Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủBài học đầu tưKiến thứcTổng Quan Các Mô Hình Giá Trong Phân Tích Kỹ Thuật

Tổng Quan Các Mô Hình Giá Trong Phân Tích Kỹ Thuật

Viết bởi Cafeforexvn

Trong phân tích kỹ thuật, sự chuyển đổi giữa các xu hướng tăng và giảm giá thường được báo hiệu bởi các mô hình giá. Theo định nghĩa, mô hình giá là một cấu hình chuyển động giá dễ nhận biết, được xác định bằng cách sử dụng một loạt các đường xu hướng và/hoặc đường cong.

Tổng Quan Các Mô Hình Giá Trong Phân Tích Kỹ Thuật

Có hai loại mô hình giá: mô hình đảo chiều báo hiệu sự thay đổi trong hướng xu hướng; mô hình giá tiếp diễn xảy ra khi xu hướng tiếp tục theo hướng hiện tại sau một khoảng thời gian tạm dừng ngắn.

Các nhà phân tích kỹ thuật từ lâu đã sử dụng các mô hình giá để xem xét các chuyển động hiện tại và dự báo các chuyển động trong tương lai của thị trường.

CÁC Ý CHÍNH

  • Mô hình giá là các hình mẫu đặc biệt được tạo nên từ những chuyển động của giá chứng khoán trên biểu đồ và là nền tảng của phân tích kỹ thuật.
  • Mô hình được xác định bằng một đường nối các điểm giá thường gặp, chẳng hạn như giá đóng cửa hoặc đỉnh/đáy, trong một khoảng thời gian cụ thể.
  • Các nhà phân tích kỹ thuật và nhà lập biểu đồ tìm cách xác định các mô hình giá như một cách để dự đoán hướng tương lai của giá chứng khoán.
  • Có những mô hình giá đơn giản như đường xu hướng và phức tạp như đầu vai kép.

Đường xu hướng trong phân tích kỹ thuật

Vì các mô hình giá được xác định bằng cách sử dụng một loạt các đường và/hoặc đường cong, nên trader cần có kiến thức về các đường xu hướng và cách vẽ những đường này. Đường xu hướng – trendline giúp nhà phân tích kỹ thuật xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ giá. Đường xu hướng là các đường thẳng được vẽ trên biểu đồ bằng cách kết nối một loạt các đỉnh giảm dần hoặc các đáy tăng dần.

Đường xu hướng tăng, hay đường xu hướng đi lên, xảy ra khi giá đang trải qua các điểm đỉnh ngày càng cao hơn và các đáy cũng ngày càng cao hơn. Đường xu hướng tăng nối các điểm đáy tăng dần. Ngược lại, một đường xu hướng giảm, được gọi là đường xu hướng giảm, xảy ra khi giá đang trải qua đỉnh ngày càng thấp hơn và mức đáy cũng thấp hơn.

Các đường xu hướng khác nhau có thể sẽ xuất hiện, tùy thuộc phần nào của thanh giá được sử dụng để “kết nối các điểm”. Mặc dù có nhiều lập luận khác nhau về việc phần nào của thanh giá nên được sử dụng, phần thân của thanh nến (chứ không phải phần bấc mỏng ở trên và dưới thân nến) thường là nơi phần lớn hành động giá đã xảy ra, do đó là điểm chính xác hơn để vẽ đường xu hướng, đặc biệt là trên biểu đồ giá trong ngày, nơi có thể tồn tại “điểm ngoại lai” (những điểm dữ liệu nằm ngoài vùng giá “bình thường”).

Xem thêm: Ba lý do khiến bê bối FTX lại là động lực tích cực cho Bitcoin

Những đường xu hướng mà các trader rất quan tâm.

Trên biểu đồ giá theo ngày, các nhà biểu đồ thường sử dụng giá đóng cửa, thay vì đỉnh hoặc đáy trong ngày, để vẽ các đường xu hướng, vì giá đóng cửa đại diện cho mức giá mà trader và nhà đầu tư sẵn sàng giữ một vị thế qua đêm hoặc qua tuần hoặc kỳ nghỉ thị trường. Đường xu hướng với ba điểm trở lên thường có giá trị hơn hơn những đường chỉ dựa trên hai điểm.

