ra Và Quản Lý Hiện Tượng Lạm Phát Lối Sống
Lạm phát lối sống là gì?
Phần lớn con người sẽ tiêu nhiều hơn nếu họ kiếm được nhiều tiền hơn. Khi họ thăng tiến trong công việc và được trả lương cao hơn, mức chi của họ cũng tăng theo, một hiện tượng được gọi là “lạm phát lối sống”. Dù bạn vẫn có đủ khả năng trả hoá đơn hàng tháng, lạm phát lối sống dễ gây hại về lâu dài, bởi nó hạn chế khả năng tích lũy tài sản của bạn. Nếu bạn tiêu số tiền dư ra đó trong hiện tại, trong tương lai và nhất là sau khi nghỉ hưu bạn sẽ có ít tiền hơn.
Nguyên nhân của lạm phát lối sống
Một trong những lý do chủ yếu khiến người ta để lạm phát lối sống, phá hoại tình hình tài chính của mình là vì tâm lý “bằng bạn bằng bè”. Không hiếm người cảm thấy cần phải chi tiêu cho bằng mức của đồng nghiệp hay bạn bè họ. Nếu xung quanh bạn toàn người chạy BMW, đi nghỉ ngơi ở resort hay ăn tối trong nhà hàng sang chảnh, bạn sẽ dễ cảm thấy áp lực phải làm điều tương tự.
Nhưng một sự thật không phải ai cũng nhận ra. Đó là nhiều khi những người bạn đó cũng phải nợ nần rất nhiều để duy trì vẻ ngoài hào nhoáng đó. Dù trông họ có vẻ giàu sang – có du thuyền, siêu xe, đi du lịch hạng sang hay cho con học trường tư đắt đỏ. Những người đó nhiều khi không hề dư dả và không có một đồng tiết kiệm nào cho việc nghỉ hưu.
Nhu cầu chi tiêu của bạn đương nhiên sẽ tăng theo tình hình công việc và cuộc sống cá nhân. Đó là điều tất yếu. Có thể bạn cần thay đổi tủ đồ để phù hợp với vị trí công việc mới, hay bạn cần mua một căn nhà mới cho gia đình mình. Với nhiều trách nhiệm công việc hơn, có thể bạn sẽ cần phải thuê ai đó chăm sóc vườn hay dọn dẹp nhà cửa, để bạn có thời gian rảnh với gia đình và bạn bè, cải thiện chất lượng cuộc sống.
3. Phân Biệt Nhu Cầu Và Mong Muốn – Chi Tiêu Có Chủ Đích
Trừ khi bạn có một nguồn tiền vô tận. Nếu không tốt nhất là nên để ý đến sự khác biệt giữa “nhu cầu” và “mong muốn”; để bạn có thể đưa ra những lựa chọn chi tiêu thoả đáng. Nhu cầu là những gì bạn bắt buộc phải có để tồn tại: thức ăn, chỗ ở, sức khỏe, di chuyển, quần áo cần dùng (nhiều người cộng cả tiết kiệm vào mục nhu cầu, cho dù đó là 10% thu nhập hàng tháng hay bất cứ khoản tiền nào họ có thể để dành.) Ngược lại, mong muốn là những điều bạn muốn có nhưng không đến nỗi sống còn.
Việc phân loại các khoản chi thành nhu cầu hay mong muốn là một thử thách khó nhằn, và nhiều khi lằn ranh giữa chúng khá mong manh. Trong trường hợp này, chúng ta thường tìm lý do biện minh cho những khoản chi không cần thiết.
Nhu cầu của bạn nên được ưu tiên hàng đầu trong ngân sách cá nhân. Sau khi đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết này, bạn mới nên dành ra một khoản thu nhập để chi cho những điều bạn muốn. Và nếu bạn còn dư ra một khoản tiền hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi chi trả cho những nhu cầu trên, bạn không cần phải tiêu hết chúng.
