Nhiều trader trên thị trường ngoại hối (forex, fx) đã tiến hành giao dịch dựa trên biểu đồ trong ngày đo lường các thay đổi giá tiền tệ trong các khung thời gian từ năm đến 15 phút hoặc biểu đồ hàng ngày hiển thị các thay đổi giá trong một ngày giao dịch.

Các trader mới vào nghề cố gắng triển khai các loại hệ thống này thường không đạt được kết quả tốt. Đó là bởi vì, nhìn chung, các hệ thống ngắn hạn này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng giao dịch hơn. Đồng thời, khi giao dịch với các biểu đồ ngắn hạn, trader có thể vô tình đặt cược ngược với một xu hướng tổng thể lớn hơn, quan trọng hơn — loại xu hướng mà các biểu đồ hàng tuần có nhiều khả năng tiết lộ hơn. Và giao dịch ngược với xu hướng là một công thức dẫn đến thảm họa không cần phải nói.
Trong trường hợp này, một hệ thống giao dịch hàng tuần có khả năng tạo ra kết quả tốt hơn. Giao dịch ngoại hối suy cho cùng là giao dịch theo xu hướng hoặc động lượng và việc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật cụ thể trên biểu đồ hàng tuần có thể giúp bạn luôn đi theo đúng hướng của động lượng và không bị cuốn vào giao dịch theo những thay đổi nhỏ trong xu hướng lớn hơn.
Giao dịch động lượng
Nếu bạn nhìn vào một biểu đồ ngoại hối, bạn sẽ nhận thấy một cặp tiền tệ hiếm khi dao động lên và xuống quanh một mức giá tĩnh. Hầu như luôn có một số xu hướng tăng hoặc giảm lớn hơn trên tổng thể. Xu hướng lớn hơn này tương đương với định luật chuyển động thứ nhất của Newton trong forex: các vật thể đang chuyển động có xu hướng tiếp tục chuyển động trừ khi bị tác động bởi một lực bên ngoài nào đó.
Một loại tiền tệ đang tăng giá có thể sẽ có nhiều thăng trầm nhỏ trên đường đi nhưng các chuyển động lên xuống này sẽ xảy ra trong một xu hướng tăng giá lớn hơn, ổn định hơn. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi một số sự kiện thị trường hoặc một sự kiện kinh tế chính trị bên ngoài khiến xu hướng dừng lại. Một giao dịch thắng lợi có tính đến một động lượng nhất định. Dù không thể đảm bảo 100%, động lượng này thường ngụ ý động thái tiếp theo sẽ theo cùng một hướng.
Cam kết ít thời gian hơn
Ngoài việc cho phép trader nhìn rõ hơn bức tranh xu hướng tổng thể, biểu đồ hàng tuần có thêm lợi thế là đòi hỏi trader cam kết ít thời gian hơn so với biểu đồ hàng ngày hoặc trong ngày. Các trader sử dụng một hệ thống giao dịch hàng tuần có thể có nhiều thời gian rời xa màn hình máy tính hơn.
Xem thêm: Ưu nhược điểm của 8 chiến lược giao dịch Forex phổ biến

Các chỉ báo xu hướng
Có bốn chỉ báo kỹ thuật có thể đặc biệt hữu ích trong việc xác định xu hướng và cơ hội giao dịch trong biểu đồ ngoại hối hàng tuần.
Đường trung bình động (MA)
Đây là chỉ báo đơn giản nhất và phổ biến nhất trong tất cả các chỉ báo xu hướng. Đường trung bình động vẽ biểu đồ giá trung bình của một cặp tiền tệ trong một khung thời gian bạn chọn. Có ba loại đường MA. Có đường MA giản đơn, có nghĩa là giá chỉ đơn giản được cộng lại và chia cho số lượng chu kỳ. Ngoài ra, còn có đường MA có trọng số hoặc theo hàm mũ, cung cấp cho các giá gần hơn tầm quan trọng lớn hơn các giá xa hơn về mặt thời gian. Trader có thể chọn hiển thị MA trong hai khoảng thời gian khác nhau và mua khi đường MA với khung thời gian ngắn hơn cắt đường MA với khung thời gian dài hơn từ dưới lên hoặc bán khi đường MA với khung thời gian ngắn hơn cắt đường MA với khung thời gian dài hơn từ trên xuống.
Stochastics
Chỉ báo này khác với biểu đồ trung bình động ở chỗ nó xem xét cụ thể tốc độ thay đổi giá trong một cặp tiền tệ. Nếu tốc độ tăng giá đang nhanh dần, tiền tệ có vẻ có một sức mạnh có khả năng được duy trì, ít nhất là cho đến khi có điều gì đó xảy ra khiến nó dừng lại. Nếu tốc độ tăng giá đang chậm dần, có thể đã đến lúc phải bán tiền tệ đó. Các chiến lược tương tự cũng được áp dụng cho tốc độ của một cặp tiền tệ có giá đang giảm.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ báo này cho thấy khi nào một cặp tiền tệ có thể bị quá mua và do đó, sẽ được bán hoặc bị quá bán và do đó, sẽ được mua. Chỉ số này hiển thị một sức mạnh tương đối trên thang điểm từ 0 đến 100. Các giá trị từ 0 đến 30 được xem là vùng quá bán trong khi giá trị từ 70 đến 100 được xem là vùng quá mua. Việc chỉ số cắt đường trung tâm (tại mức 50) từ trên xuống được xem là tín hiệu bán. Ngược lại, việc chỉ số cắt đường trung tâm từ dưới lên được xem là một tín hiệu mua.
Dải Bollinger
Chỉ báo này, được đăng ký tên thương hiệu theo người phát minh, John Bollinger, có liên quan đến đường trung bình động nhưng sử dụng quy trình tính toán phức tạp hơn, tính cả độ lệch chuẩn trên và dưới giá trung bình động. Dải Bollinger bao gồm ba đường. Giá di chuyển trên dải trên có thể là một tín hiệu để bán; giá di chuyển dưới dải dưới có thể là một tín hiệu để mua.
Giao dịch với nhiều chỉ báo
Hiếm khi nào tất cả các chỉ báo động lượng chỉ theo cùng một hướng trên một biểu đồ hàng tuần; đôi khi bạn sẽ cần phải đợi cho đến khi các chỉ báo trở nên thuận lợi hơn trên tổng thể để thực hiện giao dịch.
Điều quan trọng cần nhớ là bạn phải giao dịch nhỏ và kiên nhẫn. Nếu bạn thường giao dịch lô nhỏ (10.000 đơn vị tiền tệ), hãy sử dụng lô siêu nhỏ (1.000 đơn vị) vì chênh lệch giá cho các giao dịch trên quy mô hàng tuần có thể lớn hơn đáng kể so với các giao dịch trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Một nguyên tắc chung trong mọi giao dịch là bạn phải sử dụng lệnh cắt lỗ để giới hạn số tiền bạn có thể mất trong một giao dịch nhất định và sử dụng điểm chốt lời để đặt điểm thoát cho các giao dịch có sinh lời.
Huân Hà – Theo thebalance.com