  • Xu hướng tăng xảy ra khi giá đang tạo các đỉnh và đáy cao hơn. Các đường xu hướng tăng nối ít nhất hai đáy, xác định ngưỡng hỗ trợ bên dưới đường giá.
  • Xu hướng giảm xảy ra khi giá đang tạo đỉnh và đáy thấp hơn. Các đường xu hướng giảm nối ít nhất Đỉnh Đôi, xác định ngưỡng kháng cự bên trên đường giá.
  • Xu hướng củng cố – consolidation, hay thị trường đi ngang, xảy ra khi giá dao động trong một vùng giá nằm giữa hai đường xu hướng song song, thường nằm ngang.

Các mô hình giá tiếp diễn

Mô hình giá biểu thị sự gián đoạn tạm thời của xu hướng hiện tại được gọi là mô hình tiếp diễn.

Mô hình giá tiếp diễn có thể được coi là sự tạm dừng trong một xu hướng đang diễn ra, khoảng thời gian mà phe giá lên bắt đầu nghỉ lấy sức trong xu hướng tăng hoặc khi phe giá xuống thả lỏng giây lát trong xu hướng giảm. Khi một mô hình giá đang hình thành, không có cách nào để biết xu hướng hiện tại sẽ tiếp diễn hay đảo ngược. Do đó, cần phải chú ý cẩn thận đến các đường xu hướng được sử dụng để vẽ mô hình giá và liệu giá sẽ đột phá lên hay đột phá xuống vùng giá tiếp diễn. Các nhà phân tích kỹ thuật thường khuyến nghị trader nên giả định xu hướng sẽ tiếp tục cho đến khi có hành động giá xác nhận rằng nó đã đảo chiều.

Nói chung, mô hình giá càng mất nhiều thời gian để phát triển và chuyển động giá trong mô hình càng lớn, thì hành động giá phá lên hoặc phá xuống vùng giá tiếp diễn càng có ý nghĩa.

Nếu giá tiếp tục theo xu hướng cũ, mô hình giá được gọi là mô hình tiếp diễn. Các mô hình giá tiếp diễn phổ biến bao gồm:

  • Cờ đuôi nheo – pennant, dựng từ hai đường xu hướng hội tụ
  • Cờ – flag, dựng từ hai đường xu hướng song song
  • Cái nêm – wedge, dựng từ hai đường xu hướng hội tụ, trong đó cả hai đều đi lên hoặc xuống

Mô hình cờ đuôi nheo  – pennant

Cờ đuôi nheo dựng từ hai đường xu hướng hội tụ. Một đặc điểm chính của mô hình cờ đuôi nheo là các đường xu hướng di chuyển theo hai hướng — nghĩa là, một sẽ là đường xu hướng giảm và đường còn lại là đường xu hướng lên. Hình dưới đây cho thấy một ví dụ về mô hình cờ đuôi nheo. Thông thường, khối lượng giao dịch sẽ giảm trong quá trình hình thành mô hình cờ đuôi nheo, sau đó gia tăng khi giá bứt phá.

Mô hình cờ đuôi nheo  – pennant

Mô hình cờ – flag

Mô hình cờ dựng từ hai đường xu hướng song song có thể dốc lên, hướng xuống hoặc đi ngang. Nói chung, mô hình cờ đi lên xuất hiện như một dấu hiệu tạm dừng trong một thị trường có xu hướng đi xuống; mô hình cờ đi xuống cho thấy điểm đột phá trong một thị trường có xu hướng tăng. Mô hình cờ hình thành thường đi kèm với khối lượng giao dịch giảm, sau đó phục hồi khi giá thoát ra khỏi mô hình cờ.

Mô hình cờ - flag

Mô hình cái nêm

Mô hình cái nêm tương tự như mô hình cờ đuôi nheo ở chỗ, đều dựng từ hai đường xu hướng hội tụ. Tuy nhiên, mô hình cái nêm đặc trưng ở chỗ cả hai đường xu hướng đều di chuyển theo cùng một hướng, lên hoặc xuống. Một mô hình cái nêm nghiêng xuống thể hiện sự tạm dừng trong xu hướng tăng; mô hình cái nêm nghiêng lên cho thấy sự gián đoạn tạm thời trong thị trường giảm. Giống như mô hình cờ và mô hình cờ đuôi nheo, khối lượng giao dịch thường giảm dần trong quá trình hình thành mô hình cái nêm, chỉ tăng khi giá đột phá lên hoặc xuống mô hình cái nêm.

Mô hình cái nêm

Mô hình tam giác – Triangle

Mô hình tam giác là một trong những mô hình giá phổ biến nhất được sử dụng trong phân tích kỹ thuật do xảy ra thường xuyên hơn so với các mô hình khác. Ba loại mô hình tam giác phổ biến nhất là tam giác đối xứng, tam giác tăng và tam giác giảm. Các mô hình này có thể tồn tại ở bất kỳ đâu từ vài tuần đến vài tháng.

Mô hình tam giác đối xứng xảy ra khi hai đường xu hướng hội tụ và chỉ báo hiệu rằng sự đột phá có khả năng xảy ra, không dự báo hướng giá. Mô hình tam giác tăng hình thành từ đường xu hướng trên (đường kháng cự) đi ngang và đường xu hướng dưới (đường hỗ trợ) dốc lên, cho thấy có khả năng xảy ra đột phá lên. Mô hình tam giác giảm có đường xu hướng trên đi xuống, đường xu hướng dưới đi ngang, cho thấy có khả năng xảy ra đột phá xuống. Độ lớn của cú đột phá thường sẽ bằng với chiều cao của cạnh đứng vuông góc nằm bên trái mô hình tam giá, như hình bên dưới.

Xem thêm: Vàng hồi phục do đồng USD suy yếu

Mô hình cái nêm

Mô hình chiếc cốc và tay cầm – cup and handle

Mô hình chiếc cốc và tay cầm là một mô hình tiếp diễn tăng, trong đó xu hướng tăng đã tạm dừng, nhưng sẽ tiếp tục khi mô hình được xác nhận. Phần “cốc” của mô hình phả hình chữ “U”, với phần đáy cong như cái bát, chứ không nhọn hình chữ “V”, với hai “thành” cốc cao bằng nhau.

“Tay cầm” hình thành ở phía bên phải của cốc dưới dạng một đoạn mô hình cờ/cờ đuôi nheo ngắn. Khi mô hình chiếc cốc và tay cầm hoàn tất, giá cổ phiếu có thể phá lên đỉnh mới và tiếp tục xu hướng tăng. Mô hình chiếc cốc và tay cầm được mô tả trong hình bên dưới.

Mô hình cái nêm

Các mô hình đảo chiều

Mô hình giá báo hiệu sự thay đổi trong xu hướng hiện hành được gọi là mô hình đảo chiều. Những mô hình này biểu thị thời kỳ mà phe bò hoặc phe gấu đã hết hơi. Xu hướng đã thiết lập sẽ tạm dừng, chuyển sang một hướng mới với lực tác động mới từ phe còn lại (gấu hoặc bò).

Ví dụ: xu hướng tăng được hỗ trợ bởi phe bò có thể tạm dừng, cho thấy áp lực thậm chí là từ cả hai phe, sau cùng nhường chỗ cho phe gấu. Điều này dẫn đến sự thay đổi xu hướng theo chiều đi xuống.

Đảo chiều xảy ra ở đỉnh thị trường được gọi là mô hình phân phối – distribution pattern, với công cụ giao dịch được nhiệt tình bán hơn là mua. Ngược lại, đảo chiều xảy ra ở đáy thị trường được gọi là mô hình tích lũy – accumulation pattern, nơi công cụ giao dịch được mua tích cực hơn. Với các mô hình tiếp diễn, mô hình càng mất nhiều thời gian để phát triển và chuyển động giá trong mô hình càng lớn, thì giá được dự kiến di chuyển càng mạnh sau khi bứt phá.

Các mô hình nến đảo chiều phổ biến hiện nay.

Khi giá đảo chiều sau khi tạm dừng, mô hình giá được gọi là mô hình đảo chiều. Ví dụ về các mô hình đảo chiều phổ biến bao gồm:

  • Mô hình Vai Đầu Vai – head and shoulders, với hai chuyển động giá nhỏ hơn xung quanh một chuyển động lớn hơn
  • Mô hình Đỉnh Đôi, với một đỉnh hình thành trong ngắn hạn, sau đó là một nỗ lực vượt ngưỡng kháng cự cùng mức bất thành
  • Mô hình Đáy Kép, với một đáy hình thành trong ngắn hạn, sau đó là một nỗ lực phá ngưỡng hỗ trợ cùng mức bất thành

Mô hình Vai Đầu Vai – head and shoulders

Các mô hình vai đầu vai có thể xuất hiện ở đỉnh hoặc đáy của thị trường, dưới dạng một chuỗi ba lần tạo chóp: đỉnh hoặc đáy ban đầu, tiếp theo là lần tạo chóp thứ hai lớn hơn và cuối cùng là lần tạo chóp thứ ba giống lần đầu tiên.

Một xu hướng tăng bị gián đoạn bởi mô hình vai đầu vai có thể đảo ngược, dẫn đến xu hướng giảm. Ngược lại, một xu hướng giảm trải qua 3 đáy vai đầu vai ngược có khả năng bị đảo chiều sang xu hướng tăng.

Các đường xu hướng đi ngang hoặc hơi dốc nối các đỉnh và đáy xuất hiện giữa đầu và vai, như trong hình bên dưới. Khối lượng giao dịch có thể giảm khi mô hình phát triển và hồi phục trở lại khi giá phá lên (vai đầu vai đáy) hoặc phá xuống (vai đầu vai đỉnh) đường xu hướng.

Xem thêm: Cổ phiếu BMW bị định giá thấp là lựa chọn đầu tư cực kỳ hấp dẫn cho nhà đầu tư

Mô hình Vai Đầu Vai – head and shoulders

Mô hình giá Đỉnh Đôi – Double Top

Các đỉnh và đáy kép thể hiện những vùng giá mà thị trường đã có hai nỗ lực vượt qua mức hỗ trợ hoặc kháng cự không thành công. Trong trường hợp đỉnh kép, thường trông giống như chữ M, hai lần va chạm với đường kháng cự không thành công xảy ra, dẫn đến sự đảo ngược xu hướng.

Mặt khác, đáy đôi trông giống như chữ W và xảy ra khi giá cố gắng phá xuống ngưỡng hỗ trợ không thành công hai lần liên tiếp. Điều này thường dẫn đến sự đảo ngược xu hướng, như trong hình bên dưới.

Mô hình 3 đỉnh và 3 đáy là các mô hình đảo ngược không phổ biến bằng các mô hình vai đầu vai hoặc đỉnh đôi hoặc đáy kép, hình thành khi giá kiểm tra cùng một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự ba lần bất thành (các đỉnh/đáy bằng nhau). Tuy nhiên, các mô hình 3 đỉnh, 3 đáy có nguyên lý hoạt động tương tự, có thể là một tín hiệu giao dịch mạnh mẽ cho sự đảo ngược xu hướng.

Mô hình giá Đỉnh Đôi - Double Top

Mô hình Khoảng trống – gaps

Mô hình Khoảng trống xảy ra khi có khoảng trống giữa hai giai đoạn giao dịch, do giá tăng hoặc giảm đáng kể. Ví dụ: một cổ phiếu có thể đóng cửa ở mức 5 USD và mở cửa ở mức 7 USD nhờ số liệu kinh doanh tích cực hoặc tin tức khác.

Có ba loại khoảng trống chính: Khoảng trống đột phá, khoảng trống duy trì và khoảng trống kiệt sức. Khoảng trống đột phá – breakaway gap hình thành khi bắt đầu xu hướng, khoảng trống duy trì – runaway gap hình thành trong thời gian giữa xu hướng và khoảng trống cạn kiệt – exhaustion gap xuất hiện khi gần kết thúc xu hướng.

Mô hình Khoảng trống - gaps

Kết lại

Các mô hình giá thường được tìm thấy khi giá “nghỉ ngơi”, biểu thị các vùng giá củng cố, có thể dẫn đến sự tiếp tục hoặc đảo ngược xu hướng đang diễn ra. Đường xu hướng rất quan trọng trong việc xác định các mô hình giá có thể xuất hiện như cờ, cờ đuôi nheo và đỉnh đôi.

Khối lượng giao dịch cũng là một yếu tố cần xét đến trong các mô hình này, thường giảm trong quá trình hình thành mô hình và tăng lên khi giá thoát ra khỏi mô hình. Các nhà phân tích kỹ thuật tìm kiếm các mô hình giá để dự báo hành vi giá trong tương lai, bao gồm cả xu hướng tiếp diễn và đảo chiều.

Vân Anh – Theo investopedia

Cafeforexvn

 
Minh Phương

Với nhiều năm kinh nghiệm trong linh vực kinh doanh và đầu tư tài chính, Minh Phương xin chia sẻ những trải nghiệm và những bài học đến tất cả bạn đọc.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI