- EUR/USD giảm mạnh trong tuần thứ hai liên tiếp. cafeforexvn.com
- Sự khác biệt về chính sách giữa ECB và Fed khiến EUR/USD không thể tăng ngược trở lại.
- Tâm lý lo ngại trước các đợt phong tỏa trên toàn khu vực ở Châu Âu đã làm tổn hại đến đồng tiền chung euro.
Dự báo hàng tuần EUR/USD
EUR/USD bắt đầu tuần trước dưới áp lực bán mạnh và giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 07/2020 ở mức 1,1263 vào hôm thứ Tư khi đồng bạc xanh tiếp tục tăng thêm sức mạnh trước những lo ngại về lạm phát. Sau đó, cặp forex này đã phục hồi và tăng lên mức 1,1400 vào hôm thứ Năm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm bắt đầu giảm xuống trong nửa cuối tuần. Tuy nhiên, những lời nhận xét của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde về triển vọng chính sách trước cuối tuần đã khiến cặp đôi này mất đi động lực. Với việc Áo thông báo phong tỏa trên toàn quốc do số ca nhiễm virus corona gia tăng vào hôm thứ Sáu, EUR/USD đã chạm mức đáy mới trong năm 2021 xuống dưới ngưỡng 1,1300 trước khi ổn định lại gần mức đó. Trong tuần, cặp forex này đã giảm hơn 1% lần thứ hai liên tiếp.
Diễn biến tuần trước
Khi báo cáo trước Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của Nghị viện Châu Âu vào hôm thứ Hai, bà Lagarde tái nhấn mạnh rằng các điều kiện để tăng lãi suất “rất khó có thể được đáp ứng” vào năm 2022. Trong bối cảnh thị trường không có các dữ liệu kinh tế vĩ mô cấp cao, những lời nhận xét ôn hòa theo chủ trương nới lỏng của bà Lagarde đã tạo áp lực lên đồng tiền chung.
Vào hôm thứ Ba, dữ liệu từ Mỹ cho thấy Chỉ số Giá Nhập khẩu trong tháng 10 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, doanh số bán lẻ cũng tăng 1,7% so với tháng trước, vượt mức kỳ vọng của thị trường là 1,4%. Với tác động từ những kết quả này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 10 và cho phép đồng USD tiếp tục mạnh hơn so với các đồng tiền khác.
Màn thể hiện vượt trội của đồng USD đã khiến tỷ giá EUR/USD kéo dài đà giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua trong phiên giao dịch châu Á vào hôm thứ Tư. Eurostat báo cáo rằng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hàng năm ở khu vực đồng euro đứng ở mức 4,1% trong tháng 10. Giới đầu tư đa phần đã ngó lơ thông tin này vì kết quả cuối cùng vẫn trùng khớp với ước tính sơ bộ và kỳ vọng chung của thị trường. Trong nửa cuối ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1,6% và khiến tỷ giá EUR/USD tăng nhẹ trở lại.
Trong khi đó, Isabel Schnabel, Thành viên Hội đồng Thống đốc ECB cho rằng quyết định tiếp tục mua trái phiếu của ECB là một dấu hiệu cho thấy họ sẽ không tăng lãi suất. Bà Schnabel nói thêm rằng việc lạm phát gia tăng là một diễn biến đáng hoan nghênh.
Cuối cùng, bà Lagarde lại xuất hiện tràn ngập trên mặt báo một lần nữa vào hôm thứ Sáu và cho rằng ECB không có lý do gì để vội vã thắt chặt chính sách trong khi áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm dần. “Chính sách thắt chặt hơn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tác động của các yếu tố tác động lên nền kinh tế,” bà Lagarde nói.
Với tâm thế lo ngại, giới chức Áo thông báo rằng họ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài ít nhất mười ngày kể từ thứ Hai. Hơn nữa, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết ở Đức cần có các biện pháp kiểm soát để ngăn đà gia tăng các ca lây nhiễm virus corona. Khi được hỏi về khả năng phong tỏa hoàn toàn, ông Spahn cho biết các cơ quan có thẩm quyền đang ở trong tình huống không thể loại trừ bất cứ khả năng nào. Thị trường tiền tệ vốn đã dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất lên 0,2% vào cuối năm 2022, nhưng hiện không chắc liệu ECB có đủ khả năng để thắt chặt chính sách hay không.
Dự báo tuần này
Vào ngày thứ Ba tuần này, IHS Markit sẽ công bố các kết quả khảo sát chỉ số PMI Sản xuất và Dịch vụ sơ bộ cho khu vực đồng euro và Đức. Nếu dữ liệu cho thấy rằng đà phục hồi kinh tế trong khu vực đồng euro vẫn tiến triển tốt thì giới đầu tư có thể sẽ tiếp tục đặt cược vào khả năng tăng lãi suất của ECB vào năm 2022, mà điều này sẽ giúp thu hút sức mua cho đồng tiền chung châu Âu. Ngược lại, nếu kết quả kém hơn kỳ vọng thì có thể tạo áp lực bán đè nặng lên đồng euro.
Vào ngày thứ Tư, Mỹ sẽ công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế có tác động lớn đến thị trường, trong đó bao gồm Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền trong tháng 10, GDP quý ba (ước tính thứ hai) và Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Các bên tham gia thị trường sẽ chú ý đến dữ liệu về Chỉ số Giá PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang. Đầu tháng, chỉ số CPI đạt kết quả vượt trội hơn dự kiến, từ đó đã kích hoạt một làn sóng tăng lợi suất trái phiếu T của Mỹ và Chỉ số Dollar Mỹ. Thị trường có thể sẽ có phản ứng tương tự nếu kết quả PCE cơ bản hàng năm tiếp tục tăng.
Vào ngày thứ Năm, biên bản Cuộc họp Chính sách Tiền tệ của ECB dự kiến sẽ không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về triển vọng chính sách. Dữ liệu về Tổng sản phẩm quốc nội quý 3 của Đức cũng sẽ được giới đầu tư chú ý theo dõi để tìm động lực thúc đẩy mới.
Thị trường có thể sẽ bớt náo nhiệt trong quãng thời gian còn lại của tuần do Mỹ diễn ra kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Nói tóm lại, EUR/USD khó có thể phục hồi dứt khoát trong thời gian tới do sự khác biệt rõ rệt về chính sách giữa ECB và Fed có lợi hơn cho đồng Dollar Mỹ so với đồng tiền chung châu Âu. Ngay cả khi cặp forex này cho thấy dấu hiệu tích cực trong trường hợp châu Âu công bố các dữ liệu lạc quan, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi phe bán cố sức bảo vệ mức giá kỹ thuật quan trọng.
Tham khảo thêm:
Triển vọng kỹ thuật EUR/USD
Trên biểu đồ hàng ngày, Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) đã quay trở lại mức 30 sau đà phục hồi diễn ra vào hôm thứ Năm, cho thấy thị trường đang quá bán. Trong trường hợp EUR/USD tiếp tục phục hồi, chúng có khả năng gặp phải ngưỡng kháng cự là 1,1370 (mức tĩnh), 1,1450 (mức tâm lý) và 1,1500 (SMA 20 ngày). Trừ khi phe mua có thể biến mức 1,1500 thành ngưỡng hỗ trợ, xu hướng giảm ngắn hạn của cặp đôi này sẽ vẫn giữ nguyên.
Theo chiều giảm, mức 1,1250 (mức thấp nhất năm 2021) có thể được coi là ngưỡng hỗ trợ đầu tiên trước mức 1,1200 (mức tâm lý) và 1,1140 (mức tĩnh kiêm mức kháng cự cũ).
Đăng Khoa-Theo fxstreet