Tổng quan về nhà môi giới chứng khoán so với cố vấn tài chính
cafeforexvn.com – Chỉ một số chuyên gia có giấy phép hành nghề mới được phép thực hiện các khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng hoặc đưa ra lời khuyên đầu tư có thu phí theo luật chứng khoán của Mỹ. Đó chính là những nghề chuyên môn về môi giới chứng khoán và cố vấn tài chính, mặc dù hai nghề này có mục đích phục vụ cho các nhóm khách hàng khác nhau và tập trung vào những kết quả khác nhau.
Những chuyên gia tài chính có thể đồng thời vừa là nhà môi giới chứng khoán vừa là cố vấn tài chính, hoặc một số chuyên gia cũng có thể chuyển đổi qua lại giữa nghề này và nghề kia. Dấu hiệu đặc trưng của các nhà môi giới chứng khoán và cố vấn chính là việc sở hữu giấy phép Series 7. Tài liệu này cho phép chuyên gia đầu tư có quyền cung cấp mọi loại chứng khoán nói chung cho khách hàng. Các bước còn lại sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ mà các chuyên gia tài chính xây dựng với khách hàng của họ.
Tóm tắt đại ý
- Nhà môi giới chứng khoán và cố vấn tài chính đều là những chuyên gia tài chính có thể giúp khách hàng đạt được mục tiêu đầu tư của mình.
- Nhiệm vụ chính của người môi giới chứng khoán là thay mặt khách hàng thực hiện các khoản giao dịch để đạt được kết quả tốt nhất.
- Cố vấn tài chính thì thường sẽ đưa ra những lời khuyên đầu tư tài chính từ tổng quan cho đến chi tiết dưới dạng dịch vụ thu phí và họ có thể sẽ quản lý tài sản và xây dựng danh mục đầu tư cho khách hàng.
Nhà môi giới chứng khoán
Những nhà môi giới chứng khoán cũng chính là những chuyên gia tài chính chuyên thực hiện các khoản giao dịch thay mặt cho khách hàng, dù là khách nhỏ lẻ hoặc khách hàng cấp tổ chức. Đã là nhà môi giới chứng khoán thì phải làm việc vì lợi ích tốt nhất của khách hàng nhằm mang lại các mức giá khớp lệnh giao dịch tốt nhất. Các nhà môi giới sẽ phải được cấp phép và phải đáp ứng các tiêu chí liên quan đến đạo đức và chứng chỉ hoạt động trong ngành.
Sàn môi giới trực tuyến chính là các nền tảng hoạt động thông qua không gian Internet, cho phép khách hàng tự mua và bán chứng khoán. Các nhà môi giới chứng khoán sẽ không đưa ra lời khuyên về quản lý đầu tư hoặc quản lý danh mục đầu tư theo như chức năng cơ bản của họ. Các nhà môi giới chứng khoán thường sẽ kiếm được một khoản tiền hoa hồng trên mỗi khoản giao dịch, mà khoản này có thể được giới hạn ở một tỷ lệ cố định.
Cố vấn tài chính
Công việc của các cố vấn tài chính là đưa ra lời khuyên tài chính và quản lý tiền thay mặt cho khách hàng. Điều này có thể được thực hiện thông qua các bước quản lý danh mục đầu tư hoặc lựa chọn quỹ tương hỗ hoặc ETF do những nhà quản lý khác đảm nhận. Các chuyên gia cố vấn tài chính thường sẽ áp dụng mô hình dịch vụ tính phí hàng năm, chẳng hạn như tính phí theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản quản lý (AUM). Có một kiểu cố vấn tài chính biến tấu mới nhất được gọi là cố vấn tài chính tự động (một dạng chương trình cố vấn robot) và thay mặt khách hàng xây dựng danh mục đầu tư bằng cách sử dụng các thuật toán phức tạp.
Những điểm khác biệt
Điểm khác biệt quan trọng nhất về mặt pháp lý giữa một nhà môi giới chứng khoán và một cố vấn tài chính đã đăng ký giấy phép hoạt động đầy đủ chính là vấn đề “ủy thác”. Người được ủy thác là một người chuyên quản lý tiền cho “người thụ hưởng”. Luật pháp Mỹ bắt buộc bất kỳ người ủy thác nào cũng phải đặt lợi ích của người thụ hưởng lên hàng đầu.
Theo Đạo luật Cố vấn Đầu tư năm 1940, tất cả các cố vấn đầu tư đã đăng ký giấy phép hoạt động (rất nhiều cố vấn tài chính đăng ký giấy phép này) đều phải thực hiện nghĩa vụ ủy thác đối với khách hàng của họ. Quy định này không áp dụng với những nhà môi giới chứng khoán. Thay vào đó, những nhà môi giới chứng khoán chưa được ủy thác chỉ phải tuân theo tiêu chuẩn “làm sao cho phù hợp nhất”, tức là không bắt buộc phải đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu mà nhà môi giới chứng khoán chỉ cần đưa ra lời khuyên phù hợp với nguồn vốn của khách hàng.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ cần lưu ý là các nhà môi giới chứng khoán buộc phải thực hiện nghĩa vụ ủy thác đối với các đại lý môi giới (broker-dealer) của họ. Các cá nhân/đơn vị cố vấn đầu tư đã đăng ký hoạt động sẽ không có đại lý môi giới. Điều quan trọng cần lưu ý là một số nhà cố vấn tài chính sẽ không phải là cố vấn đầu tư đã đăng ký giấy phép hoạt động mà họ là những cá nhân/đơn vị đại diện đã đăng ký hoạt động và chuyên làm việc cho một đại lý môi giới. Các chuyên gia cố vấn tài chính này cũng bị ràng buộc bởi cùng một tiêu chuẩn (tiêu chuẩn “làm sao cho phù hợp nhất”) giống như các nhà môi giới chứng khoán và điểm khác biệt duy nhất giữa hai đối tượng này nằm ở giấy phép chứng khoán mà họ nắm giữ.
Ngoài ra còn có một điểm khác biệt lớn khác chính là loại hình dịch vụ mà họ cung cấp cho khách hàng. Các cố vấn tài chính thường tự quảng bá chính mình dưới danh nghĩa là chuyên gia tài chính đa năng, có nghĩa là họ sẽ có thể đưa ra lời khuyên về thuế, trợ giúp về vấn đề thế chấp, lập ngân sách và thậm chí cả bán bảo hiểm. Họ có thể sẽ kiếm tiền thông qua phí dịch vụ, tiền hoa hồng hoặc cả hai. Ngược lại, các nhà môi giới chứng khoán đặt nặng vào hoạt động giao dịch hơn nhiều. Họ vẫn có khách hàng và có thể xây dựng các mối quan hệ lâu dài, nhưng trọng tâm vẫn là các sản phẩm chứng khoán chứ không phải xoay quanh các khía cạnh khác trong vấn đề tài chính cá nhân.
Đánh giá đặc biệt
Nên ưu tiên loại hình giáo dục và trải nghiệm ở mảng nào?
Hầu như ai cũng có thể trở thành nhà môi giới chứng khoán hoặc cố vấn tài chính. Tốt hơn hết bạn nên có bằng đại học, nhất là về ngành tài chính, kinh tế hoặc một số lĩnh vực liên quan. Bạn cũng có thể ghi được một điểm cộng lớn nếu có kinh nghiệm làm việc trước đó với các quỹ đầu tư hoặc có kinh nghiệm bán hàng, mặc dù vậy đây cũng không phải là điều kiện tiên quyết.
Quy định bắt buộc thực sự và duy nhất đối với một trong hai nghề trên là bạn phải vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép hoạt động chứng khoán do Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA) ban hành. Có một điểm lắt léo ở đây là FINRA sẽ yêu cầu bạn phải có một tổ chức đứng ra tài trợ trước khi bạn có thể tham gia các kỳ thi của họ. Điều này có nghĩa là một nhà cố vấn hoặc nhà môi giới nếu có tham vọng thì cần phải tìm một công ty để tài trợ cho họ.
Giấy phép hoạt động chứng khoán thông thường bao gồm:
- Series 6, cho phép giao dịch trong quỹ tương hỗ
- Series 22, cho phép thỏa thuận với các chương trình tham gia trực tiếp
- Series 7, là giấy phép phổ biến nhất và bao hàm đến nhiều loại chứng khoán
- Series 65, đây là giấy phép được hầu hết các tiểu bang tại Mỹ yêu cầu đối với những người muốn theo đuổi nghề cố vấn đầu tư
- Series 63, đây là loại giấy phép được một số tiểu bang yêu cầu, khi có giấy phép này thì bạn mới có tư cách đại diện đã đăng ký hoạt động chính thức
- Series 66, bao gồm các bài kiểm tra 63 và 65 mà không lặp lại các bài trong Series 7
Các kỳ thi của FINRA không tổ chức miễn phí. Biểu phí sẽ dao động từ 100 USD đến 305 USD cho mỗi lượt thử, nhưng đề thi không đến nỗi quá khó. FINRA tự biên soạn tài liệu đào tạo của riêng họ và hầu hết các học viên chỉ phải học trong vài tháng để vượt qua bài thi Series 7, mà nhiều người xem đây là bài kiểm tra khó nhất.
Các nhà cố vấn và nhà môi giới cũng bắt buộc phải phát triển các kỹ năng giao tiếp và thiết lập quan hệ hiệu quả giữa người với người. Thành hay bại phụ thuộc vào khả năng của họ trong việc tạo lập thị trường, tìm kiếm khách hàng và sau đó thuyết giảng các chủ đề tài chính phức tạp sao cho dễ hiểu nhất.
Làm thế nào là cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Nhìn chung, các nhà môi giới chứng khoán và cố vấn tài chính có lịch trình rất linh hoạt và có thể tận hưởng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đa phần trong số họ làm việc độc lập và tự tạo lịch trình riêng. Ngay cả những người làm việc cho các công ty và có giờ hành chính hẳn hoi cũng có thể tự quyết định theo cách của họ.
Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận đừng để bị sa vào bẫy tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Trong những năm làm việc đầu tiên với tư cách là một nhà môi giới hoặc cố vấn, thông thường bạn chỉ được trả mức lương thấp và phải làm việc nhiều giờ cho đến khi mọi nhiệm vụ đều hoàn thành. Nhiều người làm trong lĩnh vực này thường không thể trụ lại qua giai đoạn ban đầu, và những người trụ vững thì thường phải làm đến cuối tuần hoặc làm việc thâu đêm để đáp ứng lịch trình của khách hàng.
Những vấn đề đáng lưu ý khác
Triển vọng của ngành
Mặc dù ngành công nghiệp tài chính dự kiến sẽ thăng hoa trong thập kỷ tới, nhưng bản chất của nghề tư vấn đầu tư đang dần thay đổi. Thị trường đang có xu hướng đào thải các dịch vụ tư vấn kiểu cũ theo dạng thu phí và chuyển sang các dịch vụ thay thế từ xa, thậm chí còn tự động hóa và rẻ hơn. Các chương trình cố vấn robot và sàn môi giới trực tuyến cũng có thể giúp cho nhà đầu tư nhận được lời khuyên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều lựa chọn hơn cũng có nghĩa là tốt hơn cho người tiêu dùng, nhưng điều đó lại gây áp lực lên chính các nhà môi giới và cố vấn.
Các nhà môi giới chứng khoán và cố vấn tài chính nếu muốn thành công trong thế kỷ 21 này thì cần phải có kế hoạch đối phó với những làn sóng thay đổi về mặt dịch vụ, cho dù đó là bằng cách áp dụng các nền tảng mới hay tạo ra những điểm nhấn khác biệt rõ rệt về mặt giá trị.
Tham khảo thêm:
- Học cách chấp nhận thua lỗ để trở thành một trader kiên định
- Các ngân hàng lớn vẫn duy trì tốc độ giải ngân nhanh chóng
Nên trở thành một nhà môi giới chứng khoán hay một nhà cố vấn tài chính?
Hai ngành nghề này có rất nhiều điểm tương đồng. Một nhà môi giới chứng khoán thành công cũng có thể là một cố vấn tài chính thành công và ngược lại, ngay cả khi khách hàng mục tiêu của hai ngành nghề có hơi khác một chút.
Những ai thích làm việc với các chiến lược toàn diện, có tầm nhìn sâu rộng và thích lập kế hoạch tài chính trọn vẹn thay vì chỉ bán chứng khoán thì có thể chọn nghề cố vấn tài chính. Ngược lại, nghề môi giới chứng khoán sẽ phù hợp hơn với những người thích tập trung chuyên sâu vào các sản phẩm giao dịch tài chính.
Cả hai công việc này đều có yêu cầu khắt khe và đòi hỏi phải có kỹ năng cao về mặt tiếp thị bản thân, chủ động sáng tạo và giao tiếp linh hoạt. Quyết định tốt nhất dành cho bạn tùy thuộc vào sở thích của chính bạn, vào nhu cầu của nhà tuyển dụng chứ không phải là chức danh cụ thể gắn liền với công việc.
Đăng Khoa-Theo investopedia