Trang chủBài học đầu tưHiểu về hệ số giá trên thu nhập P/E

Hiểu về hệ số giá trên thu nhập P/E

Hiểu về hệ số giá trên thu nhập P/ECafeforexvn – Hệ số giá trên thu nhập, hoặc hệ số P/E, giúp bạn so sánh giá cổ phiếu của một công ty với thu nhập công ty tạo ra. So sánh này giúp bạn xác định liệu thị trường đang định giá một cổ phiếu quá cao hay quá thấp.

Hệ số P/E là một công cụ quan trọng giúp bạn so sánh định giá của một cổ phiếu hoặc toàn bộ một chỉ số chứng khoán như S&P 500. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về hệ số P/E, cách tính hệ số và cách chỉ số này có thể giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Hệ số P/E là gì?

Hệ số P/E được tính bằng cách chia giá cổ phiếu của một công ty cho thu nhập của công ty đó. Hãy nghĩ theo cách này: Giá thị trường của một cổ phiếu cho bạn biết mọi người sẵn sàng trả bao nhiêu để sở hữu cổ phiếu đó, nhưng hệ số P/E cho bạn biết liệu giá có phản ánh chính xác tiềm năng thu nhập, hay giá trị của công ty theo thời gian hay không.

Ví dụ: nếu cổ phiếu của một công ty đang giao dịch ở mức giá 100 USD cho một cổ phiếu và công ty tạo ra thu nhập 4 USD trên một cổ phiếu mỗi năm, hệ số P/E của cổ phiếu này sẽ là 25 lần (100/4). Nói cách khác, với thu nhập hiện tại của công ty, sẽ mất 25 năm thu nhập tích lũy mới bằng chi phí đầu tư.

Ngoài cổ phiếu, hệ số P/E cũng được tính cho toàn thể một chỉ số chứng khoán. Ví dụ, hệ số P/E của chỉ số S&P 500 hiện ở mức 28,61 lần. Vì giá cả biến động liên tục nên hệ số P/E của các cổ phiếu và chỉ số chứng khoán không bao giờ đứng yên. Hệ số P/E cũng thay đổi khi các công ty báo cáo thu nhập, thường là mỗi quý một lần.

Ba biến thể của hệ số P/E

Mặc dù phép tính đằng sau hệ số P/E rất đơn giản – giá cổ phiếu chia cho thu nhập – có một số cách để xác định giá hoặc thu nhập được sử dụng trong phép tính.

Hệ số giá trên thu nhập được tính phổ biến nhất bằng cách sử dụng giá hiện tại của cổ phiếu mặc dù người ta có thể sử dụng giá trung bình trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi nói đến phần thu nhập của phép tính, có ba cách tiếp cận khác nhau đối với hệ số P/E, mỗi cách sẽ cho bạn biết những điều khác nhau về một cổ phiếu.

Tham khảo thêm:

Thu nhập 12 tháng gần nhất (TTM)

Một cách để tính hệ  số P/E là sử dụng thu nhập của công ty trong 12 tháng gần nhất. Đây được gọi là hệ số P/E trailing, hoặc P/E 12 tháng gần nhất (TTM). Sử dụng thu nhập trong quá khứ có lợi thế sử dụng dữ liệu thực tế được báo cáo và cách tiếp cận này được sử dụng rộng rãi để đánh giá các công ty.

Nhiều trang web tài chính, chẳng hạn như Google Finance và Yahoo! Finance, sử dụng hệ số P/E TTM. Các ứng dụng đầu tư phổ biến M1 Finance và Robinhood cũng sử dụng thu nhập TTM. Ví dụ, hai trang web này gần đây đã báo cáo hệ số P/E của Apple vào khoảng 33 lần (tính đến đầu tháng 8 năm 2020).

Thu nhập dự phóng

Hệ số giá trên thu nhập cũng có thể được tính bằng cách sử dụng ước tính thu nhập trong tương lai của công ty. Mặc dù hệ số P/E dự phóng, như cách gọi của nó, không có lợi thế từ dữ liệu thực được báo cáo, nó có lợi thế sử dụng thông tin tốt nhất hiện có về cách thị trường kỳ vọng một công ty hoạt động như thế trong năm tới.

Morningstar sử dụng cách tính này, chỉ số đăng tải được gọi là hệ số P/E Đồng thuận Dự phóng. Sử dụng phương pháp này, Morningstar tính hệ số P/E của Apple vào khoảng 28 lần (tính đến đầu tháng 8 năm 2020).

Hệ số P/E Shiller

Cách tiếp cận thứ ba là sử dụng thu nhập trung bình trong một khoảng thời gian. Ví dụ nổi tiếng nhất của phương pháp này là hệ số P/E Shiller, còn được gọi là hệ số CAP/E (hệ số giá trên thu nhập điều chỉnh theo chu kỳ).

