Trang chủForexTin tứcTiêu điểm kinh tế thế giới ngày 9/3/2023

Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 9/3/2023

Hãng tin Bloomberg nhận định chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được suy thoái kinh tế vào đầu năm nay, nhưng giờ đây, mối đe dọa về một cuộc suy thoái mới đang bao trùm khu vực. Điều này là do chi phí quá lớn của các chính phủ châu Âu để chống lại sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Kinh tế EU vẫn đối mặt với nguy cơ suy thoái mới

Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 9/3/2023
Tiêu điểm kinh tế thế giới ngày 9/3/2023

Xem thêm: Tổng hợp thông tin kinh tế thế giới ngày 20/10/2022

Bloomberg đưa tin lạm phát cơ bản trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), không bao gồm giá năng lượng và lương thực, đã đạt mức cao kỷ lục 5,6% trong tháng Hai và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như sẽ tăng lãi suất lên mức kỷ lục 4% để phù hợp. Tuy nhiên, chiến lược này có rủi ro. Nếu không thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, một vòng luẩn quẩn mới của việc tăng giá do tiền lương tăng có thể bắt đầu.

Ban lãnh đạo ECB liên tục tăng lãi suất cơ bản khiến chi phí cho các khoản vay cao hơn bao giờ hết. Điều này có nghĩa là chính phủ các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tài trợ cho một chương trình hỗ trợ kinh tế để bảo vệ trước cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng.

Bài báo kết luận nếu có thể tránh được một cuộc suy thoái, thì đó không phải là do các ngân hàng trung ương đã lựa chọn thời điểm hoàn hảo, mà bởi các chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để chi tiền – gần 1.000 tỷ USD – để bảo vệ các hộ gia đình và giúp Đức dễ dàng đảo ngược sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Sẽ không dễ để lặp lại kỳ tích này trong năm 2023. Chi tiêu bị trì hoãn trong khi chi phí đi vay tăng.

Ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo nền kinh tế EU đã tránh được suy thoái và đỉnh lạm phát trong khu vực đã qua. Lạm phát cơ bản ở các nước thành viên EU cũng tiếp tục tăng và chi phí điện vẫn ở mức cao. Vì lý do này, EU dự đoán ECB sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tín dụng.

Nguy cơ áp lực lạm phát lan rộng tại Mỹ

Nguy cơ áp lực lạm phát lan rộng tại Mỹ
Nguy cơ áp lực lạm phát lan rộng tại Mỹ

Trong báo cáo Sách Be (Beige Book) mới nhất khảo sát 12 khu vực của Mỹ, Fed cho rằng các điều kiện kinh tế có sự gia tăng ở mức khiêm tốn đến vừa phải trong hầu hết các khu vực, trong khi điều kiện thị trường lao động vẫn vững chắc.

Hoạt động kinh tế nói chung tăng nhẹ trong năm tính đến ngày 27/2, với 6 trong số 12 khu vực của Fed cho thấy sự mở rộng khiêm tốn trong tốc độ hoạt động, trong khi 6 khu vực còn lại báo cáo ít thay đổi hoặc không thay đổi.

Một số khu vực đã báo cáo về sự gia tăng lạm phát về giá, với áp lực lạm phát dai dẳng được ghi nhận ở khu vực New York và sự gia tăng “mạnh mẽ” trong chi phí cho thuê nhà ở khu vực Cansas City.

Lạm phát ở Mỹ dù có giảm sau các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp nhưng hiện vẫn mức cao so với mục tiêu dài hạn của Fed là 2%, bất chấp một chiến dịch thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt với việc đưa lãi suất lên đến mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Phát biểu tại phiên điều trần của Thượng viện hôm 7/3, ông Powell cũng nói với các nhà lập pháp rằng thị trường lao động vẫn “vô cùng chặt chẽ”, trong bối cảnh hơn nửa triệu việc làm mới đã được tạo ra trong tháng 1/2023, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1960.

BoC tạm dừng tăng lãi suất cơ bản

Ngày 8/3, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,5%, ghi nhận lần đầu tiên sau hơn một năm, BoC không tăng lãi suất.

Việc giữ nguyên mức lãi suất lần này diễn ra sau tám lần tăng liên tiếp khiến lãi suất cơ bản tăng 425 điểm cơ bản (4,25 điểm phần trăm) kể từ ngày 2/3/2022. BoC đã triển khai một chuỗi các đợt tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử với hy vọng kiềm chế đà tăng của lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Canada đã giảm từ mức cao 8,1% vào giữa năm 2022 xuống còn 5,9% vào tháng 1/2023. Tỷ lệ lạm phát hiện tại cho thấy đà giảm giá về năng lượng, hàng hóa sử dụng lâu dài và một số dịch vụ. Tuy nhiên, chi phí cho thực phẩm và chỗ ở vẫn tăng cao, với tỷ lệ lạm phát thực phẩm ở mức 10,4%.

BoC phát đi tín hiệu sau khi lãi suất tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 1/2023 rằng nền kinh tế đã đủ khả năng kiềm chế lạm phát để có thể sẵn sàng cho việc “tạm dừng tăng lãi suất có điều kiện” khi các đợt tăng lãi suất cho đến nay đã phát huy hiệu lực. BoC dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ giảm xuống 3% vào giữa năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Canada đã chậm lại trong quý IV/2022, với chính sách tiền tệ hạn chế ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình và lĩnh vực đầu tư kinh doanh. Thị trường lao động Canada vẫn gặp khó khăn, với 150.000 việc làm mới được bổ sung vào tháng Một và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử là 5%. Mức tiền lương tiếp tục tăng từ 4 đến 5%. Tuy nhiên, BoC kỳ vọng những áp lực này đối với thị trường lao động sẽ giảm bớt do tăng trưởng kinh tế thấp trong vài quý tới.

Tuy tạm dừng tăng lãi suất cơ bản, BoC vẫn không loại trừ khả năng tăng lãi suất qua đêm một lần nữa, trong trường hợp bối cảnh kinh tế thay đổi. Các yếu tố toàn cầu, như cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine và khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, tiếp tục là những yếu tố khó dự báo liên quan đến triển vọng kiểm soát lạm phát.

Đại diện BoC cho biết sẽ tiếp tục đánh giá mức độ phát triển kinh tế và tác động của việc tăng lãi suất trước đây, đồng thời sẵn sàng tăng lãi suất nếu cần để đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Đợt thông báo chính sách lãi suất tiếp theo của BoC dự kiến vào ngày 12/4/2023.

Volkswagen hối thúc EU đáp trả chính sách trợ cấp xanh của Mỹ

Nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức ngày 8/3 cho biết, hãng đang chờ đợi phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) với gói trợ cấp xanh khổng lồ của Mỹ trước khi tiếp tục với kế hoạch xây dựng nhà máy pin ở Đông Âu.

Trong một thông báo, người phát ngôn của VW cho biết: “Chúng tôi vẫn đang đánh giá các địa điểm phù hợp cho các nhà máy pin tiếp theo của mình ở Đông Âu và Bắc Mỹ. Vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra”. Người này cho biết, VW vẫn đang giữ kế hoạch xây dựng các nhà máy pin với tổng công suất hàng năm vào khoảng 240 GWh ở châu Âu từ nay đến năm 2030, nhưng để làm được điều đó, VW cần có những điều kiện cạnh tranh. Chính vì vậy, “ông lớn” này đang chờ đợi thỏa thuận xanh của EU.

Thông báo trên của Volkswagen có thể khiến các nhà lãnh đạo EU lo ngại rằng Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó có 370 tỷ USD chi cho lĩnh vực khí hậu, sẽ thu hút vốn đầu tư và khiến nhiều người châu Âu có nguy cơ mất việc làm.

Đạo luật IRA của Mỹ bao gồm chính sách cắt giảm thuế cho các công ty đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, cũng với các khoản trợ cấp cho pin và xe điện nếu được sản xuất tại Bắc Mỹ. 

Tuần trước, ông Thomas Schmall, người đứng đầu bộ phận linh kiện của VW, đã hối thúc EU đưa ra chính sách tương tự như đạo luật IRA. Ông cho biết, các công ty châu Á đang dẫn đầu mảng pin, và trong khi Mỹ đang bắt kịp nhờ đạo luật IRA, thì châu Âu lại ngày càng thụt lùi. Theo ông, các điều kiện quá hấp dẫn của IRA có thể đánh bại EU trong cuộc dua thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư trong thời gian tới.

Để ngăn chặn những nguy cơ mà đạo luật trên gây ra cho châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố nhiều đề xuất như nới lỏng các quy định về trợ cấp chính phủ.

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI