- Cafeforexvn – Một chính sách nới lỏng định lượng (QE) thường làm giảm biến động trên các thị trường tài chính
- Rủi ro Fed thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán làm tăng biến động
- Biến động ngụ ý trong các quyền chọn chỉ số cổ phiếu đã tăng mạnh trong quá trình đảo ngược QE hồi 2017-19
- Quyền chọn vàng và trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ đang không có nhiều phản ứng trước viễn cảnh thắt chặt từ Fed
Fed giảm quy mô bảng cân đối kế toán – ảnh hưởng gì đến biến động thị trường?
Tham khảo thêm:
- Tại sao giao dịch Bitcoin đem lại lợi nhuận cao nhất hiện nay?
- Vì sao nhà đầu tư nên mua Teladoc, PayPal và Sea Limited?
- Bí quyết để giao dịch theo biến động thị trường
- FBS CopyTrade ra mắt tính năng mới giúp trader học đầu tư
- Vàng thoái lui khỏi mốc quan trọng 1.900 USD
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã cộng thêm vào bảng cân đối kế toán của mình 4,7 nghìn tỷ USD để mở rộng lên quy mô 8,86 nghìn tỷ USD. Việc mở rộng quy mô này, hệ quả của chính sách nới lỏng định lượng (QE) nhằm hỗ trợ nền kinh tế, có thể sẽ kết thúc vào tháng 3 năm 2022 khi Fed ngừng mua tài sản và có khả năng bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình ngay sau đó. Tại cuộc họp chính sách tháng 1, Fed đã tuyên bố “sẽ sớm đạt đến thời điểm thích hợp để tăng lãi suất” và gợi ý rằng quá trình thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu ngay sau đó.
Đây không phải là lần đầu tiên Fed đảo ngược QE. Cơ quan này đã công bố một chương trình tương tự bắt đầu từ tháng 9 năm 2017, sau đó tiếp tục kéo dài đến năm 2018 và phần lớn năm 2019 (Hình 1). Trong khi các chương trình QE khác nhau từ năm 2009 đến năm 2014 thường đi kèm với mức độ biến động thấp hơn trên các thị trường, giai đoạn thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán trong giai đoạn 2017-19 trùng hợp với (hoặc có lẽ đã góp phần tạo ra) một giai đoạn biến động lớn hơn với tác động đặc biệt đáng chú ý trong các thị trường quyền chọn chỉ số cổ phiếu.
Hình 1: Sau ba vòng QE 2009-14, Fed đã bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2017
Giai đoạn đảo ngược QE 2017-19 đã diễn ra với tốc độ khá chậm. Khi trái phiếu trong danh mục đầu tư của mình đến ngày đáo hạn, Fed chỉ tái đầu tư một phần số tiền thu được vào các trái phiếu mới nằm xa hơn trên đường cong lợi suất. Trong khoảng thời gian 20 tháng, Fed đã giảm 700 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của họ, đưa quy mô xuống còn 3,7 nghìn tỷ USD. Trong tuyên bố hồi tháng 1 năm 2022, Fed đã đề xuất một cách tiếp cận “có thể dự đoán được” tương tự như vậy, có thể được tiến hành ngay sau khi bắt đầu tăng lãi suất. Lần này, bảng cân đối kế toán của Fed không chỉ lớn hơn nhiều mà thời gian đáo hạn trung bình của các trái phiếu họ đang nắm giữ cũng ngắn hơn một chút. Bên cạnh đó, đã có những thảo luận về việc tái đầu tư số tiền thu được từ các trái phiếu đáo hạn với một tỷ lệ nhỏ hơn so với những gì Fed làm lần trước. Một chính sách như vậy sẽ có khả năng thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương với tốc độ nhanh hơn.
Chỉ riêng triển vọng về chính sách thắt chặt của Fed dường như cũng đã đóng một vai trò nào đó khiến biến động gia tăng trong những tuần gần đây, không chỉ với các quyền chọn chỉ số cổ phiếu mà còn đối với các quyền chọn trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Các quyền chọn chỉ số cổ phiếu như trên S&P 500 và Nasdaq 100 có xu hướng giảm sâu trong thời kỳ QE nhưng có xu hướng tăng cao hơn trong giai đoạn đảo ngược QE 2017-19 của Fed (Hình 2 và 3).
Hình 2: QE có xu hướng kìm hãm biến động; đảo ngược QE có xu hướng hồi sinh nó
Hình 3: biến động ngụ ý trên Nasdaq 100 bắt đầu tăng lên với triển vọng Fed thắt chặt chính sách
Vòng QE hiện tại đã nhanh chóng kìm hãm sự gia tăng của biến động ngụ ý vào tháng 3 năm 2020 và biến động có xu hướng thấp hơn cho đến giữa năm 2021 khi lạm phát gia tăng bắt đầu khiến kỳ vọng về chính sách tiền tệ nghiêng trở lại theo hướng Fed thắt chặt. Khi lạm phát tăng lên 7% vào cuối năm 2021, biến động ngụ ý đã bắt đầu tăng lên, rất có thể là do dự đoán Fed thắt chặt chính sách. Với định giá cổ phiếu ở gần mức đỉnh lịch sử, triển vọng về một chính sách thắt chặt hơn đang tạo ra nhiều lo ngại khác nhau cho các nhà đầu tư cổ phiếu, bao gồm cả khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn trong tương lai cũng như tỷ lệ chiết khấu dòng tiền tương lai lớn hơn, làm giảm giá trị của chúng và thu hẹp định giá của cổ phiếu.
Đối với các thị trường quyền chọn khác như trái phiếu dài hạn của chính phủ Hoa Kỳ (30 năm) và vàng, mối tương quan giữa việc thu hẹp bảng cân đối kế toán và biến động ngụ ý không thực sự rõ ràng. Mặc dù vậy, trên những thị trường này, biến động ngụ ý cũng có xu hướng giảm thấp hơn trong thời kỳ QE trong khi thường có xu hướng đi ngang, và đôi khi cao hơn, trong thời kỳ bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương ổn định và thu hẹp (Hình 4 và 5).
Trên thực tế, các nhà đầu tư trái phiếu dài hạn của Hoa Kỳ có thể cảm thấy an tâm với việc Fed thắt chặt chính sách. Mặc dù triển vọng tăng lãi suất của Fed dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường lãi suất ngắn hạn, các tác động thường biến mất khi nhà đầu tư nhận thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ giúp kìm hãm kỳ vọng lạm phát trong dài hạn. Do đó, biến động ngụ ý trên thị trường quyền chọn trái phiếu dài hạn của chính phủ Hoa Kỳ cho đến nay đã không phản ứng với biến động trên thị trường chứng khoán.
Hình 4: Các quyền chọn trái phiếu cho thấy phản ứng ít hơn trước động thái thu hẹp bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương trong giai đoạn 2017-19
Hình 5: Biến động ngụ ý trên thị trường quyền chọn vàng đã tăng lên vào cuối giai đoạn thu hẹp bảng cân đối kế toán gần nhất
Các quyền chọn vàng cũng tương đối ổn định trong những tuần gần đây. Về phần mình, kim loại quý này dường như đã bị cuốn vào một tình thế giằng co. Một mặt, lạm phát gia tăng nhanh chóng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, về lý thuyết, sẽ có thể nâng cao giá trị của vàng đối với các loại tiền tệ pháp định như đô la Mỹ (USD). Tuy nhiên, mặt khác, do vàng là một tài sản không tạo ra lãi suất, nhà đầu tư có xu hướng tránh kim loại quý này khi họ kỳ vọng lãi suất ngắn hạn cao hơn đối với các khoản tiền gửi bằng USD của họ. Giằng co giữa những lực lượng trái chiều trên đã khiến vàng giao dịch trong một phạm vi ngày càng hẹp và việc thiếu biến động (và xu hướng) này có thể là nguyên nhân đằng sau việc thị trường quyền chọn không phản ứng nhiều với viễn cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Hoa Kỳ.
Mặc dù các quyền chọn trái phiếu và vàng không gia nhập xu hướng biến động ngụ ý cao hơn của các quyền chọn chỉ số cổ phiếu, việc nền kinh tế tiếp tục mất cân bằng nghiêm trọng (lạm phát 7%, thị trường lao động thắt chặt và các vấn đề chuỗi cung ứng đang diễn ra), có thể khiến các thị trường này phải đối mặt với rủi ro biến động nhiều hơn vào cuối năm 2022. Nếu QE giúp hạn chế biến động thì rủi ro hiện tại là chương trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed có thể khiến biến động tăng trở lại.