
Hôm thứ Ba, ngày 18 tháng 1, Exxon Mobil cho biết họ sẽ có thể ngừng phát thải ròng khí carbon từ các hoạt động của mình vào năm 2050. Thông báo này cho thấy mức độ các công ty dầu mỏ đang đầu tư vào các chiến lược chống biến đổi khí hậu — và những giới hạn đối với các chiến lược đó.
Exxon đang trở nên xanh hơn, nhưng bước kế tiếp lại khó hơn
Cổ phiếu Exxon (NYSE:XOM) đã tăng 2,3% trong phiên giao dịch hôm thứ Ba mặc dù tăng trưởng đó có thể liên quan nhiều hơn đến việc giá dầu tăng lên chứ không phải liên quan đến cam kết chống biến đổi khí hậu của công ty.
Cam kết của Exxon có nghĩa là họ có kế hoạch loại bỏ càng nhiều cacbon càng tốt từ các hoạt động của mình từ nay cho đến năm 2050. Một ông lớn dầu khí khác là Chevron (NYSE:CVX) cũng đã đưa ra một cam kết tương tự vào năm ngoái.
Phần lớn tác động đến khí hậu của Exxon đến từ việc sử dụng dầu và khí đốt mà công ty sản xuất và thông báo này của công ty không liên quan gì đến lượng khí thải đó. Cam kết của công ty chỉ có nghĩa là bản thân lượng khí thải tạo ra tại các mỏ dầu và giếng khoan dầu ngoài khơi sẽ được bù đắp hoàn toàn bằng các chiến lược khác — những hoạt động như thu giữ carbon và bơm carbon vào lòng đất hoặc tài trợ cho các hoạt động giảm thiểu carbon như trồng rừng mới.
Exxon đã nói rằng họ sẽ đầu tư 15 tỷ USD trong sáu năm tới cho các chiến lược phát thải ít carbon như điện hydro, thu giữ carbon và nhiên liệu sinh học. Không giống như các công ty dầu mỏ khác, Exxon không đầu tư nhiều vào các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, Exxon sẽ có thể thu lợi từ gió và mặt trời bằng cách sử dụng điện từ những nguồn đó để cung cấp năng lượng cho các hoạt động khai thác mỏ dầu của mình. Công ty cũng đang nỗ lực để giảm lượng khí mêtan thải vào không khí trong quá trình sản xuất. Exxon thậm chí còn đang tiến đến các mục tiêu khí hậu với tốc độ nhanh hơn ở lưu vực Permian, lưu vực dầu mỏ có năng suất cao nhất của Hoa Kỳ. Permi chiếm hơn 40% sản lượng khai thác dầu và khí đốt tự nhiên ròng của Exxon Mobil tại Hoa Kỳ và công ty cho biết họ có kế hoạch đạt mục tiêu trung hòa carbon tại lưu vực này vào năm 2030.
Các công ty năng lượng khác, bao gồm cả các công ty khổng lồ của châu Âu như Royal Dutch Shell (RDS.B), đã công bố các mục tiêu trung hòa carbon tính cả phát thải từ việc sử dụng các sản phẩm của họ. Exxon vẫn chưa đưa ra những cam kết như vậy, và họ có nhiều khả năng sẽ bán bớt một số lượng đáng kể các tài sản dầu khí. Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu việc bán bớt tài sản có làm giảm phát thải tổng thể trong thời gian tới hay không do nhu cầu dầu vẫn rất mạnh và một nhà sản xuất dầu khác — có lẽ là một nhà sản xuất có ít cam kết về khí hậu hơn — có khả năng sẽ tiếp tục vận hành các tài sản này. Khả năng đạt đến trung hòa carbon nhanh hơn sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thấp hơn đối với nhiên liệu hóa thạch, một khía cạnh mà các công ty khai thác dầu khí ít có khả năng kiểm soát.
Để Exxon có thể giảm nhanh hơn nữa tác động gây ra biến đổi khí hậu của mình, một số chính sách của chính phủ có thể sẽ phải thay đổi. Exxon ủng hộ “một mức giá rõ ràng cho carbon”, có thể được áp dụng dưới hình thức thuế carbon hoặc các chính sách khác. Có rất nhiều quy định nhắm vào mục tiêu hạn chế lượng khí thải carbon trên khắp thế giới, nhưng áp lực về một thỏa thuận quốc tế cho giá carbon đang ngày càng trở nên rõ nét hơn.
Xem thêm: Xem trước báo cáo thu nhập Netflix: Chỉ số quan trọng nhất cần theo dõi
Đối với Exxon, chính sách của chính phủ vừa là rủi ro vừa là cơ hội. Các giới hạn nghiêm khắc hơn nữa về hoạt động khoan dầu có thể cản trở hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. Nhưng các quy tắc về thu giữ carbon có thể mở đường cho Exxon trở thành một người chơi lớn trong một thị trường mới và có khả năng bổ sung một nguồn doanh thu quan trọng mới cho công ty.
Huân Hà-Theo barrons