P/E Shiller được tính bằng cách chia giá cổ phiếu cho thu nhập trung bình của mười năm gần nhất sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Hệ số này được sử dụng rộng rãi để đo lường giá trị của chỉ số S&P 500. P/E Shiller của S&P 500 đã hơi nhỉnh hơn 30 lần tính đến đầu tháng 8 năm 2020.

Cách sử dụng hệ số P/E

Hệ số P/E được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá giá trị của một cổ phiếu hoặc chỉ số. Hệ số này càng cao thì cổ phiếu càng đắt so với thu nhập của công ty. Ngược lại, hệ số này càng thấp thì chứng khoán càng rẻ.

Theo cách này, cổ phiếu và quỹ tương hỗ cổ phiếu có thể được phân loại là các khoản đầu tư “tăng trưởng” hoặc “giá trị”. Ví dụ: một khoản đầu tư có hệ số giá trên thu nhập cao hơn mức trung bình có thể được phân loại là đầu tư tăng trưởng. Amazon, với hệ số P/E vào khoảng 123 lần, là một ví dụ về một công ty đang tăng trưởng. Một khoản đầu tư có hệ số P/E dưới mức trung bình sẽ được phân loại là đầu tư giá trị. Citigroup, với hệ số giá trên thu nhập thấp hơn 9 lần, sẽ được xem là một công ty giá trị.

Hệ số P/E có thể được sử dụng để so sánh hai hoặc nhiều công ty. Điều này có thể hữu ích vì giá cổ phiếu của một công ty, tự nó, không cho bạn biết gì về định giá tổng thể của công ty. Hơn nữa, việc so sánh giá cổ phiếu của một công ty với giá cổ phiếu của công ty khác không cho nhà đầu tư biết gì về giá trị tương đối của hai cổ phiếu như một khoản đầu tư.

Hệ số P/E và lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai

Mặc dù hệ số P/E thường được sử dụng để đo lường giá trị của một công ty, khả năng dự đoán lợi nhuận trong tương lai của công ty đó là một vấn đề cần tranh luận. Hệ số P/E không phải là một chỉ báo tốt cho biến động giá trong ngắn hạn của một cổ phiếu hoặc chỉ số. Có một vài bằng chứng về mối tương quan nghịch giữa hệ số P/E của S&P 500 và lợi nhuận trong tương lai của chỉ số này.

Một số nghiên cứu cho thấy hệ số P/E Shiller trên mức trung bình ngụ ý lợi nhuận của thị trường chứng khoán sẽ thấp hơn trong 10 năm tới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hệ số P/E Shiller là một yếu tố dự đoán đáng tin cậy cho lợi nhuận thị trường từ năm 1995 đến năm 2020. Ngược lại, một nghiên cứu gần đây của Vanguard cho thấy hệ số P/E Shiller và các thước đo hệ số P/E khác “có rất ít hoặc không có mối tương quan với lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai.”

Hệ số P/E so với tỷ suất thu nhập

Hệ số P/E có liên quan chặt chẽ đến tỷ suất thu nhập. Hệ số P/E được tính bằng cách chia giá cổ phiếu cho thu nhập của công ty. Trong khi đó, tỷ suất thu nhập được tính bằng cách chia thu nhập của một cổ phiếu cho giá hiện tại của cổ phiếu đó. Tỷ suất thu nhập thể hiện thu nhập như một tỷ lệ phần trăm của giá cổ phiếu.

Tỷ suất thu nhập thường được so sánh với lãi suất trái phiếu hiện hành. Được gọi bằng từ viết tắt BEER (lợi suất thu nhập từ trái phiếu vốn chủ sở hữu), hệ số này cho thấy mối quan hệ giữa lợi suất trái phiếu và tỷ suất thu nhập. Một số nghiên cứu gợi ý hệ số này là một chỉ báo đáng tin cậy cho biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Hệ số PEG là gì?

Hệ số PEG cũng liên quan đến hệ số P/E theo những cách quan trọng. Được tính bằng cách chia hệ số P/E cho tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​của cổ phiếu, hệ số PEG đánh giá giá trị của một công ty dựa trên cả thu nhập hiện tại và triển vọng tăng trưởng trong tương lai của công ty.

Theo cách này, một số người tin hệ số PEG là thước đo giá trị chính xác hơn hệ số P/E. Tuy nhiên, giống như hệ số P/E dự phóng, PEG phụ thuộc vào các ước tính tăng trưởng trong tương lai, những con số có thể sẽ không trở thành hiện thực.

Huân Hà-Theo forbes

Đánh giá bài viết

/ 5. Lượt đánh giá:

Minh Phương
Minh Phương
Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI