Tuyên bố xả kho dự trữ dầu chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến thị trường dầu giảm nhiệt sau nhiều ngày tăng trưởng quá nóng. Trên các thị trường khác, lạm phát và căng thẳng chính trị tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp khiến thị trường chứng khoán, hay tiền kỹ thuật số chưa thể khởi sắc trong tuần qua.
Chuyển động thị trường kinh doanh tuần 2/4/2022

Xem thêm: Amazon hiện có đáng mua không, vì sao?
Tuần qua tiếp tục là một tuần không mấy khởi sắc với thị trường chứng khoán toàn cầu. Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6% xuống 27.665,98 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 21.957,38 điểm. Các thị trường Sydney, Seoul, Đài Bắc, Manila, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng đều giảm điểm. Riêng chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,9% lên 3.282,72 điểm.
Chuyên gia Jeffrey Halley của OANDA cho biết, quý II/2022 thị trường sẽ có thể chịu “những luồng gió mạnh từ nhiều hướng khác nhau” và sẽ còn có nhiều biến động. Còn chuyên gia Anwiti Bahuguna tại Colombia Threadneedle Investments cho rằng việc hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cần phải theo dõi rất cẩn thận.
Tuần qua giá vàng đã có những phiên giao dịch biến động trái chiều. Sau kết quả tích cực từ đàm phán Nga –Ukraine, vàng đã giảm giá khi các nhà đầu tư giảm nhu cầu tích trữ tài sản trú ẩn.
Giá vàng châu Á giảm trong chiều 1/4, khi đồng USD mạnh lên thu hút phần nào nhu cầu trú ẩn an toàn từ tình trạng thiếu tiến triển trong các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ để tìm kiếm thêm tín hiệu về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng tới hay không. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.930,16 USD/ounce vào lúc 14 giờ 19 phút (giờ Việt Nam) và đang hướng tới mức giảm hơn 1% trong cả tuần. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng mất 0,9% xuống 1.936,20 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley của công ty môi giới giao dịch OANDA cho biết thị trường vàng không xuất hiện hoạt động mua vào trong cuối tuần. Đây là một dấu hiệu đáng ngại, đặc biệt khi đồng USD tiếp tục tăng.
Đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên này, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm nhiệt sau nhiều ngày tăng nóng do quan ngại về căng thẳng tại Ukraine sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung dầu toàn cầu. Phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc xả kho dự trữ chiến lược tới 1 triệu thùng dầu/ngày đã khiến dầu lao dốc trong những phiên cuối tuần. Giá dầu châu Á giảm khoảng 1 USD trong phiên giao dịch chiều 1/4, trước thềm cuộc họp của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) để thảo luận về một đợt xả dầu từ các kho dự trữ chiến lược. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,02 USD xuống 99,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giảm 79 xu Mỹ và được giao dịch ở mức 103,92 USD/thùng.
Bitcoin cuối cùng đã chạm ngưỡng hỗ trợ 45.000 USD đúng như dự kiến. Song các chuyên gia phân tích giờ đây lại có những quan điểm trái chiều về việc giá đồng tiền số này sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.
Những lời kêu gọi hào hứng cho sự trở lại của thị trường giá lên tại thời điểm này có thể là quá sớm, đặc biệt là sau khi phe bò Bitcoin không thể đẩy giá vượt qua ngưỡng 46.000 USD vào ngày 31/3. Thậm chí với đợt giảm giá hiện tại, các chuyên gia phân tích vẫn cho rằng Bitcoin có thể sẽ kiểm lại ngưỡng hỗ trợ thấp hơn ở 45.000 USD.