4. Bắt Đầu Tiết Kiệm Từ Sớm
Người ta thường nói không bao giờ là quá trễ để tiết kiệm cho việc nghỉ hưu. Dù điều này có thể đúng về cơ bản. Nhưng bạn sẽ càng thoải mái lúc nghỉ hưu nếu bạn bắt đầu tiết kiệm càng sớm. Lý do là vì sức mạnh của lãi kép (compounding) – điều mà Albert Einstein gọi là “kỳ quan thứ tám của thế giới.”
Lãi kép liên quan đến tái đầu tư lợi nhuận, và theo thời gian việc này sẽ càng hiệu quả. Lợi nhuận được tái đầu tư trong thời gian càng lâu thì giá trị khoản đầu tư này sẽ càng lớn, dẫn đến lợi nhuận sẽ càng nhiều (trên lý thuyết).
Bạn càng bắt đầu sớm thì bạn sẽ càng dễ đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn. Mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm ít hơn một chút, và đóng góp ít hơn để đạt được cùng một mục tiêu trong tương lai.
Có một khoản tiền dự phòng trong những trường hợp cần kíp cực kì quan trọng trong việc đảm bảo kế hoạch tài chính.
Xem thêm: 3 lý do tại sao nên mua cổ phiếu Dollar Tree
5. Tạo Ra Và Duy Trì Một Quỹ Dự Phòng Khẩn Cấp
Y như tên gọi, một quỹ dự phòng khẩn cấp là khoản tiền được để dành cho các trường hợp khẩn cấp. Quỹ này giúp chi trả cho những khoản không thường được ghi vào ngân sách cá nhân: những khoản chi không lường trước được như sửa xe hoặc đi bệnh viện. Nó cũng giúp bạn chi trả các khoản thường xuyên trong trường hợp thu nhập của bạn bị gián đoạn, chẳng hạn như bệnh tật hoặc chấn thương khiến bạn không làm việc được, hoặc khi bạn mất việc.
Dù lời khuyên thông thường là dành ra ba đến sáu tháng tiền sinh hoạt cho quỹ dự phòng khẩn cấp. Nhưng có một thực tế tàn nhẫn là khoản tiền này nhiều khả năng không đủ cho những trường hợp cần chi một khoản kếch xù hoặc để đối phó với việc mất một nguồn thu.
Trong tình hình kinh tế bất ổn hiện nay, hầu hết mọi người nên nhắm đến việc để dành ít nhất sáu tháng tiền sinh hoạt – nhiều hơn nếu có thể. Thường xuyên để dành một khoản tiền như vậy trong ngân sách cá nhân là cách tốt nhất để đảm bảo bạn tiết kiệm đủ tiền cho các tình huống khẩn cấp chứ không tiêu xài khoản tiền đó bất kể hậu quả.
Hãy nhớ rằng việc lập một khoản dự phòng khẩn cấp là một nhiệm vụ thường xuyên. Nhiều khi bạn sẽ phải tiêu khoản tiền đó ngay khi bạn kiếm được. Thay vì cảm thấy nản, hãy mừng là bạn có chuẩn bị và bắt đầu tiết kiệm cho khoản dự phòng này lần nữa.
Lời kết
Các quy tắc tài chính cá nhân là những công cụ tuyệt vời để đạt được thành công về mặt “sức khỏe tài chính”. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân nhắc đến bức tranh toàn cảnh và xây dựng những thói quen giúp bạn đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn. Để từ đó cải thiện sức khỏe tài chính. Nếu không có thói quen tốt, sẽ rất khó để nghe theo những lời khuyên cụ thể như “đừng bao giờ rút hơn 4% mỗi năm để đảm bảo khoản tiết kiệm hưu trí của bạn” hay “tiết kiệm gấp 20 lần tổng thu nhập của bạn để được nghỉ hưu nhàn nhã.”
Thi Nguyễn – Theo investopedia