Mục Lục:
Tiêu điểm kinh tế toàn cầu 1/4/2022
Cafeforexvn – Mỹ công bố đợt xả kho dầu dự trữ kỷ lục
Ngày 31/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao. Nhiều khách hàng đang từ chối nhập khẩu dầu mỏ của Nga, khiến nguồn cung tổng thể trên thế giới ít hơn và nhu cầu tìm kiếm nguồn dầu mỏ từ các nơi khác tăng lên. Điều này đã khiến chính quyền Tổng thống Biden chịu thêm áp lực, khi trước đó đã phải vật lộn với thực trạng giá cả tiêu dùng tăng cao cũng như sự “phàn nàn” từ đảng Cộng hòa.
Chính phủ Mỹ đang gây sức ép với các công ty dầu mỏ trong nước để tăng cường hoạt động khai thác trên các vùng đất của liên bang, những nơi đã phê duyệt các giấy phép khoan thăm dò nhưng chưa triển khai. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật buộc các công ty phải trả phí cho các giếng dầu từ hợp đồng thuê đã không sử dụng trong nhiều năm và trên những khu đất công không có hoạt động sản xuất.
Tổng thống Putin đồng ý tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng euro
Trong khi đó, sau cuộc điện đàm gần nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng châu Âu có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc USD chứ không phải đồng ruble.
Theo nhà lãnh đạo Nga, số tiền này có thể được trả vào GazpromBank, ngân hàng hiện không bị trừng phạt và sau đó được chuyển từ ngân hàng này sang Nga bằng đồng ruble.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí sẽ thảo luận thêm về vấn đề này, trong khi ông Putin khẳng định rằng “sẽ không có gì thay đổi đối với các đối tác châu Âu” khi hệ thống thanh toán mới có hiệu lực vào ngày 1/4./.
Nợ công dài hạn của Nhật Bản vượt ngưỡng 1 triệu tỷ yen
Tham khảo thêm:
- Học cách phân tích đầu tư để chiến thắng trong giao dịch
- BlackBull Markets tích hợp thêm công cụ Autochartist
- Tăng trưởng bùng nổ của Nvidia có ý nghĩa gì đối với Intel?
- Amazon, Tesla: 2 cổ phiếu tăng trưởng sắp phân tách đáng mua ngay và giữ mãi
- Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến giới đầu tư trái phiếu lỗ nặng
Giới chức Nhật Bản cho biết dư nợ dài hạn của Chính phủ Nhật Bản vào cuối tài khoản 2021 (ngày 31/3/2022) ước tính lên tới 1,03 triệu tỷ yen (khoảng 8.440 tỷ USD), tăng gấp 1,5 lần so với cách đây 10 năm. Nếu con số ước tính này đúng, đây sẽ là lần đầu tiên dư nợ dài hạn của Chính phủ Nhật Bản vượt ngưỡng 1 triệu tỷ yen.
Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết điều này cho thấy tình hình tài chính của Nhật Bản đang ngày càng xấu đi do tình trạng già hóa dân số khiến chi phí an sinh xã hội tăng và nguồn thu từ thuế giảm trong lúc Chính phủ phải tăng các khoản chi khẩn cấp để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù vậy, trong tài khóa 2022, Chính phủ Nhật Bản vẫn dự định phát hành thêm trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách. Theo kế hoạch ngân sách của tài khóa 2022 mà Quốc hội Nhật Bản đã thông qua, Chính phủ nước này sẽ chi 107.000 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay, trong khi nguồn thu từ thuế chỉ đạt khoảng 65.000 tỷ yen. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ soạn thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2022 để tài trợ cho gói kích thích kinh tế nhằm giảm bớt tác động của việc giá cả hàng hóa tăng và hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Các khoản chi khổng lồ này chắc chắn sẽ khiến nợ công của Nhật Bản ngày càng gia tăng.
Gần 21% số người trưởng thành tại Mỹ có giao dịch tiền kỹ thuật số
Theo kết quả khảo sát được kênh truyền hình CNBC (Mỹ) công bố ngày 31/3, gần 21% số người trưởng thành tại Mỹ có giao dịch hoặc đầu tư vào tiền kỹ thuật số.
Một nửa số nam giới trong độ tuổi 18-49 tham gia khảo sát cho biết họ có sử dụng tiền kỹ thuật số, trong khi con số này với số người da màu là khoảng 40%. Tuy nhiên, phần lớn những người tham gia khảo sát (56%) nói rằng họ không đủ
Các kết quả khảo sát được công bố khi Chính phủ Liên bang bắt đầu tăng cường các đánh giá về thị trường tiền kỹ thuật số để xác định cách thức tốt nhất nhằm giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư hiện tại và tương lai.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, Gary Gensler, trước đó cho biết cơ quan này chưa thống nhất về cách thức quản lý tiền kỹ thuật số.
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan Liên bang bắt đầu đánh giá các rủi ro đối với các nhà đầu tư liên quan đến đồng tiền này./.
Mỹ tìm hướng giải quyết các vấn đề thương mại chưa đồng thuận với Trung Quốc
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai cho biết Mỹ không định tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mới trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, thay vào đó là tìm hướng để giải quyết các vấn đề mà Mỹ chưa đồng thuận với Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ nhận định các cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc tuân thủ thỏa thuận giai đoạn một “rất khó khăn”. Trong giai đoạn đàm phán tiếp theo, Mỹ không nhất thiết hướng đến mục tiêu đạt được một thỏa thuận mới mà có thể sẽ mở rộng trọng tâm đàm phán sang cả những vấn đề không được nêu trong thỏa thuận.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết tháng 1/2020, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo thỏa thuận này, Mỹ vẫn áp mức thuế 25% và 7,5% lần lượt đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD và 120 tỷ USD từ Trung Quốc. Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản Trung Quốc tăng nhập khẩu 75 tỷ USD đối với hàng công nghiệp, 50 tỷ USD với mặt hàng năng lượng, 40 tỷ USD hàng nông sản và khoảng 35-40 tỷ USD hàng hóa dịch vụ khác của Mỹ trong hai năm.
Theo số liệu do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổng hợp, tiến độ mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 60% mục tiêu tính đến tháng 11/2021./.